ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 08/2008/CT-UBND |
TP. Hồ Chí Minh, ngày 31 tháng 3 năm 2008 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG NĂM 2008 - 2009
Thực hiện Nghị định số 09/2006/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng, Chỉ thị số 21/2002/CT-TTg ngày 12 tháng 12 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, trong năm 2007, mặc dù thời tiết diễn biến khá phức tạp nhưng Ủy ban nhân dân các quận - huyện và sở - ngành chức năng đã tích cực chủ động thực hiện nhiều biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, không để xảy ra cháy rừng trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, một số địa phương chưa thực sự quan tâm phòng, chống cháy đối với những diện tích cây trồng phân tán và đồng cỏ tiếp giáp các khu rừng, đã để xảy ra 10 vụ cháy, tuy thiệt hại không lớn về kinh tế nhưng ít nhiều gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự và an toàn xã hội. Để khắc phục tình trạng trên, trong năm 2008 thời tiết còn diễn biến phức tạp và rút kinh nghiệm năm 2007, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu thủ trưởng các sở - ngành có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện nơi có rừng cần tập trung thực hiện những biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng mùa khô 2008 với nội dung sau:
1. Ủy ban nhân dân các quận - huyện nơi có rừng:
a) Tăng cường chức năng quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp, tiếp tục kiện toàn Ban Chỉ huy về phòng cháy, chữa cháy rừng của cấp mình, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khảo sát nắm lại diện tích và chủ sở hữu các khu rừng trồng và cây trồng tập trung dễ cháy khác để có biện pháp cụ thể cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại địa phương, đồng thời tăng cường kiểm tra việc thực hiện của chính quyền cơ sở và đơn vị chủ rừng.
Lập phương án phòng cháy, chữa cháy chung (trong đó có phòng cháy chữa cháy rừng) theo phương châm: Lấy phòng cháy là chính và thực hiện 4 tại chỗ: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và vật tư hậu cần tại chỗ.
Cân đối ngân sách của địa phương tiếp tục đầu tư trang bị công cụ, phương tiện phòng cháy, chữa cháy cho các xã - phường.
b) Chỉ đạo các phường - xã nơi có rừng thực hiện:
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy rừng tại địa phương; tổ chức kiểm tra, sửa chữa, bổ sung các bảng tuyên truyền, biển báo cấm lửa; nhắc nhở các hộ dân sinh sống, sản xuất ở khu vực gần rừng thực hiện cam kết về phòng cháy, chữa cháy.
Chỉ đạo Công an xã - phường tổ chức kiểm tra, yêu cầu các đơn vị chủ rừng và hộ gia đình trồng các loài cây có nguy cơ cháy cao (rừng cây phân tán, cao su, mía…) thực hiện các biện pháp phòng cháy chữa cháy, tối thiểu tại mỗi khu rừng phải được phát dọn cỏ, lá khô tạo băng trắng cách ly với bên ngoài để chống cháy lan; tăng cường công tác quản lý đối với việc phát đốt đồng cỏ chuyển vụ trong sản xuất nông nghiệp và đổ, đốt rác thải trong khu vực gần rừng.
Lập phương án tổ chức chữa cháy rừng của địa phương theo phương châm “4 tại chỗ”, kiện toàn các Tổ xung kích phòng cháy, chữa cháy và tổ chức tuần tra canh lửa tại những khu vực trọng điểm cháy rừng và cháy cây trồng phân tán; kịp thời huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ để xử lý mọi tình huống cháy xảy ra trên địa bàn.
Tổ chức trực ban nắm tình hình trên địa bàn và thực hiện chế độ báo cáo về tình hình phòng cháy, chữa cháy theo quy định.
2. Các chủ rừng và chủ diện tích cây trồng dễ cháy khác:
a) Đối với các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ nơi có nguy cơ cháy cao, yêu cầu đơn vị chủ quản lý phải tăng cường chốt bảo vệ, biển báo cấm lửa, hạn chế tối đa người dân vào rừng, thực hiện các biện pháp chủ động phòng chống cháy như: phát dọn thực bì, tạo băng cản lửa, nạo vét kênh, mương trữ nước, bơm nước giữ ẩm nền rừng. Rà soát, bổ sung kịp thời phương án chữa cháy và tổ chức thực tập phương án có sự phối hợp giữa các lực lượng, hàng năm theo quy định.
b) Đối với các đơn vị hoạt động dịch vụ tham quan du lịch tại nơi có rừng, cần phải thực hiện việc dọn lá cây, cỏ khô dọc hai bên đường dẫn vào rừng (cách mép đường mỗi bên 5m), tưới nước giữ ẩm nền rừng, có biện pháp nhắc nhở khách tham quan du lịch không hút thuốc trong rừng.
c) Đối với chủ đầu tư các dự án kinh tế - xã hội đã được Ủy ban nhân dân thành phố giao đất nhưng chưa triển khai hết diện tích, trên đó có các loài cây dễ cháy, (cây bụi, thảm thực vật) cần phải thực hiện các biện pháp phòng chống cháy hoặc tổ chức đốt có kiểm soát. Trong trường hợp thực hiện biện pháp đốt có kiểm soát, cần phải có kế hoạch cụ thể và được cơ quan Cảnh sát phòng cháy chữa cháy khu vực, địa phương, kiểm lâm tham gia.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố:
a) Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm:
Phối hợp cùng Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố lập, bổ sung phương án tổ chức chữa cháy rừng cấp thành phố trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.
Phối hợp với Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố tổ chức tập huấn nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy cho lực lượng Kiểm lâm và cán bộ phụ trách phòng cháy, chữa cháy ở cơ sở; hướng dẫn giúp các quận - huyện, phường - xã nơi có rừng và các đơn vị chủ rừng lập hồ sơ, phương án phòng cháy, chữa cháy rừng, trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy rừng phù hợp với đặc điểm của từng địa phương và tổ chức diễn tập phương án chữa cháy rừng.
Tổ chức cập nhật thông tin về dự báo cấp nguy cơ cháy rừng và tình hình cháy rừng trên địa bàn thành phố, kịp thời báo cáo và đề xuất biện pháp xử lý những tình huống phức tạp xảy ra.
Tổ chức kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở mọi tổ chức, cá nhân hoạt động trong vùng có rừng thực hiện các chế độ, quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy rừng, kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với những tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm.
Phối hợp các cơ quan báo, đài của Trung ương và thành phố tăng cường công tác tuyên truyền về an toàn phòng cháy, chữa cháy rừng, thông tin dự báo cấp cháy rừng để mọi người tích cực tham gia thực hiện công tác phòng, chống cháy rừng.
b) Chỉ đạo Công ty Quản lý Khai thác dịch vụ thủy lợi, Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tăng cường các biện pháp chủ động điều tiết nước đối với hệ thống kênh thủy lợi nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp, đồng thời đảm bảo nguồn nước phục vụ cho công tác phòng cháy và chữa cháy tại những khu vực có rừng và cây trồng dễ cháy khác.
c) Chủ trì xây dựng và tổ chức ký kết Quy chế phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Công an thành phố, Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố và Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng.
4. Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố: Chỉ đạo các bộ phận tham mưu, các Trung tâm Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy khu vực tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác phòng cháy, chữa cháy nói chung; phối hợp Ủy ban nhân dân quận - huyện nơi có rừng thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; có kế hoạch điều động lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia chữa cháy khi có yêu cầu; phối hợp Chi cục Kiểm lâm tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy, xây dựng và tổ chức diễn tập phương án tổ chức chữa cháy rừng cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy ở cơ sở.
5. Công an thành phố, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Lực lượng Thanh niên xung phong: Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đóng quân trên địa bàn nơi có rừng thường xuyên tổ chức quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ, học viên nêu cao ý thức bảo đảm an toàn khi sử dụng lửa trong sinh hoạt và trong diễn tập, gắn công tác phòng, chống cháy nổ với công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; lập kế hoạch tổ chức phối hợp tham gia chữa cháy rừng khi có yêu cầu.
6. Sở Tài chính thành phố kịp thời xét cấp, bảo đảm kinh phí hoạt động của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy về các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng và nhu cầu thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy đối với diện tích rừng phòng hộ của thành phố theo quy định.
7. Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy cấp Thành phố về các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng có kế hoạch phối hợp cùng các cơ quan chức năng là thành viên Ban Chỉ huy, tổ chức kiểm tra, đôn đốc thực hiện phương án phòng cháy, chữa cháy rừng; theo dõi tình hình thực hiện và báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố để có chỉ đạo kịp thời.
8. Cơ quan chuyên trách các cấp về phòng cháy, chữa cháy và các đơn vị chủ rừng tổ chức trực phòng cháy, chữa cháy 24/24 giờ trong ngày, trong suốt các tháng mùa khô; nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo và báo cháy, cụ thể:
a) Hàng ngày (từ 15 giờ đến 16 giờ) các phường - xã có rừng và đơn vị chủ rừng báo cáo nhanh tình hình phòng cháy, chữa cháy rừng về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy cấp Thành phố về các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng theo số điện thoại 8552501 để kịp thời tổng hợp và báo cáo cho Ủy ban nhân dân thành phố và Ban Chỉ đạo Phòng cháy, chữa cháy rừng Trung ương.
b) Trong trường hợp xảy ra cháy rừng, hoặc cháy thảm thực vật trên địa bàn quản lý vượt quá khả năng của lực lượng chữa cháy tại chỗ, đơn vị chủ rừng phải thông báo kịp thời cho chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị chức năng để huy động lực lượng, phương tiện tổ chức chữa cháy theo các số điện thoại như sau:
- Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy chuyên nghiệp: 114;
- Chi cục Kiểm lâm: Điện thoại số 8552501;
- Phòng Kinh tế quận 9: Điện thoại số 8973224;
- Phòng Kinh tế huyện Hóc Môn: Điện thoại số 8910377;
- Phòng Kinh tế huyện Bình Chánh: Điện thoại số 7602130;
- Phòng Kinh tế huyện Củ Chi: Điện thoại số 8920371;
- Phòng Kinh tế huyện Cần Giờ: Điện thoại số 8740208.
Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Thủ trưởng các sở - ngành có liên quan, chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện, phường - xã nơi có rừng nghiêm túc thực hiện Chỉ thị này, nhất định không để xảy ra cháy rừng trên địa bàn thành phố./.
|
KT.
CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.