ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 07/CT-UBND |
Quảng Nam, ngày 23 tháng 4 năm 2021 |
CHỈ THỊ
VỀ CÔNG TÁC BẢO VỆ AN NINH TRẬT TỰ, AN TOÀN XÃ HỘI ĐỐI VỚI LĨNH VỰC DU LỊCH TRONG TÌNH HÌNH MỚI
Đại dịch Covid-19 sẽ còn diễn biến phức tạp, tiếp tục tác động tiêu cực đến kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, trong đó du lịch là một trong những ngành dịch vụ chịu thiệt hại nặng nề nhất. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đem đến cơ hội để tái cơ cấu và tập trung giải quyết triệt để những hạn chế, bất cập trong ngành du lịch; đồng thời, khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, xu hướng mở cửa, thu hút đầu tư, đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh để phát triển du lịch được đẩy mạnh, tất yếu dẫn đến nhiều hệ lụy về an ninh, xã hội và môi trường. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để các thế lực thù địch, các loại tội phạm lợi dụng con đường du lịch để tiến hành các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội với tính chất, mức độ, thủ đoạn ngày càng tinh vi, nguy hiểm hơn.
Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 31/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội đối với lĩnh vực du lịch trong tình hình mới và để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế du lịch với bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới; UBND tỉnh yêu cầu các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện tốt các nội dung chủ yếu như sau:
I. Quan điểm chỉ đạo chung
1. Quán triệt, triển khai nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển du lịch bền vững gắn với bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, trọng tâm là Nghị quyết số 08- NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; Nghị quyết số 51-NQ/TW ngày 05/9/2019 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia; Kết luận số 72-KL/TW ngày 19/5/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong tình hình mới; Chỉ thị số 12-CT/TW ngày 05/01/2017 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 31/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội đối với lĩnh vực du lịch trong tình hình mới và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú và hoạt động tại Việt Nam; tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tình trạng người Việt Nam xuất cảnh, di cư trái phép, cư trú và lao động bất hợp pháp, vi phạm pháp luật nước ngoài trong tình hình hiện nay.
2. Chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, vô hiệu hóa âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng du lịch để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, giữ gìn trật tự an toàn xã hội tại các khu, điểm du lịch; phòng, chống gian lận thương mại, chống thất thu thuế, rửa tiền, ô nhiễm môi trường, tạo môi trường lành mạnh, an toàn góp phần phát triển du lịch bền vững.
3. Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng Công an nhân dân, đề cao vai trò của người đứng đầu địa phương trong việc xây dựng, triển khai các giải pháp về bảo đảm an ninh du lịch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch.
4. Tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật nhà nước; chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn hoạt động của nước ngoài tác động vào nội bộ ta qua đường du lịch; phòng, chống tình trạng tham nhũng chính sách, lợi ích nhóm trong lĩnh vực du lịch. Đẩy mạnh Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và xây dựng điển hình tiên tiến trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, trường học về du lịch. Thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức, cảnh giác của người dân về âm mưu, phương thức, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động, các loại tội phạm trong lĩnh vực du lịch, tạo thế trận an ninh nhân dân vững chắc.
5. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch; chú trọng hợp tác quốc tế, học tập, trao đổi kinh nghiệm các nước phát triển trong công tác quản lý hoạt động du lịch; thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào du lịch.
6. Bảo đảm và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch, nhất là đội ngũ lãnh đạo, cán bộ tham mưu xây dựng chính sách, pháp luật về du lịch, nhân viên điều hành, hướng dẫn viên du lịch... Làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị - tư tưởng, ý thức bảo vệ an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và chuẩn hóa chất lượng nguồn nhân lực du lịch ngay từ trong các cơ sở đào tạo.
7. Nâng cao năng lực dự báo, chủ động có các phương án, giải pháp phòng ngừa, ứng phó với các thách thức về an ninh phi truyền thống, tạo điều kiện cho du lịch phục hồi và phát triển, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
II. Nhiệm vụ cụ thể
1. Công an tỉnh
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương liên quan thực hiện công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự trong lĩnh vực du lịch; đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm lợi dụng du lịch hoạt động xâm phạm an ninh, trật tự an toàn xã hội. Quản lý xuất nhập cảnh, quá cảnh, cư trú, hoạt động của người nước ngoài vào Việt Nam và người Việt Nam ra nước ngoài du lịch; quản lý các ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự hoạt động trong lĩnh vực du lịch.
- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Sở, ngành liên quan trong quá trình tham mưu hoàn thiện chủ trương, chính sách về phát triển du lịch gắn với bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội, nhất là công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật nhà nước, quản lý cán bộ, đảng viên ra nước ngoài qua đường du lịch; tham gia ý kiến về mặt an ninh trong thẩm định hồ sơ cấp phép, quản lý các quy hoạch, đề án, dự án đầu tư du lịch có yếu tố nước ngoài; quản lý người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và người lao động Việt Nam làm việc cho nước ngoài trong lĩnh vực du lịch.
- Xây dựng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại các cơ quan, trường học, doanh nghiệp, khu, điểm du lịch. Xây dựng, triển khai hiệu quả kế hoạch bảo đảm an ninh về lĩnh vực du lịch trong tình hình mới. Hoàn thiện cơ cấu tổ chức, đào tạo bồi dưỡng, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng công an thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội trong lĩnh vực du lịch, đấu tranh ngăn chặn các tội phạm mới phát sinh qua đường du lịch.
2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương liên quan tiếp tục rà soát, đề xuất xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về du lịch. Tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý ngành; kiến nghị các biện pháp quản lý khách du lịch và các loại hình lưu trú, loại hình du lịch mới, kinh doanh tour du lịch “giá rẻ”…; chuẩn bị các điều kiện cần thiết (cơ sở hạ tầng, sản phẩm du lịch, nguồn nhân lực...) để phục hồi du lịch của tỉnh trong bối cảnh bình thường mới.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh, các cơ quan liên quan xây dựng và triển khai Chương trình chuyển đổi số; hệ thống du lịch thông minh quản lý doanh nghiệp, người lao động trong lĩnh vực du lịch, quản lý khách du lịch, các khu, điểm du lịch, kết hợp xúc tiến quảng bá du lịch.
- Phối hợp có hiệu quả với Công an tỉnh trong công tác quản lý người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú và hoạt động tại Quảng Nam.
- Phối hợp với các Sở, ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở đào tạo biên soạn nội dung, chương trình giáo dục, nâng cao nhận thức chính trị, ý thức chấp hành pháp luật của lực lượng lao động trong lĩnh vực du lịch; quy trình chuẩn về phòng, chống dịch bệnh góp phần thúc đẩy du lịch phát triển bền vững.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh trong quá trình thẩm định và đăng ký, cấp phép cho các chương trình, dự án đầu tư du lịch có yếu tố nước ngoài, liên quan đến quốc phòng, an ninh.
- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Sở, ngành, địa phương liên quan có giải pháp quản lý hiệu quả tour “không đồng”. Phối hợp, hướng dẫn các địa phương xây dựng và quản lý quy hoạch trong lĩnh vực du lịch theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
4. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh
- Xác định các khu vực, hành lang, địa điểm cho nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng cần chú ý trong quy hoạch và phát triển du lịch; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, ven biển, hải đảo, cửa khẩu và tại các địa bàn trọng điểm, xung yếu về quốc phòng liên quan đến hoạt động du lịch; tham gia thẩm định yếu tố quốc phòng, an ninh trong hồ sơ, cấp phép các quy hoạch, đề án, dự án đầu tư du lịch.
- Phối hợp với Công an tỉnh thực hiện hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm; phối hợp xây dựng các phương án, kế hoạch bảo đảm an ninh, xử lý các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự tại các khu vực, địa điểm du lịch, các sự kiện lớn của ngành du lịch theo quy định.
5. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu chính sách, pháp luật về đất đai, nhất là việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở liên quan lĩnh vực du lịch; tăng cường quản lý việc cấp, chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực du lịch như căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, trang trại du lịch... Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý những hành vi gây ô nhiễm môi trường trong hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch.
- Phối hợp với các Sở, ngành, địa phương liên quan đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên du lịch, ứng phó với sự cố môi trường có thể xảy ra; thực hiện nghiêm các biện pháp bảo vệ, cải thiện môi trường và khắc phục hậu quả do sự cố môi trường; tuyên truyền việc ưu tiên phát triển kinh tế tuần hoàn, sử dụng vật liệu tái chế, góp phần phát triển du lịch xanh, bền vững. Chủ động đánh giá, kiên quyết xử lý đối với các dự án đầu tư du lịch có nguy cơ cao phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng lớn đến tài nguyên du lịch và đời sống xã hội.
6. Sở Xây dựng
- Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh trong xây dựng, thẩm định, phê duyệt, quản lý quy hoạch, hoạt động xây dựng, kinh doanh, quản lý các dự án, công trình du lịch, nhất là tại khu vực biên giới, ven biển, hải đảo có ảnh hưởng đến công tác bảo vệ quốc phòng, an ninh.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn, điều kiện của các công trình, dự án hỗn hợp, đa chức năng, đa sở hữu có mục đích kinh doanh du lịch phù hợp mục đích sử dụng đất và quy định pháp luật.
7. Sở Tài chính
- Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Sở, ngành liên quan trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khôi phục, phát triển du lịch trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
8. Sở Thông tin và Truyền thông
- Định hướng cơ quan báo chí ở địa phương, hệ thống thông tin cơ sở… tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực du lịch và các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, phản động, các loại tội phạm lợi dụng du lịch hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Tăng cường quản lý, xử lý nghiêm các trang thông tin điện tử (website), ứng dụng trong lĩnh vực du lịch có hoạt động vi phạm pháp luật.
- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng và triển khai hiệu quả chương trình chuyển đổi số, phần mền du lịch thông minh; kết hợp tuyên truyền thông tin đối ngoại với hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch trong và ngoài nước.
9. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
- Chủ trì, phối hợp với Sở Ngoại vụ, Công an tỉnh trong công tác quản lý người lao động nước ngoài làm việc tại Quảng Nam và người lao động Quảng Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài trong lĩnh vực du lịch; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, quản lý chặt chẽ công tác đưa người lao động Quảng Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, hạn chế tối đa, tiến tới xóa bỏ tình trạng lợi dụng du lịch để lao động “chui”.
- Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp lồng ghép nội dung về giáo dục chính trị tư tưởng, ý thức bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, chấp hành pháp luật cho người học trong các chương trình giáo dục nghề nghiệp.
- Phối hợp với Công an tỉnh rà soát, xử lý theo quy định pháp luật đối với trường hợp người nước ngoài sử dụng thị thực du lịch vào Quảng Nam lao động và người Quảng Nam sử dụng thị thực du lịch ra nước ngoài lao động.
10. Sở Ngoại vụ chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, các Sở, ngành, địa phương liên quan quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đi công tác nước ngoài; phối hợp quản lý người lao động nước ngoài làm việc tại Quảng Nam và người lao động Quảng Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài trong lĩnh vực du lịch.
11. Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Sở, ngành, địa phương liên quan đề xuất và triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, nâng cấp hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy nội địa nhằm hỗ trợ và tạo động lực phát triển du lịch, đảm bảo quốc phòng, an ninh trong tình hình mới. Chủ động trao đổi, phối hợp với Công an tỉnh trong công tác quản lý con người, phương tiện liên quan đến hoạt động du lịch.
12. Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan tăng cường rà soát, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về thương mại điện tử của các thương nhân, tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực du lịch.
13. Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương trong việc xây dựng, kiện toàn cơ cấu tổ chức, đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội đối với lĩnh vực du lịch trong tình hình mới.
14. Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan xây dựng quy trình chuẩn về phòng, chống dịch bệnh nói chung, dịch bệnh Covid - 19 nói riêng trong lĩnh vực du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
15. UBND các huyện, thị xã, thành phố
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan triển khai, thực hiện Chỉ thị này trên địa bàn. Chỉ đạo triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự an toàn xã hội trong lĩnh vực du lịch tại địa phương mình.
- Bố trí kinh phí theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, bảo đảm công tác quản lý nhà nước và thúc đẩy phát triển du lịch trong tình hình mới.
* Yêu cầu Giám đốc các Sở, Ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ và phạm vi quản lý, tổ chức quán triệt, xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Định kỳ 06 tháng, 01 năm báo cáo tình hình, kết quả thực hiện về UBND tỉnh. Giao Công an tỉnh theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các Sở, ngành, địa phương thực hiện tốt văn bản này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.