ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 07/2010/CT-UBND |
Long Xuyên, ngày 21 tháng 6 năm 2010 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP THÁO DỠ CẦU TIÊU KHÔNG HỢP VỆ SINH, NHÀ Ở VI PHẠM HÀNH LANG SÔNG, KÊNH, RẠCH
Bảo vệ môi trường tài nguyên nước trên hệ thống sông, kênh, rạch là một trong những nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và khu vực. Trong những năm qua, tỉnh đã quan tâm chỉ đạo và đầu tư trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tài nguyên nước, đặc biệt là thực hiện triệt để nội dung Chỉ thị số 200/TTg ngày 29 tháng 4 năm 1994 của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Cụ thể là UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản như: Quyết định số 1582/1999/QĐ-UB ngày 19 tháng 7 năm 1999 quy định về quản lý và bảo vệ môi trường nước mặt nuôi trồng thủy sản; Quyết định số 901/2000/QĐ.UB ngày 27 tháng 4 năm 2000 quy định về việc thực hiện các vùng neo đậu bè; Chỉ thị số 12/2002/CT-UB ngày 20 tháng 3 năm 2002 về việc đẩy mạnh các biện pháp cấp bách để bảo vệ môi trường và trật tự an toàn giao thông; Chỉ thị số 5/2003/CT-UB ngày 10 tháng 3 năm 2003 về neo bè, đào ao nuôi cá theo đúng quy định và giữ vệ sinh môi trường; Chỉ thị số 10/2005/CT-UB ngày 29 tháng 3 năm 2005 về việc thực hiện các biện pháp tháo dỡ cầu tiêu không hợp vệ sinh, nhà ở vi phạm hành lang sông, kênh, rạch. Đến nay vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường đã được cải thiện đáng kể, đặc biệt là việc thực hiện tháo dỡ được nhiều cầu tiêu không hợp vệ sinh, nhà ở vi phạm hành lang sông, kênh, rạch.
Thời gian gần đây, công tác tổ chức, phối hợp quản lý sông, kênh, rạch ở một số địa phương vẫn chưa chặt chẽ, thiếu kiểm tra, giám sát nên nhiều nơi vẫn diễn ra nạo vét, san lấp bừa bãi, xây dựng lấn chiếm hành lang sông, kênh, rạch; nhiều nhà ở và cầu tiêu tái cất, cất mới vi phạm hành lang sông rạch, làm ô nhiễm môi trường; nhiều trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông thủy, neo đậu thuyền bè không đúng quy định... ảnh hưởng xấu đến môi trường nước, thay đổi dòng chảy, sạt lở ven bờ, phá vỡ quy hoạch ngành, quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt.
Để tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với môi trường sông, kênh, rạch nhằm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững, chất lượng sống người dân ngày càng được nâng cao, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ngành tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi tắt là UBND cấp huyện) phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính sau:
1. Tiếp tục giải tỏa triệt để tất cả các cầu tiêu cất trên ao nuôi cá, sông, kênh, rạch; thực hiện tháo dỡ nhà trên hành lang sông, kênh, rạch đã tháo dỡ trước đây nay tái cất
a) UBND cấp huyện tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả năm năm thực hiện Chỉ thị số 10/2005/CT-UB ngày 29 tháng 3 năm 2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện các biện pháp tháo dỡ cầu tiêu không hợp vệ sinh, nhà ở vi phạm hành lang sông, kênh, rạch, báo cáo kết quả về Ủy ban nhân dân tỉnh.
UBND cấp huyện tiếp tục chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là UBND cấp xã) tiếp tục tổ chức tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân tự tháo dỡ tất cả cầu tiêu không hợp vệ sinh trên sông, kênh, rạch, ao cá... chưa tháo dỡ hoặc đã tháo dỡ nay tái cất.
b) Tiếp tục thực hiện giải tỏa triệt để cầu tiêu không hợp vệ sinh, nhà ở đã tháo dỡ nay tái cất, nhà mới cất vi phạm hành lang sông, kênh, rạch.
UBND cấp xã tiến hành rà soát hiện trạng cầu tiêu không hợp vệ sinh, nhà ở đã tháo dỡ nay tái cất, nhà mới cất vi phạm hành lang sông rạch; báo cáo UBND cấp huyện ra thông báo tháo dỡ, nếu không chấp hành thì ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và buộc tháo dỡ, nếu hết thời gian đương sự không chấp hành thì ra quyết định cưỡng chế tháo dỡ theo quy định của pháp luật hiện hành.
Không cấp phép xây dựng, không hợp thức hóa nhà và xác lập quyền sử dụng đất đối với nhà đất do san lấp, lấn chiếm trái phép ven sông, kênh, rạch. Kiên quyết cưỡng chế mọi trường hợp cố tình xây dựng trái phép, buộc phải khôi phục, hoàn trả lại nguyên trạng sông, kênh, rạch.
UBND cấp xã chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cấp huyện nếu để xảy ra các trường hợp nhà tái cất, cất mới lấn chiếm hành lang bảo vệ bờ sông, kênh, rạch thuộc địa bàn mình quản lý.
c) UBND cấp huyện tiếp tục tổ chức phổ biến các quy định của Nhà nước về quản lý và bảo vệ hành lang sông, kênh, rạch trên phạm vi lãnh thổ mình quản lý.
2. Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án di dời nhà xây cất trên sông, kênh, rạch (theo Quyết định số 725/QĐ-UBND ngày 19 tháng 3 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh) gắn với Chương trình cụm, tuyến dân cư vượt lũ. Kiểm tra, rà soát lại việc tổ chức thực hiện về quản lý và bảo vệ môi trường mặt nước nuôi trồng thủy sản và quy hoạch các vùng neo đậu bè
a) Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các sở, ngành có liên quan tiến hành kiểm tra, đánh giá việc triển khai thực hiện Đề án xóa nhà xây cất vi phạm hành lang sông, kênh, rạch gắn với Chương trình cụm tuyến dân cư vượt lũ trên phạm vi toàn tỉnh, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện định kỳ 03 tháng.
b) UBND cấp huyện kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các quy định về quản lý và bảo vệ môi trường nước mặt nuôi trồng thủy sản được quy định tại Quyết định số 1582/1999/QĐ.UB ngày 19 tháng 7 năm 1999 và việc thực hiện vùng neo, đậu bè quy định tại Quyết định số 901/2000/QĐ.UB ngày 27 tháng 4 năm 2000 của Ủy ban nhân dân tỉnh, báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện của địa phương, báo cáo định kỳ 03 tháng về Ủy ban nhân dân tỉnh.
c) UBND cấp huyện xác định ranh giới nhà cất thuộc diện vi phạm hành lang sông, kênh, rạch trên địa bàn mình quản lý; chỉ đạo các UBND cấp xã tích cực triển khai thực hiện Đề án di dời nhà xây cất trên sông, kênh, rạch; đồng thời báo cáo kết quả thực hiện định kỳ 03 tháng về Sở Tài nguyên và Môi trường.
3. Các chủ phương tiện sản xuất, kinh doanh neo, đậu trên mặt nước khác như: sà lan xăng dầu, ghe hàng mua bán tạp hóa, tàu chuyên chở hàng hóa, tàu du lịch, nhà bè mua bán, nhà nổi... tiếp tục thực hiện nghiêm việc neo đậu theo quy hoạch, quy định đã công bố. Tiếp tục trang bị cầu tiêu hợp vệ sinh trên phương tiện của mình. Nghiêm cấm việc thải rác xuống sông, kênh, rạch.
UBND cấp xã có trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này của các chủ phương tiện. Nếu có sai phạm tiến hành xử phạt vi phạm theo quy định hiện hành.
4. Giao cho Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp Giám đốc các Sở: Xây dựng, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp Phát triển Nông thôn và Chủ tịch UBND cấp huyện tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị này, báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh.
Báo An Giang, Đài Phát thanh Truyền hình An Giang có trách nhiệm đăng tải, phổ biến rộng rãi nội dung Chỉ thị này trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người thông suốt.
5. Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Chỉ thị số 10/2005/CT-UB ngày 29 tháng 3 năm 2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện các biện pháp tháo dở cầu tiêu không hợp vệ sinh, nhà ở vi phạm hành lang sông, kênh, rạch.
Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm Chỉ thị này./.
Nơi nhận: |
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.