ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 07/2006/CT-UBND |
Tuyên Quang, ngày 19 tháng 6 năm 2006 |
CHỈ THỊ
VỀ ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC HOÀ GIẢI Ở CƠ SỞ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG
Thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở năm 1998, trong những năm qua tỉnh đã quan tâm chỉ đạo công tác hoà giải ở cơ sở. Kết quả hoà giải thành hàng năm đạt tỷ lệ 80% đã kịp thời giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư, góp phần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và vận động nhân dân chấp hành pháp luật, phòng ngừa và hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, góp phần thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở.
Tuy nhiên, công tác hoà giải ở cơ sở còn có hạn chế, như: Một số nơi chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức trong việc lãnh đạo và tổ chức thực hiện công tác hoà giải; các tổ hoà giải chưa được kịp thời củng cố, kiện toàn; cán bộ làm công tác hoà giải kiến thức pháp luật còn hạn chế, không được tập huấn nghiệp vụ, một số hoà giải viên chưa thực sự nhiệt tình với công việc; hiệu quả và chất lượng công tác hoà giải chưa cao, còn có vụ việc hoà giải không dứt điểm hoặc còn đùn đẩy, né tránh.
Để khắc phục những hạn chế, tồn tại nêu trên, nhằm đẩy mạnh công tác hoà giải ở cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã có trách nhiệm:
a) Tăng cường chỉ đạo công tác hoà giải ở cơ sở; đôn đốc, kiểm tra Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn trong việc thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Mục 2 Chỉ thị này;
b) Chủ trì phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức bồi dưỡng tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ hoà giải lên; sơ kết, tổng kết công tác hoà giải ở cơ sở; hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách huyện. thị xã cho công tác hoà giải ở cơ sở theo quy định tại Thông tư số 63/2005/TT-BTC ngày 05 tháng 8 năm 2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và quy định của Uỷ ban nhân dân tỉnh;
c) Tổ chức phát động phong trào thi đua, khen thưởng trong công tác hoà giải ở cơ sở trên địa bàn.
2. Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm:
a) Đẩy mạnh hơn nữa công tác hoà giải ở cơ sở. Xác định công tác hoà giải là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương; lấy tiêu chuẩn hoà giải thành là một trong những chỉ tiêu đánh giá phân loại thôn, bản, khu dân cư tiên tiến, chính quyền xã, phường, thị trấn vững mạnh; bảo đảm 100% các vụ việc mâu thuẫn, xích mích, tranh chấp phát sinh đều được hoà giải ngay tại cơ sở, trong đó tỷ lệ hoà giải thành hàng năm đạt từ 90% trở lên;
b) Củng cố, kiện toàn tổ hoà giải và đội ngũ hoà giải viên cơ sở; thành lập ngay tổ hoà giải ở những thôn, bản, tổ nhân dân do chia, tách hoặc chưa có tổ hoà giải; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho hoà giải viên; cung cấp tài liệu nghiệp vụ và sách pháp luật cho các tổ hoà giải ở địa phương theo hướng dẫn của cơ quan tư pháp cấp trên;
c) Tiến hành rà soát quy ước thôn, bản, tổ nhân dân thuộc địa phương quản lý, bảo đảm 100% số thôn, bản, tổ nhân dân có quy ước được xây dựng đúng trình tự thủ tục, nội dung phù hợp với pháp luật và các quy định của Nhà nước làm cơ sở cho công tác hoà giải;
d) Khẩn trương kiện toàn Ban Tư pháp cùng cấp theo Thông tư liên bộ số 04/2005/TTLT-TP-NV ngày 05 tháng 5 năm 2005 của Bộ Tư pháp - Bộ Nội vụ hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức các cơ quan chuyên môn giúp Uỷ ban nhân dân quản lý nhà nước về công tác tư pháp ở địa phương;
đ) Quản lý và sử dụng kinh phí cho công tác hoà giải ở cơ sở theo quy định hiện hành.
3. Sở Tư pháp có trách nhiệm:
a) Phối hợp với Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã chỉ đạo, hướng dẫn bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho các hoà giải viên; tổ chức các cuộc thi hoà giải viên giỏi;
b) Cung cấp sách, tài liệu nghiệp vụ và sách pháp luật liên quan đến công tác hoà giải ở cơ sở cho các tổ hoà giải;
c) Chủ trì phối hợp với Sở Văn hoá - Thông tin và các cơ quan liên quan thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc xây dựng và thực hiện quy ước cơ sơ;
4. Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Tư pháp tham mưu với Uỷ ban nhân dân tỉnh quy định về trình tự, thủ tục và mức chi thù lao cho các tổ hoà giải theo Thông tư số 63/2005/TT-BTC ngày 05 tháng 8 năm 2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; thực hiện cấp, thanh toán, quyết toán kinh phí cho công tác hoà giải theo quy định của pháp luật hiện hành.
5. Các Sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã đẩy mạnh hoạt động hoà giải thông qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp dân của cơ quan, đơn vị, địa phương.
6. Sở Văn hoá - Thông tin và các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật, nêu gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến trong công tác hoà giải cơ sở.
7. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở động viên nhân dân tích cực tham gia xây dựng, củng cố tổ hoà giải; lựa chọn, giới thiệu những người có đủ tiêu chuẩn để bầu tổ viên tổ hoà giải; giúp đỡ, tạo điều kiện cho hoạt động hoà giải ở cơ sở đạt kết quả tốt.
8. Hàng quý, 6 tháng và hàng năm Sở Tư pháp, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn tiến hành sơ kết, tổng kết công tác hoà giải trên địa bàn báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh và cơ quan tư pháp cấp trên.
Giao Sở Tư pháp thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này, định kỳ báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh.
Chỉ thị này thay thế Chỉ thị số 10/CT-UB ngày 18 tháng 9 năm 1999 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc tăng cường củng cố tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở.
Chỉ thị này được phổ biến đến các thôn, bản, tổ nhân dân trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang./.
|
TM.
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.