VIỆN
KIỂM SÁT NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/CT-VKSTC |
Hà Nội, ngày 18 tháng 6 năm 2019 |
Thời gian qua, nhất là sau khi Chỉ thị số 05/CT-VKSTC ngày 15/5/2018 về tăng cường trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) trong kiểm sát việc bắt, tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự (sau đây viết tắt là Chỉ thị số 05/CT-VKSTC ngày 15/5/2018) được ban hành, với nhiều nỗ lực của Viện kiểm sát các cấp, công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự của ngành Kiểm sát nhân dân (KSND) đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận; chất lượng, hiệu quả công tác này từng bước được tăng cường, góp phần bảo đảm quyền con người, các quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam, người chấp hành án; đồng thời phục vụ tốt cho công tác điều tra, truy tố, xét xử, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm. Tuy nhiên, công tác này, có lúc, có nơi, chất lượng, hiệu quả còn hạn chế, chậm được đổi mới, chưa đáp ứng được yêu cầu; một số vụ việc vi phạm tại trại giam, cơ sở giam giữ, trong đó có vụ việc vi phạm nghiêm trọng, nhưng chưa được Viện kiểm sát phát hiện kịp thời... Những hạn chế này có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do nhận thức và trách nhiệm của một bộ phận Lãnh đạo, Kiểm sát viên, công chức đối với vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác này chưa đày đủ; lực lượng Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự còn thiếu và yếu nhưng chưa được bồi dưỡng, tập huấn thường xuyên về nghiệp vụ; bộ máy làm công tác này tại một số địa phương chưa được kiện toàn; kinh phí, phương tiện, trang thiết bị phục vụ cho công tác kiểm sát còn hạn chế; việc phối hợp giữa các đơn vị kiểm sát và Viện kiểm sát các cấp chưa thực sự chặt chẽ...
Để tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự trong ngành KSND, tăng cường hơn nữa trách nhiệm của Viện kiểm sát trong phát hiện các vi phạm, tội phạm, bảo đảm hơn nữa quyền, lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam, người chấp hành án, Viện trưởng VKSND tối cao yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện kiểm sát các cấp tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05/CT-VKSTC ngày 15/5/2018, đồng thời thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
1. Quán triệt cho Lãnh đạo, Kiểm sát viên, công chức trong đơn vị nhận thức đầy đủ, sâu sắc nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Viện kiểm sát, của Kiểm sát viên và tầm quan trọng của công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự, thấy rõ đây là lực lượng trực tiếp có trách nhiệm kịp thời phát hiện được những vi phạm pháp luật, tội phạm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam, người chấp hành án; đây là khâu công tác giúp cho các hoạt động thực hành quyền công tố được đảm bảo khách quan, chặt chẽ; là một kênh thông tin quan trọng cho Cơ quan điều tra VKSND tối cao phát hiện, xử lý tội phạm trong lĩnh vực này. Từ đó, tạo sự chuyển biến về chất trong tổ chức, triển khai thực hiện nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự trong thời gian tới.
2. Theo thẩm quyền quy định của pháp luật, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị các cấp Viện kiểm sát phải có trách nhiệm kiện toàn tổ chức bộ máy đơn vị kiểm sát tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự; bố trí đủ số lượng Kiểm sát viên, công chức có năng lực, trình độ để thực hiện nhiệm vụ kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự.
Chủ động, thường xuyên bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự cho các Kiểm sát viên, công chức làm việc trong khâu công tác này dưới nhiều hình thức, phương pháp khác nhau như phối hợp với các đơn vị có liên quan mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, tổ chức hội nghị tập huấn, tổ chức hội thảo, tọa đàm trao đổi kinh nghiệm...
Kiểm sát viên, công chức làm công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự phải thường xuyên trau dồi, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của mình và nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong thực thi công vụ.
3. Tăng cường, chủ động kiểm sát tại trại giam, cơ sở giam giữ và cơ quan có trách nhiệm trong thi hành án hình sự nhằm phát hiện, xử lý kịp thời vi phạm pháp luật, tội phạm; trong đó, chú trọng phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật, tội phạm liên quan đến thời hạn tạm giữ, thời hạn tạm giam, việc bảo đảm chế độ đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam, người chấp hành án; việc miễn, giảm án, đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện, rút ngắn thời gian thử thách của án treo và tha tù trước thời hạn có điều kiện, qua đó bảo đảm việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam, người chấp hành án đồng thời tổ chức triển khai thực hiện tốt một số nội dung sau:
3.1. Thực hiện nghiêm quy định của pháp luật, quy định của ngành KSND về định kỳ trực tiếp kiểm sát tại trại giam, cơ sở giam giữ. Ngoài ra, hàng tháng ít nhất một lần, VKSND cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu chủ động nắm tình hình và tiến hành kiểm sát một số nội dung tại các trại giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đóng trên địa bàn, trên cơ sở quy chế phối hợp giữa các đơn vị.
3.2. Chủ động, kịp thời kiểm sát đột xuất khi xảy ra các trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam, phạm nhân trốn, chết (do tự sát, tai nạn, bị gây thương tích hoặc bị đánh dẫn đến chết...), phạm tội mới hoặc khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng khác.
3.3. Giao cho Vụ Kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự (Vụ 8) phân công và hướng dẫn VKSND Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện nhiệm vụ kiểm sát hàng tuần tại 02 trại tạm giam thuộc Bộ Công an đóng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Việc kiểm sát đối với 02 trại tạm giam này được thực hiện như kiểm sát tại trại tạm giam thuộc Công an Thành phố Hồ Chí Minh theo quy định tại Quy chế Công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự (ban hành kèm theo Quyết định số 501/QĐ-VKSTC ngày 12/12/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao). Định kỳ hàng tháng, VKSND Thành phố Hồ Chí Minh phải báo cáo VKSND tối cao (qua Vụ 8) về kết quả kiểm sát và chịu trách nhiệm về kết quả kiểm sát đó. Vụ 8 có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc đối với việc phân công này, định kỳ 3 tháng một lần kiểm sát đối với 02 trại tạm giam thuộc Bộ Công an đóng tại Thành phố Hồ Chí Minh.
4. Viện kiểm sát cấp trên tăng cường trách nhiệm quản lý, chỉ đạo, điều hành, qua đó nắm kịp thời, đầy đủ tình hình chấp hành pháp luật, kết quả kiểm sát tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự của Viện kiểm sát cấp dưới, kịp thời ban hành thông báo rút kinh nghiệm đối với địa phương; phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát cấp dưới trong quá trình trực tiếp kiểm sát tại trại giam, cơ sở giam giữ.
5. Đơn vị kiểm sát tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan khi phát hiện vi phạm pháp luật, tội phạm trong hoạt động bắt, tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự; nếu phát hiện các vi phạm pháp luật thì kịp thời thông báo cho các đơn vị thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử; trong trường hợp có dấu hiệu tội phạm thì kịp thời thông báo cho Cơ quan điều tra VKSND tối cao, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương hoặc Cơ quan điều tra có thẩm quyền giải quyết.
6. Khi có quyết định về đặc xá của Chủ tịch nước, căn cứ quy định của pháp luật, Vụ 8 trực tiếp kiểm sát việc lập hồ sơ đề nghị đặc xá, thực hiện quyết định đặc xá; đồng thời có trách nhiệm tham mưu cho Lãnh đạo VKSND tối cao phân công cho VKSND cấp tỉnh kiểm sát việc lập hồ sơ đề nghị đặc xá, thực hiện quyết định đặc xá theo thẩm quyền và hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện của cấp dưới.
7. Vụ 8 phối hợp với Cục Kế hoạch - Tài chính xác định các hoạt động đặc thù trong khâu công tác này, báo cáo Bộ Tài chính cấp kinh phí theo dự toán; hàng năm, Cục Kế hoạch-Tài chính bố trí đủ kinh phí, phương tiện và trang thiết bị đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong công tác kiểm sát bắt, tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự.
Lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp phải quan tâm bố trí cơ sở vật chất cũng như phương tiện để thực hiện có hiệu quả khâu công tác này.
8. Tạp chí kiểm sát, Báo Bảo vệ pháp luật và các trang thông tin điện tử trong ngành KSND phối hợp với các đơn vị có liên quan thuộc Viện kiểm sát các cấp để tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến về vị trí, vai trò, kết quả kiểm sát và trách nhiệm của Viện kiểm sát trong công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự.
9. Viện kiểm sát các cấp tiến hành đánh giá, rút kinh nghiệm về các phương thức kiểm sát trong công tác này. Vụ 8 có trách nhiệm tổng kết chung toàn Ngành. Nếu xảy ra tình trạng vi phạm nghiêm trọng, kéo dài trong việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự, nhưng Viện kiểm sát có thẩm quyền kiểm sát không phát hiện, xử lý kịp thời thì phải kiểm điểm, xác định trách nhiệm và xử lý theo quy định.
Giao Vụ 8 chủ trì, phối hợp với Văn phòng, Thanh tra VKSND tối cao đôn đốc, theo dõi, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Chỉ thị số 05/CT-VKSTC ngày 15/5/2018 và Chỉ thị này./.
|
VIỆN
TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.