ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/CT-UBND |
Kiên Giang, ngày 24 tháng 8 năm 2021 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC CHẤN CHỈNH HOẠT ĐỘNG KHOÁNG SẢN TRÁI PHÉP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG
Thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh được các cấp ủy, đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về khoáng sản; công tác thanh, kiểm tra hoạt động khoáng sản được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm thực hiện.
Tuy nhiên, tình hình khai thác, mua bán, vận chuyển khoáng sản (gọi chung là hoạt động khoáng sản) trái phép, đặc biệt là việc khai thác trái phép đất sét, than bùn trong đất nông nghiệp trồng lúa, tại các bờ kênh, mương; lợi dụng việc cải tạo đất, cải tạo mặt bằng hạ độ cao, đào ao nuôi trồng thủy sản, nạo vét sông, rạch, kênh, mương,.. để lấy đất, đá, cát, sỏi dôi dư mang đi bán trên địa bàn một số địa phương có chiều hướng tăng, diễn biến ngày càng phức tạp, nhiều vụ việc được phát hiện nhưng chưa xử lý; có dấu hiệu buông lỏng trong việc quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, để xảy ra hoạt động khoáng sản trái phép kéo dài nhất là ở các địa phương Giang Thành, Hòn Đất, Phú Quốc,... Trong khi đó các cấp chính quyền chưa kịp thời phát hiện kiểm tra, thanh tra, xử lý sai phạm; các đối tượng hoạt động khoáng sản trái phép có nhiều phương thức, thủ đoạn để đối phó với cơ quan chức năng, làm ảnh hưởng đến trật tự, kỷ cương và hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước.
Nhằm chấn chỉnh và có biện pháp phù hợp để giải quyết những vấn đề nêu trên. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm một số nội dung sau:
1. Giám đốc (Thủ trưởng) các Sở, ban ngành cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thực hiện nghiêm các văn bản của trung ương và tỉnh như: Chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 29 tháng 9 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 160/UBND-KT ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản; Chỉ thị 01/CT-UBND ngày 10 tháng 02 năm 2020 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tăng cường lãnh đạo công tác quản lý quy hoạch, đất đai, rừng, xây dựng, tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, nhất là của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và Giám đốc (Thủ trưởng) các Sở, ban ngành: Tài nguyên và Môi trường, Công an,.. trong việc bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; kịp thời phát hiện, giải tỏa, ngăn chặn hoạt động khoáng sản trái phép; thực hiện đồng bộ và đi vào chiều sâu công tác thanh tra, kiểm tra; rà soát, tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc được phát hiện nhưng chưa xử lý và đề xuất các giải pháp đồng bộ để phòng ngừa, hạn chế tình trạng này.
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản, kịp thời phát hiện, kiểm điểm, xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức cấp dưới có hành vi tiếp tay cho tổ chức, cá nhân có hoạt động khoáng sản trái phép.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường
Chủ trì lập, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh căn cứ kết quả tổng hợp kế hoạch của các huyện, thành phố.
Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban ngành, địa phương tăng cường công tác thanh, kiểm tra nguồn nguyên liệu đầu vào tại các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản (đặc biệt là các nhà máy, cơ sở chế biến khoáng sản không được Ủy ban nhân dân tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm nguyên liệu đầu vào) trên địa bàn tỉnh. Tiến hành thanh tra, kiểm tra trách nhiệm đối với chính quyền các cấp huyện, xã để xảy ra hoạt động khoáng sản trái phép diễn biến phức tạp, kéo dài.
Phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh và chính quyền địa phương có phương án đấu tranh phát hiện, ngăn chặn, xử lý hoạt động khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh.
Kiểm tra, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác khoáng sản trong khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình thực hiện các thủ tục, nghĩa vụ theo đúng quy định của pháp luật.
Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về khoáng sản.
3. Công an tỉnh
Chỉ đạo các đơn vị chức năng nắm chắc tình hình, tổ chức đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động khoáng sản; tăng cường kiểm tra các phương tiện vận chuyển khoáng sản cả đường thủy và đường bộ.
4. Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh
Chỉ đạo các đồn biên phòng trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các tàu, thuyền bơm hút, vận chuyển khoáng sản tại các địa phương có biển, đặc biệt trên địa bàn thành phố Phú Quốc; các dự án nạo vét, khơi thông luồng có thu hồi khoáng sản để kịp thời ngăn chặn hoạt động khoáng sản trái phép.
5. Sở Thông tin và Truyền thông
Định hướng, phát huy vai trò của các cơ quan thông tin, báo chí nhất là định hướng thông tin mạng xã hội trong việc đấu tranh, lên án những hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết, kinh doanh khoáng sản.
6. Ban Chỉ đạo 389/KG
Tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động mua bán, kinh doanh, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp trên địa bàn tỉnh.
7. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nếu tiếp tục để xảy ra hoạt động khoáng sản trái phép trên địa bàn mà không xử lý hoặc để diễn ra trong thời gian dài.
8. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn
Thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản đến từng thôn, xóm, ấp; vận động Nhân dân địa phương không khai thác, thu mua, tàng trữ, vận chuyển khoáng sản trái phép, phát hiện và tố giác tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trái phép.
Phát hiện và thực hiện các giải pháp ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép ngay sau khi phát hiện; trường hợp vượt thẩm quyền kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố để chỉ đạo công tác thực hiện.
Định kỳ 06 tháng báo cáo tình hình bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại địa phương cho Ủy ban nhân dân huyện, thành phố.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc (Thủ trưởng) các Sở, ban ngành cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan khẩn trương triển khai thực hiện Chỉ thị này.
Định kỳ 06 tháng (trước ngày 15 tháng cuối của quý II và quý IV) các Sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm gửi báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị này về Ủy ban nhân dân tỉnh thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm xem xét, tổng hợp chung; báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh (trước ngày cuối của quý II và quý IV) để theo dõi, kịp thời chỉ đạo thực hiện./.
|
KT.
CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.