ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/CT-UBND |
Bình Định, ngày 22 tháng 04 năm 2015 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CHĂM SÓC SỨC KHỎE BÀ MẸ VÀ TRẺ SƠ SINH NHẰM GIẢM TỬ VONG MẸ, TỬ VONG SƠ SINH
Trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo và đầu tư của Đảng và Nhà nước, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Theo thông tin từ Bộ Y tế, các chỉ số về sức khỏe bà mẹ, trẻ em Việt Nam đạt được khá tốt so với nhiều quốc gia có mức thu nhập bình quân trên đầu người tương tự. Tử vong mẹ và tử vong trẻ em đã giảm đáng kể. Tỷ số tử vong mẹ đã giảm hơn 3 lần từ 233/100.000 trẻ đẻ sống vào năm 1990 ước còn khoảng 60/100.000 sơ sinh sống năm 2014. Tử vong trẻ em dưới 1 tuổi đã giảm gần 3 lần từ 44,4‰ vào năm 1990 xuống còn 14,9‰ năm 2014, tử vong trẻ em dưới 5 tuổi giảm hơn một nửa từ 58‰ vào năm 1990 xuống còn xuống 22,4‰ năm 2014. Tuy tỷ suất tử vong mẹ và tử vong sơ sinh đã giảm mạnh, nhưng ước tính mỗi năm ở Việt Nam vẫn còn khoảng 580 - 600 trường hợp tử vong mẹ và khoảng trên 10.000 trường hợp tử vong sơ sinh.
Tại Bình Định, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cùng với nỗ lực của ngành y tế, các chỉ số về sức khỏe bà mẹ, trẻ em trong thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực. Theo báo cáo thống kê của ngành y tế tỉnh, tỷ số tử vong mẹ năm 2010 là 32,5/100.000 trẻ đẻ sống, giảm xuống còn 19,4/100.000 trẻ đẻ sống năm 2014. Tỷ suất tử vong trẻ dưới 1 tuổi năm 2010 là 52‰, giảm xuống còn 23,6‰ vào năm 2014; tử vong sơ sinh chiếm hơn 30% tổng số tử vong trẻ dưới 1 tuổi. Thống kê số liệu thực tế cho thấy có sự khác biệt đáng kể về tử vong mẹ và tử vong trẻ sơ sinh giữa vùng đồng bằng và miền núi.
Tuy đạt được kết quả như đã nêu trên, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em tại tỉnh ta vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc bà mẹ mang thai trước, trong và sau khi sinh còn có những hạn chế nhất định. Phong tục tập quán lạc hậu trong chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh, tình trạng phụ nữ đẻ tại nhà không được nhân viên y tế đỡ đẻ vẫn còn xảy ra tại một số nơi ở các huyện miền núi, trung du. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, đặc biệt ở các bệnh viện tuyến huyện, về cơ bản đáp ứng được nhu cầu chăm sóc điều trị cấp cứu sản khoa và sơ sinh, nhưng chất lượng điều trị chưa cao. Nhân lực chuyên ngành sản phụ khoa và nhi khoa thiếu trầm trọng.
Để đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trên địa bàn tỉnh, góp phần cùng cả nước đạt được mục tiêu thiên niên kỷ về giảm tử vong mẹ và trẻ em; đồng thời thực hiện Chỉ thị 01/CT-BYT ngày 09/01/2015 của Bộ Y tế về việc tăng cường chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh nhằm giảm tử vong mẹ, tử vong sơ sinh; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:
1. Sở Y tế:
- Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát các cơ sở khám, chữa bệnh (kể cả các cơ sở y tế tư nhân) trên địa bàn tỉnh để chấn chỉnh việc thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh; các quy định liên quan của pháp luật (Giấy phép hoạt động, phạm vi chuyên môn, điều kiện và năng lực thực tế về chăm sóc, cấp cứu sản khoa và sơ sinh); quy chế bệnh viện và các quy trình, quy chuẩn chuyên môn về chẩn đoán, theo dõi, cấp cứu sản khoa, cấp cứu hồi sức sơ sinh; kiên quyết xử lý nghiêm minh theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về khám chữa bệnh.
- Rà soát tình hình nhân lực y tế về số lượng và năng lực; trang thiết bị và tổ chức nhân sự làm công tác chăm sóc sản khoa, nhất là công tác cấp cứu sản khoa ở các tuyến y tế trên địa bàn tỉnh để có kế hoạch đào tạo cán bộ, đầu tư mua sắm trang thiết bị đảm bảo theo quy định.
- Củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức mạng lưới khám, chữa bệnh sản phụ khoa và nhi khoa trên địa bàn tỉnh; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, bảo đảm kinh phí cần thiết cho các hoạt động chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, đặc biệt là các nội dung về làm mẹ an toàn và chăm sóc sơ sinh. Quan tâm đầu tư cho Trung tâm Y tế các huyện An Lão, Vĩnh Thạnh và Vân Canh để thực hiện chăm sóc sản khoa toàn diện.
- Chỉ đạo củng cố, tăng cường đơn nguyên Nhi sơ sinh đã được thành lập tại 02 bệnh viện khu vực và Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố; chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh nâng cao chất lượng công tác cấp cứu hồi sức sơ sinh tại Khoa Nhi sơ sinh, tăng cường công tác chỉ đạo tuyến về cấp cứu hồi sức sơ sinh cho 02 bệnh viện khu vực và Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố.
- Chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh tăng cường sự phối hợp giữa chuyên khoa sản với chuyên khoa nhi và hồi sức cấp cứu trong chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh, đặc biệt trong việc xử lý cấp cứu, hồi sức sơ sinh tại phòng đẻ. Đối với các trường hợp đẻ non, đẻ thiếu cân, các bác sĩ nhi khoa phải có mặt để cùng tham gia hội chẩn, hồi sức cấp cứu.
- Tích cực triển khai các biện pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, giảm quá tải bệnh viện; thường xuyên nhắc nhở cán bộ, viên chức trong các khoa, phòng, đơn vị sự nghiệp y tế nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh, tuân thủ nghiêm quy chế bệnh viện, quy trình chuyên môn theo quy định của Bộ Y tế.
- Tổ chức các lớp tập huấn cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực thực hành cho cán bộ y tế các tuyến về cấp cứu hồi sức sản khoa, cấp cứu hồi sức sơ sinh; tổ chức đào tạo lại cho cán bộ y tế làm công tác sản khoa ở các tuyến để đạt tiêu chí về người đỡ đẻ có kỹ năng theo tài liệu hướng dẫn và quy định của Bộ Y tế. Tiếp tục đào tạo, củng cố và duy trì hoạt động của đội ngũ cô đỡ thôn bản ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
- Tăng cường thực hiện các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình để hạn chế tình trạng mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai không an toàn, bất hợp pháp; đẩy mạnh công tác sàng lọc trước sinh nhằm hạ thấp tỷ lệ sơ sinh dị tật.
- Tiếp tục tăng cường công tác tiêm chủng mở rộng để đảm bảo tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin hàng năm đạt từ 98% trở lên.
- Tăng cường công tác truyền thông - giáo dục sức khỏe để nâng cao kiến thức, thay đổi thái độ, hành vi của người dân, đặc biệt là người dân ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa về chăm sóc thai nghén, nguy cơ của việc không khám thai định kỳ, lợi ích của việc sinh đẻ tại cơ sở y tế, phương pháp chăm sóc trẻ sơ sinh, kịp thời cho trẻ bị bệnh đi khám chữa bệnh tại cơ sở y tế.
2. Sở Kế hoạch - Đầu tư:
Phối hợp với Sở Y tế đề xuất UBND tỉnh đưa mục tiêu, chỉ tiêu triển khai Chương trình hành động “giảm tử vong mẹ và tử vong sơ sinh hướng tới thực hiện mục tiêu Thiên niên kỷ 4 và 5” vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh hàng năm; quan tâm bố trí nguồn vốn đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Trung tâm Y tế các huyện miền núi của tỉnh để có thể thực hiện chăm sóc sản khoa toàn diện.
3. Sở Tài chính:
Phối hợp với Sở Y tế, Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối, bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách (nguồn vốn chi thường xuyên, vốn đầu tư, nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn vốn hợp pháp khác) để tập trung thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu giảm tử vong mẹ và tử vong sơ sinh.
4. Sở Nội vụ:
Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở Tài chính và các đơn vị, địa phương liên quan khẩn trương trình UBND tỉnh xem xét, ban hành chính sách đãi ngộ nhằm thu hút bác sỹ có trình độ chuyên môn cao nói chung và chuyên ngành sản phụ khoa, nhi khoa nói riêng về công tác tại tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh.
5. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định, Báo Bình Định:
Tích cực phối hợp với Sở Y tế trong việc đẩy mạnh tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và phòng chống các tai biến sản khoa; tăng cường các hoạt động thông tin - truyền thông - giáo dục sức khỏe, nâng cao kiến thức, thay đổi thái độ, hành vi của người dân, đặc biệt người dân ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa về chăm sóc thai nghén, nguy cơ của việc không khám thai định kỳ và không đến sinh con ở các cơ sở y tế, đỡ đẻ không có cán bộ y tế đỡ.
6. UBND các huyện, thị xã, thành phố:
Đưa mục tiêu, chỉ tiêu giảm tử vong mẹ và trẻ sơ sinh vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của địa phương. Chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động phối hợp liên ngành trong công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân nói chung, bà mẹ và trẻ em nói riêng. Tăng cường đầu tư cho trạm y tế tuyến xã để thực hiện đạt và duy trì việc thực hiện Bộ Tiêu chí Quốc gia về Y tế xã.
7. Đề nghị Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các hội, đoàn thể thành viên tăng cường phối hợp với ngành y tế và các cơ quan liên quan trong việc tổ chức tuyên truyền cho nhân dân về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị, địa phương báo cáo về Sở Y tế để được hướng dẫn kịp thời theo chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền được giao.
Giao Sở Y tế tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị này./.
|
KT, CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.