ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/CT-UBND |
Vĩnh Long, ngày 27 tháng 02 năm 2015 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO ĐẢM AN TOÀN THỰC PHẨM VÀ PHÒNG CHỐNG NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM TRONG TÌNH HÌNH MỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH.
Thời gian qua, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy và UBND tỉnh; tạo được sự chuyển biến tích cực trong các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương; các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến lương thực thực phẩm, dịch vụ thực phẩm đã ý thức được trách nhiệm đối với cộng đồng xã hội. Nhiều mô hình tiên tiến về bảo đảm an toàn thực phẩm đang được xây dựng và nhân rộng. Nhận thức về an toàn thực phẩm đã có chuyển biến rõ rệt. Ngộ độc thực phẩm cơ bản được kiểm soát, góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đang gặp nhiều thách thức như: đội ngũ thực hiện công tác này vừa yếu, vừa thiếu, trang thiết bị kiểm nghiệm chưa đáp ứng yêu cầu; tồn dư hóa chất độc hại trong nông sản thực phẩm vẫn còn; thực phẩm không rõ nguồn gốc, nhập lậu, kém chất lượng vẫn lưu thông trên thị trường; ngộ độc thực phẩm tại một số doanh nghiệp có bếp ăn tập thể còn xảy ra, ô nhiễm thực phẩm do môi trường ảnh hưởng ngày càng có chiều hướng tăng lên; quảng cáo thực phẩm, nhất là thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng chưa đúng thực chất, gây bức xúc dư luận xã hội. Nguyên nhân chính là do việc kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm chưa có hiệu quả, chưa kiểm soát được các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm nhỏ lẻ, thủ công; năng lực của một số bộ phận trong hệ thống quản lý an toàn thực phẩm còn hạn chế; việc chấp hành các quy định pháp luật về sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa nghiêm.
Thực hiện Chỉ thị số 34/CT-TTg, ngày 11 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm trong tình hình mới, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1. Sở Y tế
- Xây dựng kế hoạch và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm để quản lý hiệu quả đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng phụ gia thực phẩm, phẩm mầu, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; chỉ đạo triển khai và nhân rộng các mô hình bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố và các mô hình phòng chống ngộ độc thực phẩm.
- Quản lý chặt chẽ nội dung quảng cáo đối với thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, tập trung kiểm soát chặt chẽ việc xác nhận nội dung quảng cáo; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông chấn chỉnh hoạt động quảng cáo, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức thực hiện quảng cáo không đúng quy định của pháp luật và quảng cáo không theo nội dung đã được xác nhận.
- Phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh chỉ đạo, tổ chức quản lý và giám sát chất lượng nguồn nước sạch sử dụng trong sản xuất thực phẩm, ăn uống, sinh hoạt, trước mắt tập trung kiểm soát tốt chất lượng đối với nguồn nước cung cấp ở đô thị, các hệ thống cấp nước tập trung.
- Kiện toàn tổ chức và tăng cường đầu tư để nâng cao năng lực Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm; củng cố và nâng cao năng lực kiểm soát an toàn thực phẩm tại tuyến huyện và tuyến xã; phối hợp xây dựng hệ thống kiểm nghiệm an toàn thực phẩm theo hướng tập trung, hiệu quả đáp ứng yêu cầu quản lý.
- Hằng năm, Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, các ngành chức năng có liên quan tổ chức, triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” theo hướng dẫn của Bộ Y tế, để nâng cao trách nhiệm cấp ủy, chính quyền các cấp và huy động tối đa các nguồn lực xã hội tham gia.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Tập trung quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản nông sản thực phẩm, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm. Quản lý chất lượng, an toàn các loại rau, củ, quả trên thị trường, đặc biệt về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản trên các sản phẩm này.
- Kiểm soát hiệu quả điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm đối với hoạt động sản xuất nông sản, thủy sản; bảo đảm an toàn trong giết mổ, vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm.
- Xây dựng quy hoạch các vùng sản xuất nông sản an toàn thực phẩm phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; xây dựng và phát triển nhân rộng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và khai thác nông lâm thủy sản an toàn, quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi.
- Tăng cường đầu tư để nâng cao năng lực Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, để đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.
3. Sở Công Thương
- Phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tăng cường triển khai các biện pháp kiểm tra lưu thông hàng hóa đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, quản lý hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, bia, nước giải khát và sữa chế biến đúng quy định của pháp luật.
- Phối hợp với các chức năng có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm soát an toàn thực phẩm đối với các làng nghề sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, bảo đảm vừa duy trì và phát triển nghề truyền thống, vừa bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng; xây dựng, triển khai các mô hình điểm kiểm soát an toàn thực phẩm tại các chợ, siêu thị kinh doanh thực phẩm.
- Chủ trì và phối hợp Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của tỉnh; từng bước kiểm soát, ngăn chặn hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc và nhập lậu, hàng gian, hàng kém chất lượng,...
- Tăng cường đầu tư để nâng cao năng lực Chi cục Quản lý thị trường để đảm bảo quản lý về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh theo nhiệm vụ được giao.
4. Sở Tài chính phân bổ kinh phí đầy đủ và kịp thời cho các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
5. Sở Thông tin và Truyền thông
- Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh, để thông tin đăng tải đầy đủ các quy định pháp luật về quyền và nghĩa vụ trong sản xuất, kinh doanh liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm; những gương tốt về an toàn thực phẩm và phê phán các vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế kiểm soát hoạt động quảng cáo thực phẩm của các đơn vị phát hành quảng cáo theo đúng nội dung đã được phê duyệt, bảo đảm thông tin quảng cáo chính xác, trung thực, khách quan, tránh gây hoang mang trong dư luận và ảnh hưởng xấu trong xã hội.
6. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
- Xây dựng kế hoạch thực hiện, trong đó, xác định rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện đối với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn; tổ chức, triển khai đầy đủ, kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn quản lý.
- Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp kiểm tra liên ngành bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn quản lý; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục để chuyển đổi hành vi, tập quán lạc hậu, không bảo đảm an toàn thực phẩm; tăng cường thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hoạt động chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể, kinh doanh dịch vụ ăn uống và kinh doanh thức ăn đường phố.
- Tổ chức, triển khai quy hoạch các vùng sản xuất nông sản an toàn thực phẩm phù hợp với điều kiện thực tế của các địa phương; xây dựng và phát triển nhân rộng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và khai thác nông - thủy sản an toàn, quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi; đầu tư cơ sở hạ tầng xây dựng các mô hình kinh doanh thức ăn đường phố bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật; phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể xây dựng tại chỗ trong các khu công nghiệp.
7. Các sở, ban ngành khác: căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị để thực hiện tốt việc phối hợp bảo đảm an toàn thực phẩm. Đồng thời, tổ chức triển khai các biện pháp phù hợp để góp phần nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh Long và các tổ chức thành viên tuyên truyền vận động đoàn viên, hội viên tích cực tham gia công tác giám sát các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm, vận động nhân dân tham gia triển khai các mô hình bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm cho cộng đồng.
Hằng năm, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các ngành chức năng có trách nhiệm tổng kết, đánh giá, báo cáo tình hình thực hiện Chỉ thị gửi Sở Y tế để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.
Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị này./.
Nơi
nhận: |
CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.