ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/2003/CT-UB |
Bến Tre, ngày 09 tháng 4 năm 2003 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TỔ CHỨC THỰC HIỆN MỘT SỐ BIỆN PHÁP XỬ LÝ NỢ VAY VỐN SỬA CHỮA, ĐÓNG MỚI TÀU THUYỀN, MUA SẮM NGƯ CỤ TỪ NGUỒN VỐN TÍN DỤNG ƯU ĐÃI THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 985/QĐ-TTG NGÀY 20-11-1997 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Thực hiện Quyết định số 985/QĐ-TTg ngày 20-11-1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc khắc phục hậu quả cơn bão số 5, khôi phục và phát triển sản xuất cho các tỉnh ven biển Nam bộ và Nam Trung bộ và Thông tư hướng dẫn thực hiện số 08/1997/TT-NHNN ngày 12-12-1997 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trên cơ sở điều tra thiệt hại, UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách để các Ngân hàng làm cơ sở cho vay ưu đãi đối với các hộ ngư dân bị thiệt hại trong cơn bão số 5 với số tiền 82,5 tỷ đồng.
Việc cho vay trên đã có tác dụng rõ rệt, giúp cho các hộ ngư dân nhanh chóng vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, khắc phục hậu quả do cơn bão số 5 gây ra, không những khôi phục ngay mà còn nâng cao hơn năng lực khai thác hải sản. Tuy nhiên, trong thời gian qua việc thực hiện chủ trương này đã bộc lộ một số tồn tại cần khắc phục, nhất là việc tổ chức sản xuất và thu hồi nợ cho vay.
Để khắc phục tình trạng trên, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước, căn cứ Quyết định số 144/2002/QĐ-TTg ngày 24-10-2002 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp xử lý nợ vay vốn sửa chữa, đóng mới tàu thuyền, mua sắm ngư cụ từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi theo Quyết định số 985/TTg ngày 20-11-1997 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 172/2002/QĐ-TTg ngày 28-11-2002 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi khoản 2 điều 2 tại Quyết định số 144/2002/QĐ-TTg ngày 24-10-2002 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 02/2003/TT-NHNN ngày 11-02-2003 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn việc xử lý nợ vay vốn sửa chữa, đóng mới tàu thuyền, mua sắm ngư cụ theo Quyết định số 144/2002/QĐ-TTg ngày 24-10-2002 và Quyết định số 172/QĐ-TTg ngày 28-11-2002 của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre đề ra một số biện pháp và yêu cầu Sở Thủy sản, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, các Chi nhánh Ngân hàng Thương mại Nhà nước, Ủy ban nhân dân các huyện Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú, các ngành hữu quan và đề nghị một số đoàn thể phối hợp thực hiện có hiệu quả các công việc sau:
1) Thành lập Ban chỉ đạo xử lý nợ vay vốn sửa chữa, đóng mới tàu thuyền, mua sắm ngư cụ theo Quyết định số 144/2002/QĐ-TTg ngày 24-10-2002 và Quyết định số 172/2002/QĐ-TTg ngày 28-11-2002 của Thủ tướng Chính phủ (từ đây gọi tắt là Ban chỉ đạo xử lý nợ vay bão số 5) các cấp, cụ thể.
- Ban Chỉ đạo xử lý nợ vay bão số 5 cấp tỉnh do một đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh làm Phó ban Thường trực, Giám đốc Sở Thủy sản làm Phó ban và các thành viên gồm đại diện lãnh đạo: Sở Tài chính – Vật giá, Sở Tư pháp, Công an tỉnh, các Chủ tịch UBND huyện Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú, các Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Ngân hàng Công thương tỉnh và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển tỉnh. Mời đại diện lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh và Hội Nghề cá tỉnh cùng tham gia thành viên Ban chỉ đạo.
- Ban chỉ đạo xử lý nợ vay bão số 5 cấp huyện (Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú) do UBND huyện quyết định thành lập với thành phần gồm: Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện làm Phó ban và các thành viên gồm Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện, Trưởng phòng giao dịch Ngân hàng Công thương, Trưởng phòng Tài chính – kế hoạch, Trưởng Công an huyện. Mời Chủ tịch Hội Nông dân huyện cùng tham gia thành viên. Ngoài thành phần trên, Chủ tịch UBND huyện có thể bố trí thêm thành viên khác khi thấy cần thiết cho yêu cầu công việc.
Riêng thị xã có một hộ, nên không thành lập Ban chỉ đạo và việc điều tra xử lý do Ban chỉ đạo xử lý nợ vay bão số 5 cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo thực hiện.
Ban chỉ đạo xử lý nợ vay bão số 5 cấp tỉnh, huyện xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ và hiệu quả.
Nhiệm vụ của Ban chỉ đạo các cấp là giúp UBND cùng cấp thực hiện đầy đủ, đúng đắn các nội dung và yêu cầu về xử lý nợ vay vốn sửa chữa, đóng mới tàu thuyền, mua sắm ngư cụ theo Quyết định số 144/2002/QĐ-TTg ngày 24-10-2002, Quyết định số 172/2002/QĐ-TTg ngày 28-11-2002 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư hướng dẫn thực hiện số 02/2003/TT-NHNN ngày 11-02-2003 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam gắn chặt với thực trạng.
Ban chỉ đạo các cấp phải được thành lập, phân công cụ thể về nhiệm vụ của từng thành viên và đi vào hoạt động sau khi có quyết định thành lập và hàng tuần phải họp giao ban kiểm điểm kết quả triển khai thực hiện.
2) Việc xử lý nợ vay vốn sửa chữa, đóng mới tàu thuyền, mua sắm ngư cụ phải được tiến hành theo các bước sau:
2.1- Tiến hành phân loại nợ vay theo đúng quy định tại Thông tư 02/2003/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Ban chỉ đạo xử lý nợ vay bão số 5 các huyện nêu trên, phối hợp cùng ngân hàng cho vay tiến hành phân loại nợ vay đảm bảo khách quan, chính xác, công bằng. Hộ vay nào có biểu hiện phức tạp trong phân loại, tùy điều kiện cụ thể có thể tham khảo qua các đoàn thể và tổ chức lấy ý kiến nhóm người cùng sản xuất để nắm đầy đủ thực trạng sử dụng vốn vay vừa qua.
Việc phân loại phải thật cụ thể, có hồ sơ chi tiết đối với từng hộ vay và trong hồ sơ phân loại có xác nhận của UBND xã nơi hộ vay cư trú. Các Ngân hàng Thương mại cho vay phải chủ động giúp Ban chỉ đạo huyện trong qui trình phân loại nợ vay và lập bảng tổng hợp từng huyện có xác nhận của Trưởng ban chỉ đạo xử lý nợ vay khắc phục bão số 5 của huyện, sau đó gởi về Sở Thủy sản và Ngân hàng Nhà nước tỉnh để tổng hợp báo cáo Ban chỉ đạo xử lý nợ vay khắc phục bão số 5 của tỉnh.
2.2- Tiến hành xử lý nợ:
Sau khi có kết quả phân loại nợ thì tiến hành xử lý theo nhóm đã được phân loại và biện pháp xử lý theo hướng dẫn tại Thông tư 02 nêu trên.
Đối với các hộ có điều kiện trả nợ, nhưng cố tình né tránh, chây ỳ phải kiên quyết xử lý một cách nghiêm minh. Việc áp dụng các biện pháp xử lý tài sản, xử lý trách nhiệm của người vay căn cứ vào pháp luật hiện hành. Trường hợp chuyển đổi chủ tàu và nợ vay thực hiện theo đúng qui định tại khoản 4 của Thông tư 02/2003/TT-NHNN ngày 11-02-2003, cụ thể là đấu giá công khai theo qui định của pháp luật.
3) Ủy ban nhân dân huyện có nhiệm vụ tập trung chỉ đạo UBND các xã có hộ ngư dân vay vốn khắc phục hậu quả cơn bão số 5 phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo huyện và các đoàn công tác của các Ngân hàng Thương mại trong việc xác nhận hồ sơ phân loại nợ cho từng hộ vay, chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với ngân hàng cho vay kiên quyết xử lý thu hồi nợ theo quy định của pháp luật đối với các hộ vay có khả năng trả nợ nhưng chây ỳ, né tránh không chịu trả nợ.
4) Sở Tư pháp có nhiệm vụ giúp Ban chỉ đạo xử lý nợ vay bão số 5 và hỗ trợ các ngân hàng cho vay về mặt pháp lý trong xử lý nợ theo quy định của pháp luật. Giúp UBND tỉnh theo dõi, chỉ đạo hoạt động của Trung tâm bán đấu giá tài sản thực hiện nhanh chóng, đúng pháp luật việc xử lý bán đấu giá công khai tàu trong chuyển đổi chủ tàu và nợ vay.
5) Sở Tài Chánh - Vật giá có nhiệm vụ đề xuất UBND tỉnh triển khai thực hiện việc miễn, giảm thuế cho các đối tượng vay vốn khắc phục hậu quả cơn bão số 5 theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
6) Sở Thủy sản có nhiệm vụ phối hợp với các Ngân hàng cho vay trong việc phân loại nợ vay đề xuất biện pháp xử lý, tăng cường công tác khuyến ngư, đào tạo tay nghề trong lĩnh vực khai thác; phối hợp với UBND các huyện Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú và các ngành hữu quan xây dựng phương án về tổ chức lại sản xuất nghề khai thác thủy sản cho hiệu quả với mô hình thích hợp. Chú ý loại hình kinh tế hợp tác, xây dựng đoàn tàu đánh cá quốc doanh chủ lực của tỉnh.
7) Ngân hàng Nhà nước tỉnh theo dõi, đôn đốc các Ngân hàng Thương mại thực hiện đầy đủ, kịp thời các chủ trương theo trách nhiệm, phối hợp Sở Thủy sản giúp Ban chỉ đạo tổ chức triển khai, chỉ đạo trong quá trình thực hiện.
8) Công an tỉnh có nhiệm vụ tham mưu cho Ban chỉ đạo theo chức năng, chỉ đạo Công an huyện bố trí cán bộ phối hợp với các Ngân hàng cho vay trong việc điều tra phân loại nợ, trong khâu xử lý nợ, xử lý trách nhiệm chủ nợ có khả năng cố tình chây ỳ, né tránh không chịu trả nợ theo pháp luật.
9) Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Đồng Khởi và các đài truyền thanh huyện tập trung đưa tin làm rõ về mặt chủ trương xử lý nợ vay khắc phục bão số 5, đưa tin những gương điển hình trong việc sử dụng vốn có hiệu quả, hoàn trả nợ vay tốt, đồng thời phê phán các hộ có khả năng trả nợ nhưng cố tình chây ỳ, né tránh, không chịu trả nợ.
10) Đề nghị Hội Nông dân, Hội Nghề cá tổ chức vận động hội viên thực hiện đúng đắn chủ trương Nhà nước, phê phán các biểu hiện tiêu cực trong hội viên, đề xuất các mô hình tổ chức sản xuất trong lĩnh vực đánh bắt có hiệu quả.
11) Kiên quyết chống mọi biểu hiện thiếu trách nhiệm, tiêu cực trong quá trình phân loại xử lý. Nếu phát hiện cá nhân, tập thể sai phạm phải được làm rõ và xử lý nghiêm minh.
Giám đốc các Sở, Ngành, Chủ tịch UBND các huyện, Thủ trưởng các đơn vị và các tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN TỈNH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.