ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/2000/CT-UB |
Cần Thơ, ngày 25 tháng 02 năm 2000 |
CHỈ THỊ
V/V KIỆN TOÀN TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG HOÀ GIẢI Ở CƠ SỞ
Trong những năm qua, hoạt động hoà giải ở cơ sở đã góp phần đáng kể trong việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong nhân dân, ổn định trật tự địa phương, giữ gìn truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư, giảm đáng kể những việc khiếu kiện chuyển về cấp trên. Tuy nhiên, thời gian qua do chưa có những qui định thống nhất về công tác hòa giải, nên từng địa phương quá trình thực hiện đã có những vận dụng làm cho công tác hoà giải chưa phát huy vai trò, khó khăn cho việc tổng kết, rút kinh nghiệm.
Ngày 05/01/1999 Chủ tịch nước đã ký Lệnh số 01/LCTN công bố Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở được ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá X thông qua ngày 25/12/1998 và ngày 18/10/1999 Chính phủ ban hành Nghị định số 160/1999/NĐ-CP qui định chi tiết thi hành Pháp lệnh.
Để tiếp tục duy trì, phát huy vai trò và hoạt động của các tổ hoà giải ở cơ sở phù hợp với Pháp lệnh và Nghị định của Chính phủ. Sau khi trao đổi thống nhất với ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Cần Thơ, ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1. Kiện toàn về tổ chức các Tổ hoà giải ở cơ sở:
Theo Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở thì tổ hòa giải ở cơ sở là tổ chức tự quản của nhân dân được thành lập ở xóm, ấp, tổ dân phố và các cụm dân cư khác như chợ cố định, tụ điểm vui chơi giải trí, tụ điểm du lịch để thực hiện hoặc tổ chức thực hiện việc hòa giải những vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong nhân dân.
ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ, thị xã Vị Thanh và các huyện có kế hoạch chỉ đạo ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn tiến hành rà soát, thống kê lại số tổ hòa giải hiện có. Những Tổ hòa giải được thành lập trước ngày Pháp lệnh có hiệu lực, ủy ban nhân dân xã công nhận, cũng cố, kiện toàn để tiếp tục hoạt động.
Nơi chưa có Tổ hoà giải thì tiến hành tổ chức thành lập, tuỳ theo địa bàn và số dân ở mỗi ấp, tổ dân phố, cụm dân cư có thể thành lập một hay nhiều tổ hòa giải. Căn cứ đặc điểm tình hình cụ thể của từng cụm dân cư và kết quả cuộc họp xóm, ấp, tổ dân phố, kết quả cuộc họp chủ hộ hoặc kết quả lấy ý kiến chủ hộ, Chủ tịch ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn quyết định số lượng Tổ hoà giải ở địa phương mình.
- Thành lập Tổ hòa giải mới:
Tổ hòa giải gồm có tổ trưởng và các tổ viên. Mỗi Tổ có từ 3 thành viên trở lên việc thành lập tổ hòa giải, phải phối hợp chặt chẽ với UBMTTQ cùng cấp. Sau khi quyết định số lượng Tổ hòa giải cần thành lập trong địa phương, ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn báo cáo cho ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp để ủy ban Mặt trận Tổ quốc phối hợp với các tổ chức thành viên của ủy ban Mặt trận Tổ quốc lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn để giới thiệu bầu tổ viên tổ hòa giải như qui định tại điều 7 Nghị định số 160/1999/NĐ-CP. Việc bầu cử, tổ chức bầu cử và thủ tục thành lập các tổ hòa giải theo qui định tại điều 8 Nghị định số 160/1999/NĐ-CP.
Sau khi có quyết định công nhận các thành viên và tổ trưởng Tổ hòa giải, ủy ban nhân dân xã phối hợp với ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp hướng dẫn Tổ hòa giải tổ chức ra mắt và giới thiệu với nhân dân trong xóm, ấp, tổ dân phố mà Tổ hòa giải hoạt động biết: mục đích, ý nghĩa, tổ chức hoạt động của Tổ hòa giải để dân thông hiểu. Định kỳ hàng tháng tổ hoà giải ở cơ sở báo cáo hoạt động về công tác hoà giải cho ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp.
2. Tập huấn nâng cao trình độ nghiệp vụ cho hòa giải viên:
Hàng năm, tổ chức tập huấn bồi dưỡng về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao nghiệp vụ hòa giải cho hòa giải viên. Phòng Tư pháp cấp huyện và Ban Tư pháp cấp xã giúp ủy ban nhân dân cùng cấp nghiên cứu nắm tình hình và có kế hoạch tập huấn hàng năm. Sở Tư pháp phối hợp với Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh và Trường Chính trị tỉnh thống nhất chỉ đạo việc lập kế hoạch và dự trù tập huấn cho địa phương.
Giao Sở Tư pháp biên soạn nội dung tập huấn theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.
3. Chế độ báo cáo:
Để ủy ban nhân dân tỉnh nắm rõ hoạt động hòa giải ở cơ sở, yêu cầu ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ, thị xã Vị Thanh và các huyện, ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm việc báo cáo về tổ chức và hoạt động hòa giải hàng tháng lên cấp trên theo qui định. Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp cấp huyện, Ban Tư pháp cấp xã giúp ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện công tác nói trên. Phòng Tư pháp hướng dẫn cho Ban Tư pháp thực hiện chế độ báo cáo hàng tháng, bảo đảm báo cáo về Sở Tư pháp, ủy ban nhân dân cùng cấp vào ngày 20 để Sở Tư pháp tổng hợp báo cáo Bộ Tư pháp, ủy ban nhân dân tỉnh và ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh.
4. Về kinh phí:
Ngân sách ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn thường xuyên hỗ trợ cho các Tổ hòa giải về sổ sách, giấy mực, tem thư để ghi chép và báo cáo hoạt động theo định kỳ; tổ chức bình bầu khen thưởng theo qui định và tổ chức họp mặt rút kinh nghiệm.
Hàng năm, Phòng Tư pháp các huyện, thành phố, thị xã giúp ủy ban nhân dân cùng cấp lập dự trù kinh phí hoạt động, tập huấn nghiệp vụ và khen thưởng cho hòa giải viên và đưa vào dự toán chung trong kinh phí của địa phương.
Trước mắt, ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trích ngân sách để trang bị sổ sách, giấy mực tạo điều kiện cho các Tổ hoà giải hoạt động.
Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, thị xã Vị Thanh và các huyện trong phạm vi quyền hạn chỉ đạo trực tiếp Chủ tịch ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn đưa Tổ hòa giải ở cơ sở mới thành lập đi vào hoạt động. Giao cho Giám đốc Sở Tư pháp, Trưởng Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh tổ chức triển khai chỉ thị này trong phạm vi toàn tỉnh, theo dõi tổng hợp báo cáo ủy ban nhân dân tỉnh./.
Nơi nhận : |
TM. UBND
TỈNH CẦN THƠ |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.