ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 05/CT-UBND |
Sóc Trăng, ngày 25 tháng 4 năm 2023 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC CHẤN CHỈNH, TĂNG CƯỜNG TRÁCH NHIỆM TRONG XỬ LÝ CÔNG VIỆC CỦA CÁC SỞ NGÀNH, CƠ QUAN, ĐƠN VỊ, ĐỊA PHƯƠNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SÓC TRĂNG
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương và Quy chế làm việc của Chính phủ (Nghị định số 39/2022/NĐ-CP ngày 18/6/2022 của Chính phủ), Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Quyết định số 22/2022/QĐ-UBND ngày 10/10/2022 để các sở ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh có cơ sở, nguyên tắc tổ chức chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ được giao đảm bảo thống nhất, thông suốt, liên tục, dân chủ, hiện đại, liêm chính, hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, giao nhiệm vụ cụ thể (mục tiêu, cơ quan đầu mối, lộ trình, thời hạn thực hiện...) về từng sở ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện nhằm hoàn thành thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2021 - 2025 đã được Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh đề ra[1].
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, ở một số sở ngành, địa phương và một bộ phận cán bộ, công chức đã xảy ra tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền; có trường hợp đây việc lên cơ quan cấp trên hoặc sang các sở ngành, cơ quan khác, thiếu sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả giữa các sở ngành, cơ quan, địa phương. Hậu quả dẫn đến quá trình xử lý công việc bị kéo dài, gây cản trở và làm giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp[2].
Thực hiện Công điện số 280/CĐ-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương; để chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế, tăng cường trách nhiệm tại các sở ngành, địa phương và của cán bộ, công chức; khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong giải quyết công việc; bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng chỉ thị:
Thành viên Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các sở ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao:
1. Nghiên cứu Công điện số 280/CĐ-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ chủ động tổ chức thực hiện (kể cả những việc thuộc chức năng phải tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện). Trường hợp khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền phải kịp thời báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Quán triệt và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 22/2022/QĐ-UBND ngày 10/10/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Trong đó:
a) Trực tiếp, chủ động, tích cực giải quyết công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý của sở ngành, cơ quan, địa phương. Quyết định các công việc theo thẩm quyền và không trình Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh những công việc thuộc thẩm quyền của Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện. Chịu trách nhiệm cá nhân, trực tiếp và toàn diện trước Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và trước pháp luật đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền, được phân công, ủy quyền, được giao nhiệm vụ.
b) Thực hiện đầy đủ và nghiêm túc Quy chế làm việc của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định số 39/2022/NĐ-CP ngày 18/6/2022 của Chính phủ trong quá trình tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình các nội dung thuộc thẩm quyền Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ ngành trung ương.
c) Không chuyển công việc thuộc thẩm quyền của cơ quan, đơn vị mình sang cơ quan, đơn vị khác; không giải quyết các công việc được xác định thuộc thẩm quyền của cơ quan, đơn vị khác; khi xác định nội dung được xin ý kiến không đúng thẩm quyền hoặc thuộc thẩm quyền của cơ quan, đơn vị xin ý kiến thì trả lại văn bản cho cơ quan, đơn vị xin ý kiến.
d) Khi giải quyết công việc, Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện được giao chủ trì phải chủ động, tích cực phối hợp có hiệu quả với Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có liên quan; trường hợp phát sinh vấn đề vượt thẩm quyền thì kịp thời báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh. Tránh tình trạng cơ quan đầu mối chỉ theo dõi và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo mà không làm việc, phối hợp với các cơ quan có liên quan để giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, không lạm dụng việc lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị để né tránh trách nhiệm; không lấy ý kiến phối hợp của cơ quan không liên quan hoặc không cần thiết, làm ảnh hưởng đến tiến độ xử lý công việc. Sở ngành, cơ quan, địa phương được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời đúng thời hạn, chính kiến rõ ràng; không trả lời chung chung, thiếu trách nhiệm hoặc né tránh trách nhiệm.
Trường hợp quá thời hạn quy định mà cơ quan được lấy ý kiến không trả lời hoặc chậm trả lời thì được xác định là đồng ý với ý kiến và đề xuất của cơ quan lấy ý kiến theo đúng quy định. Cơ quan lấy ý kiến có văn bản thông báo lại và cơ quan không có ý kiến hoặc chậm có ý kiến trả lời phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
đ) Đối với các hồ sơ, văn bản trình Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh còn ý kiến khác nhau giữa các sở ngành, cơ quan, địa phương về những nội dung chủ yếu thì Giám đốc sở, Thủ tướng cơ quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện được giao chủ trì phải đề cao trách nhiệm cá nhân, chủ động làm việc trực tiếp với Giám đốc sở, Thủ tướng cơ quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có ý kiến khác để trao đổi, thống nhất trước khi trình Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh theo đúng quy định.
3. Thành viên Ủy ban nhân dân tỉnh Thủ trưởng các sở ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức quán triệt các nội dung nêu tại Chỉ thị này và Công điện số 280/CĐ-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ đến từng đơn vị, cán bộ, công chức thuộc phạm vi quản lý, kiên quyết khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không dám làm, không dám tham mưu, đề xuất, không dám chịu trách nhiệm trong cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức; rút ngắn thời gian xử lý công việc; bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành.
4. Giao Sở Nội vụ là cơ quan đầu mối tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện hiệu quả Công điện số 280/CĐ-TTg ngày 19/4/2023 và Chỉ thị này, trường hợp phát sinh khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, kịp thời báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh.
(Đính kèm Công điện số 280/CĐ-TTg ngày 19/4/2023)./.
|
CHỦ TỊCH |
[1] Chương trình số 03-CTr/TU, ngày 22/12/2020 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020 - 2025; Nghị quyết số 127/2020/NQ/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.
[2] Kết quả Chỉ số Cải cách hành chính và Chỉ số Sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2022 tỉnh Sóc Trăng sụt giảm nhiều so với năm 2021:
- Chỉ số CCHC năm 2022 tỉnh Sóc Trăng đạt 83,14%, xếp hạng 49/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, giảm 31 bậc so với 2021 (87,54% - giảm 4,4%), xếp thứ 10/13 các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
- Chỉ SIPAS năm 2022 tỉnh Sóc Trăng đạt 79,92%, xếp hạng 32/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, giảm 23 bậc so với 2021 (89,51% - giảm 9,59%), xếp thứ 6/13 các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.