BỘ CÔNG THƯƠNG |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 05/CT-BCT |
Hà Nội, ngày 03 tháng 02 năm 2010 |
VỀ VIỆC TỔ CHỨC THỰC HIỆN CHỈ ĐẠO CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TẠI VĂN BẢN SỐ 2600/TTG-KTTH NGÀY 30 THÁNG 12 NĂM 2009 VỀ ĐẨY MẠNH XUẤT KHẨU, KIỂM SOÁT NHẬP SIÊU NĂM 2010
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 2600/TTg-KTTH ngày 30 tháng 12 năm 2009 về việc đẩy mạnh xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu năm 2010, theo đó các Bộ, ngành, địa phương xác định nhiệm vụ nâng cao chất lượng tăng trưởng, đẩy mạnh xuất khẩu là nhiệm vụ và giải pháp quan trọng nhất để thu hẹp thâm hụt thương mại, hạn chế nhập siêu, góp phần ổn định các cân đối vĩ mô của nền kinh tế trong năm 2010; phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu Quốc hội giao và kiểm soát để tỷ lệ nhập siêu trên kim ngạch xuất khẩu trong năm 2010 tối đa không vượt quá 20%.
Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ triển khai thực hiện những nhiệm vụ và giải pháp thuộc ngành Công Thương như sau:
1. Các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu
1.1. Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên phối hợp với các đồng chí Thứ trưởng khác có liên quan chỉ đạo:
a) Vụ Xuất nhập khẩu chủ trì, phối hợp với các Vụ: Kế hoạch, Công nghiệp nhẹ, Công nghiệp nặng, Năng lượng, Chính sách thương mại đa biên, các Vụ Thị trường ngoài nước, Cục Hóa chất, Cục Xúc tiến thương mại và các Thương vụ của Việt Nam tại nước ngoài, Sở Công Thương các địa phương, các đơn vị hữu quan của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, triển khai gấp các công việc sau:
- Với các đơn vị của Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng và báo cáo Thủ tướng Chính phủ những chính sách phát triển xuất khẩu cho năm 2010 vào đầu quý I năm 2010.
- Ngay trong Quý I năm 2010, phối hợp với đơn vị của các Bộ quản lý chuyên ngành và các địa phương làm việc với các Tập đoàn, Tổng công ty và các Hiệp hội ngành hàng lớn, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài rà soát khả năng về mặt hàng, thị trường xuất khẩu, xác định cụ thể mục tiêu và biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu của từng đơn vị, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn cho sản xuất, kinh doanh xuất khẩu, trên cơ sở đó xây dựng thị trường hoặc nhóm thị trường trọng điểm để tập trung đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2010.
- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất khẩu để tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
- Với Vụ Thị trường ngoài nước, Vụ Chính sách thương mại đa biên, các Sở Công Thương tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn tại một số địa phương để phổ biến nội dung các Hiệp định khu vực mậu dịch tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia ký kết, trong đó làm rõ các lợi thế mà Việt Nam có thể thụ hưởng, để đẩy mạnh xuất khẩu, giảm nhập siêu ở các thị trường có mức nhập siêu cao.
- Tập trung tháo gỡ khó khăn của các doanh nghiệp xuất khẩu có vốn đầu tư nước ngoài để đẩy mạnh xuất khẩu; rà soát các chính sách về đầu tư và đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét bổ sung các chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư mở rộng và đầu tư chiều sâu để tăng số lượng và chất lượng hàng xuất khẩu; đẩy nhanh các dự án sản xuất thay thế hàng nhập khẩu.
- Với các đơn vị của Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục tạm hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào đối với hàng hóa thực xuất khẩu nêu tại mục C điểm 1 phần III Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP ngày 11 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ, cải cách thủ tục để rút ngắn thời gian thông quan và thời gian quyết toán thuế, nhất là đối với nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất và gia công hàng xuất khẩu.
- Với các đơn vị của Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ Đề án thí điểm “Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu” để triển khai trong năm 2010.
- Với các đơn vị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để tham gia ý kiến đối với các biện pháp điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất theo hướng ổn định và ở mức hợp lý, kết hợp với điều chỉnh linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở và các công cụ chính sách tiền tệ khác phù hợp với mục tiêu kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh xuất khẩu.
- Với các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ tiêu thụ nông sản, thủy sản của một số ngành hàng có lượng hàng hóa lớn như gạo, thủy sản, cà phê và một số nông sản khác nhằm duy trì phát triển sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân và ổn định giá hàng hóa. Xây dựng phương án thu mua tồn trữ một số mặt hàng nông sản xuất khẩu (gạo, cà phê, hạt điều, hạt tiêu) để giữ giá, tránh thiệt hại cho người nông dân và tránh bị nước ngoài ép giá.
b) Cục Xúc tiến thương mại chủ trì và phối hợp với các cơ quan của Bộ, ngành, các đơn vị liên quan:
Soạn thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế xây dựng và thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia (thay thế Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 279/2005/QĐ-TTg ngày 03 tháng 11 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ) theo hướng tiếp tục đẩy mạnh và mở rộng hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu và thị trường trong nước đúng mục tiêu và có hiệu quả cao hơn, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong quý I năm 2010.
c) Các Vụ Thị trường ngoài nước:
- Phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại các nước chủ động nắm bắt tình hình thị trường, các chính sách của nước nhập khẩu liên quan và tác động đến xuất khẩu của Việt Nam để phổ biến và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu; xây dựng giải pháp xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu tại một số thị trường trọng điểm, thực hiện ngay trong quý I năm 2010.
- Phối hợp với các Vụ, Cục trong Bộ và các Bộ, ngành liên quan phân tích, đánh giá những cơ hội và thách thức của các Hiệp định FTA với Việt Nam; thúc đẩy đàm phán, ký kết một số Hiệp định FTA song phương và đa phương theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
1.2. Các đồng chí Thứ trưởng khác theo lĩnh vực công tác đã được phân công tiếp tục chỉ đạo các công việc tại Chỉ thị số 18/CT-BCT ngày 24 tháng 12 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Công Thương tổ chức thực hiện Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP ngày 11 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội: Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và xuất khẩu, trong đó tập trung tiếp tục thúc đẩy việc xây dựng chính sách khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, cơ chế chính sách tiêu thụ nông sản, đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng, hàng thực phẩm chất lượng cao, tổ chức các kênh phân phối các mặt hàng thiết yếu, thúc đẩy xuất khẩu biên mậu, nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại.
2. Các giải pháp kiểm soát nhập siêu
2.1. Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên phối hợp với các đồng chí Thứ trưởng khác chỉ đạo:
a) Vụ Xuất nhập khẩu chủ trì, phối hợp với các Vụ: Khoa học và Công nghệ, Pháp chế, Chính sách thương mại Đa biên, Kế hoạch, Công nghiệp nhẹ, Công nghiệp nặng, Cục Hóa chất, phối hợp với các đơn vị liên quan của các Bộ: Tài chính, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng cục Hải quan:
- Nghiên cứu, đề xuất danh mục mặt hàng cần áp dụng hạn ngạch nhập khẩu, hạn ngạch thuế quan hoặc giấy phép nhập khẩu để bảo đảm kiểm soát nhập khẩu nhóm mặt hàng có nguy cơ gây dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi và các mặt hàng gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý I năm 2010.
- Tiếp tục áp dụng các biện pháp kiểm soát nhập khẩu, quy trình thông quan đối với các nhóm hàng cần kiểm soát và cần hạn chế nhập khẩu (cấp và ngừng cấp giấy phép tự động).
- Nghiên cứu xây dựng phương án áp dụng thí điểm việc kiểm tra xuất xứ, chất lượng hàng hóa, nhất là đối với nông, thủy sản, thực phẩm chế biến, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh cho người, thuốc bảo vệ thực vật… trước khi hàng hóa được xếp lên tàu tại nước xuất khẩu hoặc kiểm tra quy trình sản xuất tại nước ngoài để cấp giấy chứng nhận hàng hóa đủ điều kiện lưu thông trên thị trường Việt Nam, kiểm tra tại cửa khẩu Việt Nam trước khi hàng hóa được thông quan.
- Đề xuất với Bộ Tài chính quy định thời hạn nộp thuế và áp dụng các biện pháp liên quan đến thông quan hàng hóa, cửa khẩu thông quan theo đối tượng hàng hóa; áp dụng bổ sung các loại thuế, phí khác ngoài thuế nhập khẩu.
- Phối hợp với các đơn vị liên quan của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để tham gia ý kiến về kiểm soát, điều tiết được việc cho vay nhập khẩu các loại hàng tiêu dùng, hàng thực phẩm không thiết yếu để kiểm soát nhập siêu.
b) Vụ Xuất nhập khẩu phối hợp với các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ để tăng cường biện pháp kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa tại cửa khẩu.
2.2. Thứ trưởng Bùi Xuân Khu phối hợp với các Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào, Lê Dương Quang và Nguyễn Nam Hải chỉ đạo:
a) Vụ Công nghiệp nặng chủ trì, phối hợp với các Vụ: Công nghiệp nhẹ, Năng lượng, Thị trường trong nước: Chỉ đạo các Tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước thuộc Bộ Công Thương đẩy mạnh thực hiện các Kế hoạch, Chương trình sản xuất máy móc, thiết bị, vật tư trong nước và đề xuất các chính sách, cơ chế liên quan nhằm đáp ứng các yêu cầu về cung ứng máy móc, thiết bị và vật tư đối với dự án đầu tư sản xuất có nhập khẩu vật tư và thiết bị toàn bộ của các ngành sản xuất chủ yếu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý I năm 2010.
b) Vụ Kế hoạch chủ trì, phối hợp với các Vụ: Công nghiệp nặng, Công nghiệp nhẹ, Năng lượng làm việc với các đơn vị liên quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành, địa phương có biện pháp giám sát việc nhập khẩu máy móc, thiết bị của khối doanh nghiệp FDI trong năm 2010, để góp phần hạn chế nhập siêu.
c) Vụ Kế hoạch chủ trì, phối hợp với các Vụ có liên quan hướng dẫn các Tập đoàn, Tổng công ty xây dựng kế hoạch đầu tư sản xuất hàng thay thế nhập khẩu có chọn lọc, trước hết nhằm vào các sản phẩm có nhu cầu lớn phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu và có xu hướng tăng giá trên thị trường thế giới, thực hiện ngay trong quý I năm 2010.
2.3. Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú phối hợp với Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên chỉ đạo:
a) Vụ Thương mại miền núi chủ trì, phối hợp với Vụ Xuất nhập khẩu và Vụ Thị trường trong nước: Theo dõi chặt chẽ tình hình thương mại biên giới để tham mưu cho Lãnh đạo Bộ cùng các Bộ ngành và địa phương điều hành linh hoạt thương mại biên giới theo hướng tiếp tục phát triển hệ thống phân phối hàng hóa qua biên giới nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu biên mậu, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và ngăn chặn dịch bệnh lây lan qua biên giới. Chủ động báo cáo Bộ trưởng áp dụng biện pháp tạm dừng nhập khẩu các mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
b) Cục Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm nhập khẩu như ôtô con, rượu ngoại, điện thoại di động, mỹ phẩm…, đề xuất biện pháp hành chính chặt chẽ hơn với các mặt hàng đã qua sử dụng, sản phẩm về gia công còn thừa phải xuất khẩu trả lại.
2.4. Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào phối hợp với Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên chỉ đạo Vụ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Vụ, Cục liên quan trong Bộ, phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ Khoa học và Công nghệ:
- Khẩn trương ban hành danh mục hàng hóa nhóm 2 (theo quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa) và xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Hoàn thành trong quý II năm 2010.
- Công bố các biện pháp kỹ thuật và quy trình kiểm tra, giám sát các sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu thuộc nhóm 2 nêu trên để làm căn cứ pháp lý kiểm soát chất lượng hàng hóa nhập khẩu theo quy định hiện hành. Hoàn thành trong quý II năm 2010.
1. Các Vụ, Cục, Tập đoàn kinh tế, Tổng Công ty Nhà nước, Công ty nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của Bộ Công Thương, xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện, báo cáo Bộ trưởng trước ngày 22 tháng 02 năm 2010.
2. Thủ trưởng, Lãnh đạo các đơn vị chủ động, khẩn trương triển khai thực hiện nhiệm vụ được phân công và định kỳ (vào ngày 22 hàng tháng) gửi báo cáo tình hình về tiến độ triển khai thực hiện nhiệm vụ, những khó khăn vướng mắc về Văn phòng Bộ, Vụ Kế hoạch và Vụ Xuất nhập khẩu để tổng hợp báo cáo Bộ trưởng chỉ đạo./.
Nơi nhận: |
BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.