UỶ
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 05/2011/CT-UBND |
Hưng Yên, ngày 28 tháng 3 năm 2011 |
Thời gian qua, cùng với sự nghiệp đổi mới và quá trình hội nhập tích cực của nước ta vào nền kinh tế thế giới, hoạt động di cư của công dân Việt Nam ra nước ngoài đã có sự biến đổi về chất và ngày càng tăng về số lượng. Hoạt động di cư của công dân ra nước ngoài trên địa bàn tỉnh đã góp phần vào công cuộc xoá đói, giảm nghèo, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh ta nói riêng và đất nước nói chung. Công tác quản lý hoạt động di cư của công dân ra nước ngoài trong thời gian qua cũng từng bước được củng cố, góp phần không nhỏ vào việc tạo môi trường di cư ổn định, nâng cao vị thế và hình ảnh của người Việt Nam trên thế giới.
Tuy nhiên, công tác bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam di cư ra nước ngoài trong thời gian qua vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được nguyện vọng của người dân và mục tiêu chính sách của Nhà nước ta. Nhiều vụ việc xâm phạm đến quyền và lợi ích, tinh thần và thể chất của người di cư gây bức xúc cho xã hội, ảnh hưởng đến những cố gắng hội nhập của Việt Nam trên thế giới và chưa phát huy được tiềm năng của di cư cho mục đích phát triển đất nước. Nguyên nhân chủ yếu của hạn chế này trước hết là do nhận thức về mối liên hệ giữa di cư và phát triển và tầm quan trọng trong công tác bảo hộ quyền và lợi ích người di cư của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực di cư còn chưa triệt để; chưa có sự quan tâm đúng mức đến công tác đào tạo, định hướng, cung cấp thông tin nhằm nâng cao hiểu biết về pháp luật, trình độ chuyên môn, tay nghề và ngoại ngữ cho người di cư trước khi xuất cảnh. Bên cạnh đó, công tác bảo hộ công dân ở nước ngoài còn chưa thực sự chủ động, tích cực. Cơ chế phối hợp, chia sẻ trách nhiệm và trao đổi thông tin giữa các cơ quan chức năng trong và ngoài nước phục vụ công tác bảo hộ chưa được chặt chẽ và kịp thời đã làm giảm hiệu quả của công tác này.
Để tăng cường hơn nữa tính chủ động, tích cực, kịp thời và hiệu quả trong công tác bảo hộ quyền và lợi ích của công dân Việt Nam di cư ra nước ngoài trong tình hình hiện nay trên địa bàn tỉnh nhằm phát huy những mặt tích cực của di cư cho sự nghiệp phát triển đất nước và giảm thiểu những tác động tiêu cực của di cư, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ thị thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh thực hiện các nhiệm vụ sau:
a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tăng cường công tác tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách, quy định pháp luật và các điều ước quốc tế trong lĩnh vực di cư ra nước ngoài cho cán bộ, công chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh;
b) Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu công tác bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng của công dân trong tỉnh di cư ra nước ngoài; triển khai các hình thức thông tin và khuyến cáo cho công dân trước khi ra nước ngoài, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố trong tỉnh vận động và khuyến khích công dân di cư ra nước ngoài thực hiện việc đăng ký công dân tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ;
c) Tăng cường kiểm tra hồ sơ, thủ tục về hộ tịch có yếu tố nước ngoài nhằm hạn chế các hiện tượng tiêu cực trong hoạt động di cư của công dân ra nước ngoài, nhất là hiện tượng lợi dụng kết hôn, cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài để buôn bán phụ nữ, trẻ em;
d) Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh (Phòng Ngoại vụ) thực hiện công tác trợ giúp pháp lý cần thiết cho công dân trong tỉnh di cư ra nước ngoài, người hồi hương tái hòa nhập.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh (Phòng Ngoại vụ) các sở, ngành tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng và triển khai các chính sách phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh có tính đến yếu tố di cư của người dân trong tỉnh ra nước ngoài và người di cư hồi hương, cụ thể là đối với công dân của tỉnh di cư ra nước ngoài, người lao động ra nước ngoài làm việc, du học, nghiên cứu và người di cư hồi hương.
3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
a) Chủ động, phối hợp với các sở, ngành có liên quan triển khai thực hiện công tác tái hòa nhập người di cư hồi hương theo chỉ đạo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; lồng ghép với công tác phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em và tiếp nhận, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về tái hòa nhập cộng đồng theo Quyết định số 17/2007/QĐ-TTg ngày 29 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ;
b) Tăng cường triển khai thực hiện công tác đào tạo định hướng, trang bị kiến thức, trình độ nghề, ngoại ngữ cho người lao động trước khi ra nước ngoài làm việc và nâng cao chất lượng đào tạo nghề nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động quốc tế; thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác tuyển dụng, đào tạo lao động Việt Nam đưa đi nước ngoài làm việc của các doanh nghiệp;
c) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan thực hiện công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin, giáo dục định hướng và khuyến cáo cho người lao động trước khi ra nước ngoài để người lao động có đầy đủ thông tin về quy định pháp luật, phong tục tập quán của nước đến làm việc; kết hợp với việc tuyên truyền cảnh báo, phòng chống di cư bất hợp pháp và buôn bán người tại các địa bàn có nhiều người di cư;
d) Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh (Phòng Ngoại vụ), Sở Thông tin và Truyền thông; các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố có liên quan thường xuyên cập nhật thông tin về người lao động của tỉnh ra nước ngoài làm việc, học tập, nghiên cứu để kịp thời, chủ động triển khai công tác bảo hộ quyền và lợi ích của người di cư được hiệu quả.
a) Chỉ đạo Công an các huyện, thành phố và các phòng, ban chức năng tăng cường tuyên truyền, tư vấn luật pháp cần thiết cho người dân khi làm thủ tục liên quan đến di cư ra nước ngoài; tiếp tục thực hiện cải cách hành chính thủ tục cấp phát giấy tờ xuất, nhập cảnh để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân xuất cảnh hợp pháp, chủ động có kế hoạch đấu tranh, ngăn chặn di cư bất hợp pháp;
b) Phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu việc xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng để quản lý hoạt động di cư của người dân trong tỉnh ra nước ngoài; trao đổi, cung cấp thông tin về người di cư hồi hương để phối hợp hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi;
c) Phối hợp với các sở, ngành có liên quan triển khai các hình thức thông tin và khuyến cáo đi lại cho công dân trước khi ra nước ngoài;
d) Phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tăng cường các biện pháp đấu tranh ngăn chặn các hình thức di cư bất hợp pháp, thực hiện bảo hộ và trợ giúp ban đầu cho công dân Việt Nam bị trục xuất hoặc được cứu hộ, cứu nạn, giải cứu và hồi hương về địa phương.
5. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh phối hợp với Công an tỉnh thực hiện nhiệm vụ quy định tại Điểm d, Khoản 4 của Chỉ thị này.
6. Sở Thông tin và Truyền thông:
a) Tham mưu xây dựng kế hoạch giúp Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cơ quan báo, đài mở chuyên trang, chuyên mục với hình thức phong phú, đa dạng nhằm tăng cường tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trên lĩnh vực di cư của công dân ra nước ngoài, phòng chống buôn bán người và phòng chống di cư bất hợp pháp trên địa bàn tỉnh;
b) Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Sở Tư pháp, Văn phòng UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố và sở, ban, ngành có liên quan tham mưu xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng để quản lý hoạt động di cư ra nước ngoài và xây dựng chuyên mục về hoạt động di cư của công dân thông qua Trang thông tin điện tử (website) của UBND tỉnh nhằm kêu gọi và phát huy tiềm năng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài;
c) Chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh (Phòng Ngoại vụ) liên hệ, phối hợp chặt chẽ và cập nhật thông tin từ các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan trong nước để nắm bắt thông tin về hoạt động di cư của người di cư ra nước ngoài nhằm có biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích của người di cư phù hợp với luật pháp quốc tế.
7. Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ và các sở, ngành liên quan: Khi cử cán bộ đi học tập, công tác ở nước ngoài thường xuyên cập nhật thông tin và hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan liên quan tình hình số lượng học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh của tỉnh theo học các chương trình học bổng của thành phố, chương trình hợp tác với nước ngoài để phối hợp trong công tác bảo hộ công dân.
8. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
a) Chủ động tổ chức tuyên truyền, giáo dục về chính sách trong lĩnh vực di cư cho cán bộ, công chức của phường, xã, thị trấn; tuyên truyền phòng chống buôn bán người và phòng chống di cư bất hợp pháp;
b) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tăng cường kiểm tra thông tin về người di cư trên địa bàn; tổ chức tiếp nhận người di cư hồi hương về địa phương khi được các cơ quan có chức năng bàn giao.
a) Tăng cường phối hợp với các sở, ngành có liên quan tuyên truyền, vận động hội viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực di cư, nâng cao nhận thức về quyền và nghĩa vụ của công dân trong hoạt động di cư ra nước ngoài;
b) Tham gia góp ý, xây dựng và hoàn thiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh có liên quan đến hoạt động di cư ra nước ngoài, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong quản lý hoạt động di cư và văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký. Yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Giao Sở Tư pháp kiểm tra, đôn đốc các đơn vị tổ chức thực hiện, định kỳ tổng hợp báo cáo UBND tỉnh./.
|
TM.
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.