ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 04/CT-UBND |
Gia Lai, ngày 09 tháng 4 năm 2023 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI
Từ đầu năm 2023 đến nay, dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được kiểm soát tốt, tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển, đảm bảo nguồn thực phẩm cung ứng cho nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, trong 03 tháng đầu năm đã xảy ra 03 trường hợp người tử vong do bệnh Dại (tại các huyện Kông Chro, Đức Cơ, Chư Sê); phát sinh 01 ổ bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tại huyện Đăk Đoa1 và một vài ổ bệnh nhỏ lẻ được phát hiện và xử lý kịp thời.
Thời gian tới khả năng dịch bệnh có thể phát sinh và lây lan trên địa bàn tỉnh rất lớn, nhất là tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, do các nguyên nhân: (1) Tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh lớn nhưng chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ trọng cao, các giải pháp chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học, vệ sinh thú y còn rất hạn chế; (2) Một số địa phương còn chủ quan, lơ là trong việc triển khai phòng, chống dịch bệnh; chưa bố trí kinh phí hoặc bố trí kinh phí không đủ cho công tác phòng, chống dịch bệnh2; (3) Tỷ lệ tiêm phòng các loại vắc xin trên đàn vật nuôi năm 2022 đạt rất thấp so với yêu cầu; tiến độ tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi năm 2023 chậm so với Kế hoạch đề ra3; (4) Thời tiết chuyển mùa, nóng ẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển, lây lan và gây bệnh;…
Để hạn chế thấp nhất dịch bệnh động vật phát sinh và lây lan trên địa bàn tỉnh, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế, giảm nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, bảo đảm nguồn cung thực phẩm trong năm 2023; UBND tỉnh yêu cầu các Giám đốc các sở, ngành, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai quyết liệt các nhiệm vụ sau:
1. UBND các huyện, thị xã, thành phố:
a) Khẩn trương hoàn thiện, phê duyệt và bố trí kinh phí để chủ động triển khai có hiệu quả Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật tại địa phương và Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2023 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 676/QĐ-UBND ngày 07/11/2022; báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) trước ngày 30/4/2023; địa phương nào không thực hiện, nếu để xảy ra dịch bệnh trên đàn vật nuôi, thủy sản thuộc địa bàn quản lý thì Chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND tỉnh.
b) Rà soát, tổ chức tiêm vắc xin phòng các bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi: Lở mồm long móng, Viêm da nổi cục, Dại,... bảo đảm tỷ lệ theo quy định; định kỳ hàng quý trước ngày 20 của tháng cuối quý, báo cáo kết quả tiêm phòng về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
c) Triển khai các đợt tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi tiêu diệt mầm bệnh; tăng cường giám sát dịch bệnh trên đàn vật nuôi, phát hiện kịp thời các trường hợp dịch bệnh mới phát sinh và xử lý dứt điểm, không để dịch bệnh lây lan, công bố dịch khi có đủ điều kiện; thực hiện điều tra ổ dịch, phân tích nguy cơ, xử lý các trường hợp để dịch bệnh lây lan theo quy định của pháp luật.
d) Nghiên cứu, chuẩn bị các điều kiện nhất là về công tác quản lý chăn nuôi, kiểm soát dịch bệnh để xây dựng các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật nhằm phát triển chăn nuôi ổn định, bền vững, chuyên nghiệp, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
đ) Tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động vật bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 338/UBND-NL ngày 18/02/2023.
e) Chỉ đạo cơ quan chuyên môn quản lý về chăn nuôi, thú y cấp huyện tăng cường phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn cấp tỉnh theo Quyết định số 821/QĐ-UBND ngày 15/8/2019 của UBND tỉnh về sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1097/QĐ-UBND ngày 12/12/2016 về ban hành quy chế quản lý, phối hợp công tác và chế độ thông tin báo cáo của các tổ chức ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp tỉnh đặt tại địa bàn cấp huyện với UBND cấp huyện; các nhân viên kỹ thuật trên địa bàn cấp xã với UBND cấp xã đảm bảo nhịp nhàng, hiệu quả.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
a) Tăng cường đôn đốc, hướng dẫn các địa phương tổ chức triển khai thực hiện nghiêm Quyết định số 676/QĐ-UBND ngày 07/11/2022 của UBND tỉnh; định kỳ tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện, đề xuất việc xử lý trách nhiệm các địa phương không thực hiện hoặc thực hiện chậm về UBND tỉnh.
b) Thành lập các đoàn công tác tổ chức hướng dẫn, đôn đốc, giám sát, kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản nuôi, đặc biệt là công tác tiêm phòng vắc xin.
c) Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y:
- Tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; chủ động phối hợp với cơ quan Quản lý thị trường và các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép; buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, chế biến các sản phẩm không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm; cung ứng, buôn bán các loại vắc xin, thuốc thú y không bảo đảm chất lượng theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức giám sát, đánh giá tình hình dịch bệnh, giám sát lưu hành vi rút, giám sát sau tiêm phòng, dự báo tình hình dịch bệnh để các địa phương có kế hoạch phòng, chống dịch hiệu quả.
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong phòng, chống dịch bệnh động vật.
d) Khẩn trương chủ trì, phối hợp với các địa phương, sở, ban, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt mạng lưới cơ sở giết mổ tập trung trên địa bàn tỉnh đến năm 2030; báo cáo, đề xuất UBND tỉnh trước ngày 30/5/2023.
e) Hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng vùng an toàn dịch bệnh động vật gắn với các vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung; các tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh động vật nhất là các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn nhằm đạt mục tiêu Kế hoạch phát triển chăn nuôi, thủy sản của tỉnh giai đoạn 2021-2025.
3. Sở Y tế: Tăng cường giám sát, phát hiện sớm những trường hợp nhiễm, nghi nhiễm các loại bệnh lây từ động vật sang người, bệnh truyền qua thực phẩm có nguồn gốc động vật, chủ động giám sát tại cộng đồng; phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh trên người, cách ly, khoanh vùng xử lý triệt để, không để dịch bệnh lây lan; sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân.
4. Sở Thông tin và Truyền thông: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; UBND các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nội dung tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng về nguy cơ, tác hại của dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch để người chăn nuôi biết, thực hiện.
5. Ban chỉ đạo 389 của tỉnh: Chỉ đạo các lực lượng tập trung ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật; đấu tranh xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép qua biên giới.
6. Các Sở, ngành cấp tỉnh có liên quan: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND cấp huyện triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh năm 2023.
Yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị này./.
|
KT. CHỦ TỊCH |
1 Làm 37 con lợn bị mắc bệnh, chết đã tiêu hủy với khối lượng 814 kg.
2 Đến nay, toàn tỉnh có 12/17 huyện, thị xã, thành phố bố trí được hơn 13,128 tỷ để mua vắc xin, hóa chất (đạt khoảng 30% kế hoạch của tỉnh); còn 05 huyện (Ia Grai, Đak Đoa, Chư Pưh, Chư Păh, Phú Thiện) chưa bố trí kinh phí để mua vắc xin, hóa chất phòng, chống dịch bệnh theo kế hoạch.
3 Hiện các địa phương vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị mua vắc xin, chưa có địa phương nào có vắc xin để tổ chức tiêm phòng.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.