ỦY BAN NHÂN DÂN
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 04/CT-UBND |
Đồng Nai, ngày 15 tháng 5 năm 2023 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN PHÒNG, CHỐNG TAI NẠN, THƯƠNG TÍCH, XÂM HẠI TRẺ EM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Thực hiện Nghị quyết số 37/NQ-HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2022 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2023 của tỉnh Đồng Nai.
Trong thời gian qua, công tác phòng, chống tai nạn, thương tích, xâm hại trẻ em luôn được các cấp, các ngành của tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện; tuy nhiên, tình trạng trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước và trẻ em bị xâm hại tình dục trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra. Để hạn chế tình hình trẻ em bị xâm hại, tai nạn, thương tích và tử vong do đuối nước trên địa bàn tỉnh, đặc biệt trong thời gian trước, trong dịp hè; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Chủ trì, phối hợp Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh, Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Nai, các sở, ban ngành, đoàn thể liên quan và UBND các huyện, thành phố Long Khánh, thành phố Biên Hòa triển khai các nội dung sau:
a) Tiếp tục xây dựng các clip tuyên truyền phòng, chống tai nạn thương tích, xâm hại trẻ em nhằm kịp thời tuyên truyền cho học sinh, phụ huynh và người chăm sóc trẻ em. Tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình, cá nhân về phòng, chống xâm hại, đặc biệt là phòng, chống tai nạn, thương tích và phòng, chống đuối nước trẻ em trong dịp chuẩn bị nghỉ hè và trong kỳ nghỉ hè.
b) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các hoạt động về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
2. Sở Giáo dục và Đào tạo
a) Chỉ đạo các đơn vị, trường học tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở, cảnh báo học sinh về phòng, chống tai nạn thương tích, xâm hại trẻ em thông qua các tiết sinh hoạt dưới cờ, Lễ Tổng kết năm học, họp phụ huynh học sinh cuối năm, tin nhắn Vnedu.... Tăng cường hướng dẫn học sinh các kỹ năng an toàn, kỹ năng bảo vệ bản thân để không bị xâm hại, lạm dụng hoặc tai nạn thương tích, đuối nước. Hướng dẫn học sinh cùng gia đình viết và ký cam kết về phòng, chống tai nạn thương tích.
b) Chỉ đạo các đơn vị, trường học thực hiện tốt công tác quản lý và bàn giao trẻ em trong dịp hè. Phối hợp kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về phòng, chống xâm hại, tai nạn, thương tích và phòng, chống đuối nước cho trẻ em.
c) Phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan tổ chức lớp tập huấn về phương pháp dạy phổ cập bơi cho học sinh và phương pháp cứu đuối cho đội ngũ giáo viên giáo dục thể chất và nhân viên cứu hộ tại các hồ bơi trên toàn tỉnh nhằm chủ động dạy bơi cho học sinh trong trường học; vận động phụ huynh trang bị kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho con em.
3. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
a) Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao cấp huyện tuyên truyền vận động các gia đình nâng cao ý thức, trách nhiệm, giám sát, nhắc nhở trẻ em về nguy cơ xảy ra thương tích, đuối nước; chủ động đưa con em tham gia học bơi, học các kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh hoạt động bơi, lặn trên địa bàn tỉnh.
b) Phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn phương pháp phổ cập bơi và cứu hộ đuối nước cho cán bộ, cộng tác viên, giáo viên làm phong trào bơi, lặn của địa phương. Hàng năm tổ chức Lễ phát động bơi, giải bơi nhằm lan tỏa đến nhân dân trên địa bàn tỉnh. Thực hiện các biện pháp nhằm tuyên truyền hiệu quả các phương pháp phòng chống đuối nước.
4. Sở Thông tin và Truyền thông: Phối hợp Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy định hướng, chỉ đạo các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cộng đồng về phòng, chống đuối nước trẻ em; phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước trẻ em, các biện pháp, kỹ năng sơ cứu, cấp cứu cho trẻ em bị đuối nước trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
5. Sở Y tế: Chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong việc thực hiện cấp cứu, điều trị trẻ em bị tai nạn thương tích; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; khám, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục. Tiếp tục xây dựng và nhân rộng mô hình “Cộng đồng an toàn” phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Thực hiện tuyên truyền về phương pháp cấp cứu khi bị đuối nước, tai nạn thương tích.
6. Công an tỉnh: Chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn xã hội; tăng cường công tác phòng ngừa tội phạm xâm hại trẻ em, tuyên truyền phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm để nhân dân cảnh giác. Điều tra, xử lý nghiêm các chủ công trình không thực hiện các biện pháp phòng ngừa dẫn đến trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích tại các công trình đã, đang thi công. Phối hợp, trao đổi thông tin về việc xử lý các vụ xâm hại trẻ em đến UBND các xã, phường, thị trấn để cán bộ làm công tác trẻ em kịp thời nắm bắt, thực hiện quy trình hỗ trợ trẻ em theo quy định.
7. Sở Giao thông vận tải: Triển khai thực hiện công tác phòng, chống tai nạn giao thông đường bộ, đường thủy cho trẻ em. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định an toàn giao thông đường thủy và an toàn trong môi trường nước cho trẻ em.
8. Sở Tài chính: Căn cứ khả năng ngân sách của tỉnh, bố trí kinh phí thực hiện phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.
9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị xã hội: Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về phòng, chống xâm hại, tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em trong tổ chức của mình; tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống xâm hại, tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em.
10. UBND các huyện, thành phố Long Khánh, thành phố Biên Hòa
a) Tổ chức triển khai thực hiện các nội dung Chỉ thị nêu trên tại địa phương. Tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống xâm hại, tai nạn, thương tích và phòng, chống đuối nước trẻ em bằng nhiều hình thức đặc biệt chú trọng tuyên truyền đến từng trường học, lớp học ấp, tổ dân phố, khu dân cư. Tăng cường chỉ đạo các đơn vị liên quan vận động phụ huynh, các gia đình chủ động cho con em tham gia các lớp học phổ cập bơi trong hè; đồng thời tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, học sinh, nhất là thời điểm trẻ thi học kỳ II xong và đợi tổng kết năm học; thời điểm nghỉ hè....
b) Rà soát, phát hiện kịp thời các nguy cơ gây tai nạn thương tích trẻ em đặc biệt là khu vực các hố công trình, hố nước, hồ ao, sông ngòi, các khu vực nước sâu nguy hiểm hệ thống thoát nước, đập nước thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để che đậy, rào chắn, cắm biển báo nhằm bảo đảm an toàn cho trẻ em. Xử lý nghiêm các chủ công trình không thực hiện các biện pháp che, đậy, rào chắn, gắn biển báo tại các hố công trình, dẫn đến trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích. Tổ chức kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật và tăng cường phối hợp liên ngành trong việc chỉ đạo công tác phòng, chống tai nạn, thương tích và phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Thực hiện tốt công tác quản lý và bàn giao trẻ em trong dịp hè. Vận động gia đình thường xuyên quan tâm, trông giữ, giám sát, nhắc nhở trẻ em các nguy cơ gây tai nạn, thương tích, đuối nước, xâm hại trẻ em.
c) Thường xuyên cập nhật tình hình trẻ em bị xâm hại, tai nạn thương tích xảy ra tại địa bàn, hỗ trợ gia đình nạn nhân, phân tích các nguyên nhân gây tai nạn thương tích cho trẻ em để đề xuất các giải pháp phòng, tránh đạt hiệu quả. Báo cáo định kỳ, đột xuất gửi về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định.
Yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thành phố Long Khánh và thành phố Biên Hòa căn cứ chức năng, nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị và kịp thời kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc; báo cáo, đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh (thông qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) xem xét, xử lý theo quy định. Chỉ thị này có hiệu lực kể từ ngày ký./.
|
KT. CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.