BỘ Y TẾ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 04/CT-BYT |
Hà Nội, ngày 15 tháng 03 năm 2016 |
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG GIẢI QUYẾT TÌNH TRẠNG MẤT CÂN BẰNG GIỚI TÍNH KHI SINH
Trong thời gian qua, ngành Y tế đã phối hợp với các địa phương triển khai nhiều hoạt động cụ thể nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và bước đầu đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, tỷ số giới tính khi sinh vẫn ở mức cao và có xu hướng lan rộng ra các tỉnh, thành phố trên cả nước, Điều này sẽ dẫn đến những hệ lụy ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định, bền vững. Mất cân bằng giới tính khi sinh có nguyên nhân tổng hợp từ các yếu tố văn hóa, xã hội, kinh tế và là một vấn đề liên quan đến phong tục tập quán lâu đời của người dân, thêm vào đó thực tế một số địa phương chưa thực sự quyết liệt, triệt để can thiệp; tình trạng lạm dụng kỹ thuật, công nghệ trong việc chẩn đoán và can thiệp lựa chọn giới tính thai nhi vẫn còn khá phổ biến nên việc kiềm chế tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh còn nhiều thách thức.
Nhằm tăng cường kiểm soát có hiệu quả tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh và tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu:
1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
a) Đưa chỉ tiêu về tỷ số giới tính khi sinh vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của địa phương.
b) Tăng cường đầu tư cho các hoạt động kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh.
c) Chỉ đạo chính quyền các cấp, Sở Y tế và các Sở, Ban ngành liên quan đẩy mạnh, tăng cường phối hợp thực hiện các giải pháp can thiệp và xây dựng, ban hành các chính sách của địa phương nhằm giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.
2. Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng Y tế các Bộ, ngành
a) Tăng cường tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố các Bộ, ngành bố trí kinh phí, ban hành kế hoạch can thiệp nhằm giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại địa phương.
b) Tăng cường phối hợp liên ngành, tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở cung cấp dịch vụ liên quan đến chẩn đoán giới tính thai nhi và phá thai; các cơ sở sản xuất, kinh doanh các loại ấn phẩm, sản phẩm truyền thông có nội dung liên quan đến lựa chọn giới tính; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
c) Đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục về thực trạng, nguyên nhân và hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh và quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi như Pháp lệnh Dân số, Nghị định số 104/2003/NĐ ngày 16/9/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Pháp lệnh Dân số, Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế .... Đồng thời chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến các luật như: Luật bình đẳng giới; Luật phòng, chống bạo lực gia đình; Luật hôn nhân và gia đình... phổ biến các luật nêu cao vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện nay.
d) Tập huấn bắt buộc các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi cho đội ngũ cán bộ y tế cung cấp các dịch vụ có liên quan đến khả năng lựa chọn giới tính thai nhi.
e) Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các hoạt động giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh tại địa phương.
g) Định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị về Bộ Y tế (Tổng cục Dân Số - Kế hoạch hóa gia đình) trước ngày 10/12.
3. Giám đốc các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, các Bộ ngành khác
a) Tuyên truyền, phổ biến và tư vấn quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi cho đội ngũ cán bộ y tế cung cấp các dịch vụ có liên quan đến khả năng lựa chọn giới tính thai nhi, các bà mẹ mang thai và gia đình họ.
b) Kiểm tra, giám sát các dịch vụ liên quan đến xác định giới tính trước sinh và phá thai, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi.
c) Hướng dẫn các bệnh viện tuyến dưới không cung cấp dịch vụ liên quan đến khả năng lựa chọn giới tính thai nhi, thực hiện đúng quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi.
d) Định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị về Bộ Y tế (Tổng cục Dân Số - Kế hoạch hóa gia đình) trước ngày 10/12.
4. Thanh tra Bộ Y tế: Làm đầu mối, phối hợp với các Vụ, Cục, Tổng cục, Văn Phòng của Bộ Y tế tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất việc thực hiện quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi.
5. Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng: Làm đầu mối phối hợp với Tổng cục Dân Số - Kế hoạch hóa gia đình và các đơn vị liên quan có trách nhiệm tuyên truyền, tăng cường cung cấp thông tin về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh và những nội dung liên quan trên các phương tiện thông tin đại chúng; Khuyến khích, động viên, khen thưởng các cá nhân, tổ chức thực hiện tốt công tác này.
6. Tổng cục Dân Số - Kế hoạch hóa gia đình
a) Tăng cường hướng dẫn các tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp, hoạt động nhằm kiểm soát tỷ số giới tính khi sinh: truyền thông, giáo dục và vận động nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi; triển khai thực hiện các mô hình nhằm nâng cao vị thế phụ nữ và trẻ em gái; Nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật về cấm lựa chọn giới tính thai nhi.
b) Tăng cường hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi.
c) Làm đầu mối phối hợp với Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Thanh tra Bộ Y tế, Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng và các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra thực hiện Chỉ thị; định kỳ hàng năm tổng kết kết quả thực hiện Chỉ thị và báo cáo Bộ Y tế./.
|
BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.