ỦY BAN NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 04/2009/CT-UBND |
Sóc Trăng, ngày 07 tháng 8 năm 2009 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH ĐỐI VỚI GIA SÚC, GIA CẦM VÀ THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SÓC TRĂNG.
Tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng trong các năm gần đây diễn biến phức tạp và gây thiệt hại nặng nề. Riêng năm 2008, dịch cúm gia cầm đã tiếp tục tái phát trên địa bàn các huyện Ngã Năm, Thạnh Trị, Mỹ Xuyên và Mỹ Tú; hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản ở heo xảy ra tại các huyện Mỹ Xuyên, Thạnh Trị, Vĩnh Châu, Long Phú và Kế Sách; dịch bệnh thủy sản cũng không ngừng gia tăng với mức độ lây nhiễm nhanh và rộng, làm thiệt hại hơn 10.000 ha tôm nuôi.
Để chủ động phòng, chống, ngăn ngừa có hiệu quả dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng ở gia súc, hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản ở heo và dịch bệnh thủy sản theo tinh thần Công điện số 214/CĐ-TTg, ngày 10/02/2009 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 1141/CT-BNN-TY, ngày 28/4/2009 và Công điện số 05/CĐ-BNN-TY, ngày 03/02/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng chỉ thị:
1. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cúm gia cầm và lở mồm long móng, các Sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ sau:
a) Duy trì hoạt động, tổ chức họp giao ban định kỳ để theo dõi tình hình, diễn biến dịch bệnh; triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống, giám sát dịch bệnh đến từng hộ và cơ sở chăn nuôi theo phương châm “Phòng là chính, cơ sở là chính, người dân là chính” và “Chủ động phát hiện sớm, bao vây ổ dịch”, không để mầm bệnh lây lan ra thành dịch trên diện rộng.
b) Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, thường xuyên cập nhật thông tin, diễn biến tình hình, chủ trương, chính sách và biện pháp phòng, chống dịch để các ngành, các cấp và nhân dân nắm bắt, chủ động tổ chức thực hiện công tác phòng, chống dịch kịp thời.
c) Xác định công tác phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở động vật và thủy sản là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và trách nhiệm của toàn dân; không để dịch bệnh từ động vật lây lan sang người.
d) Nghiêm túc kiểm điểm, phê bình chính quyền, thú y địa phương không phát hiện, phát hiện chậm, không báo cáo và không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp UBND các huyện, thành phố, các Sở, ngành liên quan:
a) Công khai quy hoạch phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghiệp, bền vững, an toàn sinh học và đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh thú y.
b) Chỉ đạo Chi cục Thú y tăng cường kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm dịch động vật, giống thủy sản, kiểm soát giết mổ; phối hợp lực lượng Quản lý thị trường, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát kinh tế kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, giống thủy sản từ vùng có dịch, không rõ nguồn gốc; thực hiện đồng bộ các biện pháp an toàn sinh học, vệ sinh môi trường trong phòng, chống dịch.
c) Tổ chức tiêm phòng bắt buộc đối với gia súc, gia cầm (trọng tâm là tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm, lở mồm long móng) theo kế hoạch đã được phê duyệt, đảm bảo miễn dịch đồng đều, khép kín trên các đối tượng được tiêm phòng; thực hiện tốt công tác giám sát dịch tễ đối với đàn gia súc, gia cầm đã tiêm phòng, giám sát huyết thanh, virus ở các chợ mua bán gia cầm sống.
d) Tổ chức quan trắc cảnh báo môi trường dịch bệnh thủy sản; tăng cường giám sát, xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh; triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật trong phòng, chống dịch bệnh thủy sản theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
e) Củng cố, kiện toàn tổ chức hệ thống Thú y (đặc biệt là Thú y cơ sở). Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch bệnh động vật và thủy sản. Thành lập đoàn kiểm tra công tác thực hiện phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản.
3. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các Đoàn thể tỉnh, cơ quan thông tin đại chúng và địa phương tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, vận động người dân nhận thức đúng, đầy đủ về sự nguy hiểm, nguy cơ lây truyền dịch bệnh để tích cực tham gia phòng, chống.
4. Sở Tài chính phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố đề xuất kinh phí phòng, chống dịch, hỗ trợ nông dân có gia súc, gia cầm bị tiêu hủy, tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm, lở mồm long móng, hỗ trợ bảo vệ đàn gia cầm giống; đồng thời có kế hoạch đề nghị Trung ương hỗ trợ khẩn cấp khi xảy ra dịch bệnh nguy hiểm; tổ chức kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí phòng chống dịch, kinh phí hỗ trợ tiêu hủy động vật.
5. Sở Y tế chủ động xây dựng phương án phòng, chống dịch cúm A (H5N1, H1N1) ở người, hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa chủ động và hiệu quả, phối hợp các cơ quan liên quan giám sát dịch tễ, kịp thời phát hiện, cứu chữa kịp thời, ngăn chặn không để dịch xảy ra và lây lan diện rộng.
6. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
a) Tổ chức thực hiện nghiêm Quyết định số 1405/QĐ-TTg, ngày 16/10/2007 của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư số 92/2007/TT-BNN, ngày 19/11/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Kế hoạch số 02/KH-UBND, ngày 24/3/2008 của UBND tỉnh Sóc Trăng về việc thực hiện Quyết định số 1405/QĐ-TTg, ngày 16/10/2007 của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường kiểm tra, xử lý, tiêu hủy các đàn gia súc, gia cầm nhiễm bệnh, không hỗ trợ các đàn thủy cầm không khai báo đăng ký nuôi mới tại địa phương và không tiêm phòng.
Nghiêm cấm việc nuôi thủy cầm, gia cầm, chim cảnh, giết mổ gia cầm và mua bán gia cầm sống trong nội thành, nội thị và khu vực đông dân cư. Quy định rõ các chợ và khu vực buôn bán gia cầm sống ở nông thôn.
b) Tổ chức tiêm và tiêm bổ sung vắc xin các đàn gia cầm, thủy cầm, gia súc theo kế hoạch. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc có liên quan, đoàn thể phối hợp ngành Thú y hướng dẫn các biện pháp an toàn sinh học, vệ sinh môi trường, kiểm soát thú y trong chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm.
c) Thành lập đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh đến tận cơ sở chăn nuôi, hộ gia đình, đặc biệt là công tác tiêm phòng cúm gia cầm, lở mồm long móng, các bệnh khác theo quy định. Thành lập tổ giám sát dịch bệnh cấp xã với sự tham gia của chính quyền, cơ quan thú y, y tế và các đoàn thể địa phương.
d) Các địa phương có dịch phải công bố công khai theo quy định pháp luật, áp dụng đồng bộ các biện pháp và huy động lực lượng phòng, chống dịch; kiểm soát chặt chẽ khu vực có dịch, nghiêm cấm vận chuyển gia súc, gia cầm ra ngoài vùng dịch, vệ sinh tiêu độc khử trùng, tiêm phòng vắc xin khu vực quanh ổ dịch, không để lây lan. Đối với thủy sản, khi có dịch phải tiến hành xử lý theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, tuyệt đối không được xả nước thải trực tiếp từ ao nuôi có bệnh ra sông, kênh, rạch. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
e) Chủ động cân đối ngân sách địa phương cho phòng, chống dịch và hỗ trợ kịp thời người chăn nuôi có gia súc, gia cầm bị tiêu hủy theo Quyết định số 719/QĐ-TTg, ngày 05/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.
Công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, thủy sản là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm, ngăn chặn không để lây sang người. Thủ trưởng các Sở, Ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn, các tổ chức và nhân dân trong tỉnh phải tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện; thường xuyên báo cáo tình hình, kết quả về Ủy ban nhân dân tỉnh.
Nơi nhận: |
TM . ỦY BAN
NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.