ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 04/2007/CT-UBND |
Cao Bằng, ngày 07 tháng 3 năm 2007 |
VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC SOẠN THẢO, BAN HÀNH VÀ KIỂM TRA, XỬ LÝ VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT
Công tác soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004 và công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật theo Nghị định số 135/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ, đã được triển khai thực hiện ở địa phương, bước đầu đã đạt được một số kết quả, góp phần tích cực trong việc đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước ở địa phương, từng bước nâng cao chất lượng và lập lại kỷ cương trong công tác soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp.
Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện công tác soạn thảo, ban hành và công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật theo quy định vẫn còn nhiều tồn tại yếu kém cụ thể như:
- Đối với công tác soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các cấp, các ngành là cơ quan chuyên môn của Uỷ ban nhân dân khi được giao soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân chưa thực hiện nghiêm chỉnh, đầy đủ theo quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Qua công tác kiểm tra của đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh về công tác soạn thảo, ban hành và kiểm tra xử lý văn bản quy phạm pháp luật đối với Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân một số huyện trong năm 2005 và 2006 thấy một số địa phương chưa thực hiện quy trình soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ở cấp mình, các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành còn nhiều sai sót, phổ biến nhất là sai về thành phần, thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản.
- Đối với công tác kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật nhìn chung đã tích cực tổ chức thực hiện và dần dần đưa hoạt động kiểm tra đi vào nề nếp, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, chưa hoạt động đồng bộ. Hàng năm Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch về xây dựng, kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật chung cho toàn tỉnh, nhưng các địa phương tổ chức triển khai còn chậm, chưa thường xuyên. Một số địa phương lãnh đạo chưa thực sự quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiên công tác kiểm tra văn bản nhất là khâu công tác tự kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật do cấp mình ban hành dẫn đến chưa phát hiện và xử lý kịp thời những văn bản trái pháp luật.
Nguyên nhân của tình trạng trên là: Các cấp chính quyền địa phương, lãnh đạo các ngành là cơ quan chuyên môn của Uỷ ban nhân dân các cấp chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác soạn thảo, ban hành và kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; việc tổ chức và thực hiện theo các quy trình bắt buộc như thẩm định, trình tự xem xét thông qua chưa nghiêm; việc gửi văn bản đến cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra chưa kịp thời, chưa đúng quy định; chưa chú trọng kiện toàn đội ngũ làm công tác văn bản, nhất là ở cấp huyện còn thiếu về số lượng, hạn chế về trình độ chuyên môn; cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc chưa đáp ứng yêu cầu của công tác xây dựng, kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật.
Để tăng cường chất lượng công tác soạn thảo, ban hành và kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian tới Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ thị: Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã có trách nhiệm chỉ đạo, thực hiện đối với công tác văn bản như sau:
I. Công tác soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật
1. Văn phòng Uỷ ban nhân tỉnh có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp lập dự kiến chương trình xây dựng Quyết định, Chỉ thị của Uỷ ban nhân dân tỉnh để trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định tại phiên họp tháng một hàng năm.
- Đối với Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh việc lập chương trình do Thường trực Hội đồng nhân dân chủ trì phối hợp với Uỷ ban nhân dân lập dự kiến xây dựng Nghị quyết hàng năm theo quy định.
2. Để đảm bảo nguyên tắc "Nhân dân tham gia vào quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân". Căn cứ vào tính chất và nội dung của dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan được giao nhiệm vụ soạn thảo có trách nhiệm tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức, nhân dân tham gia góp ý kiến vào dự thảo văn bản; có trách nhiệm tổng hợp, nghiên cứu và tiếp thu chỉnh lý dự thảo.
- Đối với các cơ quan, tổ chức được hỏi ý kiến phải có trách nhiệm nghiên cứu và góp ý kiến đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật bằng văn bản.
3. Việc thẩm định và trình tự xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân và Quyết định, Chỉ thị của Uỷ ban nhân dân.
a) Đối với việc thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật:
- Thẩm định là khâu bắt buộc trong việc soạn thảo, ban hành Quyết định, Chỉ thị của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện, các dự thảo Quyết định, Chỉ thị là văn bản quy phạm pháp luật của Uỷ ban nhân dân phải được cơ quan Tư pháp cùng cấp thẩm định trước khi trình Uỷ ban nhân dân thông qua. Cơ quan soạn thảo có trách nhiệm lập Hồ sơ và gửi Hồ sơ thẩm định đến cơ quan Tư pháp đúng thủ tục và thời gian quy định.
Đối với Nghị quyết Hội đồng nhân dân cấp tỉnh do Uỷ ban nhân dân tỉnh trình phải được cơ quan Tư pháp cùng cấp thẩm định trước khi trình Uỷ ban nhân dân xem xét, thông qua.
b) Trình tự xem xét thông qua dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân nhân.
- Đối với dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân do Uỷ ban nhân dân trình và dự thảo Quyết định, Chỉ thị của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện thì Uỷ ban nhân dân có trách nhiệm xem xét, thảo luận tập thể và quyết định theo đa số để quyết định:
+ Trình hay không trình dự thảo Nghị quyết Hội đồng nhân dân ra Hội đồng nhân dân cùng cấp;
+ Ban hành hay không ban hành dự thảo Quyết định, Chỉ thị của Uỷ ban nhân dân.
- Việc xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết Hội đồng nhân dân các cấp theo một quy trình chặt chẽ và được quy định cụ thể tại các Điều 29, 32, 33 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2004.
II. Công tác kiểm tra, rà soát và xử lý văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật
1. Công tác kiểm tra văn bản theo thẩm quyền phải được thường xuyên thực hiện ở các địa phương. Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp thực hiện việc kiểm tra văn bản, hàng năm chủ động tham mưu cho Uỷ ban nhân dân xây dựng kế hoạch, đề xuất thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra tình hình ban hành văn bản quy pham pháp luật ở địa phương.
2. Công tác tự kiểm tra phải được tổ chức thực hiện thường xuyên để kiểm tra các văn bản do cấp mình ban hành. Giám đốc Sở Tư pháp, Trưởng Phòng Tư pháp, Trưởng Ban Tư pháp cấp xã là đầu mối giúp Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân cùng cấp thực hiện việc tự kiểm tra văn bản, lãnh đạo các cơ quan chuyên môn của Uỷ ban nhân dân có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc cán bộ pháp chế, phối hợp với cơ quan Tư pháp thực hiện việc tự kiểm tra và đề xuất hướng xử lý đối với những văn bản trái pháp luật, những văn bản cần sửa đổi bổ sung thuộc lĩnh vực ngành mình quản lý.
- Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các địa phương chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan chuyên môn cấp mình thực hiện công tác tự kiểm tra khi có yêu cầu của cơ quan kiểm tra cấp trên, khi có khiếu nại hoặc có các thông tin về văn bản có dấu hiệu trái pháp luật và có biện pháp xử lý kịp thời theo thẩm quyền đối với những văn bản trái pháp luật đó.
3. Công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật.
Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, công chức Tư pháp xã có trách nhiệm chủ trì phối hợp với văn phòng Uỷ ban nhân dân các cấp, các cơ quan chuyên môn của Uỷ ban nhân dân các cấp rà soát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân của cấp mình.
- Nếu phát hiện văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, mâu thuẫn chồng chéo, không còn phù hợp hoặc có những quy định cần sửa đổi, bổ sung phải kịp thời báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp xử lý hoặc đề nghị, kiến nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đình chỉ, sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ hoặc bãi bỏ văn bản đó.
- Định kỳ sáu tháng một lần lập danh mục văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp mình đã hết hiệu lực thi hành để trình Uỷ ban nhân dân cùng cấp ra Quyết định công bố.
III. Kiện toàn tổ chức, tăng cường cơ sở vật chất và tổ chức thực hiện
1. Giám đốc Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với Giám đốc Sở Tư pháp chỉ đạo, kiểm tra và xây dựng đề án kiện toàn tổ chức, biên chế công chức làm công tác pháp chế ngành, chú trọng bố trí biên chế cho cơ quan Tư pháp các cấp đáp ứng thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao.
2. Giám đốc Sở Tài chính trên cơ sở cân đối ngân sách của địa phương bố trí cấp kinh phí cho công tác xây dựng và kiểm tra văn bản, trang bị các điều kiện vật chất cần thiết, trong đó có kinh phí để xây dựng hệ cơ sở dữ liệu kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật.
- Hướng dẫn, kiểm tra việc sử dụng kinh phí theo đúng quy định pháp luật.
3. Lãnh đạo các sở, ban, ngành là cơ quan chuyên môn của Uỷ ban nhân dân khi đươc giao soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân phải có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện đúng theo trình tự thủ tục soạn thảo ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trước khi trình Uỷ ban nhân dân thông qua.
4. Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp đề cao kỷ luật kỷ cương, tuân thủ nguyên tắc pháp chế trong công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, không căn cứ vào đặc thù của địa phương ban hành văn bản quy phạm pháp luật trái với văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, văn bản quy phạm pháp luật của cấp trên.
- Chỉ ký chứng thực đối với nghị quyết của Hội đồng nhân dân; ký ban hành Quyết định, Chỉ thị của Uỷ ban nhân dân khi các dự thảo văn bản đó đã thực hiện đầy đủ các trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật.
- Định kỳ 6 tháng, hàng năm báo cáo kết quả công tác xây dựng, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của cấp mình trước Uỷ ban nhân dân cấp trên (thông qua cơ quan Tư pháp).
5. Tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ về công tác xây dựng, kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác văn bản thuộc các Ban Pháp chế ngành, Phòng Tư pháp huyện, công chức Tư pháp xã. Giao cho Giám đốc Sở Tư pháp phối hợp với các cơ quan chuyên môn có liên quan của Uỷ ban nhân dân tỉnh hàng năm xây dựng kế hoạch tập huấn nghiệp vụ và triển khai kịp thời các văn bản pháp luật có liên quan đến việc xây dựng, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương.
6. Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm phối hợp với Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện chỉ thị này, định kỳ 6 tháng, hàng năm tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh về kết quả công tác xây dựng kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương.
Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn của Uỷ ban nhân dân tỉnh; Chủ tịch Hội đồng nhân dân và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã tổ chức quán triệt và chịu trách nhiệm thực hiện Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc báo cáo về Uỷ ban nhân dân tỉnh để kịp thời chỉ đạo.
Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký./.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.