ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 04/2006/CT-UBND |
Thủ Dầu Một, ngày 27 tháng 02 năm 2006 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC CHẤN CHỈNH VÀ TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ CÔNG TÁC ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CƠ BẢN.
Trong năm 2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình và các Thông tư hướng dẫn, Quyết định của các Bộ ngành liên quan đã ảnh hưởng ít nhiều đến công tác quản lý đầu tư và xây dựng của cả nước. Quán triệt và thực hiện đúng theo các quy định mới ban hành, Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở ban ngành, các chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan đã nỗ lực để thực hiện tốt công tác đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh các kết quả đạt được trong 2005, vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục nhằm thực hiện tốt hơn công tác quản lý, chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản; Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan thực hiện một số nội dung sau:
1. Công tác chuẩn bị đầu tư:
Việc đầu tư xây dựng công trình phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, quy hoạch xây dựng, bảo đảm an toàn xã hội và an toàn môi trường, phù hợp với các quy định của pháp luật về đất đai và các pháp luật khác có liên quan.
Trước khi trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư, đơn vị đề xuất chủ trương phải có văn bản thỏa thuận với các sở, ngành chuyên môn về quy mô đầu tư.
Đối với các dự án cần phải thanh lý công trình hiện hữu, yêu cầu chủ đầu tư phải có báo cáo rõ ngay từ lúc xin chủ trương đầu tư. Không chấp thuận trường hợp sau khi dự án được duyệt mới xin chủ trương thanh lý. Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện các chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh trước khi thẩm định dự án đầu tư.
Hạn chế tiến tới chấm dứt tình trạng khi dự án đã duyệt, các chủ đầu tư đề nghị bổ sung thêm một số hạng mục, dẫn đến phải điều chỉnh quy mô ban đầu của dự án. Trường hợp phải bổ sung, điều chỉnh, yêu cầu phải giải trình rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tổ chức – cá nhân có liên quan.
2. Công tác lựa chọn tư vấn thực hiện đầu tư:
Các tổ chức, cá nhân khi tham gia tư vấn xây dựng phải có đủ điều kiện năng lực phù hợp với loại dự án, cấp công trình theo quy định của Nhà nước.
Chủ đầu tư căn cứ vào các điều kiện năng lực được quy định để lựa chọn tư vấn và chịu trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân tỉnh về những thiệt hại do việc lựa chọn tư vấn không đủ điều kiện năng lực phù hợp với công việc. Các Sở quản lý chuyên ngành chịu trách nhiệm tổ chức kiểm tra và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
Thực hiện việc chỉ định thầu và đấu thầu tư vấn theo đúng quy định. Đối với các công trình phải thực hiện bước lập dự án đầu tư và bước thiết kế - dự toán, nếu giá trị gói thầu tư vấn thiết kế theo quy định phải đấu thầu, yêu cầu chủ đầu tư tổ chức đấu thầu tư vấn thiết kế ngay từ bước lập dự án đầu tư.
Việc trình duyệt vốn chuẩn bị đầu tư là cơ sở để thực hiện lựa chọn tư vấn, chủ đầu tư phải lập và trình duyệt trước khi thực hiện tư vấn thiết kế. Kho bạc Nhà nước chịu trách nhiệm kiểm tra và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
3. Công tác khảo sát thiết kế:
Chủ đầu tư chỉ đạo tư vấn thiết kế chú trọng đặc biệt công tác khảo sát địa chất, địa chất thủy văn công trình và thực hiện đúng nhiệm vụ giám sát tác giả. Công tác nghiệm thu hồ sơ khảo sát thiết kế không chỉ thực hiện trên hồ sơ hoàn thành mà phải được kết hợp kiểm tra, nghiệm thu chi tiết trên hiện trường để đảm bảo tính chính xác và khả thi của hồ sơ.
Đối với các công việc phát sinh, điều chỉnh thiết kế do lỗi của tư vấn gây ra, tư vấn có trách nhiệm lập hồ sơ phát sinh điều chỉnh và không được tính thêm bất kỳ chi phí nào thuộc công tác tư vấn thiết kế. Đối với các hoạt động tư vấn khác cũng áp dụng tương tự.
4. Công tác giải phóng mặt bằng:
Sau khi dự án hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật được phê duyệt, chủ đầu tư phải tổ chức thực hiện ngay công tác giải phóng mặt bằng; chú trọng phối hợp tốt với chính quyền địa phương các cấp để đẩy nhanh tiến độ giải tỏa và đảm bảo tiến độ thi công.
5. Công tác thẩm định, thẩm tra hồ sơ xây dựng:
Việc tổ chức thẩm định của các Sở quản lý chuyên ngành và việc thẩm tra của các tổ chức tư vấn phải đúng theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của các Bộ ngành liên quan. Thời gian thẩm định, thẩm tra không kéo dài quá thời gian quy định.
Các báo cáo thẩm định, thẩm tra được lập theo đúng mẫu. Kết luận của báo cáo rõ ràng, cụ thể (đủ hay không đủ điều kiện để trình duyệt).
Chủ đầu tư khi thuê các tổ chức tư vấn thẩm tra phải chịu trách nhiệm về điều kiện năng lực của tư vấn. Đơn vị thẩm định, thẩm tra chịu trách nhiệm theo quy định của Luật xây dựng đối với các báo cáo thẩm định, thẩm tra của đơn vị.
6. Công tác đấu thầu và chỉ định thầu thi công:
Chủ đầu tư thực hiện hoặc thuê tư vấn thực hiện công tác đấu xét thầu theo đúng các quy định của Nhà nước về đấu thầu.
Việc thông báo mời thầu phải đảm bảo 3 kỳ liên tục. Khi đăng thông tin mời thầu trên báo, thông báo mời thầu buộc phải có đăng trên một báo phát hành rộng rãi trong cả nước (Báo Sài gòn Giải phóng, Lao động, Thanh niên,….). Riêng các gói thầu có quy mô nhỏ (giá trị xây lắp dưới 2 tỷ đồng), chủ đầu tư được phép chỉ đăng thông báo mời thầu trên báo địa phương. Thời gian phát hành hồ sơ mời thầu phải kéo dài tối thiểu là 7 ngày.
Các gói thầu theo quy định được phép chỉ định thầu, yêu cầu lựa chọn nhà thầu đủ điều kiện năng lực và ưu tiên chọn nhà thầu chấp thuận tiết kiệm cho Ngân sách Nhà nước ít nhất là 5% trên giá trị xây lắp được quyết toán.
7. Công tác tổ chức thi công xây dựng và nghiệm thu:
Chủ đầu tư và các tư vấn quản lý dự án cần chấn chỉnh và tăng cường công tác giám sát trong thi công xây dựng dự án. Để thực hiện tốt nội dung này, phải chú trọng công tác tuyển chọn tư vấn giám sát thi công có chất lượng và kinh nghiệm.
Việc tổ chức nghiệm thu công trình phải đúng khối lượng, chất lượng theo thiết kế được duyệt và các tiêu chuẩn của ngành. Kiên quyết chống tình trạng quan liêu, không theo dõi sát công trình thi công xây dựng; nghiêm cấm tuyệt đối nghiệm thu khống khối lượng, gian lận trong thanh toán.
Các sở quản lý chuyên ngành thực hiện công tác kiểm tra chất lượng xây dựng cơ bản của ngành; có báo cáo kết quả kiểm tra, nhất là các sai phạm trong thực hiện đầu tư xây dựng, định kỳ hàng quý gửi báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh; chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh khi công trình thi công xây dựng trên địa bàn tỉnh xảy ra sự cố làm nguy hại đến tính mạng của người dân, bất kể từ nguồn vốn đầu tư nào (đặc biệt lưu ý đến các công trình cầu, đường giao thông, nhà cao tầng).
8. Thanh quyết toán công trình và kết thúc dự án:
Sau các đợt nghiệm thu khối lượng, chủ đầu tư thực hiện ngay thủ tục để được thanh toán vốn, tránh dồn vào cuối năm.
Khi dự án đủ điều kiện quyết toán, chủ đầu tư có trách nhiệm lập báo cáo quyết toán theo quy định của Bộ Tài chính. Nhằm đẩy nhanh tiến độ quyết toán vốn đầu tư xây dựng, sở Tài chính hoặc chủ đầu tư có báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh việc thuê kiểm toán để báo cáo quyết toán vốn đầu tư. Giao sở Tài chính có văn bản đến các chủ đầu tư về thời hạn thực hiện thanh quyết toán; có xử phạt nếu đơn vị thực hiện quyết toán, chủ đầu tư hoặc đơn vị thi công thực hiện không đúng thời gian quy định.
Các vấn đề phát sinh ngoài nội dung của hồ sơ chưa được cấp thẩm quyến chấp thuận sẽ không thực hiện việc thanh quyết toán. Trường hợp trễ hạn hợp đồng mà không có ý kiến xử lý của cấp thẩm quyền, yêu cầu đơn vị quyết toán thực hiện phạt trễ hạn theo hợp đồng được ký kết.
Khi sắp hết hạn bảo hành công trình, chủ đầu tư phải báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để cho ý kiến chỉ đạo về việc phúc tra trước khi giải ngân chi phí bảo hành công trình. Kho bạc Nhà nước chịu trách nhiệm kiểm tra chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh trước khi giải ngân chi phí này.
9. Phối kết hợp trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật:
Các dự án đầu tư xây dựng có liên quan đến nhiều ngành, yêu cầu chủ đầu tư lấy ý kiến bằng văn bản của các ngành có liên quan.
Đối với các dự án có di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật được đầu tư từ nguồn vốn của các đơn vị có kinh doanh như điện, cấp thoát nước, bưu điện,.... Chủ đầu tư phải xem xét kỹ và trình đúng nguồn vốn di dời (vốn ngân sách hay vốn đơn vị chủ quản). Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm kiểm tra trước khi trình phê duyệt. Các đơn vị quản lý khai thác công trình chịu trách nhiệm về văn bản cam kết của các đơn vị xin phép đầu tư các cơ sở hạ tầng này.
Chủ đầu tư tổ chức tốt việc đầu tư đồng bộ và phối hợp thi công của các cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Nếu có ngành, đơn vị không phối hợp hoặc cố tình kéo dài thời gian làm ảnh hưởng đến tiến độ chung, chủ đầu tư báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để kịp thời giải quyết.
10. Dân chủ ở cơ sở trong công tác quản lý đầu tư và xây dựng:
Tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 04/2002/CT-CT ngày 15/3/2002 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về dân chủ ở cơ sở trong công tác quản lý đầu tư và xây dựng.
Chủ đầu tư quán triệt và thực hiện đúng việc công bố công khai nội dung quyết định đầu tư, kế hoạch tiến độ đầu tư (tên dự án, quy mô xây dựng, phạm vi chiếm đất, vốn đầu tư, nguồn vốn, chủ đầu tư, tiến độ thực hiện,…) tại địa điểm thực hiện dự án đầu tư và tại Hội đồng nhân dân – Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có dự án để nhân dân biết, tham gia giám sát, kiểm tra. Chủ đầu tư có trách nhiệm trả lời những thắc mắc của Hội đồng nhân dân nơi có dự án đầu tư.
Chỉ thị này được phổ biến rộng rãi đến các sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, các chủ đầu tư, các Ban Quản lý dự án, các nhà thầu tư vấn đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã có trách nhiệm triển khai đến Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn để thực hiện tốt công tác quản lý đầu tư và xây dựng./.
Nơi nhận : |
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.