ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03/CT-UBND |
Hà Nam, ngày 22 tháng 07 năm 2016 |
Trong những năm qua, công tác kiểm tra, giám sát chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh đang triển khai đầu tư xây dựng nhiều công trình thuộc các chuyên ngành, trong đó có các công trình trọng điểm quy mô lớn. Qua kiểm tra thực tế, một số công trình có hiện tượng không đảm bảo về chất lượng, tiến độ thi công còn chậm, một số công trình thiết kế bị thay đổi nhiều lần làm lãng phí vốn đầu tư...làm giảm hiệu quả đầu tư xây dựng công trình.
Nguyên nhân chủ yếu là do một số đơn vị, cá nhân chưa làm hết trách nhiệm được giao trong công tác kiểm tra, giám sát chất lượng: Chủ đầu tư chưa quản lý, giám sát chặt chẽ các khâu liên quan đến chất lượng của các nhà thầu tham gia hoạt động xây dựng theo quy định, theo hợp đồng; tư vấn giám sát không sâu sát công việc, chưa tuân thủ quy trình giám sát; một số nhà thầu chưa tuân thủ các quy định về thi công, an toàn lao động trong quá trình thi công.
Để tăng cường công tác, kiểm tra, giám sát nâng cao chất lượng trong quá trình xây dựng công trình kể từ khi chuẩn bị đầu tư, thi công xây dựng đến khi nghiệm thu công trình vào khai thác sử dụng phải tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:
Thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư được quy định tại Điều 68 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13, trong đó đặc biệt chú ý:
- Xác định yêu cầu, nội dung nhiệm vụ lập dự án; cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết trong trường hợp thuê tư vấn lập dự án; tổ chức nghiệm thu kết quả lập dự án và lưu trữ hồ sơ dự án đầu tư xây dựng;
- Lựa chọn các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định của Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 và các quy định khác có liên quan;
- Kiểm tra, giám sát thực hiện dự án; định kỳ báo cáo việc thực hiện dự án với người quyết định đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
- Ngay sau khi khởi công xây dựng, chủ đầu tư phải có Văn bản báo cáo các thông tin có liên quan công trình, gửi đơn vị quản lý công trình xây dựng có thẩm quyền để có kế hoạch kiểm tra trong quá trình thi công làm cơ sở thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu thi công và khi hoàn thành thi công xây dựng theo quy định;
- Về quản lý chất lượng công trình xây dựng của chủ đầu tư:
+ Phê duyệt nhiệm vụ khảo sát xây dựng; giám sát, kiểm tra năng lực nhà thầu khảo sát xây dựng trong quá trình thực hiện; đình chỉ khi phát hiện sai phạm so với phương án khảo sát đã được phê duyệt hoặc quy định của hợp đồng;
+ Lập hoặc thuê tổ chức cá nhân có năng lực phù hợp lập nhiệm vụ thiết kế xây dựng công trình và phê duyệt nhiệm vụ thiết kế; giám sát, kiểm tra năng lực thực tế của nhà thầu thiết kế xây dựng; phê duyệt hồ sơ thiết kế để được thẩm định, phê duyệt;
+ Thường xuyên giám sát, kiểm tra năng lực thi công của nhà thầu thi công. Chấp thuận các nội dung liên quan quản lý chất lượng thi công do nhà thầu thi công trình trình;
+ Theo dõi, giám sát và yêu cầu Nhà thầu giám sát thực hiện đúng hợp đồng; thay đổi hoặc yêu cầu tổ chức tư vấn thay đổi người giám sát trong trường hợp người giám sát không thực hiện đúng quy định; đình chỉ thực hiện hoặc chấm dứt hợp đồng giám sát theo quy định của pháp luật;
+ Tổ chức nghiệm thu giai đoạn hoặc một bộ phận công trình, nghiệm thu hạng mục công trình, công trình xây dựng khi đủ điều kiện theo quy định.
2. Đối với nhà thầu thi công xây dựng công trình
Thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ được quy định tại Điều 113 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13, trong đó đặc biệt chú ý:
- Từ chối thực hiện những yêu cầu trái pháp luật;
- Đề xuất sửa đổi thiết kế cho phù hợp thực tế thi công để bảo đảm chất lượng và hiệu quả;
- Dừng thi công xây dựng khi có nguy cơ mất an toàn cho người và công trình hoặc bên giao thầu không thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng;
- Chỉ được nhận thầu thi công xây dựng, công việc phù hợp với điều kiện năng lực hoạt động của mình và thực hiện đúng hợp đồng đã ký kết;
- Thi công xây dựng theo đúng thiết kế, tiêu chuẩn áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật, bảo đảm chất lượng, tiến độ, an toàn và bảo vệ môi trường;
- Lập và trình chủ đầu tư, nhà thầu giám sát chấp thuận các nội dung liên quan quản lý chất lượng thi công công trình do mình thi công: Kế hoạch tổ chức thí nghiệm và kiểm định chất lượng, quan trắc, đo đạc các thông số kỹ thuật của công trình; biện pháp kiểm tra, kiểm soát chất lượng vật liệu, sản phẩm, cấu kiện, thiết bị; thiết kế biện pháp thi công trong đó quy định cụ thể các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, máy, thiết bị và công trình; kế hoạch kiểm tra, nghiệm thu công việc xây dựng, nghiệm thu giai đoạn, nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng...
3. Đối với nhà thầu giám sát thi công xây dựng công trình
Thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của nhà thầu giám sát được quy định tại Điều 122 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13, công trình xây dựng phải được giám sát về chất lượng, khối lượng, tiến độ, an toàn lao động và bảo vệ môi trường từ khi khởi công xây dựng đến khi hoàn thành nghiệm thu đưa vào sử dụng. Trong đó nhà thầu giám sát thi công xây dựng công trình đặc biệt chú ý:
- Kiểm tra các điều kiện khởi công xây dựng công trình theo quy định tại Điều 107 của Luật Xây dựng;
- Kiểm tra sự phù hợp năng lực của nhà thầu thi công xây dựng công trình so với hồ sơ dự thầu và hợp đồng xây dựng, bao gồm: Nhân lực, thiết bị thi công, phòng thí nghiệm, chuyên ngành xây dựng, hệ thống quản lý chất lượng của nhà thầu thi công xây dựng công trình;
- Kiểm tra biện pháp thi công xây dựng của nhà thầu so với thiết kế biện pháp thi công đã được duyệt.
- Kiểm tra chấp thuận vật liệu, cấu kiện, sản phẩm xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình;
- Giám sát việc đảm bảo an toàn lao động theo quy định của quy chuẩn, quy định của hợp đồng và quy định của pháp luật về an toàn lao động;
- Tạm dừng thi công đối với nhà thầu thi công xây dựng khi xét thấy chất lượng thi công xây dựng không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, biện pháp thi công không đảm bảo an toàn; chủ trì, phối hợp với các bên liên quan giải quyết những vướng mắc, phát sinh trong quá trình thi công và phối hợp xử lý, khắc phục sự cố theo quy định.
- Xem xét và chấp thuận các nội dung liên quan quản lý chất lượng thi công công trình do nhà thầu trình: Kế hoạch tổ chức thí nghiệm và kiểm định chất lượng, quan trắc, đo đạc các thông số kỹ thuật của công trình theo yêu cầu thiết kế và chỉ dẫn kỹ thuật; biện pháp kiểm tra, kiểm soát chất lượng vật liệu, sản phẩm, cấu kiện, thiết bị được sử dụng cho công trình; thiết kế biện pháp thi công trong đó quy định cụ thể các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, máy, thiết bị và công trình; kế hoạch kiểm tra, nghiệm thu công việc xây dựng, nghiệm thu giai đoạn thi công xây dựng hoặc bộ phận (hạng mục) công trình xây dựng, nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng và các nội dung cần thiết khác theo quy định của hợp đồng đã ký kết.
4. Đối với nhà thầu tư vấn khảo sát, tư vấn thiết kế xây dựng công trình
- Thực hiện đúng nội dung hợp đồng đã ký với chủ đầu tư về nhiệm vụ khảo sát, nhiệm vụ thiết kế đã được phê duyệt. Bố trí nhân lực có kinh nghiệm, chuyên môn, đồng thời tổ chức kiểm soát chất lượng trong quá trình thực hiện.
- Nhà thầu thiết kế có trách nhiệm thực hiện giám sát tác giả theo quy định của hợp đồng xây dựng, cụ thể:
+ Giải thích và làm rõ các tài liệu thiết kế khi có yêu cầu của chủ đầu tư, nhà thầu thi công, nhà thầu giám sát;
+ Phối hợp với chủ đầu tư khi có yêu cầu giải quyết các vướng mắc, phát sinh, điều chỉnh, xử lý các bất hợp lý;
+ Thông báo kịp thời cho chủ đầu tư khi phát hiện thi công sai và kiến nghị biện pháp xử lý;
+ Tham gia nghiệm thu công trình xây dựng khi chủ đầu tư yêu cầu, khi phát hiện vi phạm không đủ điều kiện nghiệm thu có ý kiến văn bản gửi chủ đầu tư.
5. Trách nhiệm của các Sở, ngành và cơ quan quản lý nhà nước
- Các Sở, ban, ngành của tỉnh:
+ Tùy theo chức năng nhiệm vụ tăng cường công tác kiểm tra định kỳ theo kế hoạch và kiểm tra đột xuất khi phát hiện ra các vi phạm trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng của các đơn vị trên địa bàn tỉnh;
+ Đối với các dự án thuộc thẩm quyền thẩm định: Các Sở, ban, ngành phải nâng cao chất lượng thẩm định dự án đầu tư, thẩm định thiết kế xây dựng, đảm bảo các hồ sơ tuân thủ quy định về suất vốn đầu tư, các tiêu chuẩn, quy chuẩn về thiết kế xây dựng, định mức dự toán;
+ Sở Xây dựng, Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành: Đối với công trình thuộc trách nhiệm mình quản lý phải thông báo cho chủ đầu tư kế hoạch để tổ chức kiểm tra trong quá trình thi công xây dựng ngay sau khi chủ đầu tư khởi công và có báo cáo liên quan đến công trình. Tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu trong quá trình thi công và hoàn thành thi công xây dựng theo quy định.
- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Phủ Lý:
+ Theo phân cấp công trình do mình quản lý: Thường xuyên chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn nâng cao năng lực trong quá trình thẩm định dự án, thẩm định thiết kế xây dựng, đảm bảo hồ sơ tuân thủ quy định về suất vốn đầu tư, tiêu chuẩn, quy chuẩn về định mức dự toán. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn, xử lý các trường hợp vi phạm;
+ Phối hợp với các đơn vị quản lý đầu tư xây dựng của tỉnh trong quá trình kiểm tra, giám sát chất lượng công trình xây dựng, có ý kiến kịp thời và đề xuất biện pháp xử lý khi phát hiện các sai phạm đối với đầu tư xây dựng trên địa bàn.
Có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn, định kỳ 06 tháng báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình tổ chức, thực hiện.
Yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố; các tổ chức, cá nhân có liên quan tham gia hoạt động xây dựng nghiêm túc tổ chức thi hành Chỉ thị này./.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.