ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/CT-UBND |
Kiên Giang, ngày 03 tháng 3 năm 2022 |
CHỈ THỊ
MỘT SỐ MẶT CÔNG TÁC QUỐC PHÒNG ĐỊA PHƯƠNG NĂM 2022
Năm 2022, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp; Tuyến biên giới, vùng biển, đảo Tây Nam tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định, nhất là vấn đề người Campuchia gốc Việt di cư tự do. Campuchia giữ cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN và chuẩn bị cho cuộc bầu cử Hội đồng xã, phường khóa V sẽ chịu nhiều tác động chống phá của lực lượng đối lập và chi phối của các nước lớn ảnh hưởng đến quan hệ với Việt Nam. Các thế lực thù địch, tổ chức phản động tiếp tục đẩy mạnh hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước trên nhiều lĩnh vực. Tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật, khiếu kiện, tranh chấp đất đai,... còn phức tạp ở một số địa phương. Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất của Nhân dân và hoạt động của lực lượng vũ trang địa phương.
Thực hiện Chỉ thị số 187/CT-QK ngày 14/01/2022 của Tư lệnh Quân khu 9 một số mặt công tác quốc phòng địa phương năm 2022, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ thực hiện một số nội dung công tác trọng tâm sau:
1. Các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thành phố tiếp tục quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác quốc phòng địa phương. Tập trung quán triệt Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22-9-2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới; Luật Quốc phòng năm 2018; Luật Lực lượng dự bị động viên năm 2019; Luật Dân quân tự vệ năm 2019; Nghị định số 21/2019/NĐ-CP ngày 22/02/2019 của Chính phủ về khu vực phòng thủ; Nghị định số 02/2019/NĐ-CP ngày 02/01/2019 của Chính phủ về phòng thủ dân sự; Nghị định số 168/2018/NĐ-CP ngày 28/12/2018 của Chính phủ về công tác quốc phòng ở Bộ, ngành Trung ương, địa phương; Nghị định số 164/2018/NĐ-CP ngày 21/12/2018 của Chính phủ về kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng; Nghị định số 01/2019/NĐ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ quy định về tổ chức xây dựng kế hoạch và biện pháp thực hiện động viên quốc phòng; các văn bản của Chính phủ, Bộ Quốc phòng quy định chi tiết, các biện pháp cụ thể để tổ chức thi hành Luật Lực lượng dự bị động viên, Luật Dân quân tự vệ,...
2. Các đơn vị lực lượng vũ trang tỉnh tiếp tục xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện; tăng cường công tác nắm tình hình, tập trung địa bàn trọng điểm, biên giới, biển, đảo; thực hiện nghiêm túc mệnh lệnh, chỉ thị sẵn sàng chiến đấu của Bộ Quốc phòng, Quân khu, chỉ đạo của Bộ Công an; duy trì tốt Quy chế phối hợp giữa các lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng. Tổ chức lực lượng, triển khai các phương án, kế hoạch để xử lý khi có tình huống xảy ra, bảo vệ các mục tiêu trọng điểm, các ngày lễ, Tết và các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội quan trọng diễn ra ở địa phương; sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn trên địa bàn. Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể có liên quan tham mưu UBND các cấp ban hành các văn bản chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương năm 2022, thực hiện các chế độ, chính sách cho lực lượng vũ trang địa phương đúng quy định pháp luật và thực hiện trách nhiệm hoạt động phòng thủ dân sự, xây dựng khu vực phòng thủ.
3. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tham mưu UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác quốc phòng, quân sự địa phương. Tiếp tục triển khai, thực hiện tốt Đề án số 2930/ĐA-UBND ngày 23/12/2020 của UBND tỉnh tổ chức, xây dựng, huấn luyện và hoạt động của lực lượng Dân quân tự vệ trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 92/KH-UBND ngày 23/7/2020 của UBND tỉnh thực hiện Đề án số 10609/ĐA- BQP ngày 24/9/2018 của Bộ Quốc phòng “Xây dựng Hải đội Dân quân thường trực tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới”; tham mưu Hội đồng Nghĩa vụ quân sự tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyển quân, tuyển sinh quân sự; xây dựng lực lượng Dân quân tự vệ, Dự bị động viên đảm bảo số lượng, chất lượng.
Tập trung lãnh đạo chặt chẽ công tác xây dựng, huấn luyện và hoạt động của Hải đội Dân quân thường trực; tiếp nhận thêm 04 tàu Hải đội Dân quân thường trực theo kế hoạch của Bộ Quốc phòng và Quân khu. Chỉ đạo tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, huấn luyện, hội thao dân quân tự vệ đúng theo phân cấp, nội dung, chương trình đạt chất lượng, chỉ tiêu được giao. Tham mưu chỉ đạo và tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ cấp tỉnh, huyện; luyện tập Chỉ huy - Tham mưu, Chỉ huy - Cơ quan các cấp và diễn tập chiến đấu phòng thủ cấp xã; chỉ đạo hoàn thành hệ thống văn kiện sẵn sàng chiến đấu các cấp.
Tiếp tục xây dựng, sửa chữa, nâng cấp chất lượng các công trình quốc phòng, các công trình chiến đấu và cụm điểm tựa trên tuyến biên giới, biển, đảo; tiếp tục lãnh đạo chỉ đạo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả; chỉ đạo Đội K92 thực hiện tốt nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Campuchia trong các thời kỳ chiến tranh và trong nước kết hợp với công tác đối ngoại nhân dân, đối ngoại quốc phòng.
4. Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh các cấp tăng cường biện pháp chỉ đạo, quản lý các đối tượng; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng đúng phân cấp; đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền, phổ biến kiến thức quốc phòng toàn dân; chỉ đạo thực hiện môn học giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên trên địa bàn đúng quy định.
5. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và các sở, ngành, địa phương có liên quan tiếp tục rà soát về nguồn gốc, quá trình sử dụng theo quy định của pháp luật đối với các khu vực quy hoạch đất quốc phòng bị chồng, lấn; đề xuất giải quyết dứt điểm từng trường hợp cụ thể, không để phát sinh mới.
6. Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh phân bổ chỉ tiêu ngân sách và hướng dẫn thống nhất cho các sở, ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện, xã lập dự toán ngân sách, quyết toán ngân sách bảo đảm các hoạt động công tác quốc phòng, quân sự năm 2022.
7. Sở Ngoại vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, các ngành chức năng có liên quan và UBND các huyện, thành phố biên giới tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện công tác đối ngoại, duy trì mối quan hệ với chính quyền, Nhân dân, lực lượng vũ trang của Campuchia tại các tỉnh giáp biên, ngăn chặn kịp thời hiện tượng lấn chiếm biên giới.
8. UBND các huyện, thành phố thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về quốc phòng, ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai đồng bộ các nội dung, biện pháp thực hiện nhiệm vụ quốc phòng địa phương theo quy định của pháp luật.
Nhận được Chỉ thị này, các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các địa phương tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc; cụ thể hóa nội dung, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương theo phạm vi, lĩnh vực, chức năng từng ngành và địa phương, bảo đảm thực hiện thống nhất, đồng bộ, đạt hiệu quả; quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc thì kịp thời báo cáo UBND tỉnh (qua Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) để chỉ đạo giải quyết./.
|
CHỦ
TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.