ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/CT-UBND |
Đồng Nai, ngày 09 tháng 01 năm 2014 |
Thực hiện Thông tư số 199/2013/TT-BTC ngày 20/12/2013 của Bộ Tài chính quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014; Nghị quyết số 97/2013/NQ-HĐND ngày 06/12/2013 của HĐND tỉnh Đồng Nai khóa VIII, kỳ họp thứ 9 về giao dự toán thu ngân sách Nhà nước - chi ngân sách địa phương, phân bổ chi ngân sách cấp tỉnh và mức bổ sung ngân sách cấp dưới của tỉnh Đồng Nai năm 2014.
Để việc tổ chức thực hiện và điều hành dự toán ngân sách năm 2014 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai được kịp thời, hiệu quả, hoàn thành mục tiêu nghị quyết đề ra. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong ngành tài chính tỉnh, các sở, ban, ngành, các hội, đoàn thể và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa tập trung thực hiện một số nội dung công việc sau:
1. Phân bổ dự toán thu ngân sách Nhà nước:
a) Năm 2014 tiếp tục thực hiện ổn định tỷ lệ phần trăm (%) phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách địa phương và số bổ sung cân đối từ ngân sách cấp tỉnh theo Nghị quyết số 191/2010/NQ-HĐND ngày 09/12/2010, Nghị quyết số 48/2012/NQ-HĐND ngày 06/12/2012 và Nghị quyết số 97/2013/NQ-HĐND ngày 06/12/2013 của HĐND tỉnh Đồng Nai.
Thực hiện Luật Xử phạt vi phạm hành chính, nguồn thu phạt vi phạm hành chính do cấp nào kiểm tra đề nghị xử phạt thì ngân sách cấp đó hưởng theo tỷ lệ điều tiết 100%; riêng khoản thu tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông, tỷ lệ điều tiết là 30% (ngân sách Trung ương hưởng 70%).
b) Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa giao nhiệm vụ thu ngân sách năm 2014 cho các đơn vị trực thuộc, chính quyền cấp dưới đảm bảo mức phấn đấu tối thiểu bằng mức dự toán thu ngân sách UBND tỉnh giao, đồng thời giao nhiệm vụ thu sự nghiệp cho các đơn vị trực thuộc.
c) Việc phân bổ dự toán thu ngân sách phải trên cơ sở rà soát, phân tích, đánh giá đầy đủ các nguồn thu phát sinh trong năm 2013, kết quả thực hiện thu ngân sách năm 2013 và dự báo mức tăng trưởng kinh tế của từng ngành, từng lĩnh vực, tình hình sản xuất kinh doanh của người nộp thuế trên địa bàn.
2. Phân bổ dự toán chi đầu tư phát triển:
a) Thực hiện phân bổ, bố trí vốn chi đầu tư xây dựng cơ bản đảm bảo theo đúng Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 25/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014; trong đó ưu tiên bố trí vốn để xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản theo đúng Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 10/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ, tăng cường công tác quản lý nhằm giảm tối đa nợ đọng xây dựng cơ bản theo Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 28/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ, không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản mới.
b) Các cấp ngân sách cân đối nguồn và bố trí dự toán ngay từ đầu năm để thực hiện việc hoàn trả các khoản tạm ứng ngân sách, hạn chế tối đa việc kéo dài các khoản nợ từ các năm trước, bố trí vốn thu hồi các khoản phải thu theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, bố trí vốn để hoàn trả các khoản vay tín dụng ưu đãi thực hiện chương trình kiên cố hóa kênh mương, giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng làng nghề, hạ tầng thủy sản đến hạn phải trả trong năm 2014.
c) Phân bổ dự toán chi đầu tư phát triển cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc và chính quyền cấp dưới đối với lĩnh vực giáo dục - đào tạo và dạy nghề, lĩnh vực khoa học và công nghệ... không được thấp hơn mức UBND tỉnh giao cho các lĩnh vực này.
3. Phân bổ dự toán chi thường xuyên:
a) Phân bổ dự toán chi thường xuyên cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc và chính quyền cấp dưới, cho các đơn vị sử dụng ngân sách (đã bao gồm kinh phí cải cách tiền lương theo mức lương cơ sở 1.150.000 đồng/tháng) phải đảm bảo khớp đúng dự toán chi được UBND tỉnh giao, đảm bảo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức theo quy định của pháp luật. Riêng đối với các lĩnh vực chi giáo dục - đào tạo và dạy nghề, khoa học và công nghệ, kiến thiết thị chính, môi trường, chương trình giống cây con chủ lực không được giao thấp hơn mức UBND tỉnh đã ủy quyền cho Sở Tài chính giao trong các lĩnh vực này. Trường hợp không thực hiện hết sẽ chuyển nhiệm vụ chi sang năm tiếp theo để tiếp tục thực hiện, không sử dụng cho mục đích khác; trong đó:
- Phân bổ dự toán chi sự nghiệp quản lý hành chính theo định mức đã được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 97/2013/NQ-HĐND ngày 06/12/2013; theo đó, HĐND cấp huyện điều chỉnh phân bổ dự toán ngân sách năm 2014 cho phù hợp tình hình thực tế của địa phương và đảm bảo đủ chi hoạt động của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn.
- Phân bổ dự toán chi sự nghiệp đảm bảo xã hội phải đảm bảo đủ nguồn để thực hiện các chính sách an sinh xã hội, trong đó cần phải đảm bảo đủ nguồn ngay từ đầu năm đối với các nội dung chi trợ cấp hàng tháng cho các đối tượng.
- Phân bổ dự toán chi sự nghiệp kinh tế: Tập trung bố trí kinh phí để xử lý rác, vệ sinh môi trường, mua sắm phương tiện phục vụ cho công tác thu gom rác thải, xử lý các điểm nóng về môi trường. Đối với thành phố Biên Hòa, thị xã Long Khánh, huyện Long Thành, huyện Nhơn Trạch cần ưu tiên chi sự nghiệp kiến thiết thị chính để duy trì mỹ quan đô thị.
- Phân bổ dự toán chi thực hiện nhiệm vụ an toàn giao thông trên địa bàn theo phân cấp nguồn thu được hưởng.
b) Phân bổ dự toán chi cho các đơn vị sự nghiệp đảm bảo hiệu quả theo nguyên tắc: Các đơn vị có nguồn thu sự nghiệp, thu phí dịch vụ phải phấn đấu nâng mức tự trang trải nhu cầu chi từ nguồn thu sự nghiệp, thu phí của mình.
c) Bố trí dự phòng ngân sách các cấp chính quyền địa phương theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và không thấp hơn mức dự phòng đã được UBND tỉnh giao để chủ động thực hiện phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh... theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
d) Trường hợp Hội đồng nhân dân các cấp quyết định dự toán thu ngân sách cấp mình được hưởng cao hơn mức cấp trên giao, thì dự toán chi bố trí tăng thêm tương ứng (không kể tăng chi từ nguồn thu tiền sử dụng đất) sau khi dành 50% thực hiện cải cách tiền lương theo quy định, phần còn lại cần ưu tiên để thực hiện những nhiệm vụ quan trọng, xử lý thanh toán nợ khối lượng xây dựng cơ bản, bổ sung dự phòng ngân sách địa phương để chủ động trong quá trình điều hành ngân sách.
đ) Căn cứ dự toán thu, chi ngân sách năm 2014 được UBND giao, đơn vị dự toán cấp I thực hiện phân bổ dự toán thu, chi ngân sách cho các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc và gửi báo cáo cơ quan tài chính cùng cấp thẩm tra. Trong phạm vi 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được phương án phân bổ dự toán ngân sách, cơ quan tài chính phải có văn bản thông báo kết quả thẩm tra. Nếu quá 07 ngày làm việc mà cơ quan tài chính chưa có ý kiến coi như đồng ý với phương án đã phân bổ.
a) Việc giao kế hoạch vốn đầu tư cho các chủ đầu, giao dự toán chi thường xuyên cho đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện theo đúng quy định của Bộ Tài chính, trong đó:
- Đối với cơ quan Nhà nước thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ: Giao dự toán chi tiết phần thực hiện chế độ tự chủ, phần không thực hiện chế độ tự chủ.
- Đối với đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện tự chủ tự chịu trách nhiệm về tài chính theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ: Giao dự toán chi tiết phần dự toán chi ngân sách Nhà nước bảo đảm hoạt động thường xuyên, phần dự toán chi hoạt động không thường xuyên.
b) Thời gian giao dự toán và báo cáo việc giao dự toán:
- UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa căn cứ quyết định của UBND tỉnh về giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định dự toán thu, chi ngân sách địa phương trước ngày 20/12/2013.
- UBND cấp xã căn cứ quyết định của UBND cấp huyện về giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định dự toán thu, chi ngân sách và phương án phân bổ dự toán ngân sách cấp xã trước ngày 31/12/2013.
- Các đơn vị dự toán cấp I thực hiện giao dự toán thu, chi ngân sách cho các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc trước ngày 31/12/2013.
- Chậm nhất là 05 ngày sau khi Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định dự toán ngân sách địa phương, các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa có trách nhiệm báo cáo kết quả phân bổ, giao dự toán ngân sách địa phương đến Sở Tài chính để theo dõi, tổng hợp.
5. Tạo nguồn cải cách tiền lương:
Các cấp ngân sách tiếp tục thực hiện đầy đủ các giải pháp tạo nguồn để cải cách tiền lương, trong đó:
a) Sử dụng 50% số tăng thu ngân sách (không tính nguồn thu tiền sử dụng đất) thực hiện năm 2013 so với dự toán đầu năm 2013 của Chính phủ giao (đối với ngân sách cấp tỉnh), của UBND tỉnh giao (đối với ngân sách cấp huyện), của UBND huyện giao (đối với ngân sách cấp xã).
b) Đối với các cơ quan, đơn vị có nguồn thu từ phí, lệ phí sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2014 (riêng ngành y tế sử dụng tối thiểu 35% sau khi trừ chi phí thuốc, máu, dịch truyền, hóa chất, vật tư thay thế, vật tư tiêu hao, kinh phí chi trả phụ cấp thường trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật nếu đã kết cấu trong giá dịch vụ, khám chữa bệnh). Số thu được để lại theo chế độ của các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp không được trừ chi phí trực tiếp phục vụ cho công tác thu trong trường hợp số thu này là thu từ các công việc, dịch vụ do Nhà nước đầu tư hoặc từ các công việc, dịch vụ thuộc đặc quyền của Nhà nước và đã được ngân sách Nhà nước đảm bảo chi phí cho hoạt động thu.
c) Thực hiện tiết kiệm 10% số chi thường xuyên (trừ tiền lương và các khoản có tính chất lương). UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa khi phân bổ và giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc không bao gồm 10% tiết kiệm chi thường xuyên năm 2014 để thực hiện chế độ cải cách tiền lương trong năm 2014.
6. Về quản lý, điều hành thu ngân sách Nhà nước:
UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa, cơ quan Tài chính, Thuế, Hải quan, Kho bạc Nhà nước và các đơn vị liên quan có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện ngay từ đầu năm công tác thu ngân sách, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời theo quy định của pháp luật. Trong đó cần tập trung một số giải pháp sau:
a) Tổ chức triển khai thực hiện tốt và có hiệu quả Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Xử phạt vi phạm hành chính và các cơ chế chính sách tài chính, thuế mới. Tiếp tục thực hiện tốt việc miễn, giảm, giãn thuế theo nghị quyết của Quốc hội đảm bảo đúng quy định của pháp luật thuế, công khai, minh bạch tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế. Đồng thời, theo dõi nắm chắc số tiền thuế, tiền sử dụng đất đã gia hạn cho người nộp thuế để tổ chức thu đầy đủ, kịp thời vào ngân sách Nhà nước khi đến hạn phải nộp.
b) Tiếp tục thực hiện việc thu phí, lệ phí theo đúng quy định của pháp luật, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 24/2007/CT-TTg ngày 01/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chấn chỉnh việc thực hiện các quy định của pháp luật về phí, lệ phí, chính sách huy động và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân.
c) Tổ chức thu ngân sách Nhà nước đối với cổ tức được chia năm 2013 và năm 2014 cho phần vốn Nhà nước theo quy định tại Nghị định số 204/2013/NĐ-CP ngày 05/12/2013 của Chính phủ và Thông tư số 187/2013/TT-BTC ngày 05/12/2013 của Bộ Tài chính.
d) Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thuế, trong đó tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao về thuế, các doanh nghiệp rủi ro cao đã được hoàn thuế, doanh nghiệp sử dụng hóa đơn bất hợp pháp. Tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan thu, cơ quan tài chính và các lực lượng chức năng trong công tác quản lý thu, phòng chống gian lận thương mại, chuyển giá, chống thất thu cho ngân sách Nhà nước. Kiểm tra, rà soát và xử lý thu vào ngân sách các khoản thu theo kiến nghị của cơ quan thanh tra, kiểm toán.
đ) Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng để thực hiện có hiệu quả biện pháp cưỡng chế nợ thuế, xử lý dứt điểm các khoản nợ thuế không có khả năng thu. Tập trung đôn đốc thu nợ và phấn đấu đến cuối năm tổng nợ chiếm dưới 5% trên tổng thu ngân sách.
e) Tập trung tháo gỡ những khó khăn và vướng mắc để quản lý và thu ngân sách các khoản thu về đất, nhất là các khoản thu từ đấu giá quyền sử dụng đất.
g) Định kỳ đối thoại với các doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
h) Xây dựng kế hoạch và thực hiện đảm bảo hoàn thành kế hoạch đối với công tác thu xử phạt vi phạm hành chính (bao gồm cả thu xử phạt vi phạm hành chính an toàn giao thông) ở các cấp ngân sách.
7. Công tác quản lý, điều hành chi ngân sách địa phương:
a) Các sở, ban, ngành, các hội, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa và các đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện chi trong phạm vi dự toán ngân sách được giao. Trong đó, chi ngân sách phải bám sát dự toán của Hội đồng nhân dân giao, hạn chế tối đa kinh phí phát sinh, bổ sung ngoài dự toán. Sắp xếp nhiệm vụ chi phù hợp với khả năng cân đối của từng cấp ngân sách. Tập trung nguồn lực ưu tiên cho các lĩnh vực trọng yếu như: Đảm bảo xã hội, an ninh - quốc phòng, giáo dục - đào tạo.
b) Cơ quan Tài chính, Kho bạc Nhà nước các cấp tổ chức điều hành ngân sách trong phạm vi dự toán được duyệt, thực hiện kiểm soát chi chặt chẽ, đảm bảo theo đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ Nhà nước quy định.
c) Các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện các dự án, đối với những dự án thực hiện không đúng tiến độ phải kịp thời quyết định hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định điều chỉnh để chuyển vốn cho những dự án có tiến độ triển khai nhanh, có khả năng hoàn thành trong năm 2014 nhưng chưa được bố trí đủ vốn.
d) Đối với chi từ nguồn thu tiền sử dụng đất: Phải thực hiện theo tiến độ thực thu nguồn này vào ngân sách.
đ) Các đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, đi công tác nước ngoài, chi cho hoạt động lễ hội, lễ kỷ niệm, khởi công, khánh thành, tổng kết và các khoản chi chưa cần thiết khác. Các cấp ngân sách chủ động sắp xếp chi thường xuyên để ưu tiên các nhiệm vụ quan trọng, bảo đảm nguồn lực thực hiện các chính sách an sinh xã hội và điều chỉnh tăng lương.
e) Cơ quan Tài chính, Kho bạc Nhà nước các cấp hướng dẫn và thực hiện cấp phát, thanh quyết toán kinh phí cho các đơn vị thụ hưởng theo đúng quy định hiện hành. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tài chính đối với các đơn vị sử dụng ngân sách và các cấp ngân sách, đảm bảo việc sử dụng vốn ngân sách Nhà nước tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích.
Các sở, ban, ngành, các hội, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa và các đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện công khai tài chính, ngân sách, tài sản Nhà nước và các khoản huy động đóng góp của nhân dân theo đúng quy định tại Quyết định số 192/2004/QĐ-TTg ngày 16/11/2004, Quyết định số 115/2008/QĐ-TTg ngày 27/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ và các thông tư quy định, hướng dẫn của Bộ Tài chính, đồng thời thực hiện chế độ báo cáo tình hình thực hiện quy chế công khai theo quy định hiện hành.
Các sở, ban, ngành, các hội, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa và các cơ quan, đơn vị có liên quan cùng phối hợp chặt chẽ tổ chức triển khai thực hiện tốt các nội dung nêu trên, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện theo quy định. Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh vướng mắc kịp thời phản ánh, báo cáo đến Sở Tài chính để tổng hợp tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xem xét, xử lý.
Chỉ thị này có hiệu lực kể từ ngày ký./.
|
KT. CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.