ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/CT-UBND |
Kon Tum, ngày 02 tháng 01 năm 2024 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ GIỐNG CÂY TRỒNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM
Trong thời gian qua, công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn tỉnh đã dần đi vào ổn định và đạt được kết quả tích cực như: hầu hết các cơ sở kinh doanh giống cây trồng có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; có nguồn gốc, xuất xứ; số lượng giống cây trồng cơ bản đáp ứng nhu cầu cho sản xuất,... góp phần phát triển lĩnh vực trồng trọt bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và gia tăng giá trị trên một đơn vị diện tích. Tuy nhiên, công tác quản lý giống cây trồng vẫn còn bất cập, chưa đáp ứng đầy đủ, kịp thời yêu cầu cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh; tình trạng mua, bán giống cây trồng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, chưa đảm bảo chất lượng vẫn còn diễn ra; vẫn còn sử dụng vật liệu nhân giống được khai thác trực tiếp từ các vườn sản xuất đại trà, chưa được cấp có thẩm quyền công nhận,...
Để tăng cường công tác quản lý nhà nước về giống cây trồng, đồng thời từng bước khắc phục những bất cập nêu trên và phát huy vai trò quan trọng của giống cây trồng sản xuất; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan triển khai, thực hiện có hiệu quả một số nội dung sau[1]:
1. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
- Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh, sử dụng giống cây trồng thuộc địa bàn nhằm nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành, đồng thời lựa chọn cho phù hợp.
- Tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật theo thẩm quyền (nếu có).
- Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác quản lý nhà nước về sản xuất kinh doanh giống cây trồng; hướng dẫn người dân lựa chọn, sử dụng giống cây trồng đã có trong danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam; phối hợp với các đơn vị chức năng có liên quan của địa phương tăng cường công tác kiểm tra các phương tiện (xe gắn máy, xe ô tô các loại…) buôn bán giống cây trồng trái pháp luật; xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật theo thẩm quyền (nếu có).
- Chỉ đạo các chủ đầu tư thực hiện dự án trên địa bàn liên quan đến giống cây trồng phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về giống cây trồng.
- Thường xuyên công khai danh sách các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn; các trường hợp vi phạm pháp luật (nếu có); cập nhật danh sách nguồn giống được công nhận, công nhận lại hoặc bị hủy bỏ hiệu lực công nhận trên các phương tiện thông tin đại chúng để tổ chức, cá nhân, người dân biết, lựa chọn.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý giống cây trồng để tổ chức, cá nhân thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh giống cây trồng([2]).
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện những nội dung về quyền bảo hộ giống cây trồng; hướng dẫn, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực giống cây trồng. Thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến lưu hành giống cây trồng; đặc cách giống cây trồng; công bố hợp quy giống cây trồng;…đảm bảo thuận lợi, kịp thời, đúng quy định.
- Tham mưu triển khai thực hiện các quy định về quản lý giống cây trồng trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn giống cây trồng; quản lý các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng đảm bảo đúng quy định; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của nhà nước về giống cây trồng và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm (nếu có).
- Thường xuyên công khai các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn; các trường hợp vi phạm pháp luật (nếu có); cập nhật danh sách nguồn giống được công nhận, công nhận lại hoặc bị hủy bỏ hiệu lực công nhận trên các phương tiện thông tin đại chúng để tổ chức, cá nhân, người dân biết, lựa chọn.
- Chịu trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị này. Định kỳ hằng tháng, 6 tháng, năm([3]), báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình triển khai thực hiện, kết quả đạt được và những kiến nghị, đề xuất (nếu có) trong công tác quản lý sản xuất, kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn tỉnh.
3. Sở Khoa học và Công nghệ: Ưu tiên triển khai thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu khảo nghiệm, thử nghiệm giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao phù hợp điều kiện tự nhiên, xã hội của tỉnh đúng quy định pháp luật; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất.
4. Sở Công Thương: Phối hợp với các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với việc sản xuất, kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn tỉnh.
5. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Kon Tum và các cơ quan truyền thông: Phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh giống cây trồng; thông tin kịp thời giống cây trồng đảm bảo chất lượng, các mô hình sản xuất có hiệu quả để các tổ chức, cá nhân, người dân biết, áp dụng.
6. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị, xã hội của tỉnh: Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn hội viên sử dụng giống cây trồng phù hợp, có hiệu quả, có trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam; Thực hiện giám sát việc thực hiện pháp luật về quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn tỉnh.
7. Đề nghị Cục Quản lý thị trường tỉnh: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trên địa bàn thực hiện kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong vận chuyển, kinh doanh các mặt hàng thuộc lĩnh vực phụ trách, trong đó có mặt hàng vận chuyển, kinh doanh giống cây trồng theo quy định của pháp luật.
6. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng: Tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng phải tuân thủ theo đúng quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh giống cây trồng và các quy định có liên quan; Chịu trách nhiệm về chất lượng giống cây trồng do mình sản xuất, kinh doanh thông qua việc công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa theo quy định của pháp luật. Thu hồi, xử lý giống cây trồng không đảm bảo chất lượng khi lưu thông ngoài thị trường; Tuân thủ, tự giác chấp hành việc kiểm tra và biện pháp xử lý của cơ quan thanh tra, kiểm tra, giám sát theo quy định của pháp luật.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Công Thương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.
|
CHỦ TỊCH |
[1] Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công văn số 4553/SNN-TT&BVTV ngày 25 tháng 12 năm 2023 về việc tham mưu các Chỉ thị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
[2] Luật Trồng trọt năm 2018; Nghị định số 94/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác;...
[3] Hằng tháng trước ngày 30; 6 tháng trước ngày 30 tháng 6; hằng năm trước ngày 20 tháng 12.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.