BỘ TƯ PHÁP |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/CT-BTP |
Hà Nội, ngày 09 tháng 03 năm 2015 |
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG XÂY DỰNG, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VÀ KHAI THÁC CƠ SỞ DỮ LIỆU LÝ LỊCH TƯ PHÁP
Sau hơn 04 năm triển khai thi hành Luật Lý lịch tư pháp, công tác xây dựng, quản lý, sử dụng và khai thác Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp tại Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và một số ít Sở Tư pháp đã có những bước chuyển biến tích cực. Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và một số Sở Tư pháp đã chủ động phối hợp với các cơ quan Tòa án, Viện Kiểm sát, Công an, cơ quan có liên quan trong quân đội, cơ quan Thi hành án dân sự trong tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp; chủ động, tích cực tạo lập dữ liệu lý lịch tư pháp điện tử và hồ sơ lý lịch tư pháp bằng văn bản giấy, bước đầu sử dụng và khai thác Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp để phục vụ cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
Tuy nhiên, công tác xây dựng, quản lý, sử dụng và khai thác Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp tại hầu hết các Sở Tư pháp vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Nhiều Sở Tư pháp chưa quan tâm, chú trọng đến công tác xây dựng, quản lý Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp; số lượng thông tin lý lịch tư pháp còn tồn đọng chưa được xử lý, cập nhật vào cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp khá lớn, chiếm hơn 50% số lượng thông tin nhận được; tình trạng thiếu hụt, sai sót thông tin trong quá trình lập Lý lịch tư pháp, cập nhật thông tin lý lịch tư pháp bổ sung vẫn còn diễn ra khá phổ biến tại nhiều địa phương; công tác lập, lưu trữ hồ sơ giấy chưa được quan tâm chú trọng; hầu hết các Sở Tư pháp chưa quan tâm, chú trọng sử dụng, khai thác Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp để phục vụ cấp Phiếu lý lịch tư pháp… Thực trạng này đã ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng và hiệu quả của công tác xây dựng, quản lý Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cũng như dẫn đến một số trường hợp cấp Phiếu lý lịch tư pháp bị chậm thời hạn.
Nguyên nhân chủ yếu của những bất cập, hạn chế nêu trên là do nhận thức của một bộ phận cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức làm công tác tư pháp chưa đầy đủ, đúng mức về vị trí, vai trò của công tác lý lịch tư pháp nói chung, công tác xây dựng Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp nói riêng; cán bộ làm công tác lý lịch tư pháp tại nhiều Sở Tư pháp còn thiếu về số lượng và tính chuyên nghiệp, thường xuyên có sự điều động, luân chuyển; công tác phối hợp, tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp và rà soát thông tin lý lịch tư pháp còn bị động; trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ công tác quản lý, sử dụng và khai thác Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp còn nhiều thiếu thốn.
Để bảo đảm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ xây dựng, quản lý, sử dụng và khai thác Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và cấp Phiếu lý lịch tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp yêu cầu Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Giám đốc Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự ở Trung ương, địa phương và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ quán triệt và thực hiện tốt một số nội dung sau đây:
Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Giám đốc Sở Tư pháp, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự địa phương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm tổ chức phổ biến, quán triệt Luật Lý lịch tư pháp và văn bản hướng dẫn thi hành, nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, công chức, viên chức và người lao động về vị trí, vai trò của công tác lý lịch tư pháp. Xác định nhiệm vụ xây dựng, quản lý, sử dụng và khai thác Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, một mặt nhằm bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013, mặt khác góp phần tăng cường quản lý kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước.
Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Giám đốc Sở Tư pháp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm chỉ đạo các Phòng, bộ phận chuyên môn:
a) Xây dựng kế hoạch và tổ chức giải quyết triệt để, dứt điểm số lượng thông tin lý lịch tư pháp còn tồn đọng, chưa được xử lý, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, bảo đảm đến ngày 01/07/2015, giải quyết cơ bản số lượng thông tin lý lịch tư pháp còn tồn đọng; khắc phục tình trạng Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp bị thiếu hụt, không đầy đủ, đồng bộ, không phát huy được vai trò, ý nghĩa của Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp theo yêu cầu của Luật Lý lịch tư pháp.
b) Chủ động, tích cực lập Lý lịch tư pháp, cập nhật thông tin lý lịch tư pháp bổ sung, từng bước xây dựng Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp điện tử theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại; thực hiện nghiêm túc và thường xuyên việc tiếp nhận, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp theo quy định. Có giải pháp kiểm tra, kiểm soát công tác xử lý, cập nhật thông tin, bảo đảm tính chính xác, đầy đủ của dữ liệu, nhằm nâng cao chất lượng của Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp; thực hiện nghiêm túc, đúng quy định việc tra cứu, xác minh thông tin lý lịch tư pháp có từ ngày 01 tháng 7 năm 2010 để cấp Phiếu lý lịch tư pháp, tiến tới chấm dứt tình trạng chỉ thực hiện tra cứu, xác minh thông tin tại cơ sở dữ liệu của cơ quan Công an, hạn chế tối đa tình trạng chậm thời hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
c) Quan tâm, chú trọng, đẩy mạnh công tác lập, lưu trữ hồ sơ lý lịch tư pháp bằng văn bản giấy theo quy định.
a) Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm chỉ đạo, chủ động phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, cơ quan Công an, cơ quan có liên quan trong quân đội, cơ quan Thi hành án dân sự và các cơ quan, tổ chức khác có liên quan trong cung cấp, tra cứu, xác minh, rà soát thông tin lý lịch tư pháp, bảo đảm thông tin lý lịch tư pháp được cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời, đúng quy định của Luật; triển khai thực hiện các giải pháp tăng cường cơ chế thông tin, phối hợp thường xuyên giữa Sở Tư pháp và các cơ quan có liên quan thông qua các hình thức như: xây dựng, ban hành quy chế phối hợp liên ngành trong tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp trên cơ sở Luật Lý lịch tư pháp và Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP; đẩy mạnh hoạt động rà soát thông tin lý lịch tư pháp; chủ động trao đổi nghiệp vụ về cung cấp, tiếp nhận thông tin lý lịch tư pháp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp giữa Sở Tư pháp và các cơ quan có liên quan.
b) Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương trong tổ chức triển khai đầy đủ, có hiệu quả việc cung cấp, rà soát thông tin lý lịch tư pháp với Sở Tư pháp; chủ động phối hợp với Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia kiểm tra tình hình phối hợp cung cấp, rà soát thông tin giữa cơ quan thi hành án dân sự với Sở Tư pháp.
c) Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự địa phương có trách nhiệm chỉ đạo các bộ phận chuyên môn cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin lý lịch tư pháp cho Sở Tư pháp; phối hợp với Sở Tư pháp trong rà soát cung cấp thông tin lý lịch tư pháp, phục vụ công tác xây dựng Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và tra cứu, xác minh thông tin, phục vụ công tác cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
4. Chủ động kiện toàn, bổ sung cán bộ làm công tác lý lịch tư pháp
a) Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp kiện toàn tổ chức bộ máy của Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia; kiến nghị kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác lý lịch tư pháp tại Sở Tư pháp.
b) Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm rà soát biên chế công chức, viên chức hiện nay của Sở Tư pháp, trên cơ sở đó phối hợp với Giám đốc Sở Nội vụ tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề xuất cơ quan có thẩm quyền phân bổ, điều chỉnh số lượng biên chế công chức và biên chế viên chức trong tổng số biên chế được giao cho Sở Tư pháp bảo đảm triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng, quản lý, sử dụng và khai thác Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, bảo đảm biên chế chuyên trách làm công tác lý lịch tư pháp tại Sở Tư pháp. Quan tâm, bảo đảm sử dụng hợp lý, hiệu quả những cán bộ đã qua đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ lý lịch tư pháp; có giải pháp bố trí hợp lý nhân lực từ hợp đồng lao động, điều động, biệt phái viên chức từ các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Tư pháp để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ xây dựng, sử dụng và khai thác Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp.
a) Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm phối hợp với Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm đầu tư kinh phí, bố trí trang thiết bị, cơ sở vật chất, bảo đảm hạ tầng kỹ thuật và phục vụ hoạt động xây dựng, quản lý, sử dụng, khai thác Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp điện tử và lưu trữ hồ sơ lý lịch tư pháp bằng giấy; trang bị máy vi tính hiện đại, máy photocopy, kho lưu trữ riêng, tủ lưu trữ, bìa hồ sơ; kinh phí thuê hợp đồng làm công tác lý lịch tư pháp....
b) Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giải pháp đột phá về ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, quản lý Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, tiến tới thực hiện trao đổi, cung cấp, chia sẻ thông tin lý lịch tư pháp dưới dạng dữ liệu điện tử giữa Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp với các cơ sở dữ liệu khác có liên quan như Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu thi hành án hình sự, cơ sở dữ liệu của Tòa án quân sự Trung ương…
c) Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin có trách nhiệm chủ động hoàn thiện và đưa Phần mềm quản lý lý lịch tư pháp phiên bản dùng chung cho các Sở Tư pháp và Phần mềm quản lý lý lịch tư pháp phiên bản cho Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia vào sử dụng chính thức trong quý II/2015; chủ động khắc phục sự cố kỹ thuật trong quá trình vận hành, khai thác, sử dụng Phần mềm; bảo đảm an ninh, an toàn dữ liệu lý lịch tư pháp; bảo đảm thực hiện thông suốt trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp dưới dạng dữ liệu điện tử giữa Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và các Sở Tư pháp.
6. Đẩy mạnh công tác hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, kiểm tra, kiểm tra liên ngành
Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia có trách nhiệm:
a) Tăng cường công tác hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về xây dựng, quản lý, sử dụng và khai thác Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, kịp thời giải quyết những vướng mắc về chuyên môn, nghiệp vụ của các địa phương trong thời gian sớm nhất;
b) Tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện Luật Lý lịch tư pháp tại các Sở Tư pháp định kỳ hằng năm hoặc đột xuất trong trường hợp cần thiết. Tăng cường phối hợp với các đơn vị thuộc các Bộ, ngành có liên quan thực hiện kiểm tra liên ngành tình hình thực hiện Luật Lý lịch tư pháp để kịp thời phát hiện những vướng mắc, bất cập trong hoạt động xây dựng, quản lý, sử dụng và khai thác Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và có giải pháp để khắc phục; kịp thời uốn nắn các sai sót, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động xây dựng, quản lý, sử dụng và khai thác Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, từ đó, nâng cao ý thức trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, công chức, viên chức trong triển khai thi hành Luật Lý lịch tư pháp.
a) Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm tổ chức triển khai, quán triệt nội dung Chỉ thị tới toàn thể công chức, viên chức trong đơn vị, tạo sự thống nhất trong nhận thức và triển khai thực hiện.
b) Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia thực hiện có hiệu quả Chỉ thị này.
c) Định kỳ sáu tháng, hằng năm và đột xuất theo yêu cầu, Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp về kết quả thực hiện Chỉ thị này; Sở Tư pháp báo cáo Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia về kết quả xây dựng, sử dụng và khai thác Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp tại địa phương.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự có trách nhiệm báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp về kết quả phối hợp giữa cơ quan Thi hành án dân sự địa phương với các Sở Tư pháp. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự địa phương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm báo cáo Tổng cục Thi hành án dân sự tình hình thực hiện Chỉ thị này tại cơ quan, đơn vị.
d) Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra tình hình thực hiện Chỉ thị này tại các Sở Tư pháp, cơ quan thi hành án dân sự địa phương.
đ) Kết quả thực hiện Chỉ thị này là một trong các tiêu chí bình xét thi đua, khen thưởng. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Thi đua - khen thưởng có trách nhiệm phối hợp với Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia trong việc đánh giá, bình xét thi đua, khen thưởng đối với các Sở Tư pháp về việc thực hiện Chỉ thị này.
Chỉ thị này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Nơi nhận: |
BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.