BỘ GIAO THÔNG VẬN
TẢI |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/CT-BGTVT |
Hà Nội, ngày 21 tháng 03 năm 2011 |
VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG
Trong những năm qua, các nguồn lực dành cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông không ngừng được tăng cao. Các công trình xây dựng đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước. Nhìn chung chất lượng công trình tại các dự án đầu tư khi đưa vào khai thác đã đáp ứng được yêu cầu về chất lượng công trình xây dựng; Tuy nhiên, tại một số dự án vẫn còn tồn tại về công tác quản lý chất lượng, trong quá trình xây dựng hoặc khi đưa vào sử dụng đã xuất hiện một số hư hỏng cục bộ ở một số hạng mục hoặc bộ phận công trình, làm hạn chế khả năng khai thác sử dụng, tuổi thọ công trình và hiệu quả đầu tư.
Để thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức Hội nghị toàn Ngành về “Tăng cường quản lý chất lượng công trình giao thông” ngày 15/02/2011 nhằm đánh giá công tác quản lý chất lượng trong quá trình xây dựng, quản lý và khai thác kết cấu hạ tầng giao thông trong những năm vừa qua; Phân tích các nguyên nhân cũng như đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng công trình trong các khâu từ lập, thẩm định dự án, khảo sát thiết kế, thi công xây dựng, giám sát xây dựng, quản lý khai thác và bảo trì... Với mục tiêu nâng cao công tác quản lý chất lượng công trình trong những năm tiếp theo, bảo đảm sự bền vững của công trình, tiết kiệm và nâng cao hiệu quả đầu tư, nâng cao chất lượng công trình xây dựng, đáp ứng yêu cầu phát triển của lĩnh vực xây dựng công trình giao thông. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong ngành GTVT tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ cụ thể sau đây:
1. Chất lượng công trình là yếu tố hàng đầu trong hoạt động đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Lấy năm 2011 là “Năm chất lượng công trình” để chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng, tạo ra sự chuyển biến tích cực trên tất cả các mặt hoạt động của lĩnh vực quản lý chất lượng công trình xây dựng trong ngành Giao thông vận tải.
2. Các cơ quan, đơn vị, các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng lấy nội dung nâng cao chất lượng công trình xây dựng là yếu tố hàng đầu trong hoạt động để làm trọng tâm chỉ đạo, thực hiện tại cơ quan, đơn vị mình đảm bảo mục tiêu: Chất lượng sản phẩm xây dựng đạt các tiêu chuẩn quy định; Lập kế hoạch và chương trình hành động kiên quyết không để xảy ra trường hợp công trình không đạt yêu cầu về chất lượng, công trình vừa xây dựng xong đưa vào khai thác đã xuất hiện hư hỏng; Nhằm tạo ra công trình, sản phẩm xây dựng đạt yêu cầu về chất lượng tại tất cả các dự án, các nguồn vốn đầu tư và hình thức đầu tư.
3. Rà soát hoàn thiện cơ chế, quy chế, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình, công nghệ, hệ thống quản lý chất lượng và tăng cường kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa triệt để các yếu tố kém chất lượng hoặc ảnh hưởng xấu đến chất lượng công trình từ giai đoạn lập dự án đầu tư đến khi kết thúc dự án.
II. Công tác quản lý chất lượng đối với các dự án đầu tư xây dựng:
Các chủ thể tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông cần thực hiện tốt nhiệm vụ và nâng cao trách nhiệm của mình trong các khâu từ khảo sát thiết kế, lập dự án, tổ chức lựa chọn nhà thầu, thi công xây lắp và nghiệm thu công trình, cụ thể như sau:
1. Các Tổng cục, Cục chuyện ngành Đường sắt, Đường bộ, Đường thủy nội địa, Hàng hải, Hàng không; Các Tổng công ty, Ban QLDA, Sở GTVT, Trường, Bệnh viện... được giao làm Chủ đầu tư cần xem xét và tổ chức Ban Quản lý dự án là đại diện Chủ đầu tư. Kiểm soát chặt chẽ từ khâu tuyển chọn nhà thầu thiết kế đến nhà thầu thi công để lựa chọn được các đơn vị có năng lực, kinh nghiệm tham gia thực hiện dự án. Tăng cường bộ máy quản lý chất lượng của Chủ đầu tư (Ban QLDA) để thực hiện tốt các nội dung đã được quy định theo Luật Xây dựng; các Nghị định về Quản lý dự án đầu tư xây dựng, Quản lý chất lượng công trình xây dựng; các Thông tư hướng dẫn thực hiện về quản lý chất lượng công trình xây dựng đã được ban hành từ khâu rà soát, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ khảo sát, thiết kế, phê duyệt thiết kế, hồ sơ mời thầu (đặc biệt là các quy định trong tập Chỉ dẫn kỹ thuật). Thường xuyên kiểm tra hệ thống quản lý chất lượng tại công trường của nhà thầu, tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động của Tư vấn giám sát xây dựng trong quá trình thi công công trình. Phối hợp tốt với địa phương để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà thầu thi công.
Nâng cao tinh thần trách nhiệm, trình độ nghiệp vụ và kỹ năng quản lý để kiểm soát chặt chẽ về chất lượng trong quá trình khảo sát thiết kế, lập dự án, thi công xây dựng, nghiệm thu vật tư, vật liệu đưa vào xây lắp, nghiệm thu công trình và hạng mục công trình. Kiên quyết xử lý các nhà thầu tư vấn, xây lắp vi phạm về chất lượng, tiến độ thực hiện theo tiêu chuẩn của dự án và các quy định hiện hành, kịp thời báo cáo Bộ để tổng hợp, đánh giá năng lực nhà thầu, làm cơ sở để xem xét cho phép tham gia thực hiện các dự án tiếp theo.
2. Các đơn vị Tư vấn thiết kế: Chấn chỉnh về tổ chức và hoạt động, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao, nâng cao trình độ khoa học công nghệ để đáp ứng các yêu cầu về quản lý chất lượng, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, bảo đảm chất lượng của sản phẩm và dịch vụ tư vấn.
Trên cơ sở đề xuất của dự án, các tiêu chuẩn, quy chuẩn đã được ban hành, nhiệm vụ khảo sát thiết kế được duyệt, tổ chức thực hiện đầy đủ các yêu cầu đảm bảo chất lượng khảo sát xây dựng; Đề xuất giải pháp thiết kế (TKCS, TKKT) bảo đảm hiệu quả về kinh tế - kỹ thuật; Ưu tiên lựa chọn các giải pháp kỹ thuật, công nghệ tiên tiến. Các tổ chức Tư vấn phải lập bộ phận KCS nội bộ để thực hiện kiểm tra chất lượng các hồ sơ trước khi trình Chủ đầu tư. Thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát tác giả trong quá trình thi công xây dựng.
3. Các đơn vị Tư vấn giám sát xây dựng: Đặc biệt chú trọng nâng cao trình độ và tính chuyên nghiệp của đội ngũ Tư vấn giám sát. Nghiêm túc thực hiện theo Hợp đồng giám sát xây dựng với Chủ đầu tư, tuân thủ và thực hiện đầy đủ các nội dung đã được quy định trong Hợp đồng và các quy định hiện hành về giám sát xây dựng. Tổ chức bộ máy giám sát có đầy đủ các chức danh trong bộ phận giám sát xây dựng của dự án.
Kiểm soát và yêu cầu nhà thầu xây dựng tuân thủ Chỉ dẫn kỹ thuật đã được phê duyệt. Kiểm tra sự phù hợp năng lực của nhà thầu thi công xây dựng so với hồ sơ dự thầu và hợp đồng xây dựng, bao gồm: Nhân lực, thiết bị thi công đưa vào công trường; Hệ thống quản lý chất lượng của nhà thầu xây dựng (bộ máy quản lý chất lượng, phòng thí nghiệm) tại hiện trường; Các cơ sở sản xuất cung cấp vật liệu, cấu kiện, sản phẩm xây dựng phục vụ thi công xây dựng.
Kiểm tra và giám sát chất lượng vật tư, vật liệu và thiết bị lắp đặt vào công trình đáp ứng yêu cầu thiết kế. Kiểm tra biện pháp thi công, giám sát thường xuyên và có hệ thống quá trình thi công xây dựng của nhà thầu tại hiện trường đảm bảo các quy định về chất lượng, an toàn lao động và vệ sinh môi trường.
Chỉ nghiệm thu công trình khi bảo đảm chất lượng, kiên quyết loại trừ những sản phẩm nhà thầu thực hiện không đúng yêu cầu kỹ thuật, không tuân thủ trình tự thi công.
4. Các nhà thầu xây dựng công trình: Lập hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với yêu cầu, tính chất, quy mô công trình xây dựng, quy định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, bộ phận thi công xây dựng công trình về quản lý chất lượng công trình xây dựng. Tuân thủ quy định về lập phòng thí nghiệm hiện trường, thực hiện đầy đủ các thí nghiệm kiểm tra vật liệu, cấu kiện, vật tư, thiết bị công trình, thiết bị công nghệ trước khi xây dựng và lắp đặt vào công trình bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật và yêu cầu thiết kế. Thực hiện nghiêm túc công tác nghiệm thu nội bộ về chất lượng xây dựng, tuân thủ các quy định về an toàn lao động và vệ sinh môi trường.
Huy động đầy đủ nhân lực, thiết bị thi công theo cam kết tại hồ sơ dự thầu và hợp đồng xây dựng với Chủ đầu tư, bảo đảm thi công đạt yêu cầu về chất lượng và theo tiến độ được duyệt.
Lập biện pháp thi công, tiến độ thi công bảo đảm các yêu cầu về chất lượng, an toàn lao động, phòng chống cháy nổ và phù hợp tiến độ theo hợp đồng. Thi công các hạng mục công trình đúng trình tự theo Chỉ dẫn kỹ thuật và yêu cầu thiết kế.
Thực hiện đầy đủ trách nhiệm bảo hành công trình xây dựng theo quy định.
III. Công tác quản lý chất lượng đối với giai đoạn khai thác, bảo trì:
1. Công tác quản lý: Rà soát, hoàn chỉnh các quy trình khai thác, tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức quản lý, quy trình bảo trì, trách nhiệm về quản lý và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm tuổi thọ công trình, an toàn trong quá trình khai thác, duy trì và nâng cao năng lực khai thác của công trình trong hoạt động quản lý, khai thác và bảo trì. Thực hiện tốt công tác lưu trữ và khai thác hồ sơ hoàn công công trình, lập hồ sơ quản lý công trình, quản lý hành lang an toàn giao thông.
Thực hiện tốt công tác quản lý khai thác công trình giao thông như: Kiểm soát tải trọng, khổ giới hạn; công tác phân làn, phân luồng, tổ chức giao thông. Kiểm tra tình trạng kỹ thuật của công trình theo định kỳ, theo dõi tình hình hư hại (nếu có) của công trình để có giải pháp ngăn chặn hư hỏng, có kế hoạch sửa chữa kịp thời, bảo đảm khả năng khai thác, an toàn công trình và tuổi thọ công trình.
2. Công tác bảo trì: Đơn vị thực hiện công tác bảo trì (bảo dưỡng, sửa chữa) phải thực hiện đầy đủ các yêu cầu về chất lượng, an toàn, vệ sinh và môi trường. Tuân thủ các quy định về lập hệ thống quản lý chất lượng, quy trình bảo trì công trình, nghiệm thu nội bộ... bảo đảm chất lượng thi công sửa chữa, bảo dưỡng công trình.
1. Tổ Công tác xây dựng và chỉ đạo thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng xây dựng công trình giao thông theo Quyết định số 3411/QĐ-BGTVT ngày 29/11/2010 của Bộ GTVT tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được giao, các Tiểu ban thực hiện có chất lượng nhiệm vụ được phân công, chủ trì và phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi, giám sát, kiểm tra việc thực hiện và báo cáo Bộ theo định kỳ; Tham mưu đề xuất các chế tài xử lý đối với các đơn vị không nghiêm túc thực hiện hoặc vi phạm các quy định về chất lượng công trình xây dựng.
2. Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng CTGT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, tham mưu hoàn chỉnh các quy chế, cơ chế chính sách trong đầu tư xây dựng cơ bản về công tác quản lý chất lượng công trình đối với các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng trong tất cả các giai đoạn của quá trình đầu tư. Theo dõi, đánh giá hoạt động của các Ban QLDA; Đề xuất các tiêu chí và cơ chế đánh giá Ban QLDA để tham mưu cho Lãnh đạo Bộ trong việc giao quản lý các dự án. Phối hợp với Vụ Kế hoạch đầu tư và các cơ quan liên quan có kế hoạch và phương pháp kiểm tra, đánh giá năng lực và hoạt động về chất lượng xây dựng tại các doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác đấu thầu, lựa chọn được nhà thầu xây dựng có chất lượng cao.
Yêu cầu các cơ quan chuyên môn của Bộ đúc rút kinh nghiệm, nghiên cứu để có giải pháp kiểm soát, xử lý triệt để và hướng dẫn thực hiện đối với những tồn tại về chất lượng hiện đang xảy ra để xử lý những yếu tố về chất lượng như độ bằng phẳng của mặt đường, lún tại tiếp giáp cầu và đường, bù lún, khe co dãn, sử dụng vật liệu, công nghệ mới...
3. Vụ Khoa học công nghệ chủ trì, phối hợp với Viện Khoa học công nghệ GTVT và các cơ quan liên quan rà soát hoàn chỉnh các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình, công nghệ đảm bảo thực hiện một cách có hiệu quả và chất lượng các giai đoạn khảo sát, thiết kế, thi công, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, giám sát chất lượng xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư, đảm bảo sự bền vững của các công trình giao thông.
4. Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông phối hợp với Tổng cục Đường bộ VN, các Cục chuyên ngành để rà soát, hoàn chỉnh các tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức quản lý, quy trình bảo trì, trách nhiệm về quản lý và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông bảo đảm khả năng khai thác, an toàn công trình và tuổi thọ công trình.
5. Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT phối hợp với Viện Khoa học công nghệ GTVT triển khai các hoạt động nhằm nâng cao năng lực và chất lượng hoạt động của các đơn vị tư vấn. Phân loại Tư vấn bảo đảm công khai, minh bạch nhằm đạt mục tiêu chuyển biến tích cực về chất lượng hoạt động của Tư vấn, đặc biệt là tư vấn giám sát xây dựng.
6. Các Tổng Công ty và các doanh nghiệp trong ngành GTVT: Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 01/CT-BGTVT ngày 04/01/2011 của Bộ trưởng Bộ GTVT về các giải pháp tăng cường thực hiện vai trò của chủ sở hữu, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT. Tăng cường hiệu quả công tác quản trị doanh nghiệp, quản trị tài chính, hệ thống quản lý chất lượng tại doanh nghiệp để nâng cao năng lực bảo đảm chất lượng công trình xây dựng, đáp ứng được yêu cầu về chất lượng cao của sản phẩm xây dựng.
Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, các Chủ đầu tư, các Ban QLDA, các Tổng công ty, các doanh nghiệp thuộc Bộ, các Sở GTVT và các đơn vị có liên quan có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.
Nơi nhận: |
BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.