ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/2013/CT-UBND |
Thủ Dầu Một, ngày 02 tháng 04 năm 2013 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN TỈNH BÌNH DƯƠNG
Trong thời gian qua, việc khôi phục và phát triển ngành nghề nông thôn đã mang lại hiệu quả cao, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống cho người lao động, xóa đói giảm nghèo, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đây chính là tiền đề thuận lợi để ngành nghề nông thôn, nhất là nghề thủ công truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống ngày càng phát triển trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Bình Dương đến năm 2020 đã được triển khai. Trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện có 32 làng nghề, 9 nghề truyền thống, 55 làng nghề truyền thống; Đồng thời có 45.611 hộ (hoặc cơ sở) tham gia 46 loại ngành nghề nông thôn thu hút 103.182 lao động, giá trị sản lượng 4.802 tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, do công tác quy hoạch và tổ chức thực hiện phát triển ngành nghề nông thôn tại một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức; Ngành nghề nông thôn tỉnh Bình Dương có quy mô nhỏ, điểm xuất phát thấp và chiếm tỷ trọng nhỏ trong nền kinh tế (5% GDP); Đa số các cơ sở ngành nghề nông thôn tỉnh Bình Dương chủ yếu là kinh tế cơ sở gia đình, thiết bị công nghệ sản xuất lạc hậu, lại chậm đổi mới, năng lực trình độ tổ chức quản lý các cơ sở sản xuất kinh doanh ngành nghề nông thôn còn hạn chế, dẫn đến sức cạnh tranh kém của nhiều sản phẩm trên thị trường; Nhiều làng nghề tiếp tục phát triển dựa vào sản xuất thủ công, công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường không khí, đất, nước, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe cộng đồng.
Để thực hiện có hiệu quả chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Bình Dương bền vững và khắc phục những tồn tại nêu trên, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Là đầu mối thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với lĩnh vực ngành nghề nông thôn cần năng động, tích cực phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh phát triển ngành nghề nông thôn trong thời gian tới.
b) Chủ trì tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Bình Dương đến năm 2020, Chương trình Bảo tồn và phát triển làng nghề, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình công tác.
c) Xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Bình Dương đến năm 2020. Có kiểm tra, sơ kết từng giai đoạn 2015 và tổng kết vào năm 2020.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Hàng năm bố trí kế hoạch vốn ngân sách cho các chương trình, dự án hỗ trợ đầu tư phát triển ngành nghề nông thôn. Tăng cường nguồn vốn ODA, các nguồn vốn tài trợ khác của các tổ chức chính phủ và phi chính phủ cho phát triển ngành nghề nông thôn.
3. Sở Tài chính: Hàng năm căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách, bố trí kinh phí để thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ đầu tư phát triển ngành nghề nông thôn.
4. Sở Công thương: Tổ chức tốt các hợp phần khuyến công, hội chợ triển lãm và các hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm hàng hóa ngành nghề nông thôn Bình Dương.
5. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng chương trình phát triển du lịch ở nông thôn, nhất là xây dựng một số sản phẩm du lịch gắn với tham quan các làng nghề truyền thống, du lịch sinh thái vườn theo các tuyến du lịch một cách phù hợp. Hỗ trợ cơ sở ngành nghề nông thôn hình thành và phát triển làng nghề theo hướng phục vụ các dịch vụ du lịch. Phối hợp với các ngành chức năng, các doanh nghiệp du lịch để hỗ trợ và phát triển dịch vụ vận tải du lịch trên sông nước ở các xã ven sông Sài Gòn và sông Đồng Nai, nhằm tạo điều kiện phát triển loại hình du lịch sinh thái vườn và tham quan làng nghề truyền thống.
6. Sở Khoa học và Công nghệ
a) Chủ trì phối hợp với các sở, ngành, các tổ chức đoàn thể ở địa phương để tuyên truyền các văn bản pháp luật về khoa học và công nghệ, các chính sách của nhà nước về khoa học và công nghệ, hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn gắn với triển khai thực hiện các chương trình hỗ trợ khoa học công nghệ trước hết tập trung thực hiện ở các xã đang xây dựng nông thôn mới từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học của tỉnh.
b) Chủ trì phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Thủ Dầu Một hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ đổi mới công nghệ sản xuất, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất trong kinh doanh nhằm giảm giá thành, nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm. Xây dựng một số mô hình thí điểm thực hiện đổi mới công nghệ sản xuất gắn với giải pháp hỗ trợ xử lý chất thải, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường.
7. Sở Tài nguyên và Môi trường
a) Quy hoạch quỹ đất cho phát triển ngành nghề nông thôn; Đồng thời hướng dẫn và giám sát việc xây dựng hệ thống công trình xử lý môi trường. Hỗ trợ, hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh ngành nghề nông thôn lập hồ sơ để được hưởng chính sách hỗ trợ từ phía nhà nước đối với một số mô hình xử lý môi trường theo quy định.
b) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Tổ chức đánh giá hiện trạng môi trường tại địa phương theo định kỳ; Điều tra, xác định khu vực môi trường bị ô nhiễm, lập danh sách các cơ sở ngành nghề nông thôn gây ô nhiễm môi trường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn.
8. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Thủ Dầu Một xây dựng kế hoạch đào tạo, nâng cao tay nghề cho lao động tại các làng nghề, đề xuất các chính sách hỗ trợ cho các nghệ nhân, thợ giỏi truyền nghề cho lao động trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn.
9. Sở Nội vụ: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện các chế độ chính sách khen thưởng đối với các tổ chức, nghệ nhân, thợ giỏi trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn.
10. Đài Phát thanh truyền hình, Báo Bình Dương, các cơ quan thông tin của địa phương: Thường xuyên thông tin, tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của Nhà nước đối với lĩnh vực ngành nghề nông thôn; phổ biến, quảng bá cho sản phẩm ngành nghề nông thôn Bình Dương.
11. Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bình Dương: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố hỗ trợ thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác phát triển ngành nghề nông thôn; xây dựng kế hoạch tổ chức tham quan học tập và mô hình kinh tế tập thể, đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn theo chức năng nhiệm vụ được giao.
12. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Thủ Dầu Một
a) Căn cứ Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Bình Dương đến năm 2020, tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của quy hoạch trên địa bàn theo thẩm quyền; đặc biệt ưu tiên thực hiện ở các xã đang xây dựng nông thôn mới; lồng ghép với các chương trình đang triển khai trên địa bàn nhằm hỗ trợ cho ngành nghề nông thôn phát triển như: xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đào tạo nhân lực, xóa đói giảm nghèo...
b) Quan tâm, tạo điều kiện, hướng dẫn làm hồ sơ trình Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận nghề, nghề truyền thống, làng nghề và làng nghề truyền thống, nghệ nhân, thợ giỏi trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn. Có kế hoạch cụ thể khôi phục và phát triển nghề - nghề truyền thống, làng nghề - làng nghề truyền thống.
13. Các tổ chức, cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn
a) Tiếp tục triển khai phát triển sản xuất kinh doanh những ngành nghề có lợi thế, ưu tiên phát triển đến 2020 đúng theo Quyết định 3530/QĐ-UBND ngày 14/11/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Bình Dương đến năm 2020.
b) Tiến hành xây dựng những hồ sơ cần thiết để được hưởng chính sách hỗ trợ, ưu đãi từ ngân sách nhà nước: đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ, xử lý môi trường, đăng ký nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, nhãn hiệu hàng hóa, tham gia chương trình xúc tiến thương mại, công nhận danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi...
c) Đặc biệt các cơ sở sản xuất kinh doanh ngành nghề nông thôn nên phát huy nội lực, mở rộng liên kết, xây dựng mô hình kinh tế hợp tác, đào tạo nguồn nhân lực, đổi mới công nghệ sản xuất, ứng dụng khoa học - công nghệ mới, hợp lý hóa sản xuất và đổi mới cơ chế quản lý để sản phẩm hàng hóa của cơ sở có sức cạnh tranh cao, sản xuất kinh doanh của cơ sở phát triển bền vững.
Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đầu mối theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện Chỉ thị này. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc, các đơn vị, cá nhân liên quan báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
Chỉ thị có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký./.
Nơi nhận: |
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.