BỘ
LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/2003/CT-BLĐTBXH |
Hà Nội, ngày 15 tháng 09 năm 2003 |
VỀ NHIỆM VỤ NĂM HỌC 2003-2004 CỦA NGÀNH DẠY NGHỀ
Với sự quan tâm đầu tư, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực của toàn ngành, sự tham gia tích cực của các ngành, Mặt trận, đoàn thể cùng toàn xã hội, ngành dạy nghề đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra cho năm học 2002-2003, tạo bước phát triển mới cả về quy mô và chất lượng. Đã tuyển sinh đào tạo nghề cho 1.005.000 người, vượt chỉ tiêu và tăng 13% so với năm học 2001-2002; mạng lưới cơ sở dạy nghề tiếp tục mở rộng, đội ngũ giáo viên dạy nghề có bước phát triển; thành lập mới 21 trường dạy nghề và nhiều trung tâm dạy nghề tại các quận, huyện; chất lượng đào tạo được nâng lên đáng kể; nhiều ngành, nghề đã đáp ứng được yêu cầu của sản xuất, kinh doanh và thị trường lao động; tại Hội thi tay nghề ASEAN lần thứ IV năm 2002 đoàn học sinh giỏi nghề Việt Nam đã giành được 8 huy chương các loại, xếp thứ 2 toàn đoàn trong số 8 nước dự thi; đã xuất hiện những nhân tố mới, mô hình dạy nghề có hiệu quả như mô hình đào tạo liên thông các cấp trình độ, dạy nghề cho thanh niên dân tộc nội trú, lưu động, dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn, xây dựng chương trình đào tạo nghề theo mô đun…
Đạt được kết quả trong năm học vừa qua là đáng ghi nhận, tuy còn phải tiếp tục phấn đấu để phát triển dạy nghề tương xứng với yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước nhà.
Năm học 2003-2004 có ý nghĩa rất quan trọng, tạo điều kiện để đạt được mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2001-2005 làm cơ sở vững chắc thực hiện các mục tiêu dạy nghề trong chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo 2001-2010.
Để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, Kết luận Hội nghị Trung ương 6 (khóa IX) và Chương trình hành động của Chính phủ, đề nghị các Bộ, ngành, tỉnh, thành phố, cơ quan quản lý dạy nghề các cấp và các cơ sở dạy nghề tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt những nhiệm vụ chủ yếu sau:
1. Phát huy tối đa năng lực của các cơ sở dạy nghề hiện có, đồng thời huy động mọi nguồn lực tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để đưa các cơ sở dạy nghề, kể cả các cơ sở mới được thành lập sớm đi vào hoạt động đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch dạy nghề năm 2003 là 1.070.000 lao động, trong đó có 165.000 lao động được đào tạo dài hạn; chú trọng dạy nghề cho nông thôn và cho lao động xuất khẩu, triển khai mạnh chương trình dạy nghề nội trú cho thanh niên các dân tộc.
2. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện quy hoạch mạng lưới các trường dạy nghề, phấn đấu hết năm 2003 tất cả các địa phương có ít nhất 1 trường dạy nghề; sắp xếp, điều chỉnh mạng lưới cơ sở dạy nghề về quy mô, cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo phù hợp với điều kiện và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành, từng địa phương; đồng thời đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật của các trường; phát triển các trung tâm dạy nghề cấp huyện, nhất là ở các vùng đang phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ, du lịch, vùng chuyên canh xuất khẩu.
3. Tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình dạy nghề theo hướng vừa sát với thực tế sản xuất, vừa tiếp cận với trình độ tiên tiến về kỹ thuật, công nghệ, đồng thời có tính liên thông giữa các trình độ đào tạo nghề. Trong năm học 2003-2004 hoàn thành việc xây dựng chương trình dạy nghề đối với một số nghề phổ biến và ban hành chương trình môn học chung đối với đào tạo nghề dài hạn. Các cơ sở dạy nghề cần chủ động rà soát, điều chỉnh, biên soạn lại các chương trình dạy nghề theo định hướng trên.
4. Triển khai thực hiện “Quy định sử dụng, bồi dưỡng giáo viên dạy nghề” : Bổ sung đội ngũ giáo viên dạy nghề (nhất là cho các ngành nghề mới); tập trung bồi dưỡng chuẩn hóa đội ngũ giáo viên dạy nghề hiện có; chủ động tổ chức bồi dưỡng cập nhật kiến thức chuyên môn, kỹ thuật – công nghệ mới, tiếp cận thực tế sản xuất và nâng cao năng lực sư phạm theo chu kỳ cho đội ngũ giáo viên dạy nghề; chú trọng bồi dưỡng đổi mới phương pháp dạy nghề theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động của người học.
5. Kiện toàn bộ máy quản lý dạy nghề các cấp, đặc biệt là phòng quản lý dạy nghề thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh,thành phố; bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ quản lý các cơ sở dạy nghề và các cấp quản lý nhà nước về dạy nghề.
6. Tiếp tục xây dựng các chính sách đối với đào tạo nghề, tập trung vào một số chính sách như : đổi mới cơ chế quản lý tài chính dạy nghề; định mức chi phí đào tạo nghề; chính sách dạy nghề cho nông dân, nhất là vùng chuyên canh, vùng giảm nhanh diện tích canh tác do quá trình đô thị hóa, cho thanh niên dân tộc và người tàn tật.
7. Đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua “dạy tốt - học tốt”, xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, bài trừ các tệ nạn xã hội trong các cơ sở dạy nghề. Tổ chức tốt Hội thi học sinh giỏi nghề, hội giảng, hội thi thiết bị dạy nghề tự làm các cấp, trên cơ sở phát động phong trào thi đua từ cơ sở, tích cực chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để tham gia tổ chức thành công Hội thi tay nghề ASEAN lần thứ V tại Việt Nam vào năm 2004.
Phát huy những kết quả tích cực đạt được trong năm 2002-2003, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan quản lý dạy nghề và các cơ sở dạy nghề trực thuộc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của năm học 2003-2004.
Chỉ thị này được phổ biến trong toàn ngành dạy nghề, từ các cơ quan quản lý dạy nghề đến toàn thể cán bộ, giáo viên các cơ sở dạy nghề để quán triệt và thực hiện.
|
BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.