NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/2001/CT-NHNN |
Hà Nội, ngày 02 tháng 4 năm 2001 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC CHẤN CHỈNH CÔNG TÁC XỬ LÝ NỢ CỦA CÁC KHÁCH HÀNG VAY VỐN TẠI CÁC NGÂN HÀNG
Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành có liên quan thực hiện xử lý nhiều các khoản công nợ tồn đọng trong nền kinh tế có liên quan đến nợ vay Ngân hàng bằng nhiều biện pháp như: giãn nợ, khoanh nợ, xoá nợ, góp phần tích cực làm lành mạnh hoá tình hình tài chính của các doanh nghiệp, từng bước thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển.
Nhìn chung, công tác xử lý nợ được tiến hành khẩn trương, đúng quy trình, bảo đảm tính pháp lý, tuân thủ đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, thời gian qua công tác xử lý nợ nhiều khi còn bị động do công nợ ở nhiều dạng khác nhau nên sự phối kết hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương còn nhiều lúng túng. Gần đây một số Ngân hàng thương mại chưa xem xét đầy đủ các khoản nợ tồn đọng để tìm biện pháp chủ động giải quyết, đã có văn bản đề nghị ngân hàng Nhà nước báo cáo Thủ tướng Chính phủ xử lý khoanh nợ, xoá nợ cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp Nhà nước, dẫn đến hạn chế mặt tích cực của chính sách và chỉ đạo của Chính phủ.
Nhằm nâng cao quyền tự chủ trong hoạt dộng kinh doanh và tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh của mình, công tác xử lý nợ cũng cần được chấn chỉnh, làm theo đúng quy trình và nguyên tắc, đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả của các Ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc (Giám đốc) các ngân hàng thương mại Nhà nước, Ngân hàng thương mại cổ phần, Quĩ Tín dụng nhân dân (dưới đây gọi tắt là các tổ chức tín dụng) thực hiện một số nội dung sau:
1. Các tổ chức tín dụng tự quyết định cho vay và tự chịu trách nhiệm về việc thu hồi tiền vay theo quy chế tín dụng hiện hành. Trường hợp khách hàng có rủi ro cần phải xử lý nợ, các tổ chức tín dụng phải chủ động xem xét quyết định xử lý nợ theo các quy định tại Quyết định số 488/2000/QĐ-NHNN5 ngày 27/11/2000 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; không đề nghị Ngân hàng Nhà nước báo cáo Thủ tướng Chính phủ xử lý khoanh nợ, xoá nợ khi chưa tự xem xét, xử lý trong phạm vi trách nhiệm tài chính của từng tổ chức tín dụng.
2. Các trường hợp khoản vay (gồm cả nợ tín dụng thương mại và tín dụng theo chương trình, dự án, đối tượng theo chỉ định của Thủ tướng Chính phủ) có rủi ro do nguyên nhân bất khả kháng với phạm vi rộng, thiệt hại lớn đến vốn vay Ngân hàng thì các tổ chức tín dụng tổng hợp báo cáo Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ quyết định hướng xử lý. Các tổ chức tín dụng chỉ làm các thủ tục đề nghị khoanh nợ, xoá nợ khi có văn bản chỉ đạo cụ thể của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.
3. Đối với các trường hợp xử lý nợ không thuộc thẩm quyền, các tổ chức tín dụng xem xét thấy cần phải xử lý khoanh nợ hoặc xoá nợ cho khách hàng thì có thể báo cáo Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trên cơ sở tự cân đối về nguồn tài chính để bù đắp khi thực hiện xử lý khoanh nợ hoặc xoá nợ.
4. Đối với các khoản nợ được xử lý khoanh nợ, xoá nợ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nguồn tài chính bù đắp xử lý khoanh nợ, xoá nợ thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ.
5. Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc (Giám đốc) các tổ chức tín dụng, Giám đóc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố và các Vụ, Cục Ngân hàng Nhà nước theo chức năng nhiệm vụ được giao có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.
6. Chỉ thị này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày kể.
|
Lê Đức Thuý (Đã ký)
|
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.