VIỆN
KIỂM SÁT NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/CT-VKSTC |
Hà Nội, ngày 18 tháng 12 năm 2023 |
VỀ CÔNG TÁC CỦA NGÀNH KIỂM SÁT NHÂN DÂN NĂM 2024
Năm 2024, với phương châm công tác: “Đoàn kết, trách nhiệm - kỷ cương, liêm chính - bản lĩnh, hiệu quả”, Viện trưởng VKSND tối cao yêu cầu toàn ngành Kiểm sát nhân dân phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, vượt khó, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, coi trọng chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu công tác được Quốc hội giao; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ; triển khai mạnh mẽ các giải pháp chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát nhân dân. Trong đó tập trung thực hiện một số yêu cầu, nhiệm vụ như sau:
1. Thủ trưởng đơn vị, Viện trưởng và tập thể lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp phải luôn quán triệt, thấm nhuần đối với cán bộ dưới quyền lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: người cán bộ kiểm sát phải công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn. Đây vừa là phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp và là nguyên tắc, phương pháp công tác phải nghiêm túc trong thực hiện nhiệm vụ. Phải chủ động và tăng cường phối hợp, có ý thức giữ gìn sự đoàn kết, nêu gương trong mọi mặt hoạt động; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác cán bộ, coi đây là một trong những biện pháp quan trọng nhằm bảo đảm thực hiện và hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của đơn vị. Thực hiện đồng bộ các giải pháp quy hoạch, đào tạo gắn với phân công giao việc và đánh giá cán bộ chính xác, thực chất, có sức thuyết phục, để xây dựng được đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên “bản lĩnh, liêm chính, chuyên nghiệp”; tăng cường công tác luân chuyển, đào tạo cán bộ, chú ý lựa chọn cán bộ có năng lực, cán bộ trẻ, cán bộ nữ có triển vọng phát triển để phân công giao việc những lĩnh vực khó, địa bàn phức tạp để thử thách, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt, nhất là người đứng đầu các cấp Kiểm sát đủ năng lực đảm đương nhiệm vụ với yêu cầu ngày càng cao trong giai đoạn hiện nay.
Tăng cường và kiểm soát việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ, nhiệm vụ, chủ động hơn nữa công tác tự kiểm tra, thanh tra, coi công tác thanh tra là một trong những biện pháp quan trọng trong quản lý, điều hành của người đứng đầu nhằm kiểm soát quyền lực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử để phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong đơn vị; chủ động phát hiện sai phạm của cán bộ trong đơn vị, xử lý nghiêm để làm gương, nghiêm cấm bao che hoặc bỏ qua vì thành tích thi đua của đơn vị. Đồng thời, chú ý tạo môi trường, điều kiện để cán bộ yên tâm thực hiện nhiệm vụ, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; thực hiện nghiêm Quy tắc chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của người cán bộ kiểm sát.
2. Toàn Ngành thực hiện nghiêm quy định của Đảng, pháp luật và quy định của Ngành trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ; tăng cường hơn nữa trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, đặc biệt chú ý chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự và ngược lại; tập trung giải quyết tốt các vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ, nhất là các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các cấp theo dõi, chỉ đạo; chủ động phối hợp các ngành liên quan trong giải quyết vụ án, vụ việc phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; tham mưu cấp ủy địa phương ban hành Nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết những vấn đề khó, phức tạp trong công tác tư pháp; đặc biệt chú ý công tác thu hồi tài sản Nhà nước bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án. Các Viện kiểm sát địa phương chủ động phối hợp với Cơ quan điều tra nhằm kiểm sát chặt chẽ, kịp thời, đầy đủ, đúng quy định trong việc thụ lý và giải quyết nguồn tin về tội phạm, nhất là nguồn tin do công an cấp xã thụ lý giải quyết; phối hợp kiểm sát chặt chẽ ngay từ đầu và xuyên suốt trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Tiếp tục thực hiện tốt việc phối hợp với các cơ quan tố tụng rà soát, giải quyết án tạm đình chỉ. Đây không phải là những vấn đề mới nhưng đòi hỏi mỗi cán bộ, Kiểm sát viên phải nhập tâm sâu sắc hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ, sao nhãng sẽ dẫn tới vi phạm và không hoàn thành chức năng, nhiệm vụ.
Các đơn vị trong toàn Ngành chú ý phát hiện vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực hoạt động tư pháp trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ; kịp thời thông báo hoặc chuyển nguồn tin đến Cơ quan điều tra VKSND tối cao để giải quyết. Yêu cầu Cơ quan điều tra VKSND tối cao chủ động, tích cực trong phối hợp, xử lý nguồn tin; nâng cao chất lượng công tác điều tra; chủ động đề ra biện pháp nâng cao chất lượng, hoạt động của Cơ quan điều tra và Điều tra viên của đơn vị, góp phần chấn chỉnh hoạt động của các cơ quan tư pháp bảo đảm thực thi đúng pháp luật.
Tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; thực hiện tốt vai trò cơ quan Trung ương đầu mối trong hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự và hợp tác quốc tế, góp phần đấu tranh có hiệu quả các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm công nghệ cao, tội phạm xuyên quốc gia.
3. Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp tập trung rà soát kết quả thực hiện khâu công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động của đơn vị mình trong thời gian qua, xác định khâu công tác này là nhiệm vụ trọng tâm đột phá của toàn Ngành trong năm 2024, từ đó yêu cầu các đơn vị chủ động, tích cực, quyết liệt đề ra các biện pháp phù hợp khắc phục ngay những hạn chế, yếu kém của khâu công tác này, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Giao Vụ Kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình (Vụ 9), Vụ Kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật (Vụ 10) VKSND tối cao tham mưu cho lãnh đạo VKSND tối cao xây dựng kế hoạch trọng tâm đột phá toàn Ngành, trong đó tập trung công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên; có chính sách khích lệ động viên thông qua việc quy hoạch, tạo điều kiện học tập, bổ nhiệm, bố trí chức vụ lãnh đạo quản lý đối với đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên thực hiện nhiệm vụ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên gia giỏi trong khâu công tác này.
Viện kiểm sát các cấp phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để bảo đảm thực hiện có hiệu quả công tác kiểm sát thi hành án hình sự, dân sự, hành chính; tăng cường kiểm sát và kiến nghị xử lý các trường hợp chậm thi hành án hành chính; tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.
4. Toàn Ngành đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của VKSND, xác định là khâu đột phá trọng tâm năm 2024 và 2025 của toàn Ngành, giao cho người đứng đầu các cấp Kiểm sát chịu trách nhiệm trong triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ số, bảo mật để đem lại kết quả trong công tác quản lý, chỉ đạo và điều hành, công tác chuyên môn, nghiệp vụ; hướng tới đưa toàn bộ hoạt động hành chính và một số hoạt động nghiệp vụ chính của Ngành lên môi trường số; từng bước ứng dụng công nghệ số trong công tác nghiệp vụ của Ngành, trong đó trọng tâm là việc quản lý hồ sơ vụ án, vụ việc trên môi trường số, xây dựng sơ đồ hóa chứng cứ trong giải quyết các vụ án, vụ việc; công tác số hóa và lưu trữ hồ sơ; trợ lý ảo cho Kiểm sát viên; các phần mềm quản lý công tác và phấn đấu ứng dụng phòng họp không giấy. Đồng thời, yêu cầu chú ý đến công tác bảo mật thông tin tài liệu, dữ liệu công tác trong thực hiện nhiệm vụ của đơn vị và trong quá trình ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Viện kiểm sát.
5. Tiếp tục nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện thể chế để VKSND thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, tập trung vào các nhiệm vụ của Ngành theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Tiếp tục tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, đề xuất xây dựng và hoàn thiện hệ thống lý luận về VKSND gắn với việc sơ kết 08 năm thực hiện Luật Tổ chức VKSND và 05 năm thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự trong ngành Kiểm sát nhân dân; đẩy mạnh nhiệm vụ thông tin tuyên truyền về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân. Bảo đảm tiến độ và chất lượng các Đề án của ngành Kiểm sát được giao thực hiện tại Thông báo số 675/TB-VPCTN ngày 25/5/2023 về kết luận của Chủ tịch nước. Giao Vụ Pháp chế và quản lý khoa học (Vụ 14) VKSND tối cao chịu trách nhiệm tham mưu, xây dựng kế hoạch triển khai và đôn đốc thực hiện.
6. Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp tập trung chỉ đạo và thực hiện nghiêm quy định về thẩm quyền, trách nhiệm trong quản lý tài chính, tài sản công, thực hiện các dự án đầu tư công của đơn vị mình, bảo đảm kịp thời, đúng tiến độ, công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí theo quy định của pháp luật.
Căn cứ Chỉ thị này, yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị, Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện; đồng thời chủ động đề ra yêu cầu trong quản lý, chỉ đạo, điều hành đối với các lĩnh vực công tác khác của Ngành phù hợp với từng đơn vị, bảo đảm hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu công tác của Quốc hội, của Ngành giao./.
|
VIỆN TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.