ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/CT-UBND |
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 03 tháng 01 năm 2024 |
CHỈ THỊ
VỀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC XÂY DỰNG, HOÀN THIỆN HỆ THỐNG PHÁP LUẬT VÀ TỔ CHỨC THI HÀNH PHÁP LUẬT NHẰM NGĂN NGỪA TÌNH TRẠNG THAM NHŨNG, LỢI ÍCH NHÓM, LỢI ÍCH CỤC BỘ
Trong thời gian qua, Ủy ban nhân dân Thành phố đã tập trung nhiều thời gian, nguồn lực, áp dụng nhiều giải pháp để đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố; bảo đảm quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tăng trưởng hợp lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24 tháng 6 năm 2023 về việc thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật vẫn còn bộc lộ một số bất cập: việc xây dựng một số văn bản quy phạm pháp luật chưa đảm bảo đủ thời gian để thực hiện các quy trình, thủ tục theo quy định; một số cơ quan chưa chủ động thực hiện việc lập đề nghị xây dựng, soạn thảo văn bản; sử dụng hình thức văn bản khác không đúng quy định để thay thế cho việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật; việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật vẫn là khâu yếu, chậm được khắc phục; năng lực tổ chức thực hiện của đội ngũ cán bộ, công chức có nơi chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ dẫn đến pháp luật chậm được thực hiện và hiệu quả thấp. Một số cơ quan, đơn vị chưa xác định rõ các văn bản phải thực hiện quy trình xây dựng chính sách, chưa chủ động trong việc đề xuất xây dựng, soạn thảo văn bản, chất lượng văn bản chưa cao, việc tiếp thu, giải trình ý kiến của cơ quan thẩm định, thẩm tra còn nhiều hạn chế; tiến độ ban hành văn bản còn chậm so với yêu cầu đặt ra.
Ngày 14 tháng 8 năm 2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 126/NQ-CP về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.
Nhằm nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, phòng, chống tham nhũng, lợi ích nhóm, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo triển khai thực hiện một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ như sau:
I. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP
1. Trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật
- Rà soát, đánh giá kết quả triển khai thực hiện sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố về công tác xây dựng thể chế và tổ chức thi hành pháp luật, phát hiện các tồn tại, khó khăn. Từ đó, có các giải pháp, biện pháp phù hợp để đẩy mạnh, tiếp tục triển khai thực hiện các chỉ đạo về xây dựng thể chế và tổ chức thi hành pháp luật ở cơ quan, địa phương mình.
- Chủ động nghiên cứu các chủ trương, đường lối của Đảng trong Văn kiện Đại hội XIII; các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, chỉ đạo từ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố, các Điều ước quốc tế và thực tiễn thi hành pháp luật để kịp thời ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.
- Khi tham mưu, đề xuất việc ban hành văn bản phải đúng thẩm quyền về nội dung và hình thức theo quy định của pháp luật; hồ sơ đề nghị xây dựng, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật phải đảm bảo đầy đủ các tài liệu theo quy định và đảm bảo chất lượng của từng tài liệu. Không trình Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản hành chính có chứa quy phạm pháp luật.
- Chủ động việc lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo đúng trình tự, thủ tục, thời hạn được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong quá trình lập đề nghị xây dựng văn bản tiến hành tổng kết, đánh giá thực tiễn, đánh giá đầy đủ tác động của chính sách.
- Quá trình soạn thảo văn bản cần bám sát các chính sách đã được thông qua, tuân thủ nghiêm trình tự, thủ tục, đặc biệt là thời hạn soạn thảo, tránh tình trạng do yêu cầu về thời gian nên xin áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn mà không thuộc các trường hợp được áp dụng thủ tục rút gọn; tăng cường kiểm soát việc ban hành văn bản theo trình tự, thủ tục rút gọn.
- Tổ chức lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách, dự thảo văn bản và các tổ chức, hiệp hội, các chuyên gia, nhà khoa học, người làm thực tiễn bằng các hình thức phù hợp. Nghiêm túc nghiên cứu tiếp thu ý kiến thẩm định của cơ quan tư pháp, ý kiến của Thành viên Ủy ban nhân dân đối với các đề nghị xây dựng văn bản, dự thảo văn bản, trường hợp không tiếp thu phải có báo cáo giải trình đầy đủ; tăng cường phản biện xã hội, truyền thông đối với các văn bản quy phạm pháp luật có tác động lớn đến người dân và doanh nghiệp.
- Rà soát đầy đủ, tăng cường đề xuất một văn bản để quy định chi tiết nhiều nội dung của luật, pháp lệnh, nghị quyết nhằm hạn chế xây dựng, ban hành nhiều văn bản quy định chi tiết thi hành, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, tạo thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện.
- Tập trung các nguồn lực để tổ chức soạn thảo văn bản quy định chi tiết đúng thời hạn. Kịp thời báo cáo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình soạn thảo văn bản quy định chi tiết để tìm cách tháo gỡ, đề xuất những giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc đó.
2. Trong công tác rà soát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật
- Chủ động rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực do sở, ngành Thành phố, quận, huyện, thành phố Thủ Đức quản lý để xem xét sự phù hợp với hệ thống pháp luật và yêu cầu của thực tiễn; xác định rõ khó khăn, vướng mắc xuất phát từ quy định pháp luật hay từ khâu tổ chức thi hành, từ đó xác định sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản.
- Tăng cường kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật do các sở, ngành Thành phố, địa phương tham mưu, ban hành có nội dung thuộc các lĩnh vực do cơ quan mình quản lý, kịp thời phát hiện các nội dung trái pháp luật và kiến nghị biện pháp xử lý.
3. Trong công tác tổ chức thi hành pháp luật
- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, đẩy mạnh hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Chú trọng tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, người dân về vướng mắc, bất cập trong thực thi chính sách, pháp luật.
- Nghiên cứu, đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung của luật, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định, thông tư, các văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ban hành.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và năng lực phản ứng chính sách trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật, nhất là trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cơ quan, tổ chức, người dân doanh nghiệp.
4. Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, phát hiện ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi “tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm” trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật, trong đó tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp
- Chủ động báo cáo, xin ý kiến của các cấp ủy, tổ chức Đảng theo quy định tại các văn bản của Đảng về những chính sách quan trọng, những định hướng lớn trong dự án, dự thảo văn bản.
- Nâng cao năng lực, phẩm chất cho cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật thông qua việc tăng cường đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị cho cán bộ, công chức nhằm nêu cao tinh thần cảnh giác, không để bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh nhằm cài cắm lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, làm sai lệch chủ trương chính sách, nội dung văn bản quy phạm pháp luật.
- Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, cá nhân trong việc tham mưu xây dựng, ban hành văn bản trái pháp luật.
5. Ưu tiên, bố trí đầy đủ nhân lực, kinh phí và các điều kiện cần thiết khác để đáp ứng đầy đủ yêu cầu của công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật. Nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp để thu hút các chuyên gia, nhà khoa học có trình độ, năng lực, kinh nghiệm thực tiễn tham gia quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật.
- Chủ động ưu tiên, bố trí đầy đủ các nguồn lực về kinh phí, biên chế được phân bổ cho sở, ngành, địa phương và các điều kiện cần thiết khác phù hợp với cơ quan, địa phương để đáp ứng đầy đủ yêu cầu của công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật.
- Tăng cường công tác đào tạo, hướng dẫn nghiệp vụ bằng các hình thức phù hợp, trong đó tiếp tục thường xuyên tổ chức các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ trực tuyến, hội nghị, tọa đàm chuyên sâu về công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó tập trung đến công tác đánh giá tác động chính sách, đánh giá tác động thủ tục hành chính trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, qua đó góp phần nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
- Quan tâm, có giải pháp kiện toàn, nâng cao năng lực cán bộ thực hiện công tác pháp chế tại các cơ quan, đơn vị, đồng thời phát huy vai trò của cán bộ làm công tác pháp chế trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
- Đề xuất các cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp để thu hút các chuyên gia, nhà khoa học có trình độ, năng lực, kinh nghiệm thực tiễn tham gia quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thủ trưởng các sở, ban ngành Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức
- Triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ tại Chỉ thị này.
- Chỉ đạo các bộ phận tham mưu soạn thảo thực hiện nghiêm túc theo các nội dung nêu trên, chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố trong trường hợp tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật không đúng pháp luật, không đảm bảo thời hạn, quy trình.
- Định kỳ báo cáo kết quả thực hiện các nội dung tại Chỉ thị này về Sở Tư pháp trước ngày 25 tháng 12 hàng năm.
2. Giao Giám đốc Sở Tư pháp
- Chịu trách nhiệm theo dõi, tham mưu và báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố các khó khăn, vướng mắc trong tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật.
- Chủ trì thành lập Đoàn kiểm tra công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật tại các sở, ban, ngành Thành phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức, nhất là các cơ quan theo danh mục phải ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhưng chưa đảm bảo tiến độ trình ban hành và các cơ quan trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quy định biện pháp có tính chất đặc thù phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
- Tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố báo cáo việc thực hiện Chỉ thị này khi có yêu cầu.
3. Giao Giám đốc Sở Nội vụ
Chịu trách nhiệm tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, xử lý trách nhiệm của Thủ trưởng sở, ban, ngành Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức gắn với công tác đánh giá thi đua, xếp loại đơn vị trong trường hợp chưa thực hiện đúng các nội dung đã nêu tại Chỉ thị và đề xuất hình thức xử lý trách nhiệm trên cơ sở đề nghị của Sở Tư pháp (nếu có)./.
|
KT. CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.