ỦY BAN NHÂN DÂN
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/CT-UBND |
Phú Thọ, ngày 10 tháng 4 năm 2023 |
CHỈ THỊ
TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI, TÌM KIẾM CỨU NẠN VÀ ĐẢM BẢO AN TOÀN CÔNG TRÌNH ĐÊ ĐIỀU, THỦY LỢI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Trong vài năm trở lại đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết, thiên tai trên địa bàn cả nước có những diễn biến phức tạp, bất thường. Năm 2022, ngay từ đầu mùa lũ các hồ Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang đã phải vận hành xả lũ và duy trì trong một thời gian khá dài (đây là hiện tượng hiếm thấy kể từ khi hệ thống liên hồ chứa đi vào vận hành, khai thác), khu vực miền Trung tiếp tục xảy ra mưa lũ, ngập lụt lớn. Trên địa bàn tỉnh, trong năm 2022 đã xảy ra 13 đợt thiên tai, tổng giá trị thiệt hại ước tính hơn 94 tỷ đồng, làm 01 người chết, 01 người bị thương, hư hỏng 118 ngôi nhà, 11 điểm trường, 01 cơ sở y tế, 06 công trình văn hóa, 01 trụ sở cơ quan và nhiều thiệt hại khác.
Mặc dù các cấp, các ngành, địa phương đã tích cực triển khai nhiều biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; tuy nhiên, trong quá trình phòng, chống, ứng phó thiên tai vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: công tác chỉ đạo của một số ngành, địa phương có lúc, có nơi còn bị động, lúng túng; phương châm “bốn tại chỗ” chưa được quan tâm đầy đủ, có nơi còn hình thức; trang thiết bị chuyên dùng phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn còn thiếu, công tác bảo quản trang thiết bị, vật tư tại một số địa phương chưa được chú trọng; nhiều công trình thủy lợi được xây dựng từ lâu, bị hư hỏng, xuống cấp nhưng chưa được sửa chữa kịp thời do khó khăn về kinh phí…
Năm 2023, theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ nửa cuối tháng 6, bão và áp thấp nhiệt đới bắt đầu hoạt động ở khu vực biển Đông và có khả năng xuất hiện các cơn bão mạnh, di chuyển phức tạp; vào những tháng chuyển mùa cần đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, sét, gió mạnh, mưa đá; lượng mưa phổ biến cao hơn 10% - 20% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Bên cạnh đó, trong những năm trở lại đây tình hình sạt lở đất, xô lũ ngày càng có xu thế gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp.
Để chủ động phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo an toàn công trình đê điều, thủy lợi trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị và các cơ quan liên quan chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
I. Nhiệm vụ chung
1. Tiếp tục phổ biến, quán triệt và chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả: Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 01/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; các Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn số 1148/CT-BNN-ĐĐ ngày 01/3/2023, số 1416/CT-BNN-TL ngày 10/3/2023 về việc tăng cường công tác quản lý, bảo đảm an toàn công trình đê điều thủy lợi trong mùa mưa, lũ năm 2023 (có sao gửi kèm theo); các kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo an toàn công trình đê điều, thủy lợi.
Đồng thời rà soát, đề xuất kế hoạch, nội dung cần phải điều chỉnh, bổ sung để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế và các chỉ đạo của trung ương, của tỉnh.
2. Thường xuyên rà soát, kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, ngành; tổ chức tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 trên địa bàn, lĩnh vực quản lý. Yêu cầu hoàn thành trước ngày 15 tháng 5 năm 2023.
3. Khẩn trương rà soát, đánh giá hiện trạng các công trình đê điều, thủy lợi, công trình ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng (như: trường học, bệnh viện, cây xanh, điện lực, viễn thông…), kịp thời phát hiện và khắc phục các sự cố công trình có nguy cơ mất an toàn; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành công tác duy tu, sửa chữa các công trình trước mùa mưa lũ. Triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn hồ đập theo quy định của Nghị định số 114/2018/NĐ-CP của Chính phủ; xác định các công trình, vị trí trọng điểm xung yếu, chủ động xây dựng, phê duyệt các phương án ứng phó với các tình huống khẩn cấp khi thiên tai xảy ra, đặc biệt là các phương án di dời dân cư khi xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, đảm bảo tuyệt đối an toàn trong mùa mưa lũ. Yêu cầu hoàn thành trước ngày 15 tháng 5 năm 2023.
4. Tiếp tục củng cố lực lượng, hiện đại hóa phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; đồng thời, thực hiện nghiêm túc công tác dự trữ, bảo quản trang thiết bị, vật tư, phương tiện phục vụ công tác phòng chống thiên tai. Quán triệt và tổ chức thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”; phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng quân đội, công an, lực lượng xung kích phòng chống thiên tai... để chủ động thực hiện công tác phòng, chống và cứu hộ, cứu nạn khi có thiên tai xảy ra.
5. Tổ chức tập huấn, diễn tập nâng cao năng lực, kỹ năng phòng ngừa, ứng phó cho các lực lượng trực tiếp làm công tác phòng chống thiên tai. Nâng cao chất lượng thông tin, dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, bảo đảm mạng lưới thông tin liên lạc hoạt động thông suốt trong mọi tình huống. Duy trì công tác thường trực, trực ban và tổng hợp báo cáo theo đúng quy định.
6. Nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, đặc biệt là phát huy lợi thế của truyền thanh cơ sở và mạng internet (như website và các ứng dụng mạng xã hội facebook, zalo, youtube…) để phổ biến kiến thức pháp luật và các kỹ năng phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; trong đó, cần tập trung vào các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương, dân cư sinh sống ở khu vực nguy hiểm, khó khăn, thường xảy ra thiên tai.
7. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi, phòng chống thiên tai. Thực hiện nghiêm túc việc thu, nộp, quản lý và sử dụng Quỹ phòng, chống thiên tai theo quy định.
II. Nhiệm vụ cụ thể
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chủ động tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai và đề xuất xử lý các tình huống khẩn cấp về thiên tai. Chỉ đạo, tổ chức trực ban theo dõi diễn biến thời tiết, thiên tai và thực hiện nghiêm túc công tác tổng hợp, báo cáo theo quy định;
- Tập trung chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ công tác duy tu, sửa chữa, xây dựng mới các công trình đê điều, thủy lợi, đảm bảo hoàn thành trước ngày 15 tháng 6 năm 2023; đối với công trình chưa hoàn thành phải yêu cầu các chủ đầu tư, đơn vị thi công xây dựng phương án đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ; chỉ đạo triển khai kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình đê điều, thủy lợi trước, trong và sau mùa mưa lũ để có phương án vận hành, sửa chữa, khắc phục kịp thời các công trình bị sự cố; tổng hợp, báo cáo kết quả gửi Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 15 tháng 4 năm 2023 và trước ngày 15 tháng 12 năm 2023;
- Triển khai kế hoạch và chỉ đạo tổ chức tập huấn công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh; bảo đảm hướng dẫn đầy đủ các kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với các loại hình thiên tai phổ biến bằng nhiều hình thức, phù hợp với từng địa phương;
- Đôn đốc, hướng dẫn các huyện, thành, thị thực hiện nghiêm túc việc thu, nộp, quản lý, sử dụng Quỹ phòng, chống thiên tai theo quy định, đồng thời, xây dựng kế hoạch và tổ chức thu, chi Quỹ phòng chống thiên tai kịp thời, hiệu quả;
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi, phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh; kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm theo quy định. Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện công tác phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn công trình đê điều, thủy lợi và các yêu cầu tại Chỉ thị này.
2. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh: Chỉ đạo rà soát phương án cứu hộ, cứu nạn trong các tình huống thiên tai; sẵn sàng phối hợp, hiệp đồng, hỗ trợ, chi viện cho các huyện, thành, thị ngay khi có yêu cầu; chỉ đạo việc tổ chức diễn tập cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn tỉnh. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để huy động khi cần thiết; đồng thời, từng bước đầu tư, hiện đại hóa phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn, tăng cường tập huấn nghiệp vụ nâng cao năng lực cho lực lượng cứu hộ, cứu nạn nhằm đáp ứng yêu cầu trong mọi tình huống.
3. Công an tỉnh: Có phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trước, trong và sau thiên tai; tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn, sơ tán dân, khắc phục hậu quả thiên tai.
Phối hợp với Sở Giao thông vận tải thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông khi xảy ra thiên tai; phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về đê điều, phòng chống thiên tai.
4. Sở Xây dựng: Rà soát hệ thống tiêu, thoát nước đô thị, có giải pháp phòng chống úng ngập phù hợp, kiểm tra, đánh giá hiện trạng và có biện pháp đảm bảo an toàn đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình xây dựng dân dụng, hệ thống cây xanh đô thị, công trình tháp (trụ) viễn thông, truyền hình và các công trình xây dựng khác ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng.
5. Sở Giao thông vận tải: Có kế hoạch chủ động phòng chống thiên tai, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn trên các tuyến đường được giao quản lý; bố trí lực lượng canh gác để hướng dẫn người và phương tiện tham gia giao thông tại các vị trí ngầm, tràn, đò ngang, đò dọc, vị trí ngập lụt, sạt lở, chia cắt. Chuẩn bị sẵn sàng vật tư, phương tiện, lực lượng khắc phục các sự cố công trình giao thông.
6. Sở Giáo dục và Đào tạo: Lồng ghép nội dung về phòng chống thiên tai, các kỹ năng nhận biết, phòng tránh các loại hình thiên tai trong nhà trường, nhất là cấp tiểu học và trung học cơ sở. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục, trường học kiểm tra, rà soát, xây dựng phương án bảo đảm an toàn đối với hệ thống trường, lớp học, cây xanh và các công trình khác thuộc phạm vi quản lý.
7. Sở Công Thương: Xây dựng kế hoạch dự trữ và cung ứng các mặt hàng thiết yếu cho công tác phòng chống thiên tai; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bình ổn giá cả thị trường khi có thiên tai; chỉ đạo Công ty Điện lực Phú Thọ có kế hoạch, phương án đảm bảo an toàn công trình lưới điện trong mùa mưa lũ, kịp thời cung cấp, phát điện khi xảy ra thiên tai.
8. Sở Y tế: Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện ứng trực 24/24 giờ, có phương án sẵn sàng nhân lực, phương tiện, vật tư, trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh để đảm bảo khả năng cao nhất trong việc cấp cứu, điều trị nạn nhân bị tai nạn do thiên tai, giảm thiệt hại đến mức thấp nhất về người khi xảy ra thiên tai.
9. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Phú Thọ và các cơ quan liên quan: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung, kiến thức, kỹ năng về phòng chống thiên tai đến cộng đồng; truyền tải kịp thời, đầy đủ, chính xác các bản tin dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai, nội dung chỉ đạo của cơ quan chức năng để người dân biết và chủ động phòng ngừa, ứng phó. Củng cố mạng lưới thông tin liên lạc từ tỉnh đến cơ sở, sẵn sàng các phương án đảm bảo thông tin 2 chiều thông suốt, kịp thời trong mọi tình huống.
10. Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị
- Chỉ đạo kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện, cấp xã, phân công nhiệm vụ cụ thể các thành viên; chủ động rà soát, xây dựng, phê duyệt điều chỉnh các kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai tại địa phương để triển khai thực hiện; tổ chức thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều, hồ đập trong mùa mưa lũ; phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể xã hội trong các hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai;
- Khẩn trương chỉ đạo kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng công trình đê điều, thủy lợi và các công trình xây dựng khác thuộc phạm vi quản lý; tập trung duy tu, sửa chữa các công trình bị sự cố, xuống cấp đảm bảo an toàn công trình trước ngày 30 tháng 5 năm 2023. Xác định rõ các khu vực trọng điểm, xung yếu; đặc biệt cần lưu ý các khu vực có dân cư sinh sống ven sông, suối, ngòi, hạ lưu các hồ chứa, các khu vực bờ, vở sông có nguy cơ bị sạt lở, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; trên cơ sở đó, xây dựng và phê duyệt phương án ứng phó thiên tai, phương án bảo vệ các trọng điểm xung yếu, phương án di dời dân cư ra khỏi các khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng của thiên tai để đảm bảo an toàn;
- Đôn đốc, kiểm tra, rà soát các công trình đang thi công trên địa bàn quản lý đảm bảo hoàn thành tiến độ thi công vượt lũ, chống lũ an toàn; tuyệt đối không thi công các hạng mục công trình chính trong mùa mưa, lũ; yêu cầu triển khai các biện pháp, phương án đảm bảo an toàn tại khu vực đang thi công;
- Tổ chức thu Quỹ phòng, chống thiên tai và nộp về Cơ quan quản lý Quỹ theo Kế hoạch được duyệt; quản lý, sử dụng Quỹ phòng chống thiên tai và các nguồn kinh phí khác được phân bổ để phục vụ công tác phòng chống thiên tai theo quy định hiện hành, đảm bảo kịp thời, phát huy hiệu quả;
- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về phòng chống thiên tai, đê điều, thủy lợi và hướng dẫn các kỹ năng ứng phó với thiên tai bằng nhiều hình thức đến cộng đồng dân cư. Tổ chức tập huấn, diễn tập cho các lực lượng phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn quản lý đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, sát với tình hình thực tế;
- Rà soát, đánh giá năng lực của các tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác đập, hồ chứa thủy lợi theo quy định của Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14/5/2018 của Chính phủ. Tuyệt đối không giao cho các tổ chức, cá nhân không đủ năng lực quản lý, khai thác đập, hồ chứa thủy lợi;
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi, phòng chống thiên tai. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả thực hiện trên địa bàn; đồng thời, tiếp tục giao trách nhiệm cho các phòng, ban, đơn vị liên quan và Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc tổ chức thực hiện Chỉ thị này.
11. Đài Khí tượng thủy văn khu vực Việt Bắc: Tiếp tục quan tâm nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo sớm thiên tai, đảm bảo kịp thời, chính xác, sát với từng vùng của tỉnh, nhất là vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.
12. Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Phú Thọ và các tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý, khai thác công trình thủy lợi:
- Bố trí lực lượng đủ năng lực chuyên môn để quản lý, vận hành công trình thủy lợi và bố trí đủ vật tư, thiết bị dự phòng, bảo đảm kịp thời sửa chữa, thay thế trong trường hợp có sự cố vận hành; thường xuyên kiểm tra, trực ban, giám sát an toàn công trình, nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các nguy cơ xảy ra sự cố;
- Đối với đập, hồ chứa nước có cửa van điều tiết lũ, thực hiện quan trắc theo quy định và cập nhật thông tin vận hành hồ chứa lên trang điện tử thu thập thông tin điều hành hệ thống thủy lợi của Cục Thủy lợi (tại địa chỉ: www.thuyloivietnam.vn).
13. Các sở, ban, ngành khác và các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn tỉnh, các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trong phạm vi ngành, cơ quan, đơn vị mình; xây dựng và phê duyệt phương án ứng phó thiên tai, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, vật tư, lực lượng tham gia vào công tác phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.
14. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các hội, đoàn thể cấp tỉnh: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cập nhật giáo dục kiến thức, kỹ năng, tính chủ động cho đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Tích cực tham gia công tác cứu trợ nhân đạo, tiếp nhận và phân bổ nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ theo quy định.
Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị và các tổ chức, cá nhân có liên quan nghiêm túc chỉ đạo triển khai, thực hiện./.
|
KT. CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.