BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/CT-LĐTBXH |
Hà Nội, ngày 10 tháng 06 năm 2015 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ, CHẤN CHỈNH CÔNG TÁC AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG TRONG LĨNH VỰC CÓ NHIỀU NGUY CƠ TAI NẠN LAO ĐỘNG VÀ AN TOÀN TRÊN CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG TIẾP GIÁP VỚI KHU DÂN CƯ, ĐƯỜNG GIAO THÔNG
Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động, sự cố mất an toàn lao động tại nhiều dự án, công trình xây dựng, công trình giao thông, công trình thủy điện, nhất là những công trình đang thi công gần với khu dân cư, đường giao thông. Những vụ tai nạn lao động, sự cố nghiêm trọng này đã gây thiệt hại về người, tài sản, vật chất, gây tâm lý lo sợ cho người lao động và người dân đang sinh sống gần các công trình hoặc hằng ngày tham gia giao thông ngay bên dưới, bên cạnh công trình.
Để kịp thời chấn chỉnh công tác an toàn, vệ sinh lao động trong lĩnh vực có nhiều nguy cơ tai nạn lao động và an toàn trên công trình xây dựng tiếp giáp với khu dân cư, đường giao thông, bảo đảm quyền được làm việc an toàn của người lao động, quyền được sinh hoạt an toàn của người dân, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị:
1. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương:
a) Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động về an toàn, vệ sinh lao động trong lĩnh vực có nhiều nguy cơ tai nạn lao động;
b) Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định an toàn, vệ sinh lao động của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực có nhiều nguy cơ tai nạn lao động đặc biệt là các nhà thầu, ban quản lý dự án công trình tiếp giáp với khu dân cư, đường giao thông; công khai thông báo các vi phạm nghiêm trọng trong công tác an toàn, vệ sinh lao động trên các phương tiện thông tin đại chúng; xử lý nghiêm những vi phạm về an toàn lao động; xem xét khởi tố vụ án, truy tố người vi phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
c) Quản lý chặt chẽ thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động đặc biệt là thiết bị nâng hạ tại công trình tiếp giáp khu dân cư, đường giao thông; quy định khung giờ hoạt động và phân luồng giao thông hợp lý tại công trình tiếp giáp các khu dân cư, đường giao thông;
d) Báo cáo việc thực hiện Chỉ thị tại địa phương trước ngày 15 tháng 10 năm 2015.
2. Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải:
a) Chủ động kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động đối với các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý;
b) Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thanh tra, kiểm tra các công trình trọng điểm, các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố nghiêm trọng;
c) Xử lý nghiêm các vi phạm quy định về an toàn lao động của các doanh nghiệp, chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổng thầu, nhà thầu thuộc phạm vi quản lý.
3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo:
a) Nhà thầu thi công, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực có nhiều nguy cơ tai nạn lao động thuộc phạm vi quản lý:
- Lập biện pháp quản lý rủi ro trong suốt quá trình làm việc, đảm bảo an toàn cho cả người lao động và người dân xung quanh;
- Lựa chọn người có chuyên môn, kinh nghiệm, được đào tạo phù hợp để làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động;
- Huấn luyện thực hiện quy trình, biện pháp an toàn thường xuyên cho người lao động;
- Thực hiện đầy đủ việc tự kiểm tra an toàn, vệ sinh lao động;
- Bố trí người giám sát, phân luồng giao thông, thiết lập tín hiệu cảnh báo khi thi công tại các công trình giao thông, công trình gần đường giao thông.
b) Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án thuộc phạm vi quản lý:
- Tổ chức đánh giá đầy đủ về năng lực của các chủ thể tham gia xây dựng công trình, chỉ cho phép thi công khi đảm bảo triển khai đầy đủ các biện pháp an toàn trên công trường;
- Tập trung kiểm tra tình trạng an toàn của thiết bị nâng trong các công trình, việc đào tạo, huấn luyện đối với người vận hành thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động và các biện pháp thi công đảm bảo tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật an toàn;
- Kiểm tra, giám sát việc tổ chức thi công của nhà thầu đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động; đình chỉ ngay các nhà thầu vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
4. Đối với các đơn vị thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:
a) Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức thanh tra tại các địa phương có nhiều tai nạn lao động, sự cố tai nạn lao động nghiêm trọng; trong tháng 6, tháng 7 năm 2015, phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức thanh tra toàn diện về công tác an toàn, vệ sinh lao động tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh.
b) Cục An toàn lao động:
- Phối hợp với các Bộ, địa phương tập trung kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động của chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổng thầu, nhà thầu thi công, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động;
- Tăng cường công tác tuyên truyền trên báo chí, truyền hình nhằm nâng cao nhận thức người sử dụng lao động, người lao động về an toàn, vệ sinh lao động trong lĩnh vực có nhiều nguy cơ tai nạn lao động;
- Tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện Chỉ thị; tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan nghiêm túc triển khai Chỉ thị này./.
|
BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.