ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/2014/CT-UBND |
An Giang, ngày 02 tháng 01 năm 2014 |
CHỈ THỊ
TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ QUY HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG
Quy hoạch sử dụng đất là công cụ quan trọng của Nhà nước để cân đối, bố trí nguồn lực đất đai cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, gắn với mục tiêu bảo vệ môi trường; là căn cứ để thu hồi, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo Luật định.
Thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011 - 2015) tỉnh An Giang, đến nay trên địa bàn tỉnh An Giang đã tổ chức thẩm định, phê duyệt 10/11 đồ án quy hoạch sử dụng đất cấp huyện; phê duyệt 120 đồ án quy hoạch sử dụng đất và hạ tầng thiết yếu cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, tỷ lệ diện tích đất có quy hoạch đạt 94%. Kết quả này đã góp phần vào việc định hướng sử dụng đất của các cấp, các ngành, thu hút đầu tư, cơ bản đảm bảo việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch được duyệt.
Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về quy hoạch sử dụng đất vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập, chất lượng một số đồ án quy hoạch chưa cao, một số chỉ tiêu đất trồng lúa, đất rừng, đất ở, đất sản xuất kinh doanh, đất cụm công nghiệp… chưa phù hợp với việc phân khai từ quy hoạch sử dụng đất cấp trên và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương; việc phối hợp giữa quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành và quy hoạch xây dựng chưa thống nhất, đồng bộ; ý thức chấp hành quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa tốt. Mối quan hệ giữa các loại quy hoạch chưa được xử lý triệt để, sự chồng lấn, xung đột nhiều loại quy hoạch như giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch đô thị, quy hoạch các ngành, lĩnh vực… đã làm giảm hiệu lực, hiệu quả của quy hoạch sử dụng đất.
Để khắc phục những tồn tại nêu trên và tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai theo quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn tỉnh An Giang, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1. Khẩn trương lập, điều chỉnh quy hoạch các ngành, các cấp.
a) Căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh đã được Chính phủ phê duyệt và công khai, các Sở, Ban, Ngành rà soát, điều chỉnh quy hoạch của ngành mình thống nhất với quy hoạch sử dụng đất.
b) UBND huyện, thị, thành công bố quy hoạch sử dụng đất cấp huyện ngay sau khi được phê duyệt; khẩn trương hoàn thiện sản phẩm quy hoạch sử dụng đất các phường, thị trấn trình UBND tỉnh xét duyệt; phân khai chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho cấp xã để làm cơ sở lập quy hoạch sử dụng đất chi tiết.
c) UBND các xã tiến hành lập quy hoạch sử dụng đất chi tiết gắn với quy hoạch nông thôn mới, đảm bảo nguyên tắc phù hợp với các chỉ tiêu được phân khai từ quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, đáp ứng nhu cầu sử dụng đất của các ngành, các cấp và yêu cầu kêu gọi đầu tư tại địa phương; đáp ứng tiêu chí tiết kiệm, linh hoạt và hiệu quả.
d) Các Sở, Ban, Ngành khi lập mới quy hoạch chuyên ngành phải căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất để đảm bảo tính thống nhất về chỉ tiêu, mục đích, quy mô đã phân khai của cấp trên. Trường hợp có chồng lấn, xung đột, thì lấy ý kiến thống nhất của Sở Tài nguyên và Môi trường trước khi trình duyệt.
2. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả của quy hoạch sử dụng đất.
a) UBND cấp huyện, cấp xã tổ chức quản lý, sử dụng đất theo đúng quy hoạch chi tiết đã được xét duyệt và pháp luật đất đai. Tiếp tục quan tâm chỉ đạo việc xác định ranh giới diện tích đất lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng cần bảo vệ nghiêm ngặt. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phải chịu trách nhiệm chính nếu để xảy ra trường hợp sử dụng đất không đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết đã được phê duyệt tại địa phương mình.
b) Các Sở, Ban, Ngành, UBND các cấp chủ động triển khai thực hiện các dự án đầu tư đã bố trí trong quy hoạch, cân đối nguồn kinh phí để thực hiện có hiệu quả quy hoạch sử dụng đất được duyệt, hạn chế tối đa tình trạng quy hoạch, dự án chậm triển khai.
c) Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch định kỳ kiểm tra và thanh tra việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt. Tăng cường chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy hoạch và pháp luật đất đai. Tiếp tục tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật đất đai để người dân biết và chấp hành.
d) Quy hoạch sử dụng đất chi tiết phải được xem là căn cứ quan trọng để xem xét chấp thuận hoặc phê duyệt dự án đầu tư. Các Sở, Ban, Ngành, UBND các cấp khi tham mưu, đề xuất, thẩm tra hoặc phê duyệt dự án đầu tư phải xem xét sự phù hợp so với quy hoạch sử dụng đất chi tiết; không để xảy ra tình trạng dự án đầu tư đã được chấp thuận, phê duyệt mà vị trí, địa điểm không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất chi tiết.
3. Xử lý vướng mắc khi có chồng lấn, xung đột giữa quy hoạch sử dụng đất chi tiết và các loại quy hoạch khác.
a) Trong quá trình thẩm tra xem xét chấp thuận, phê duyệt dự án đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư hoặc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, nếu có sự chồng lấn, xung đột giữa các loại quy hoạch thì xử lý như sau:
- Đối với khu vực đã có quy hoạch sử dụng đất chi tiết và quy hoạch ngành được duyệt:
+ Đối với dự án đầu tư không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất chi tiết, nhưng phù hợp với quy hoạch ngành, thì Sở Kế hoạch và Đầu tư chuyển Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định mức độ phù hợp với các chỉ tiêu về quy hoạch các cấp đã phân khai như sau:
Trường hợp dự án không làm ảnh hưởng đến các chỉ tiêu về quy hoạch cấp quốc gia đã được Chính phủ phân khai cho tỉnh và tỉnh đã phân khai cho các huyện, thì trên cơ sở ý kiến thẩm định thống nhất của Sở Tài nguyên và Môi trường, thì chấp thuận cho triển khai dự án trước, UBND cấp huyện có trách nhiệm cập nhật, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất vào giữa kỳ quy hoạch.
Trường hợp dự án làm phá vỡ các chỉ tiêu về đất đai của tỉnh đã cân đối theo phân khai của Chính phủ, thì phải điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất chi tiết và cân đối lại các chỉ tiêu đã được phân khai trước khi chấp thuận hoặc phê duyệt dự án.
+ Đối với dự án đầu tư không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất chi tiết và không phù hợp với quy hoạch ngành, thì phải điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất chi tiết trước khi chấp thuận hoặc phê duyệt dự án. Ngành chuyên quản sẽ cập nhật, điều chỉnh quy hoạch ngành ngay sau đó.
+ Đối với dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch sử dụng đất chi tiết và không phù hợp với quy hoạch ngành, thì căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất chi tiết chấp thuận cho triển khai dự án trước, ngành chuyên quản sẽ cập nhật, điều chỉnh quy hoạch ngành ngay sau đó.
- Đối với khu vực chưa có quy hoạch sử dụng đất chi tiết nhưng có quy hoạch ngành được duyệt: thì trên cơ sở quy hoạch ngành và ý kiến thẩm định của Sở Tài nguyên và Môi trường về nhu cầu sử dụng đất, mức độ phù hợp với quy hoạch cấp huyện, cấp tỉnh, các chỉ tiêu đất đai của Chính phủ đã phân khai để làm cơ sở xem xét chấp thuận, phê duyệt dự án. Sau khi dự án được chấp thuận hoặc phê duyệt, UBND cấp huyện có trách nhiệm cập nhật vào quy hoạch sử dụng đất chi tiết được lập ngay sau đó.
- Đối với khu vực chưa có quy hoạch sử dụng đất chi tiết và chưa có quy hoạch ngành được duyệt: thì trên cơ sở ý kiến thẩm định của Sở Tài nguyên và Môi trường và các ngành có liên quan làm cơ sở xem xét chấp thuận, phê duyệt dự án.
b) Trong quá trình thẩm tra hồ sơ xin giao đất, thuê đất và xin phép chuyển mục đích của các hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư tại cấp huyện, nếu có sự chồng lấn, xung đột giữa các loại quy hoạch thì xử lý như sau:
- Đối với khu vực đã có quy hoạch sử dụng đất chi tiết được duyệt: Phòng Tài nguyên và Môi trường căn cứ vào quy hoạch này để tham mưu giải quyết các thủ tục hành chính có liên quan.
- Đối với khu vực chưa có quy hoạch sử dụng đất chi tiết được duyệt: Phòng Tài nguyên và Môi trường căn cứ vào quy hoạch chi tiết xây dựng để tham mưu giải quyết các thủ tục hành chính có liên quan. Trường hợp chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng, thì căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, quy hoạch phân khu của ngành xây dựng và ý kiến của Phòng chuyên môn quản lý xây dựng tại cấp huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường đề xuất UBND cấp huyện xem xét quyết định. Trong trường hợp này, nếu cho phép chuyển mục đích sử dụng đất phải đảm bảo các chỉ tiêu về đất đai mà tỉnh đã phân khai cho cấp huyện.
4. Xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý các chỉ tiêu phân khai của Chính phủ theo quy hoạch.
a) Tất cả các quy hoạch ngành ngay sau khi được phê duyệt hoặc điều chỉnh, bổ sung có liên quan đến sử dụng đất, cơ quan tổ chức lập quy hoạch phải gởi bản giấy và bản số về Sở Tài nguyên và Môi trường để cập nhật, chồng ghép lên hồ sơ địa chính quản lý chặt chẽ biến động có liên quan đến các chỉ tiêu phân khai của Chính phủ.
b) Định kỳ 06 tháng, UBND cấp huyện báo cáo tình hình thực hiện quy hoạch và các chỉ tiêu phân khai của tỉnh về Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp tham mưu UBND tỉnh báo cáo Chính phủ.
UBND tỉnh yêu cầu lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh và Chủ tịch UBND huyện, thị, thành thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.
Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN TỈNH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.