ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/2010/CT-UBND |
Phan Thiết, ngày 30 tháng 7 năm 2010 |
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN
Trong những năm gần đây tình hình đầu tư xây dựng tại địa phương phát triển mạnh; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng đã được Nhà nước ban hành khá đầy đủ. Tuy nhiên, qua kiểm tra quá trình thực hiện quản lý đầu tư xây dựng hiện còn bộc lộ nhiều thiếu sót trong việc thực hiện quy trình quản lý chất lượng công trình xây dựng; từ đó, một số công trình chất lượng xây dựng không đảm bảo, dẫn đến sự cố và giảm tuổi thọ công trình sau khi đưa vào khai thác sử dụng. Nhằm nâng cao chất lượng công trình xây dựng tại địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các tổ chức, cá nhân hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận (không phân biệt nguồn vốn đầu tư xây dựng công trình) phải thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng theo các văn bản hiện hành của Trung ương và địa phương, với các nội dung cụ thể như sau:
1. Đối với chủ đầu tư công trình xây dựng:
Thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư trong quản lý chất lượng công trình xây dựng; phải lựa chọn đơn vị tư vấn xây dựng có đủ điều kiện năng lực phù hợp với dự án đầu tư theo quy định tại Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, Nghị định số 83/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ; chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự lựa chọn của mình; hồ sơ khảo sát, thiết kế xây dựng khi trình thẩm định, phê duyệt phải được đính kèm hồ sơ năng lực của nhà thầu và các cá nhân chủ nhiệm, chủ trì khảo sát, thiết kế xây dựng, thẩm tra thiết kế theo quy định; các dự án đầu tư, báo cáo kinh tế - kỹ thuật trước khi trình cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt phải được tổ chức kiểm tra đầy đủ về thủ tục pháp lý và chất lượng của hồ sơ.
Đối với việc quản lý chất lượng xây dựng nhà ở riêng lẻ, thực hiện theo quy định tại Thông tư số 39/2009/TT-BXD ngày 09 tháng 12 năm 2009 của Bộ Xây dựng.
a) Về quản lý chất lượng khảo sát xây dựng:
Chủ đầu tư phải phê duyệt nhiệm vụ và phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng trước khi tiến hành khảo sát; tổ chức giám sát và nghiệm thu kết quả khảo sát xây dựng theo đúng quy định tại Điều 50 Luật Xây dựng, Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ và Nghị định số 49/2008/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP , Nghị định số 83/2009/NĐ-CP của Chính phủ; tuân thủ hướng dẫn của Bộ Xây dựng tại Thông tư số 07/2006/TT-BXD ngày 10 tháng 11 năm 2006 về hướng dẫn khảo sát địa kỹ thuật phục vụ lựa chọn địa điểm và thiết kế xây dựng công trình và Thông tư số 27/2009/TT-BXD ngày 31 tháng 7 năm 2009 về hướng dẫn một số nội dung về quản lý chất lượng công trình xây dựng.
b) Về quản lý chất lượng thiết kế công trình xây dựng:
- Chủ đầu tư phải lập (hoặc tổ chức tư vấn lập) và phê duyệt nhiệm vụ thiết kế trước khi lập hồ sơ thiết kế xây dựng công trình. Đối với các công trình phải thi tuyển thiết kế kiến trúc thì chủ đầu tư thực hiện đầy đủ các quy định tại khoản 2, Điều 9 Thông tư số 23/2009/TT-BXD ngày 16 tháng 7 năm 2009 của Bộ Xây dựng;
- Chủ đầu tư có trách nhiệm thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán, tổng dự toán công trình theo quy định tại Nghị định số 12/2009/NĐ-CP của Chính phủ và Nghị định số 112/2009/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình. Các quyết định phê duyệt thiết kế - kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán, tổng dự toán công trình phải được gửi về các cơ quan theo quy định tại khoản 2, Điều 10 Quyết định số 24/2010/QĐ-UBND ngày 01 tháng 6 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Quy định về phân cấp thực hiện quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình đối với các công trình sử dụng vốn Nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
c) Về quản lý thi công xây dựng công trình:
- Khi phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, chủ đầu tư phải gửi Báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu và Báo cáo kết quả lựa chọn nhà thầu của chủ đầu tư đến Sở Kế hoạch và Đầu tư để theo dõi;
- Chủ đầu tư các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước được trực tiếp quản lý điều hành dự án khi Giám đốc Ban Quản lý dự án do chủ đầu tư thành lập có đủ điều kiện năng lực tương ứng với Giám đốc tư vấn quản lý dự án quy định tại khoản 2, Điều 43 Nghị định số 12/2009/NĐ-CP của Chính phủ;
- Chủ đầu tư phải tổ chức giám sát thi công xây dựng công trình theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng;
- Đối với các công trình xây dựng nhà cao tầng, chủ đầu tư phải thực hiện theo nội dung được quy định tại Chỉ thị số 07/2007/CT-BXD ngày 05 tháng 11 năm 2007 của Bộ Xây dựng về tăng cường công tác quản lý xây dựng đối với các công trình xây dựng nhà cao tầng; tăng cường thực hiện các nội dung của Quyết định số 09/2008/QĐ-BXD ngày 06 tháng 6 năm 2008 của Bộ Xây dựng về việc ban hành Quy chuẩn xây dựng Việt Nam "Nhà ở và công trình công cộng - an toàn sinh mạng và sức khỏe";
- Khi thực hiện điều chỉnh hồ sơ thiết kế - dự toán đã được duyệt nếu vượt tổng mức đầu tư thì thực hiện theo khoản 2 Điều 1 của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản và quy định tại Điều 7 Nghị định số 112/2009/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình;
- Tổ chức nghiệm thu, bàn giao công trình thực hiện theo quy định tại Nghị định số 209/2004/NĐ-CP , Nghị định số 83/2009/NĐ-CP của Chính phủ, Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam (TCXDVN) 371:2006 về nghiệm thu chất lượng thi công công trình xây dựng và Thông tư số 27/2009/TT-BXD ngày 31 tháng 7 năm 2009 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn một số nội dung về quản lý chất lượng công trình xây dựng. Người tham gia nghiệm thu, bàn giao công trình phải chịu trách nhiệm cá nhân về sản phẩm do mình xác nhận trong quá trình thi công và bàn giao công trình;
- Chủ đầu tư các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước được thuê đơn vị tư vấn có chức năng và năng lực theo quy định để quản lý điều hành dự án, trường hợp chủ đầu tư trực tiếp quản lý điều hành dự án thì thực hiện theo quy định tại khoản 2, Điều 43 Nghị định số 12/2009/NĐ-CP của Chính phủ;
- Chủ đầu tư có trách nhiệm lưu trữ và bàn giao hồ sơ hoàn công cho các cơ quan theo quy định tại khoản 3, Điều 18 Thông tư số 27/2009/TT-BXD ngày 31 tháng 7 năm 2009 của Bộ Xây dựng;
- Đối với các công trình xây dựng khi xảy ra sự cố có thể gây thảm họa, khi có yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền hoặc theo yêu cầu của tổ chức bảo hiểm công trình, của tổ chức và cá nhân mua, quản lý hoặc sử dụng công trình được quy định tại khoản 8, Điều 1 Nghị định số 49/2008/NĐ-CP thì chủ đầu tư phải hợp đồng với đơn vị tư vấn độc lập để kiểm tra và chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn chịu lực, chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng trước khi đưa vào sử dụng theo quy định tại Thông tư số 16/2008/TT-BXD ngày 11 tháng 9 năm 2008 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn kiểm tra, chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn chịu lực và chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng;
- Định kỳ vào tuần đầu tháng 6 và tháng 12 hàng năm, chủ đầu tư phải lập báo cáo công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng của đơn vị gửi về Sở Xây dựng và các Sở quản lý xây dựng chuyên ngành theo quy định tại Thông tư số 27/2009/TT-BXD ngày 31 tháng 7 năm 2009 của Bộ Xây dựng.
d) Về bảo trì công trình:
Người quản lý sử dụng công trình có trách nhiệm tổ chức thực hiện bảo trì công trình theo quy định tại Thông tư số 08/2006/TT-BXD ngày 24 tháng 11 năm 2006 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn công tác bảo trì công trình xây dựng.
2. Đối với các đơn vị tư vấn xây dựng:
- Thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình trong quản lý chất lượng tư vấn xây dựng theo đúng quy định tại Điều 51 Luật Xây dựng và Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng; chịu trách nhiệm trước pháp luật về sản phẩm tư vấn của mình;
- Chỉ thực hiện các công việc phù hợp với năng lực và phạm vi hoạt động ghi trong Giấy phép đăng ký kinh doanh của đơn vị, đối với đơn vị tư vấn đầu tư xây dựng công trình điện phải có Giấy phép hoạt động điện lực; thực hiện công tác tư vấn xây dựng phải theo đúng trình tự và quy định của pháp luật.
3. Đối với nhà thầu thi công xây dựng công trình:
Phải thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý chất lượng thi công công trình xây dựng tại Điều 19 và Điều 20 Nghị định số 209/2004/NĐ-CP của Chính phủ; thi công công trình phải theo đúng thiết kế đã được phê duyệt, mọi sự thay đổi so với hồ sơ thiết kế - dự toán được duyệt phải có ý kiến chấp thuận của chủ đầu tư hoặc cấp quyết định đầu tư theo quy định; bố trí người có đủ điều kiện năng lực làm chỉ huy trưởng công trường theo đúng quy định; phải tổ chức lưu trữ hồ sơ thiết kế, lập và lưu trữ hồ sơ hoàn công công trình do mình thực hiện; thực hiện bảo hành công trình theo quy định tại Chương VI, Nghị định số 209/2004/NĐ-CP của Chính phủ.
4. Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước:
a) Sở Xây dựng:
- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh;
- Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra các chủ đầu tư, các đơn vị hoạt động xây dựng, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động xây dựng trên địa bàn. Đối với những vi phạm trong hoạt động xây dựng phải làm rõ trách nhiệm của từng chủ thể, kịp thời kiến nghị xử lý hoặc xử lý theo thẩm quyền;
- Thực hiện công tác tham gia ý kiến về thiết kế cơ sở các dự án đầu tư và cấp giấy phép xây dựng công trình; quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh;
- Thường xuyên kiểm tra điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân khi hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Nghị định số 08/2005/NĐ-CP , Nghị định số 12/2009/NĐ-CP , Nghị định số 83/2009/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 22/2009/TT-BXD ngày 06 tháng 7 năm 2009 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết về điều kiện năng lực trong hoạt động xây dựng;
- Hướng dẫn, kiểm tra các tổ chức, cá nhân triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng trên địa bàn; xử lý những sai sót được phát hiện trong quá trình kiểm tra theo các nội dung nêu trên;
- Tổ chức hoặc chỉ định tổ chức tư vấn có đủ điều kiện năng lực thực hiện việc giám định chất lượng, giám định sự cố công trình xây dựng và nhà ở trên địa bàn;
- Định kỳ 6 tháng và hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Xây dựng về công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn.
b) Các sở có quản lý xây dựng chuyên ngành:
- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng chuyên ngành trên địa bàn tỉnh;
- Chủ động tổ chức kiểm tra hoặc phối hợp với Sở Xây dựng tổ chức kiểm tra việc tuân thủ quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng chuyên ngành trên địa bàn;
- Thực hiện công tác tham gia ý kiến về thiết kế cơ sở các dự án đầu tư xây dựng công trình và quản lý chất lượng công trình xây dựng chuyên ngành;
- Định kỳ 6 tháng và hàng năm chủ động lập báo cáo công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng chuyên ngành trên địa bàn gửi về Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Xây dựng.
c) Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước:
- Chỉ chấp nhận thanh toán, thẩm định và phê duyệt quyết toán các hồ sơ khảo sát, thiết kế, giám sát, thẩm tra và thi công xây dựng khi có đủ hồ sơ quản lý chất lượng theo quy định (kèm theo hồ sơ đăng ký kinh doanh của đơn vị hoạt động xây dựng, Giấy phép hoạt động điện lực đối với đơn vị tư vấn đầu tư xây dựng công trình điện và hồ sơ năng lực các cá nhân chủ nhiệm, chủ trì khảo sát, thiết kế, thẩm tra thiết kế - dự toán, giám sát thi công);
- Chỉ chấp nhận thẩm định và phê duyệt quyết toán vốn đầu tư công trình khi chủ đầu tư có Giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn chịu lực và chứng nhận sự phù hợp về chất lượng đối với các công trình xây dựng quy định tại khoản 8, Điều 1 Nghị định số 49/2008/NĐ-CP của Chính phủ.
d) Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Thẩm định, phê duyệt kế hoạch đấu thầu phải đúng theo quy định của Luật Đấu thầu và Nghị định số 85/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng;
- Xử lý vi phạm pháp luật về đấu thầu theo Điều 75 Luật Đấu thầu; hủy, đình chỉ cuộc thầu hoặc không công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu theo quy định tại khoản 18, Điều 2 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản;
- Khi có yêu cầu của cơ quan chức năng đề nghị thu hồi Giấy phép kinh doanh của các đơn vị vi phạm thì phối hợp thực hiện đúng theo quy định của pháp luật;
- Phối hợp Sở Xây dựng rà soát và xác định năng lực của các đơn vị đăng ký kinh doanh hoạt động xây dựng.
đ) Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:
- Chịu trách nhiệm toàn diện về công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng do mình quyết định đầu tư; các công trình do cấp trên quyết định đầu tư và giao cho các cơ quan ở địa phương làm chủ đầu tư công trình trên địa bàn do mình quản lý;
- Thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo và tổ chức công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn do mình quản lý;
- Bố trí cơ quan lưu trữ đảm bảo lưu giữ được toàn bộ hồ sơ thiết kế, hồ sơ hoàn công công trình theo phân cấp;
- Bố trí cán bộ có kinh nghiệm và năng lực chuyên môn phù hợp thực hiện công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng.
Các tổ chức, cá nhân quy định tại mục 1 đến mục 4 của Chỉ thị này nếu có hành vi vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định tại Nghị định số 23/2009/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và các cá nhân tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh phải thực hiện nghiêm túc nội dung Chỉ thị này. Định kỳ 6 tháng và hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh thông qua Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo.
Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Chỉ thị số 05/2007/CT-UBND ngày 15 tháng 8 năm 2007 về việc tăng cường quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận./.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.