ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/2007/CT-UBND |
Đồng Hới, ngày 09 tháng 5 năm 2007 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP, TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP VÀ NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH.
Trong những năm qua, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn (CN - TTCN và NNNT) trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt mức tăng trưởng cao, giai đoạn 2001-2005 bình quân hàng năm tăng 17,74%, năm 2006 tăng 19,3%. Năm 2007 phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng 25 - 26%, đảm bảo bình quân 5 năm (2006 - 2010) 20-21% theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra, tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong việc đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh.
Tuy vậy, kết quả phát triển sản xuất công nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh, chưa tạo ra sự đột phá trong phát triển, làm đòn bẩy để chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh; tốc độ tăng trưởng chưa đáp ứng yêu cầu và thiếu tính vững chắc. Những hạn chế trên do nhiều nguyên nhân, trong đó công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất CN - TTCN và NNNT trên địa bàn chưa được các cấp, các ngành và các đơn vị nhận thức đầy đủ và thực hiện nghiêm túc.
Để khắc phục những hạn chế trên, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển sản xuất CN - TTCN và NNNT trên địa bàn tỉnh, đảm bảo thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế. UBND tỉnh yêu cầu:
1 . Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố; Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn; các tổ chức, cá nhân có liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật liên quan đến công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất CN - TTCN và NNNT nhằm huy động mọi nguồn lực để phát triển mạnh mẽ CN - TTCN và NNNT.
2. Sở Công nghiệp chủ trì, phối hợp với các Sở, ban ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện và công bố rộng rãi các nội dung quy hoạch phát triển CN - TTCN tỉnh Quảng Bình đến năm 2010 và 2015, tầm nhìn đến năm 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 3150/QĐ-UBND ngày 14/11/2006 và Chương trình phát triển CN - TTCN và NNNT tỉnh Quảng Bình, giai đoạn 2006-2010 ban hành kèm theo Quyết định số 51/2006/QĐ-UBND ngày 26/11/2006 của UBND tỉnh Quảng Bình; tổ chức xây dựng trình UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn của tỉnh đến năm 2010 và 2020 và chính sách khuyến khích phát triển CN - TTCN và NNNT tỉnh Quảng Bình để tổ chức thực hiện. Vận động, hướng dẫn các cá nhân, tổ chức, tham mưu cho UBND tỉnh thành lập các hiệp hội sản xuất thuộc lĩnh vực CN - TTCN và NNNT.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính: Trên cơ sở các chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư hiện hành, hàng năm tham mưu UBND tỉnh cân đối bố trí kế hoạch vốn khuyến công, vốn ưu đãi đầu tư các dự án sản xuất công nghiệp, vốn hỗ trợ đầu tư xây dựng các khu, cụm, điểm CN - TTCN và làng nghề theo quy hoạch, kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt. Phối hợp với Sở Công nghiệp trong quản lý nhà nước về hoạt động sản xuất công nghiệp; thường xuyên cung cấp các thông tin về đăng ký kinh doanh, cấp phép đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp... đảm bảo đủ các điều kiện để triển khai thực hiện Chương trình phát triển CN - TTCN và NNNT, giai đoạn 2006 - 2010.
4. UBND các huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ với Sở Công nghiệp và các ngành liên quan thực hiện tốt công tác quản lý theo ngành và lãnh thổ; căn cứ cơ chế chính sách của tỉnh, tổ chức xây dựng và ban hành các chính sách cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế địa phương; hàng năm chủ động cân đối bố trí ngân sách, tổ chức triển khai và sơ kết, tổng kết báo cáo kết quả thực hiện lên UBND tỉnh và Sở Công nghiệp; triển khai thực hiện việc xây dựng hồ sơ để công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống theo hướng dẫn của Sở Công nghiệp.
5. Các Sở, ban, ngành, Ban quản lý các khu công nghiệp, các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Phát triển...và các đơn vị cung cấp dịch vụ, theo chức năng của mình phối hợp chặt chẽ với Sở Công nghiệp và UBND các huyện, thành phố chỉ đạo, hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đầu tư phát triển sản xuất có hiệu quả.
6. Các doanh nghiệp hoạt động sản xuất CN - TTCN trên địa bàn cần gắn hoạt động sản xuất với bảo vệ môi trường và chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước; định kỳ hàng tháng, quý tổng hợp tình hình, báo cáo kết quả hoạt động sản xuất, những khó khăn vướng mắc va các kiến nghị đề xuất gửi đến Sở Công nghiệp để tổng hợp, tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết.
7. Các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn của tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi chủ trương, chính sách của Đảng, Pháp luật của nhà nước và các qui định của tỉnh về công tác quản lý nhà nước và khuyến khích phát triển sản xuất CN - TTCN và NNNT đến mọi người dân và các doanh nghiệp biết để thực hiện; kịp thời biểu dương các điển hình tiên tiến, phổ biến nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả.
Tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất công nghiệp hiện nay là nhiệm vụ quan trọng để tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển sản xuất công nghiệp, nhằm thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của tỉnh. UBND tỉnh yêu cầu các ngành, các cấp, các tổ chức và cá nhân sản xuất CN - TTCN và NNNT trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Sở Công nghiệp có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện và định kỳ tổng hợp tình hình báo cáo UBND tỉnh./.
Nơi nhận: |
TM.UỶ BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.