ỦY BAN
NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/2004/CT-UB |
TP. Hồ Chí Minh, ngày 02 tháng 01 năm 2004 |
CHỈ THỊ CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
VỀ VIỆC CHẤN CHỈNH HOẠT ĐỘNG KINH DOANH, GIẾT MỔ GIA SÚC, GIA CẦM TRÊN đỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH.
Ngày 26 tháng 7 năm 2003, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm và Pháp lệnh này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2003. Trong thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm nên đã phát hiện và xử lý kịp thời nhiều vụ vi phạm có tính chất quy mô lớn. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm diễn ra vẫn còn phổ biến và nhất là trong hoạt động kinh doanh, giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm.
Theo báo cáo của Chi cục Thú y thành phố, hiện nay trên địa bàn thành phố ngoài số cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm hoạt động hợp pháp, còn có nhiều cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm đang hoạt động không đăng ký kinh doanh, không có sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng của Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm. Hầu hết các cơ sở giết mổ trái phép đều không đảm bảo vệ sinh, tác động xấu đến môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng.
Để giải quyết dứt điểm tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm trái phép trên địa bàn thành phố, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt trong giai đoạn từ nay đến Tết Nguyên đán 2004, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo một số biện pháp trước mắt và lâu dài như sau:
1. Đối với việc giết mổ gia súc, gia cầm:
1.1. Kiên quyết đình chỉ hoạt động của các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trái phép. Căn cứ danh sách các hộ giết mổ gia súc trái phép do Chi cục Thú y thành phố cung cấp và tình hình thực tế tại địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các phường-xã-thị trấn thông báo đến các hộ giết mổ gia súc, gia cầm trái phép trên địa bàn, yêu cầu chấm dứt ngay hành vi vi phạm, đưa gia súc, gia cầm vào các cơ sở hợp pháp để giết mổ.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường-xã-thị trấn phải chịu trách nhiệm nếu để việc giết mổ trái phép xảy ra trên địa bàn của mình.
1.2. Ủy ban nhân dân các phường-xã-thị trấn tổ chức họp các hộ giết mổ gia súc, gia cầm trái phép để lập cam kết ngưng hoạt động, đồng thời giới thiệu các cơ sở giết mổ hợp pháp trên địa bàn hoặc Công ty kỹ nghệ súc sản Vissan để có biện pháp phối hợp, liên kết, tiếp nhận gia súc, gia cầm để giết mổ. Các đơn vị này có trách nhiệm tiếp nhận theo khả năng và tạo điều kiện thuận lợi để các hộ dân đưa gia súc, gia cầm vào giết mổ gia công.
1.3. Riêng đối với các hộ kinh doanh giết mổ gia cầm có điều kiện hoạt động đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng nguồn nguyên liệu đảm bảo các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, có nguồn gốc rõ ràng, hoạt động không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh thì Ủy ban nhân dân quận-huyện xem xét cho phép hoạt động tạm thời dưới sự kiểm soát của cơ quan chức năng trong khi chờ quy hoạch chung.
2. Đối với việc kinh doanh thực phẩm:
2.1. Ủy ban nhân dân các phường-xã-thị trấn tiến hành rà soát danh sách các hộ kinh doanh thực phẩm, trước mắt cần tập trung vào việc kinh doanh heo quay; gà, vịt quay; giò chả… trên địa bàn và phối hợp với các đoàn liên ngành quận-huyện kiểm tra điều kiện vệ sinh tại nơi chế biến, bảo quản, vận chuyển buôn bán.
2.2. Kiên quyết đình chỉ hoạt động và xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm điều 8 Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm.
3. Về quy trình kiểm tra, xử lý các vụ vi phạm:
3.1. Ủy ban nhân dân quận, huyện có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Sở Thương mại, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an thành phố, Chi cục thú y thành phố, Chi cục quản lý thị trường thành phố và Ủy ban nhân dân các quận-huyện phối hợp chặt chẽ trong công tác kiểm tra, xử lý các vụ vi phạm về kinh doanh, giết mổ gia súc, gia cầm trái phép.
3.2. Hoạt động kiểm tra được tiến hành như sau:
Hoạt động kiểm tra phải có kế hoạch và quyết định điểm tra (ngoại trừ trường hợp phát hiện quả tang hoặc các trường hợp khẩn cấp). Việc khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải tuân thủ quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Nghị định số 134/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002.
Khi phát hiện hành vi vi phạm, cơ quan phát hiện đầu tiên phải ra lệnh đình chỉ ngay hành vi vi phạm, lập biên bản vi phạm theo đúng mẫu quy định và thông báo ngay đến các cơ quan chức năng có liên quan để phối hợp xử lý.
3.3. Việc xử lý hành vi vi phạm trong việc kinh doanh thực phẩm và giết mổ gia súc, gia cầm trái phép:
a- Cơ quan xử lý:
- Các cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính được qui định trong Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và các qui định về xử phạt hành chính trong từng lĩnh vực cụ thể.
- Trường hợp các vi phạm liên quan đến nhiều lĩnh vực (thương mại, y tế, thú y, môi trường…), cơ quan phát hiện đầu tiên phối hợp cùng các cơ quan chức năng lập hồ sơ và đề xuất Ủy ban nhân dân quận-huyện, thành phố xử lý theo quy định. Nếu có dấu hiệu vi phạm hình sự thì cơ quan thụ lý phải chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan điều tra giải quyết.
b- Xử lý tang vật vi phạm:
- Đối với số tang vật kém phẩm chất, không thể sử dụng: lập thủ tục tiêu hủy theo quy định, người vi phạm chịu toàn bộ chi phí tiêu hủy.
- Đối với tang vật có chất lượng tốt (thịt chưa pha lóc, đã pha lóc): chủ cơ sở giết mổ phải tự liên hệ với các cơ quan chức năng có thẩm quyền để kiểm định chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và tiêu thụ theo luật định.
- Đối với tang vật phải đưa đi kiểm nghiệm: sau khi lực lượng kiểm tra lấy mẫu đưa đi kiểm nghiệm, tang vật phải được niêm phong và người vi phạm phải chịu trách nhiệm gửi vào kho bảo quản theo chỉ định của người có thẩm quyền xử lý. Chi phí lưu kho, chi phí kiểm định và các chi phí khác được giải quyết theo quy định tại điều 61 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.
4. Tổ chức thực hiện:
4.1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận-huyện, phường-xã-thị trấn, Ban quản lý các chợ và các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhân dân những qui định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y, các qui định về xử phạt vi phạm hành chính và qui định của Bộ luật Hình sự về vấn đề này; vận động nhân dân tham gia công tác đấu tranh phòng, chống, tố giác những hành vi vi phạm trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn.
4.2. Giao Sở Tài chính hướng dẫn các quận, huyện nguồn kinh phí bổ sung cho hoạt động này từ nguồn thu tiền xử phạt vi phạm hành chính và Quỹ phòng chống gian lận thương mại.
4.3. Lãnh đạo các sở-ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các quận- huyện có kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện ngay Chỉ thị này đến các phường-xã- thị trấn và báo cáo kết quả thực hiện cho Ủy ban nhân dân thành phố.
Thời gian thực hiện cụ thể như sau:
a. Triển khai nội dung tại điểm 1.1 và 1.2 mục 1: xong trước ngày 09 tháng 01 năm 2004.
b. Triển khai nội dung tại điểm 1.3 mục 1: xong trước ngày 15 tháng 01 năm 2004.
c. Triển khai nội dung tại mục 2: có kế hoạch kiểm tra thường xuyên và cần tăng cường công tác kiểm tra từ nay đến Tết Nguyên đán.
d. Sau Tết Nguyên đán sẽ tiến hành sơ kết việc triển khai thực hiện Chỉ thị của Ủy ban nhân dân thành phố về việc chấn chỉnh hoạt động kinh doanh, giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố.
5. Chỉ thị này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh, vướng mắc các ngành, các cấp phải kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố để chỉ đạo giải quyết./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.