TỔNG
CỤC BƯU ĐIỆN |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/2001/CT-TCBĐ |
Hà Nội, ngày 04 tháng 1 năm 2001 |
Ngày 17-10-2000, Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị 58-CT/TW về "Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá", trong đó đề ra nhiều mục tiêu quan trọng mà ngành Bưu điện cần phải thực hiện trong giai đoạn tới. Đó là:
- Về cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia: "Mạng thông tin quốc gia là kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng, phải tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, đảm bảo được tốc độ và chất lượng cao, giá cước rẻ... Đẩy mạnh đầu tư xây dựng mạng thông tin quốc gia bao gồm hệ thống viễn thông và Internet Việt nam... đặc biệt sớm hình thành siêu xa lộ thông tin trong nước và liên kết với các nước trong khu vực và quốc tế" đạt được mục tiêu đến 2010: "... mạng thông tin quốc gia phủ trên cả nước, với thông lượng lớn, tốc độ và chất lượng cao, giá rẻ; tỷ lệ người sử dụng Internet đạt mức trung bình thế giới".
- Về phát huy nội lực, đẩy mạnh cạnh tranh trong nước: "Có chính sách đảm bảo thúc đẩy môi trường cạnh tranh, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế tham gia các hoạt động dịch vụ viễn thông và Internet".
- Về chất lượng dịch vụ và cước phí: "Từ năm 2001, đảm bảo cung cấp đầy đủ và thuận lợi các dịch vụ viễn thông và Internet cho người sử dụng với chất lượng cao, giá cước thấp hơn hoặc tương đương với các nước trong khu vực; áp dụng giá cước ưu đãi đặc biệt đối với các cơ quan Đảng, Nhà nước và các lĩnh vực giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học".
- Về đổi mới quản lý nhà nước và sản xuất kinh doanh: "Chính phủ sớm kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý về viễn thông và công nghệ thông tin để thống nhất quản lý", "các doanh nghiệp.... đổi mới quản lý, đổi mới công nghệ, cơ cấu lại sản xuất, mở rộng thị trường và nâng cao năng lực canh tranh".
Đây chính là những sở cứ quan trọng khẳng định mục tiêu và con đường phát triển đi lên của ngành Bưu điện từ nay đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.
Trong 15 năm đổi mới vừa qua, với chính sách phát triển đúng đắn và nhờ vận dụng sáng tạo cơ chế chính sách của Nhà nước, ngành Bưu điện đã bước đầu thực hiện thành công việc xây dựng, mở rộng và hiện đại hoá cơ sở hạ tầng Bưu chính, Viễn thông và Internet, từng bước tổ chức lại bộ máy quản lý, không ngừng mở rộng và đa dạng hoá các loại hình dịch vụ, nâng cao nhiều mặt trình độ của đội ngũ cán bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và phục vụ đắc lực cho an ninh, quốc phòng.
Để chuẩn bị các điều kiện thuận lợi, bước vào giai đoạn phát triển mới, giai đoạn mở cửa thị trường, hội nhập và cạnh tranh. Tổng cục Bưu điện đã sớm đề ra một số chính sách đúng đắn, thể hiện trong các đề án đã được xây dựng, trình Chính phủ và báo cáo Bộ Chính trị như: Đề án "Hội nhập kinh tế quốc tế đối với dịch vụ viễn thông đến năm 2020", đề án "Chiến lược phát triển bưu chính - viễn thông Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, đề án "Đổi mới tổ chức quản lý ngành Bưu điện", đề án "Điều chỉnh tổng thể giá cước bưu chính - viễn thông". Thị trường cung cấp dịch vụ đã được mở ra cho một số doanh nghiệp trong nước tham gia hoạt động. Nhiều loại hình dịch vụ mới như Internet, thông tin di động đã có những bước phát triển tốt. Công tác quản lý nhà nước đang từng bước được đổi mới để đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của Nhà nước, doanh nghiệp và người sử dụng.
Tuy nhiên, đối chiếu với những yêu cầu trong Chỉ thị 58-CT/TW của Bộ Chính trị, và các Nghị quyết, Quyết định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, cũng như các cam kết của Việt Nam về viễn thông và Internet trong các hiệp định quốc tế đa phương và song phương (kể cả Hiệp định Thương mại Việt Nam- Hoa Kỳ) thì ngành Bưu chính, Viễn thông và Tin học Việt Nam còn nhiều hạn chế và tồn tại cần phải nhanh chóng khắc phục, như tư duy chậm đổi mới, còn nặng tư tưởng bao cấp, độc quyền; cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia chưa hoàn thiện; quy mô và năng lực phục vụ của mạng lưới còn nhỏ bé, tổ chức quản lý chưa hiệu quả, hoạt động sản xuất kinh doanh và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp còn thấp, chính sách đầu tư, cổ phần hoá, phát triển nguồn nhân lực và đội ngũ cán bộ còn nhiều hạn chế, bất cập.
Vì vậy, Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện chỉ thị Thủ trưởng các đơn vị trong toàn ngành tổ chức nghiên cứu và quán triệt sâu sắc tới từng cán bộ công nhân viên về những chủ trương, chính sách, mục tiêu nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu đã nêu trong Chỉ thị 58-CT/TW của Bộ Chính trị và những Nghị quyết, Quyết định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Trước mắt, trong năm 2001, cần tập trung triển khai thực hiện bốn nội dung lớn sau đây:
1- Về xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia:
- Các đơn vị chức năng của Tổng cục Bưu điện hoàn thiện đề án "Phát triển cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia của Việt Nam (Vietnam InFoSpace) trong quý II năm 2001 và đề án "Phát triển Internet Việt Nam giai đoạn 2001-2005" trong quý I năm 2001 để trình Thủ tướng Chính phủ. Các đề án này cần tập trung vào việc xây dựng mạng truyền thông vật lý quốc gia, khả năng đáp ứng yêu cầu về cung cấp các dịch vụ đa dạng, chất lượng cao, băng thông rộng theo xu thế hội tụ về công nghệ và dịch vụ viễn thông, máy tính và truyền thông quảng bá, làm nền tảng thuận lợi cho việc phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thương mại điện tử, đồng thời đề cập đến các điều kiện hỗ trợ khác như xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng pháp lý và phát triển nguồn nhân lực.
- Các doanh nghiệp viễn thông và Internet có trách nhiệm nghiên cứu, đóng góp vào các đề án trên và chuẩn bị các điều kiện để triển khai thực hiện khi các đề án này được phê duyệt; đồng thời triển khai ngay nội dung công văn số 2114/TCBĐ-CSBĐ ngày 7/12/2000 của Tổng cục Bưu điện về việc kết nối Internet cho các khu công nghiệp phần mềm tập trung.
2- Về phát huy nội lực, thúc đẩy cạnh tranh
- Xây dựng Pháp lệnh về Bưu chính, Viễn thông để trình Chính phủ và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2001; xây dựng và hoàn thiện hệ thống các cơ chế, chính sách để đảm bảo thúc đẩy môi trường cạnh tranh, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế tham gia các hoạt động cung cấp dịch vụ Viễn thông và Internet.
- Trong quý I/2001, xây dựng trình Chính phủ ban hành nghị định mới về Internet, trong đó quán triệt các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong công văn số 01/TB-VPCP ngày 3/1/2001.
- Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam và các doanh nghiệp viễn thông và Internet có trách nhiệm hợp tác để phát triển nhanh và sử dụng hiệu quả cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia, nâng cao năng lực cạnh tranh, chuẩn bị các điều kiện cho việc hội nhập kinh tế quốc tế.
- Triển khai cấp phép chính thực dịch vụ VoIP trong nước và quốc tế trong năm 2001 sau khi tổng kết việc thử nghiệm dịch vụ VoIP đường dài trong nước.
3- Về giá cước Viễn thông, Internet:
- Hoàn thiện hệ thống chính sách, cơ chế quản lý giá cước viễn thông và Internet trên cơ sở giá thành; thực hiện việc kiểm soát giá thành và hạch toán độc lập các dịch vụ của các doanh nghiệp.
- Chuẩn bị các quyết định để ban hành trong năm 2001 về việc điều chỉnh hợp lý cước các dịch vụ bưu chính, viễn thông và Internet; giảm giá cước các dịch vụ viễn thông quốc tế, Internet, thông tin di động, thuê kênh để đảm bảo tương đương với mức bình quân của các nước trong khu vực.
- Các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông và Internet có trách nhiệm chấp hành các quy định về quản lý giá, cước của Tổng cục Bưu điện; tổ chức thực hiện hạch toán độc lập đối với từng dịch vụ, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh nhằm giảm giá thành dịch vụ.
4- Về đổi mới tổ chức quản lý nhà nước và sản xuất kinh doanh:
Sau khi Chính phủ phê duyệt đề án "Đổi mới tổ chức quản lý ngành Bưu điện" mà Tổng cục Bưu điện đã trình, cần triển khai các nội dung chính sau đây:
- Xây dựng và trình dự thảo Nghị định của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của cơ quan quản lý nhà nước để quản lý thống nhất viễn thông và công nghệ Thông tin.
- Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam - doanh nghiệp chủ đạo, cần đổi mới tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh, phân định rõ lĩnh vực công ích và kinh doanh, bóc tách Bưu chính và Viễn thông, tăng cường hạch toán độc lập các đơn vị thành viên, thực hiện cổ phần hoá đối với những đơn vị thành viên mà Nhà nước không cần chiếm giữ 100% vốn.
- Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam và các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông và Internet cần xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực, cùng hợp tác phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và đảm bảo an ninh, quốc phòng trong hoạt động bưu chính, viễn thông và Internet.
Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện yêu cầu các đơn vị trực thuộc Tổng cục, các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông và Internet thực hiện nghiêm chỉnh Chỉ thị này.
|
Mai Liêm Trực (Đã ký) |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.