VIỆN
KIỂM SÁT NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03/CT-VKSTC |
Hà Nội, ngày 01 tháng 3 năm 2022 |
CHỈ THỊ
VỀ CÔNG TÁC THANH TRA TRONG NGÀNH KIỂM SÁT NHÂN DÂN
Thời gian qua, toàn ngành Kiểm sát nhân dân đã quán triệt thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 04/CT-VKSTC ngày 14/8/2013 của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường công tác thanh tra trong ngành Kiểm sát nhân dân, Chỉ thị số 08/CT-VKSTC ngày 28/11/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường thanh tra đột xuất đối với các vụ việc có dấu hiệu vi phạm trong lĩnh vực hình sự. Tổ chức bộ máy đơn vị thanh tra VKSND các cấp được kiện toàn; các cuộc thanh tra tăng về số lượng và chất lượng, bảo đảm thực chất, hiệu quả hơn. Qua thanh tra đã làm rõ ưu điểm, hạn chế, thiếu sót, vi phạm trong các lĩnh vực công tác; kịp thời kiến nghị các biện pháp khắc phục, phòng ngừa; góp phần nâng cao hiệu quả các mặt công tác; tăng cường trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, quy định của Ngành. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thanh tra ngành Kiểm sát nhân dân vẫn còn một số hạn chế như: hiệu quả một số cuộc thanh tra chưa cao; chất lượng công chức làm công tác thanh tra có nơi còn chưa đáp ứng được yêu cầu; hoạt động xử lý sau thanh tra có việc không kịp thời, chưa đáp ứng được công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp.
Để tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm và tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác, tạo chuyển biến tích cực, khắc phục những hạn chế, thiếu sót, đáp ứng yêu cầu của Ngành và của Nhà nước, Viện trưởng VKSND tối cao yêu cầu:
1. Người đứng đầu VKSND các cấp tiếp tục tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm Luật Thanh tra, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và những quy định của pháp luật, của Ngành có liên quan đến công tác thanh tra; tăng cường chỉ đạo hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với đơn vị, cấp mình phụ trách. Tổ chức thực hiện công tác thanh tra nhằm góp phần tích cực phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường trật tự kỷ cương; đây chính là biện pháp gắn xây dựng Đảng với xây dựng Ngành và đơn vị mình phụ trách.
Kết quả công tác thanh tra, kiểm tra là một trong những tiêu chí để đánh giá phẩm chất, năng lực, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu, là căn cứ để đánh giá công tác thi đua hằng năm của cơ quan, đơn vị trong toàn Ngành.
2. Các đơn vị thuộc VKSND tối cao, VKSND các cấp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, không chỉ tiến hành thanh tra khi có vi phạm mà cần lựa chọn những khâu yếu, chất lượng công tác còn hạn chế, những đơn vị mất đoàn kết, dư luận, báo chí hoặc có đơn thư phản ánh gây bức xúc kéo dài để thanh tra nhằm chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, yếu kém đó. Đơn vị nào để xảy ra vi phạm; khiếu nại, tố cáo trong nội bộ kéo dài, không được thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời thì người đứng đầu đơn vị đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Viện trưởng VKSND tối cao.
3. Viện trưởng VKSND các cấp chỉ đạo đơn vị thanh tra chủ động nắm bắt thông tin để lựa chọn đối tượng thanh tra; phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ cùng cấp nắm bắt những vụ, việc có dấu hiệu vi phạm trong các lĩnh vực công tác, chủ động tham mưu, đề xuất Viện trưởng VKSND cấp mình chỉ đạo tiến hành thanh tra đột xuất. Tăng cường thanh tra đối với đơn vị, cá nhân có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực, mất đoàn kết nội bộ; có dấu hiệu vi phạm trong công tác xây dựng Ngành, công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; lợi dụng vị trí công việc, đơn vị công tác để thực hiện việc riêng gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, hình ảnh của Ngành, cơ quan, đơn vị. Qua thanh tra làm rõ ưu điểm, kịp thời phát hiện, khắc phục thiếu sót, vi phạm; làm rõ và xử lý nghiêm các trường hợp công chức, viên chức, người lao động vi phạm, để xảy ra tham nhũng, tiêu cực hoặc để xảy ra oan sai. Đồng thời xử lý trách nhiệm người đứng đầu đơn vị để xảy ra tiêu cực, tham nhũng và vi phạm nghiêm trọng tại đơn vị mình quản lý.
4. VKSND các cấp hàng năm xây dựng kế hoạch thanh tra có trọng tâm, trọng điểm. Không xem số lượng các cuộc thanh tra là thành tích, không phải cứ thanh tra là phải có sai phạm mà qua thanh tra phải làm rõ được bản chất sự việc, có hay không có sai phạm, xử lý nghiêm sai phạm do cố ý hoặc gây hậu quả nghiêm trọng; trường hợp do tai nạn nghề nghiệp cần tạo điều kiện để khắc phục, sửa chữa. Đồng thời, cần phải ý thức trách nhiệm bảo vệ cán bộ làm đúng, làm tốt nhưng do bị động chạm trong giải quyết công việc, bị tố cáo vì động cơ cá nhân.
Các đơn vị thanh tra trong toàn Ngành thường xuyên kiểm tra việc chấp hành kỷ luật nội vụ; tham mưu giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc thẩm quyền; nâng cao hiệu quả công tác theo dõi, kiểm tra sau thanh tra và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của VKSND cấp mình. Thường xuyên đánh giá, rút kinh nghiệm về những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế trong công tác thanh tra; kịp thời ban hành thông báo rút kinh nghiệm thông qua công tác thanh tra. Đơn vị thanh tra VKSND các cấp thực hiện nghiêm chỉ đạo của Viện trưởng VKSND cấp mình về công tác thanh tra và phải có bản lĩnh chính kiến trong thực hiện nhiệm vụ, phải thận trọng, khách quan, công bằng.
5. Viện trưởng VKSND các cấp bố trí đội ngũ công chức làm công tác thanh tra có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, ý thức kỷ luật cao, trách nhiệm, kinh nghiệm, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, tâm huyết với công tác thanh tra và đảm bảo tính kế thừa, ổn định; đặc biệt lựa chọn người đứng đầu đơn vị thanh tra phải có kinh nghiệm, công tâm, khách quan; công chức làm công tác thanh tra phải có bản lĩnh nghề nghiệp, đạo đức công vụ, giữ vững tư cách người cán bộ thanh tra, có chế độ khen thưởng kịp thời đối với cá nhân, tập thể có thành tích, cống hiến cho công tác thanh tra. Bố trí cơ sở vật chất, phương tiện, ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra.
6. Thủ trưởng các đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, thực hiện nghiêm, kịp thời các kết luận, kiến nghị trong công tác thanh tra; áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền để xử lý đối với tập thể, cá nhân có hành vi vi phạm; khắc phục kịp thời hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý.
7. Giao Vụ Tổ chức cán bộ VKSND tối cao, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Thanh tra VKSND tối cao xây dựng và tổ chức thực hiện tốt chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra cho công chức làm công tác thanh tra trong toàn Ngành. Tạp chí Kiểm sát, Báo Bảo vệ pháp luật và các trang tin điện tử trong Ngành tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến vị trí, vai trò của công tác thanh tra; những cách làm hay, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ công tác thanh tra.
8. Giao Thanh tra VKSND tối cao chủ động phối hợp với Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học VKSND tối cao rà soát, sửa đổi bổ sung, hoàn thiện thể chế về công tác thanh tra; phối hợp với Văn phòng VKSND tối cao giúp Viện trưởng VKSND tối cao đôn đốc, theo dõi, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này.
Chỉ thị này thay thế Chỉ thị số 04/CT-VKSTC ngày 14/8/2013 và Chỉ thị số 08/CT-VKSTC ngày 28/11/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao. Yêu cầu thủ trưởng các đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương, Viện trưởng VKSND cấp cao, Viện trưởng VKSND cấp tỉnh tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm, có hiệu quả Chỉ thị này trong phạm vi phụ trách./.
|
VIỆN
TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.