Từ khóa: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung Văn bản.
+ Tìm kiếm nâng cao
Từ khóa: Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn Tin tức...

Tổng hợp Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 Khóa XIII

Thứ ba - 27/02/2024 11:19
Có bao nhiêu Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 Khóa XIII (tháng 11/2023)? Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII được tổ chức nhằm mục đích gì?
 

Tổng hợp Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 Khóa XIII (Hình từ internet)

Tổng hợp Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 Khóa XIII

Cụ thể, có 04 Nghị quyết được thông qua tại Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, ban hành ngày 24/11/2023 gồm:

Nghị quyết 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

Nghị quyết 43-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

- Nghị quyết 44-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.

Nội dung cơ bản của Nghị quyết Trung ương 8 khóa XIII về Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới (Nghị quyết 44-NQ/TW)

Trên cơ sở phân tích, đánh giá đúng tình hình thế giới, khu vực và trong nước, Hội nghị Trung ương 8 (khóa XIII) ban hành Nghị quyết  44-NQ/TW ngày 24/11/2023 về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đây là định hướng quan trọng về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, cần được nghiên cứu, quán triệt thấu đáo, nhất là những vấn đề cần được nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn, nhằm đưa Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống.

Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới (sau đây gọi tắt là Chiến lược) là sự kế thừa, phát triển Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX, XI), để phù hợp với sự biến động, phát triển của tình hình thế giới, khu vực và đất nước trong bối cảnh mới. Chiến lược được thông qua và ban hành có sự bổ sung, phát triển; trong đó, những vấn đề có tính nguyên tắc được giữ vững và phát triển, như: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý; sức mạnh tổng hợp quốc gia; khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; chuẩn bị đất nước sẵn sàng đối phó với các tình huống xung đột và chiến tranh, v.v. Đồng thời, Chiến lược cũng xác định những vấn đề cần được nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn.

Sau hơn 10 năm thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới (khóa XI), chúng ta đã quán triệt, triển khai thực hiện đầy đủ các quan điểm, mục tiêu, phương châm chỉ đạo, nhiệm vụ, giải pháp và đạt nhiều kết quả quan trọng. Có thể khái quát là: đã bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân được xây dựng ngày càng vững chắc; xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, bước đầu đạt kết quả tốt. Quân đội luôn xứng đáng là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân; giữ vững được độc lập, tự chủ và môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và bảo vệ đất nước. Quan hệ, hợp tác quốc tế được mở rộng, cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước được nâng cao, sức mạnh tổng hợp quốc gia bảo vệ Tổ quốc được nâng lên một bước.

Có thể khẳng định, kết quả đạt được trong 10 năm qua là cơ bản, to lớn và có ý nghĩa rất quan trọng trong tình hình thế giới, khu vực đầy biến động, khó dự báo như hiện nay. Tuy nhiên, việc thực hiện Chiến lược cũng còn những hạn chế cần khắc phục. Nhận thức, ý thức, trách nhiệm về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa thật đầy đủ, sâu sắc, còn biểu hiện chủ quan, mất cảnh giác. Việc nắm, dự báo chiến lược chất lượng chưa cao, có mặt chưa theo kịp tình hình. Các lĩnh vực về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có một số mặt còn hạn chế. Sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc có lúc, có nơi chưa được quan tâm và phát huy đầy đủ. Việc tổ chức thực hiện kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh trên một số lĩnh vực, địa bàn chưa thực sự hiệu quả, còn biểu hiện đề cao lợi ích kinh tế, coi nhẹ lợi ích quốc phòng, an ninh, v.v.

Trên cơ sở đánh giá tổng quát về kết quả đạt được và dự báo sát, đúng tình hình, Chiến lược đã xác định rõ quan điểm, mục tiêu, phương châm chỉ đạo, nhiệm vụ và giải pháp bảo vệ Tổ quốc trong thời gian tới. Đồng thời, khẳng định các vấn đề cần nhận thức đầy đủ hơn, bổ sung, phát triển mới phù hợp tình hình thế giới, khu vực và trong nước. Trước hết, Về nội dung, sau khi khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, Chiến lược nêu rõ các vấn đề cần có nhận thức mới, bổ sung, phát triển mới, có thể khái quát trên một số nội dung cơ bản sau:

Một là, về nhân tố Nhân dân trong Chiến lược. Kế thừa kinh nghiệm trong lịch sử về vai trò của nhân dân, cùng những phát triển nhận thức về vai trò của nhân dân trong các nghị quyết của Đảng, Chiến lược khẳng định: phát huy dân chủ của nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, với phương châm dựa vào dân, “dân là gốc”, nhân dân là trung tâm, là chủ thể; khơi dậy, phát huy ý chí tự lực, tự cường, truyền thống lịch sử, ý chí kiên cường, bất khuất, văn hóa tốt đẹp, sức mạnh con người Việt Nam, sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, “thế trận lòng dân”, yên dân là nhân tố quyết định thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong bối cảnh mới, Chiến lược chỉ rõ: phải mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội, củng cố, nâng cao niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa các bộ phận dân cư, giữa các vùng, miền, tạo sự đoàn kết toàn dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Hai là, về lợi ích quốc gia - dân tộc. Đây là nội dung đầu tiên được xác định trong mục tiêu chung của Chiến lược. Điều đó cho thấy, việc bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc cần được nhận thức đầy đủ, sâu sắc, toàn diện hơn  và phải tìm mọi giải pháp để bảo vệ lợi ích tối quan trọng này. Ở đây, chúng ta cần khẳng định rằng, lợi ích quốc gia - dân tộc là một trong những vấn đề quan trọng nhất của một dân tộc, gồm toàn bộ các điều kiện cần thiết cho một dân tộc trường tồn và phát triển. Lợi ích quốc gia - dân tộc là lợi ích bao trùm của các lợi ích. Vì vậy, nó cần được đặt lên trên hết, trước hết. Chiến lược nêu rõ quan điểm: “Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế”. Như vậy, khi xác định mục tiêu chung, Chiến lược đã đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết trên cơ sở bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; đồng thời, bổ sung nội dung bảo vệ thành quả cách mạng; bảo vệ uy tín, vị thế quốc tế của đất nước; dập tắt nguy cơ xung đột, chiến tranh; đóng góp tích cực vào gìn giữ hòa bình thế giới. Coi lợi ích quốc gia - dân tộc là mục tiêu cao nhất trong các hoạt động đối nội, đối ngoại, nhất là trong xử lý các vấn đề quốc tế.

Ba là, về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Kế thừa truyền thống “cố kết dân tộc” từ hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, nhận thức đầy đủ hơn về vai trò của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Chiến lược đã có sự sắp xếp lại các nhiệm vụ và giải pháp cho hợp lý hơn, đưa nhiệm vụ và giải pháp phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc,… từ vị trí thứ tư lên vị trí thứ hai và diễn đạt đầy đủ hơn: “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, thay vì chỉ viết như trước đây: “Củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Đồng thời, nêu rõ vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội; tích cực đấu tranh chống các âm mưu, thủ đoạn chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch; coi trọng ý kiến đóng góp của nhân dân; giữ gìn mối quan hệ mật thiết giữa Nhân dân với Đảng, Nhà nước; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Bốn là, về sức mạnh tổng hợp quốc gia. Trên cơ sở tiếp tục khẳng định sức mạnh bảo vệ Tổ quốc là sức mạnh tổng hợp của quốc gia, sức mạnh của toàn dân tộc, sức mạnh toàn diện của các lĩnh vực trong đời sống xã hội,... Chiến lược nêu rõ vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, vai trò của Nhân dân với sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Sức mạnh từ nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với vấn đề mới là nền kinh tế số, xã hội số, kết hợp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh, tạo nền tảng vật chất vững chắc cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Chiến lược đặc biệt nhấn mạnh về vai trò của văn hóa - nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, coi trọng xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam, xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số; tích cực quảng bá văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế. Cùng với văn hóa, Chiến lược cũng nhấn mạnh vai trò của đối ngoại trong thực hiện các chính sách đối ngoại của Việt Nam, luôn lấy lợi ích quốc gia - dân tộc làm tiêu chuẩn cao nhất trong hành xử quốc tế, “không ngừng nâng cao tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế của đất nước”. Coi văn hóa và đối ngoại là những nội dung cơ bản của “sức mạnh mềm” quốc gia có sức hấp dẫn, lan tỏa, thu hút, thuyết phục bạn bè quốc tế đến với Việt Nam, cùng với các sức mạnh khác hợp thành sức mạnh tổng hợp quốc gia. Chiến lược cũng khẳng định: “kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại,... trong đó, nguồn lực bên trong là cơ bản, quyết định, nguồn lực bên ngoài là đột phá quan trọng”.

Năm là, kiên trì đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân. Đây không phải là vấn đề mới, nhưng trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực xuất hiện các hình thái chiến tranh, loại hình tác chiến, không gian chiến lược, phương thức tiến hành chiến tranh mới, thì nội dung này trở nên quan trọng, cấp thiết hơn bao giờ hết. Không những thế, các thế lực thù địch đã, đang và sẽ dựa vào đó, nhất là chiến tranh có sử dụng vũ khí công nghệ cao để đẩy mạnh chống phá, cho rằng đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân là lỗi thời, lạc hậu, thì sự khẳng định quan điểm: “thực hiện nghiêm, hiệu quả đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân” càng có ý nghĩa quan trọng. Một nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, một cuộc chiến tranh nhân dân đích thực thì không một thế lực nào có thể đánh bại được. Thực hiện quan điểm nêu trên, Chiến lược nhấn mạnh phải xây dựng sức mạnh toàn diện, vững chắc ngay từ thời bình, sẵn sàng chuyển thành thế trận chiến tranh nhân dân khi có chiến tranh. Coi trọng xây dựng sức mạnh quân sự Nhà nước, sức mạnh đặc trưng của sức mạnh dân tộc. Xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trước mắt thực hiện tốt xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, bảo đảm cho Quân đội thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Sáu là, thực hiện chính sách bốn không. Đây là quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về quân sự, quốc phòng cũng như tinh thần độc lập, tự chủ trong quan hệ quốc tế, nhưng lần đầu tiên được khẳng định trong phương châm chỉ đạo của Chiến lược; đó là “không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống nước kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống nước khác, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”. Sự khẳng định đó là cần thiết, thể hiện rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước  ta luôn coi trọng giữ vững hòa bình, ổn định để xây dựng, phát triển đất nước, coi trọng giải quyết các mâu thuẫn, xung đột, bất đồng bằng các giải pháp hòa bình. Trong nhiệm vụ và giải pháp về đối ngoại nêu rõ: “Chủ động giải quyết các mâu thuẫn bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Quán triệt Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược cần nắm vững những thuận lợi, cơ hội cơ bản và những khó khăn, thách thức cần phải vượt qua. Trên cơ sở đó, cần đánh giá đúng các vấn đề đã được kiểm nghiệm tính đúng đắn trong thực tiễn, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả hơn. Trong đó, việc nhận thức về các vấn đề mới hoặc không mới, nhưng trong tình hình mới rất cần phải bổ sung, phát triển cho phù hợp. Đặc biệt là nghiên cứu cụ thể hóa các nhiệm vụ và giải pháp chiến lược, có chương trình, kế hoạch vận dụng phù hợp, sáng tạo, hiệu quả cao vào từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Triệt để phát huy các thuận lợi, cơ hội, vượt qua khó khăn, thách thức, kiên trì đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp quốc gia, giữ vững độc lập, tự chủ và môi trường hòa bình, ổn định đất nước; chủ động chuẩn bị đất nước về mọi mặt, ngăn chặn có hiệu quả các nguy cơ xung đột và chiến tranh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa từ sớm, từ xa.

(Nguồn: Tạp chí Quốc phòng toàn dân)

Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII

Nhằm góp phần tuyên truyền, phổ biến những nội dung cốt lõi, những điểm mới trong các nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII trên Trang Thông tin điện tử tổng hợp Báo cáo viên (baocaovien.vn).

Cuộc thi được tổ chức và phát động trên môi trường internet, không giới hạn về phạm vi địa lý.

Đối tượng dự thi bao gôm:

- Báo cáo viên các cấp và đội ngũ tuyên truyền viên nòng cốt ở cơ sở.

- Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động; chiến sĩ các lực lượng vũ trang; đoàn viên, hội viên các đoàn thể chính trị - xã hội; các tầng lớp nhân dân ở trong và ngoài nước.

Lưu ý: Thành viên Ban Tổ chức, Tổ Chuyên gia, Tổ Thư ký không được dự thi.

Hình thức thi

- Cuộc thi được tổ chức theo hình thức trắc nghiệm, trực tuyến trên Trang Thông tin điện tử tổng hợp Báo cáo viên của Ban Tuyên giáo Trung ương tại địa chỉ https://baocaovien.vn và các báo, tạp chí, trang thông tin điện tử có link liên kết Cuộc thi.

- Mỗi tuần thi có 01 bộ câu hỏi (gồm 11 câu), trong đó có 10 câu trắc nghiệm liên quan đến nội dung thi được lựa chọn ngẫu nhiên từ bộ đề của Ban Tổ chức và 01 câu dự đoán số lượt người trả lời đúng tất cả các câu trắc nghiệm. Mỗi lượt thi trực tuyến kéo dài tối đa 10 phút. Bài dự thi chỉ được coi là hợp lệ khi người dự thi trả lời đủ 11 câu hỏi.

- Kết thúc mỗi tuần thi, Ban Tổ chức Cuộc thi sẽ công bố kết quả các cá nhân đạt giải trên Trang Thông tin điện tử tổng hợp Báo cáo viên (baocaovien.vn) và một số báo, tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử.

- Người dự thi được tham gia thi tối đa 07 lượt thi trong mỗi tuần thi.

Thời gian thi

Cuộc thi được tổ chức từ ngày 26/02/2024 đến hết ngày 17/3/2024, gồm 03 tuần thi:

- Tuần thi thứ nhất: Từ ngày 26/02/2024 đến hết ngày 03/3/2024, theo múi giờ Việt Nam (GMT+7).

- Tuần thi thứ hai: Từ ngày 04/3/2024 đến hết ngày 10/3/2024, theo múi giờ Việt Nam (GMT+7).

- Tuần thi thứ ba: Từ ngày 11/3/2024 đến hết ngày 17/3/2024, theo múi giờ Việt Nam (GMT+7).

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Tin xem nhiều
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây