TIÊU CHUẨN VIỆT NAM
TCVN 1723-85
ĐỘNG CƠ ĐIÊZEN VÀ ĐỘNG CƠ GA - PÍT TÔNG - YÊU CẦU KỸ THUẬT
Điezel and oil engines - Pistons - Technical requirements
Tiêu chuẩn này thay thế cho TCVN 1723-75.
Tiêu chuẩn này áp dụng cho pittông nhôm có kích thước danh nghĩa và sửa chữa của động cơ điêzen tĩnh tại, tàu thủy, tàu hoả, các ngành công nghiệp khác và động cơ ga.
1. YÊU CẦU KỸ THUẬT
1.1 Pittông phải được chế tạo phù hợp với yêu cầu của tiêu chuẩn này và tài liệu thiết kế đã được xét duyệt theo thủ tục quy định.
1.2 Pittông nhôm phải được chế tạo bằng hợp kim nhôm silíc, phù hợp với những cơ tính sau đây:
a) Độ cứng không thấp hơn 90 HB. Chênh lệch độ cứng của pittông trong một động cơ không được vượt quá 30 HB.
b) Mẫu thử vật liệu của pittông đã gia công nhiệt phải có giới hạn bền kéo không được nhỏ hơn:
170 MPa với vật liệu có hàm lượng silíc ít hơn 13%.
120 MPa với vật liệu có hàm lượng silíc cao hơn 19%.
Thành phần hoá học của vật liệu được xác định trên mẫu thử phải quy định trong tài liệu thiết kế.
1.3 Sau khi đúc pittông phải qua nhiệt luyện. Chế độ nhiệt luyện phải được chỉ dẫn trong tài liệu thiết kế.
1.4 Các bề mặt gia công phải sạch, không có ba via, không nứt.
Cho phép có các lỗ rỗ và vết ghép khuôn trên pittông. Tính chất, vị trí, kích thước và số lượng của những khuyết tật đúc trên các bề mặt phải được xác định trong bản vẽ hay trong tài liệu thiết kế.
1.5 Thông số nhám bề mặt pittông, theo TCVN 2511-78 và phải đạt:
Ra ≤ 1,25 µm – đối với thân pittông, lỗ chốt pittông mặt bên rãnh lắp vòng găng.
Ra ≤ 2,50 µm – đối với thân pittông có mạ và mặt bên rãnh lắp vòng găng được ghép bằng đai kim loại đen.
1.6 Trên các bề mặt đã gia công không cho phép có các vết nứt, xốp, mẻ, xước và bavia. Trên bề mặt đỉnh pittông không được phép có các vết rỗ, nứt, xốp có thể trông thấy được. Trên các bề mặt gia công khác số lượng, kích thước và vị trí các vết rỗ cũng như vết lùi dao phải được quy định trong tài liệu thiết kế.
1.7 Dung sai hình dạng của mặt ngoài pittông phải quy định trong tài liệu thiết kế.
Dung sai hình dạng của lỗ chốt pittông không được vượt quá:
0,006 mm – đối với lỗ có đường kính không lớn hơn 50 mm
0,008 mm – đối với lỗ có đường kính không lớn hơn 50 mm
1.8 Đường trục lỗ chốt pittông phải vuông góc với đường trục thân pittông, sai lệch không được quá 0,04mm trên chiều dài 100 mm.
1.9 Độ dịch chuyển cho phép của đường kính trục lỗ pittông so với đường trục thân pittông không được lớn hơn:
0,25 mm – đối với loại pittông không hãm chiều trục lỗ chốt
0,15 mm – đối với loại pittông có hãm chiều trục lỗ chốt
1.10 Mặt bên rãnh lắp vòng găng của pittông phải vuông góc với đường trục thân pittông, sai lệch độ vuông góc không được vượt quá 0,05 mm trên chiều dài 100 mm.
1.11 Không cho phép các vết nhăn, nứt, xước, xốp điểm trên các bề mặt bên rãnh lắp vòng găng của pittông.
1.12 Sai lệch khối lượng cho một pittông không được vượt quá 1 % khối lượng danh nghĩa. Sai lệch về khối lượng của pittông trong cùng một bộ lắp trên động cơ phải được xác định trong bản vẽ chế tạo và tài liệu thiết kế.
1.13 Bề mặt thân pittông nếu được mạ thiếc thì hình thức mạ và chiều dày lớp mạ phải được chỉ dẫn trong bản vẽ chế tạo.
1.14 Cho phép phân nhóm pittông theo các nhóm kích thước. Số lượng nhóm và khoảng chia phải chỉ rõ trong tài liệu thiết kế.
2. QUI TẮC NGHIỆM THU VÀ PHƯƠNG PHÁP THỬ
2.1 Sản phẩm phải được kiểm tra nghiệm thu và kiểm tra định kỳ. Qui cách lô, số sản phẩm lấy ra trong lô để kiểm tra phải theo TCVN 2600-78, TCVN 2601-78 và TCVN 2602-78 và sự thỏa thuận của khách hàng.
2.2 Kiểm tra nghiệm thu theo các điều 1.1, 1.4 – 1.7 và 1.12. Kiểm tra định kỳ theo các điều 1.2; 1.8; 1.9; 1.10. Chu kỳ kiểm tra và trình tự kiểm tra phải nêu rõ trong tài liệu thiết kế.
2.3 Kiểm tra độ cứng phải tiến hành trên bề mặt sạch của pittông sau khi nhiệt luyện. Vị trí kiểm tra độ cứng phải được quy định trong bản vẽ chế tạo.
2.4 Kiểm tra giới hạn bền kéo theo 3 mẫu cắt ở phần trên của đỉnh pittông, trong đó có 2 mẫu được cắt ra từ phần phía trên lỗ chốt pittông và một mẫu khúc cắt từ giữa đỉnh. Sai lệch giới hạn bền kéo không được vượt quá 25% trị số số học trung bình.
3. GHI NHÃN, BAO GÓI, VẬN CHUYỂN, BẢO QUẢN
3.1 Trên mỗi pittông đã được bộ phận kiểm tra kỹ thuật nghiệm thu phải ghi:
a) Nhãn hiệu hàng hóa của cơ sở sản xuất;
b) Số hiệu pittông theo bảng kê mẫu hàng;
c) Ký hiệu nhóm kích thước và nhóm khối lượng của pittông.
Vị trí, kích thước và cách ghi nhãn phải bảo đảm còn nguyên vẹn trong suốt thời gian sử dụng pittông.
Nhãn hiệu hàng hóa và số hiệu pittông được phép hình thành bằng phương pháp đúc.
3.2 Pittông phải được bôi mỡ bảo quản, gói trong bao bì bền, cứng vững có lót giấy không thấm nước và đựng trong hòm gỗ hoặc cactông.
3.3 Trên mỗi bao bì phải đóng gói các pittông của động cơ cùng nhãn hiệu, cùng một nhóm kích thước hoặc cùng một kích thước sửa chữa và cùng nhóm khối lượng.
3.4 Trên mỗi bao bì cần ghi rõ:
a) Nhãn hiệu hàng hóa của cơ sở sản xuất;
b) Tên gọi và số hiệu pittông theo bảng kê mẫu hàng;
c) Ký hiệu nhóm kích thước hoặc kích thước sửa chữa và nhóm khối lượng.
d) Mác động cơ.
đ) Số lượng chi tiết.
e) Ghi chữ “không ném”, “chống ẩm”;
g) Số hiệu của tiêu chuẩn này.
3.5 Mỗi lô pittông phải kèm theo giấy chứng nhận của lô pittông đó phù hợp với những yêu cầu của tiêu chuẩn này và bao gồm:
a) Tên cơ sở sản xuất và nhãn hiệu hàng hóa.
b) Tên và ký hiệu sản phẩm;
c) Mác động cơ.
d) Ký hiệu nhóm kích thước và nhóm khối lượng.
đ) Số lượng sản phẩm trong lô
e) Tháng, năm xuất xưởng
g) Số hiệu của tiêu chuẩn này.
3.6 Khối lượng hòm có bì không quá 30 kg đối với hòm các tông và 50 kg đối với hòm gỗ.
3.7 bao gói và chống rỉ phải bảo đảm pittông không bị hư hỏng trong 12 tháng kể từ ngày xuất xưởng với điều kiện bảo quản chúng ở nơi khô ráo, kín và giữ nguyên dạng bao gói của cơ sở sản xuất.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.