BỘ NỘI VỤ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 5815-TB/LS4 | Hà Nội, ngày 19 tháng 10 năm 1959 |
VỀ VIỆC GIÚP ĐỠ GIA ĐÌNH LIỆT SĨ, TỬ SĨ
Kính gửi: Các Ủy ban Hành chính khu, tỉnh, thành phố, khu vực Vĩnh Linh.
Tiếp theo thông tư Liên Bộ Nội vụ - Tài chính số 50-TT/LB ngày 14/10/1959 về việc giúp đỡ gia đình liệt sĩ, tử sĩ thiếu sức lao động, hoàn cảnh khó khăn, Bộ giải thích một số điểm cần thiết sau đây để các Ủy ban nghiên cứu thi hành:
I. PHƯƠNG HƯỚNG GIÚP ĐỠ GIA ĐÌNH LIỆT SĨ, TỬ SĨ.
Từ lâu, nhân dân ta vẫn có nhiệt tình giúp đỡ thương binh, gia đình quân nhân liệt sĩ, nhất là trong thời kháng chiến nhiều gia đình liệt sĩ, sĩ tử cha mẹ yếu, con cái bơ vơ không nơi nương tựa đã được nhân dân chú ý bảo đảm đời sống và chăm sóc an ủi mọi mặt, điều đó thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân ta đối với những người đã huy sinh vì Tổ quốc, có tác dụng khuyến khích tinh thần dũng cảm phấn đấu của cán bộ, bộ đội và nhân dân.
Nhưng từ ngày hòa bình lập lại, nhất là sau khi phát hiện sai lầm cải cách ruộng đất, mặc dầu Đảng và Chính phủ đã có chính sách sửa chữa sai lầm về việc chấp hành chính sách ưu đãi đối với thương binh, gia đình liệt sĩ để nhân dân học tập, nhưng nhiệt tình săn sóc giúp đỡ của nhân dân ít nhiều vẫn bị giảm sút vì chúng ta chưa chú ý lãnh đạo bồi dưỡng đúng mực, thậm chí có địa phương không lưu tâm đến nữa, đó là một thiếu sót lớn cần phải khắc phục.
Thi hành chỉ thị số 246-TTg ngày 26/6/1959 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện những nhiệm vụ còn lại trong công tác thương binh liệt sĩ (đã gửi về các địa phương) và nghị quyết của Thường vụ Hội đồng Chính phủ ngày 13/5/1959 về việc săn sóc các gia đình liệt sĩ, tử sĩ gặp khó khăn, thông tư Liên Bộ Nội vụ - Tài chính số 50-TT/LB ngày 14/10/1959 đã nhấn mạnh hơn nữa trách nhiệm của các cấp chính quyền, đoàn thể là phải chăm sóc giúp đỡ gia đình liệt sĩ, tử sĩ và dựa vào nhân dân là phương hướng chủ yếu tích cực nhất, các địa phương cần cố gắng thực hiện. Việc trợ cấp của Chính phủ chỉ là để giúp các địa phương nhất thời giải quyết những trường hợp quá khó khăn mà thôi.
II. CÁCH GIẢI QUYẾT NHỮNG TRƯỜNG HỢP QUÁ KHÓ KHĂN CẦN TRỢ CẤP.
a) Vì phương hướng giúp đỡ gia đình liệt sĩ, tử sĩ về căn bản và lâu dài chủ yếu là dựa vào nhân dân, cho nên việc trợ cấp như quy định trong thông tư, nói chung chỉ là trợ cấp đặc biệt tạm thời trong khi nhân dân địa phương đã tích cực giúp đỡ nhưng đời sống chưa ổn định được, không phải là một chế độ trợ cấp thường xuyên 3 tháng một lần. Tuy nhiên, nếu có trường hợp khó khăn kéo dài, không thể trong một thời gian ngắn đã khắc phục ngay được, nếu cần thiết vẫn có thể trợ cấp tiếp, nhưng không nhất thiết phải trợ cấp liên tục, mà khi nào cần sẽ cấp, khi nào không cần thì thôi, chưa cần thì hoãn lại, lần trợ cấp sau phải cách lần trước ít nhất 3 tháng và đi đôi với việc trợ cấp phải đẩy mạnh việc vận động nhân dân gây cơ sở giúp đỡ lâu dài.
b) Vì hoàn cảnh khó khăn của mỗi người mỗi khác, ở mỗi địa phương mỗi khác, có trường hợp khó khăn nhiều, có trường hợp khó khăn ít, có nơi nhân dân đã giúp đỡ được một phần, chỉ cần trợ cấp một phần, cho nên mức trợ cấp quy định trong thông tư: người lớn trợ cấp không quá 30 đồng, trẻ em trợ cấp không quá 24 đồng là để tùy hoàn cảnh khó khăn mà xét định. Nếu khó khăn nhiều như: đói rách, ốm đau, không nơi nương tựa, nhất thời cần phải giúp đỡ cho có cơm ăn, áo mặc, thuốc uống, thì trợ cấp tới mức tối đa người lớn 30 đồng, trẻ em 24 đồng. Nếu chỉ khó khăn vào loại bình thường như đói rách, không được học hành, thì có thể chỉ trợ cấp người lớn 25 đồng hay 20 đồng, trẻ em 20 đồng hay 15 đồng, tùy từng hoàn cảnh, không nên trợ cấp bình quân mà cũng không được vượt quá mức tối đa.
Liệt sĩ nói trong thông tư là: Tất cả những người đã hy sinh vì chiến đấu với địch, vì đương diện đấu tranh cách mạng với địch bị địch giết hoặc tra tấn chết, vì dũng cảm khắc phục khó khăn nguy hiểm làm nhiệm vụ cách mạng hay cứu tính mệnh tài sản của nhân dân, của Nhà nước mà chết, đã được cấp bằng Tổ quốc ghi ơn, bằng Tổ quốc ghi công cũ và mới, hoặc mới được xác nhận liệt sĩ nhưng chưa được cấp bằng, cho tới nay vẫn được nhân dân địa phương công nhận là liệt sĩ.
Những trường hợp đã được cấp bằng Tổ quốc ghi ơn, Tổ quốc ghi công nhưng hiện nay địa phương phát hiện không phải là liệt sĩ thì cũng không coi là liệt sĩ.
Tử sĩ nói trong thông tư là: Những người hoạt động thoát ly trong các tổ chức biên chế Nhà nước như: Quân nhân thuộc các đơn vị bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương, thương bệnh binh trong các trại thương binh, cán bộ, công nhân viên trong các cơ quan, công trường, xí nghiệp Nhà nước, trong khi làm nhiệm vụ bị chết vì địch giết, vì ốm đau tai nạn.
Ngoài ra, trường hợp đặc biệt, có một số cán bộ xã kiên trì hoạt động có nhiều công lao thành tích được Đảng và nhân dân địa phương tín nhiệm, không may vì làm nhiệm vụ mà bị tai nạn, bị địch oanh tạc chết (không đủ tiêu chuẩn liệt sĩ) hoặc bị xử trí oan trong cải cách ruộng đất; và những quân nhân mất tin mất tích đã quá lâu ngày, gia đình hiện nay đang gặp khó khăn quá, hoàn cảnh cần thiết phải giúp đỡ thì cũng thuộc diện được xét trợ cấp.
Cần chú ý: Những trường hợp do đào ngũ mà chết, chết vì làm việc riêng, đùa nghịch, tử thương, tự sát vì bất mãn trốn trách nhiệm vụ; đã giải ngũ, nghỉ dài hạn, thôi việc, về gia đình rồi mới chết, đều không gọi là tử sĩ và không thuộc trợ cấp.
Những gia đình liệt sĩ, sĩ tử, và các trường hợp đặc biệt như đã giải thích ở trên, nói chung là những gia đình ít nhiều đều có công lao với cách mạng, nếu thiếu sức lao động, hoàn cảnh khó khăn thì đều vận động nhân dân giúp đỡ.
Riêng những trường hợp đặc biệt cần trợ cấp thì phải có đủ tiêu chuẩn sau đây:
- Ông bà nội của liệt sĩ, tử sĩ (không còn con cháu nào khác liệt sĩ, tử sĩ nếu còn sống có trách nhiệm phải nuôi).
- Cha mẹ đẻ của liệt sĩ, tử sĩ (nếu là cha mẹ nuôi thì phải nuôi từ nhỏ để nhờ cậy như con vì không có con đẻ);
- Vợ và chồng của liệt sĩ, tử sĩ (chưa lấy chồng hay vợ khác).
- Con, em ruột của liệt sĩ, tử sĩ (con nhỏ dưới 16 tuổi); những thân nhân này hiện ở trong hoàn cảnh già yếu, bệnh tật, mất sức lao động hoặc còn ít tuổi chưa đủ sức lao động, bơ vơ không nơi nương tựa hoặc có nơi nương tựa nhưng đời sống quá thiếu thốn khó khăn, nhân dân đã có nhiều biện pháp tận tình giúp đỡ nhưng khó khăn căn bản vẫn chưa giải quyết được, nhất thời cần phải có sự giúp đỡ của Chính phủ thì mới trợ cấp.
Trong khi xét cấp cần phải nắm vững đối tượng, nắm vững tiêu chuẩn, tránh nể nang cảm tình xét cấp tràn lan, không chủ động được kinh phí, gây thắc mắc mất đoàn kết trong nhân dân.
Về kế hoạch thực hiện, thông tư số 50-TT/LB ngày 14/10/1959 đã hướng dẫn tương đối đầy đủ, ở đây Bộ chỉ hướng dẫn thêm một số điểm cần thiết về thủ tục xét cấp:
Trước hết các Ủy ban cần phổ biến thật sâu rộng thông tư số 50-TT/LB ngày 14/10/1959 trong cán bộ và nhân dân, nhất là cán bộ huyện, xã, để mọi người nắm vững tinh thần và nội dung của chủ trương giúp đỡ gia đình liệt sĩ, gia đình sĩ tử.
Sau đó giao nhiệm vụ cho các huyện, xã, khu phố kết hợp với công tác hướng dẫn kê khai tử sĩ theo tinh thần chỉ thị số 87-TB/SL3 ngày 24/11/1958 của Bộ Thương binh, điều tra nắm vững tình hình đời sống gia đình liệt sĩ, tử sĩ, để có kế hoạch giúp đỡ giải quyết:
- Đối với những gia đình đủ tiêu chuẩn mà chưa được cấp tiền tuất, bằng tổ quốc ghi công thì giúp đỡ lập hồ sơ đầy đủ để xét cấp.
- Đối với những gia đình liệt sĩ, tử sĩ, thiếu sức lao động, hoàn cảnh khó khăn, thì cùng nhân dân địa phương bàn bạc, dựa vào các tổ đội công, hợp tác xã, để có kế hoạch giúp đỡ lâu dài như đã hướng dẫn trong thông tư.
- Đối với những trường hợp nhân dân chủ yếu của liệt sĩ, tử sĩ quá khó khăn nhất thời phải trợ cấp, thì Ủy ban hành chính xã, khu phố lập danh sách (theo mẫu đính sau) báo cáo lên Ủy ban Hành chính huyện, châu, quận xét. Sau khi điều tra kỹ càng, Ủy ban Hành chính huyện, châu, quận tập thể bàn bạc nhận xét đề nghị Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh xét đề nghị trợ cấp (theo mẫu đính sau) rồi chuyển kinh phí và quyết định về cho các Ủy ban Hành chính huyện, châu, quận, cấp phát.
Quyết định trợ cấp phải gửi lên Bộ Nội vụ một bản để báo cáo.
Trong khi cấp phát, các Ủy ban Hành chính huyện, châu, quận phải lấy đầy đủ chữ ký nhận tiền, ghi rõ tên căn cước địa chỉ của người được ủy nhiệm lĩnh tiền vào danh sách những người được trợ cấp đính theo quyết định, rồi gửi trả lại Ủy ban Hành chính khu, thành phố, tỉnh để làm chứng từ quyết toán với cơ quan tài chính.
Nhận được công văn này, các Ủy ban Hành chính khu, thành phố, tỉnh phải lập ngay dự trù số kinh phí cần thiết để trợ cấp trong quý 4/1959 gửi Bộ Nội vụ đề nghị cấp kinh phí, đồng thời phải dự trù số kinh phí về khoản trợ cấp này cho năm 1960 ghi vào ngân sách địa phương.
Từ nay trong báo cáo 3 tháng, đề nghị các Ủy ban báo cáo cụ thể tình hình đời sống gia đình liệt sĩ, tử sĩ, công tác vận động nhân dân giúp đỡ giải quyết khó khăn, kết quả cụ thể, số thân nhân liệt sĩ, tử sĩ đã được trợ cấp, số tiền trợ cấp để giúp Bộ theo dõi nắm được đầy đủ tình hình.
Trong khi thực hiện có khó khăn trở ngại, đề nghị các Ủy ban phản ảnh kịp thời để Bộ giúp đỡ ý kiến giải quyết.
| KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ |
ỦY BAN HÀNH CHÍNH | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
ỦY BAN HÀNH CHÍNH TỈNH ……………………….
Căn cứ thông tư Liên Bộ Nội vụ - Tài chính số 50-TT/LB ngày 14/10/1959 quy định việc trợ cấp tạm thời cho những thân nhân liệt sĩ, tử sĩ, hoàn cảnh khó khăn;
Căn cứ đề nghị của Ủy ban Hành chính huyện;
Điều 1. - Nay trợ cấp tạm thời cho ............................................................................................
thân nhân liệt sĩ, tử sĩ, hoàn cảnh khó khăn trong danh sách đính theo.
Tổng số tiền trợ cấp trong danh sách là .....................................................................................
Điều 2. - Các ông Chủ tich Ủy ban Hành chính huyện …………………., Chánh văn phòng Ủy ban Hành chính tỉnh ………………………. chiếu quyết định thi hành.
Nơi nhận: | ỦY BAN HÀNH CHÍNH TỈNH |
THÂN NHÂN LIỆT SĨ, TỬ SĨ, ĐƯỢC TRỢ CẤP
Theo Quyết định số ……….. ngày ……………
Số thứ tự | Họ và tên liệt sĩ, tử sĩ | Chức vụ đơn vị | Họ và tên thân nhân chủ yếu | Quan hệ với liệt sĩ, tử sĩ | Tuổi | Chỗ ở hiện tại |
(1) | (2) | (3) | (4) | (5) | (6) | (7) |
|
|
|
|
|
|
|
Hoàn cảnh khó khăn cụ thể | Số tiền trợ cấp | Chữ ký nhận tiền | Họ tên, căn cước địa chỉ người lĩnh tiền |
(8)
| (9)
Cộng | (10) | (11) |
Tổng cộng số tiền trợ cấp trong danh sách này là:.............................................
| Xác nhận đã cấp phát |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.