BỘ GIÁO DỤC | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ |
Số: 20-TT-ĐH | Hà Nội, ngày 02 tháng 05 năm 1964 |
HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH 171- CP NGÀY 20-11-1963 CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ VỀ QUY CHẾ MỞ TRƯỜNG, LỚP ĐẠI HỌC VÀ TRUNG HỌC CHUYÊN NGHIỆP
BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC
Kính gửi: | -Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, |
Ngày 20-11-1963, Hội đồng Chính phủ đã ban hành nghị định số 171-CP về quy chế mở trường và lớp đại học và trung học chuyên nghiệp. Theo tinh thần và nội dung của nghị định và căn cứ điều 15 của nghị định, Bộ Giáo dục ban hành thông tư giải thích và hướng dẫn một số điểm cần thiết để cùng các Bộ, các cơ quan có liên quan thi hành đúng đắn nghị định trên.
I. MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA CỦA VIỆC BAN HÀNH NGHỊ ĐỊNH
1. Đối với việc mở trường và lớp đại học và trung học chuyên nghiệp, từ trước đến nay, Chính phủ chưa có văn bản quy định các tiêu chuẩn, nguyên tắc, thủ tục cần thiết và trách nhiệm, quyền hạn cụ thể của các cơ quan Nhà nước nhất là của Bộ Giáo dục, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và các Bộ, cơ quan có trường.
Nhiều hiện tượng mở trường, lớp, ngành học, hệ thống học tùy tiện, có xu hướng chạy theo số lượng, không đảm bảo tốt chất lượng, thường do Bộ, cơ quan dự định mở trường quyết định sau khi có chỉ tiêu đào tạo của Ủy ban kế hoạch Nhà nước, các cơ quan phụ trách việc đào tạo cán bộ của Nhà nước (Phủ Thủ tướng, Bộ Giáo dục, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước) không quản lý được chặt chẽ và thống nhất các loại hệ thống trường, lớp.
Tình hình đó ảnh hưởng đến kế hoạch và chất lượng đào tạo, gây khó khăn cho việc quản lý chung của Nhà nước, dẫn đến sự mất cân đối giữa số lượng và chất lượng, giữa yêu cầu và khả năng, giữa đào tạo và sử dụng cán bộ.
2. Xuất phát từ tình hình ấy và yêu cầu nâng chất lượng toàn diện hiện nay, Hội đồng Chính phủ ban hành nghị định về quy chế mở trường, lớp đại học và trung học chuyên nghiệp nhằm đưa tổ chức các trường và lớp này vào nền nếp, tăng cường lãnh đạo và quản lý hệ thống trường, lớp một cách chặt chẽ hơn.
Nghị định quy định nhiệm vụ đào tạo cán bộ theo các hình thức tập trung, chuyên tu, tại chức của các trường, lớp đại học và trung học chuyên nghiệp, cụ thể những vấn đề về mục tiêu, thời gian, đối tượng, điều kiện vật chất của nhà trường, trách nhiệm, quyền hạn lãnh đạo và quản lý của các cơ quan Nhà nước, và những nguyên tắc, thủ tục trong việc mở, bãi bỏ, hợp nhất hoặc tách trường, lớp đại học và trung học chuyên nghiệp.
3. Việc ban hành nghị định đánh dấu một bước phát triển quan trọng của ngành đại học và trung học chuyên nghiệp, đúc kết và phát huy những kết quả, kinh nghiệm đào tạo cán bộ của những năm qua, tiến một bước đưa việc đào tạo cán bộ vào tiêu chuẩn, kế hoạch, đảm bảo chất lượng ngày càng tốt hơn, đáp ứng kịp thời yêu cầu mạnh từng bước, đồng thời xây dựng đúng đắn trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước đối với vấn đề đào tạo cán bộ từ nay về sau.
II. PHÂN LOẠI TRƯỜNG, LỚP VÀ THỐNG NHẤT TÊN GỌI
a) Những trường hoặc lớp có nhiệm vụ đào tạo như đã quy định tại điều 1, thống nhất gọi tên là trường hoặc lớp đại học.
b) Những trường hoặc lớp có nhiệm vụ đào tạo như đã quy định tại điều 2, thống nhất gọi tên là trường hoặc lớp trung học chuyên nghiệp.
Từ nay không dùng danh từ cao cấp, trung cấp để gọi các trường, lớp đào tạo để tránh sự nhầm lẫn giữa các loại cán bộ do các trường, lớp đào tạo ra với các loại cán bộ phụ trách của Nhà nước.
Những trường hoặc lớp có nhiệm vụ đào tạo như đã quy định tại điều 1 đã mở và sẽ mở, nếu đủ điều kiện của một trường hoặc một lớp đại học, thì gọi là đại học; nếu mới mở chưa đủ điều kiện thì gọi là trường, lớp cán bộ… theo nhiệm vụ đào tạo của trường, lớp đó (trường cán bộ ngoại giao ngoại thương, trường cán bộ thể dục thể thao…); những trường, lớp thuộc các ngành văn hóa, nghệ thuật có những đặc điểm đào tạo riêng tùy điều kiện gọi là đại học hoặc cao đẳng (cao đẳng âm nhạc, cao đẳng mỹ thuật) theo sự hướng dẫn của Bộ Giáo dục.
Tuy gọi là cao đẳng như nhiệm vụ, yêu cầu về chất lượng các trường này không được khác các trường, lớp đại học và thuộc hệ thống các trường, lớp đại học Việt Nam.
c) Những trường, lớp đào tạo cán bộ có nhiệm vụ như đã quy định tại điều 1 hoặc điều 2 dành riêng cho đối tượng là cán bộ trong ngành (cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ lâu năm trong nghề) gọi tên là trường, lớp đại học chuyên tu hoặc trung cấp chuyên nghiệp chuyên tu.
d) Những trường, lớp đại học và trung học chuyên nghiệp đào tạo bằng hình thức vừa làm vừa học gọi tên là trường, lớp đại học tại chức hoặc trung học chuyên nghiệp tại chức.
e) Gọi là trường nếu mục đích, nhiệm vụ được xác định rõ, có quy mô phát triển lâu dài, có số lượng học sinh, sinh viên, số ngành học, hệ thống học tới mức thuận lợi cho việc quản lý về các mặt và việc đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dậy và trường sở, thiết bị của Nhà nước theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục.
Trường có thể gồm chỉ một hệ thống đại học hoặc trung học chuyên nghiệp hoặc cả hai hệ thống thuộc nhiều hình thức đào tạo. Nếu một trường gồm có hai hệ thống đào tạo thì gọi tên trường đó là trường cán bộ…
Ví dụ: trường tài chính gồm hệ thống trung học chuyên nghiệp và đại học gọi tên là trường cán bộ tài chính kế toán.
g) Gọi là lớp nếu quy mô học sinh, sinh viên, ngành học còn bé, thường là mới mở, mới có một hai ngành học, còn dựa vào một trường đã có.
Lớp tập trung có thể mở tại một số trường trung học chuyên nghiệp (nếu là lớp đại học), tại một trường sơ cấp hoặc công nhân hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ (nếu là lớp trung học chuyên nghiệp), hoặc có thể mở riêng (nếu là lớp ban đêm, hàm thụ).
Những trường, lớp đại học và trung học chuyên nghiệp đã mở trước ngày ban hành nghị định, nếu tên gọi chưa đúng với quy định thì qua việc đăng ký, xét duyệt lại và căn cứ tên gọi trong quyết định công nhận của các cơ quan có thẩm quyền mà đổi tên và dùng thống nhất tên gọi là của trường, lớp đó trên các văn bản, giấy tờ, văn bằng, con dấu, biển trường…
1. Nhiệm vụ các trường, lớp đại học và trung học chuyên nghiệp.
Nghị định đã quy định rõ nhiệm vụ của các trường, lớp đại học và trung học chuyên nghiệp tại điều 1 và 2, nay nhấn mạnh thêm nhiệm vụ và yêu cầu khác nhau giữa người cán bộ đại học và người cán bộ trung học chuyên nghiệp.
Về nhiệm vụ:
Người cán bộ tốt nghiệp đại học thường phụ trách những công việc phức tạp, phối hợp nhiều khâu công tác khác nhau, biết vận dụng lý luận khoa học, kỹ thuật và nghiệp vụ để tổng hợp, phân tích, đề xuất và nghiên cứu, tìm tòi phương pháp mới giải quyết những vấn đề của thực tế sản xuất và công tác. Có những cán bộ đại học chuyên làm công tác nghiên cứu lý luận khoa học, kỹ thuật hoặc nghiệp vụ ở cơ quan nghiên cứu khoa học, hoặc có những cán bộ làm công tác chỉ đạo sản xuất ở các cơ sở sản xuất.
Người cán bộ tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp thường phụ trách những công việc không phức tạp, thuộc phạm vi một khâu sản xuất hoặc công tác, biết áp dụng lý luận kỹ thuật, nghiệp vụ đã học vào thực tế sản xuất và công tác dưới sự hướng dẫn của cán bộ đại học, có tác dụng trung gian giữa cán bộ đại học và công nhân, nhân viên kỹ thuật, nghiệp vụ.
Về trình độ:
Người cán bộ đại học nắm được lý luận khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ toàn diện, có hệ thống, sâu, biết phương pháp vận dụng lý luận đó để phát hiện, nghiên cứu giải quyết những vấn đề của thực tế sản xuất và công tác.
Người cán bộ trung học chuyên nghiệp chỉ cần nắm được những lý luận cơ bản về kỹ thuật, nghiệp vụ thuộc phạm vi ngành nghề mình phụ trách, có khả năng áp dụng thành thạo, có kỹ năng kỹ xảo về ngành nghề đó.
Do nhiệm vụ và trình độ như vậy nên nội dung đào tạo cũng khác nhau:
- Chương trình bậc đại học bao gồm đầy đủ các môn lý luận cơ bản, cơ sở và chuyên môn xây dựng trên cơ sở chương trình lớp 10 phổ thông.
- Chương trình bậc trung học chuyên nghiệp chỉ bao gồm một số lý luận cơ bản, cơ sở cần thiết, chủ yếu là các môn chuyên môn nghiệp vụ thuộc ngành nghề cụ thể, xây dựng trên cơ sở chương trình lớp 7 phổ thông.
Tóm lại trường, lớp đại học đào tạo cán bộ có lý luận tổng hợp, có khả năng nghiên cứu và chỉ đạo quản lý kỹ thuật và nghiệp vụ. Trường lớp trung học chuyên nghiệp đào tạo cán bộ chủ yếu có khả năng thực hành về ngành nghề đã học.
2. Đối tượng - Thời gian đào tạo của các loại trường, lớp đại học và trung học chuyên nghiệp.
Điều 1 và điều 2 của nghị định đã quy định đối tượng và thời gian đào tạo của các loại trường, lớp đại học và trung học chuyên nghiệp tập trung.
Đại học:
a) Đối tượng tuyển vào các trường, lớp đại học gồm bốn loại:
- Học sinh các trường phổ thông;
- Cán bộ, quân nhân, công nhân đã kinh qua sản xuất hoặc công tác nhưng chưa hiểu biết gì về ngành nghề sẽ học,
- Cán bộ, quân nhân, công nhân đã công tác trong ngành có hiểu biết ít nhiều về ngành nghề sẽ học;
- Cán bộ công tác lâu năm trong ngành, có nhiều kinh nghiệm trong công tác và sản xuất, cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo và quản lý các cấp, các ngành, có thời gian công tác liên tục, thâm niên trong nghề hoặc trong chức vụ, có bậc lương nhất định do Bộ Giáo dục quy định.
Các trường, lớp đại học có thời gian đào tạo quy định từ bốn đến sáu năm tuyển ba loại đối tượng trên.
Các trường, lớp đại học chuyên tu có thời gian đào tạo quy định từ hai đến bốn năm tuyển loại đối tượng dưới.
Căn cứ vào yêu cầu chương trình đào tạo ở bậc đại học, đặc điểm của đối tượng tuyển vào, kết hợp kinh nghiệm chung của thế giới và hoàn cảnh thực tế của nước ta mà Bộ, cơ quan có trường, lớp cùng với Bộ Giáo dục quy định thời gian đào tạo cụ thể của từng ngành học, hệ thống học.
Những ngành kỹ thuật, nghiệp vụ có thể có thời gian đào tạo ngắn hơn những ngành khoa học cơ bản, y dược, tiến tới tối thiểu là bốn năm, tối đa không quá 6 năm.
Trường hợp do yêu cầu đào tạo trước mắt đòi hỏi, một số ngành nghề chỉ lấy đối tượng là cán bộ trong ngành đã có hiểu biết ít nhiều về ngành nghề sẽ học thì thời gian đào tạo có thể ngắn hơn một số ít so với những ngành mà đối tượng là học sinh, cán bộ, quân nhân chưa qua kinh nghiệm công tác trong ngành. Ví dụ: Ở trường Đại học Nông nghiệp, nếu những ngành đào tạo cán bộ kỹ thuật lấy đối tượng là học sinh phổ thông, thời gian đào tạo là năm năm thì những ngành đào tạo kỹ sư kinh tế lấy đối tượng là cán bộ có trình độ trung học chuyên nghiệp đã công tác trong ngành một thời gian, thời gian đào tạo có thể ngắn hơn một ít (bốn năm hoặc bốn năm rưỡi).
Trường hợp các trường, lớp đại học chuyên tu, thời gian đào tạo quy định từ hai đến bốn năm, vì loại trường, lớp này chỉ dành riêng cho đối tượng là cán bộ đã công tác lâu năm và có nhiều kinh nghiệm trong nghề và cán bộ lãnh đạo và quản lý các cấp, các ngành.
Việc nâng cao bồi dưỡng trình độ khoa học, kỹ thuật và nghiệp vụ cho loại đối tượng này đòi hỏi cấp bách và có những yêu cầu về nội dung khác với các loại đối tượng khác, do đó thời gian đào tạo ngắn hơn, tuy nhiên cũng phải đảm bảo được trình độ đại học tương đối có hệ thống ở mức tối thiếu.
Loại đối tượng này nên theo học các ngành quản lý kỹ thuật và quản lý kinh tế.
b) Đối tượng tuyển vào các trường, lớp đại học (hoặc cao đẳng) dù là học sinh, cán bộ, công nhân, quân nhân đều đòi hỏi phải có trình độ văn hóa đã tốt nghiệp lớp 10 phổ thông hoặc tương đương lớp 10 phổ thông.
Tương đương lớp 10 phổ thông nói đây là đã tốt nghiệp lớp 10 bổ túc văn hóa hoặc có bằng cấp tương đương (tú tài toàn phần cũ, trung học đệ nhị cấp cũ…), không có nghĩa là mới học hết chương trình lớp 10 phổ thông hoặc bổ túc văn hóa.
Trong tình hình hiện nay, nếu đối tượng tuyển vào các trường, lớp đại học chuyên tu và dài hạn là cán bộ, công nhân trong ngành chưa có đủ trình độ văn hóa đã quy định thì cần có thời gian cho họ được bổ túc văn hóa đạt yêu cầu của chương trình lớp 10 phổ thông về những môn cần thiết theo yêu cầu của ngành nghề mà họ sẽ học. Thời gian bổ túc văn hoá này không tính vào thời gian đào tạo đã quy định và cơ quan cử cán bộ đi học phải đài thọ mọi khoản chi phí này.
Hàng năm Bộ Giáo dục sẽ quy định tiêu chuẩn tuyển sinh cụ thể vào các trường, lớp đại học (kể cả chuyên tu và tại chức).
c) Các trường, lớp đại học (hoặc cao đẳng) đã mở trước ngày ban hành nghị định nếu xét về đối tượng và thời gian đào tạo chưa đúng với quy định trên đều phải có kế hoạch sửa đổi, phải căn cứ vào yêu cầu của nội dung chương trình, khả năng, điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo của trường, lớp đó mà Bộ, cơ quan có trường, lớp cùng Bộ Giáo dục có kế hoạch chuyển dần thời gian đào tạo tới mức quy định.
Trung học chuyên nghiệp:
a) Đối tượng tuyển vào các trường, lớp trung học chuyên nghiệp cũng gồm bốn loại như đối với đại học song yêu cầu về trình độ văn hóa thấp hơn.
Các trường, lớp trung học chuyên nghiệp có thời gian đào tạo quy định từ hai đến bốn năm tuyển ba loại đối tượng trên; loại trường, lớp trung học chuyên nghiệp chuyên tu có thời gian đào tạo quy định từ hai đến ba năm tuyển loại đối tượng dưới.
Những ngành về kỹ thuật, khoa học cơ bản cần có thời gian đào tạo dài hơn các ngành về nghiệp vụ. Do yêu cầu của chương trình bậc trung học chuyên nghiệp, thời gian đào tạo tối thiểu phải là hai năm (kể cả trung học chuyên nghiệp chuyên tu) nhưng do khả năng của Nhà nước kết hợp với kinh nghiệm chung của thế giới, tối đa không thể quá bốn năm.
Các trường, lớp trung học chuyên nghiệp, đối tượng là cán bộ trong ngành (cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ công tác lâu năm trong nghề) cũng phải có thời gian đào tạo từ hai đến ba năm mới bảo đảm được yêu cầu tối thiểu của chương trình bậc trung học chuyên nghiệp.
b) Đối tượng tuyển vào các trường và lớp trung học chuyên nghiệp phải có trình độ văn hóa tốt nghiệp lớp 7 phổ thông trở lên hoặc tương đương.
Tương đương nói đây là đã tốt nghiệp lớp 7 bổ túc văn hóa hoặc có văn bằng tương đương (cao đẳng tiểu học cũ, trung học đệ nhất cấp cũ…), không có nghĩa là mới học hết chương trình lớp 7 phổ thông hay bổ túc văn hóa.
Trong tình hình hiện nay, nếu đối tượng tuyển vào các trường, lớp trung học chuyên nghiệp chuyên tu và dài hạn là cán bộ, công nhân trong ngành, chưa có đủ trình độ văn hóa như đã quy định thì cần có thời gian cho họ được bổ túc văn hóa đạt yêu cầu của chương trình lớp 7 phổ thông về những môn cần thiết theo yêu cầu của ngành nghề mà họ sẽ học. Thời gian bổ túc văn hóa này không tính vào thời gian đào tạo đã quy định và cơ quan cử cán bộ đi học phải đài thọ khoản chi phí này.
Những năm trước đây, do yêu cầu đào tạo cán bộ trung học chuyên nghiệp cấp bách và do khả năng của Nhà nước có hạn nên chất lượng văn hóa toàn diện của chương trình bậc trung học chuyên nghiệp chưa bảo đảm. Từ nay về sau, điều kiện cho phép nâng cao chất lượng văn hóa toàn diện của chương trình bậc trung học chuyên nghiệp, nên một số ngành học ở một số trường, lớp trung học chuyên nghiệp sẽ tuyển ngày càng nhiều những người đã tốt nghiệp lớp 10 phổ thông.
Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp lớp 10 phổ thông tuyển vào các trường, lớp trung học chuyên nghiệp và vào những ngành nào, hàng năm Bộ Giáo dục và Ủy ban Kế hoạch Nhà nước sẽ ấn định.
Hàng năm Bộ Giáo dục sẽ quy định tiêu chuẩn tuyển sinh cụ thể vào các trường, lớp trung học chuyên nghiệp (kể cả chuyên tu và tại chức).
c) Các trường, lớp trung học chuyên nghiệp (kể cả chuyên tu) đã mở trước ngày ban hành nghị định nếu xét về đối tượng và thời gian chưa đúng với quy định ở trên, Bộ hoặc cơ quan có trường, lớp đó cùng với Bộ Giáo dục căn cứ vào yêu cầu nội dung và khả năng đảm bảo chấy lượng mà nghiên cứu có kế hoạch sửa đổi cho phù hợp.
Riêng đối với trường, lớp trung học chuyên nghiệp đào tạo cán bộ cho hợp tác xã và cho miền núi, Bộ có trường và Bộ Giáo dục sẽ nghiên cứu quy định cụ thể thời gian, nội dung, tiêu chuẩn đối tượng thích hợp.
3. Trường, lớp trung học chuyên nghiệp thuộc các ngành nghệ thuật.
Những trường, lớp trung học chuyên nghiệp thuộc một số ngành nghệ thuật như mỹ thuật, âm nhạc, múa, ca kịch, xiếc v.v… có những yêu cầu, đặc điểm riêng. Các ngành này thường xuyên chọn những đối tượng có năng khiếu nhất định, phải được rèn luyện từ bé, dưới tuổi quy định chung tuyển vào các trường, lớp trung học chuyên nghiệp, cần có thời gian đào tạo dài hơn.
Bộ có trường sẽ cùng Bộ Giáo dục nghiên cứu và quy định cho thích hợp với yêu cầu đặc điểm của các ngành này những vấn đề về mục tiêu, đối tượng, thời gian, nội dung, biện pháp đào tạo trên cơ sở các nguyên tắc chung áp dụng cho các trường, lớp trung học chuyên nghiệp.
4. Trường, lớp đại học và trung học chuyên nghiệp tại chức.
Theo tinh thần quy định tại điều 4 của nghị định, các trường và lớp đại học và trung học chuyên nghiệp tại chức cũng có nhiệm vụ đào tạo và phải đảm bảo chất lượng đào tạo tương đương như các trường, lớp đại học và trung học chuyên nghiệp tập trung. Muốn thế, thời gian đào tạo phải dài hơn thời gian đào tạo tập trung.
Tương đương nói đây là đảm bảo chương trình tương đương đối có hệ thống, đạt trình độ Đại học và trung học chuyên nghiệp, mặt lý luận có thể yếu hơn nhưng mặt thông thạo nghiệp vụ có thể cao hơn so với các trường, lớp tập trung.
Hội đồng Chính phủ đã ban hành nghị định số 101-TTg ngày 11-10-1962 về quy chế tổ chức trường, lớp đại học và trung học chuyên nghiệp tại chức trong đó đã quy định rõ mục đích, hình thức, đối tượng đào tạo, kế hoạch, chương trình, phương pháp giảng dạy, quyền lợi nhiệm vụ của học viên và giảng viên, tổ chức lãnh đạo đối với hệ thống trường, lớp này.
Bộ Giáo dục đã có một số văn bản cụ thể để hướng dẫn thực hiện.
IV. LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ CÁC TRƯỜNG LỚP ĐÀO TẠO
Căn cứ nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của các cơ quan Nhà nước mà Hội đồng Chính phủ đã ấn định, nghị định này quy định tại điều 6 và 7 nhiệm vụ, quyền hạn lãnh đạo, quản lý các trường, lớp đào tạo của Bộ Giáo dục và các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban hành chính địa phương có trường, lớp đại học và trung học chuyên nghiệp.
Các Bộ, cơ quan có trường chịu trách nhiệm quản lý và chỉ đạo mọi mặt công tác của trường mình phụ trách về các vấn đề kế hoạch, tổ chức, chuyên môn, v.v… trên cơ sở bảo đảm các nguyên tắc, quy chế, chế độ và các văn bản do Chính phủ hoặc do Bộ Giáo dục ban hành để áp dụng chung cho toàn ngành đại học và trung học chuyên nghiệp.
Những trường trung học chuyên nghiệp do Ủy ban hành chính địa phương (từ cấp tỉnh trở lên) trực tiếp quản lý còn chịu sự chỉ đạo chung về mọi mặt nội dung chuyên môn của Bộ chuyên môn.
Bộ Giáo dục đề nghị Hội đồng Chính phủ xét và ban hành những văn bản có tính chất quan trọng về đường lối, chủ trương lớn, nghiên cứu ban hành những văn bản để chỉ đạo thực hiện, hướng dẫn chung cho toàn ngành đại học và trung học chuyên nghiệp.
Quy định như vậy là thể hiện rõ sự phân công quản lý các trường, lớp giữa Bộ Giáo dục là cơ quan chịu trách nhiệm chung trước Nhà nước về việc đào tạo các loại cán bộ và các Bộ, và các cơ quan có trường là những cơ quan chịu trách nhiệm cụ thể trước Nhà nước về việc đào tạo từng lợi cán bộ thuộc phạm vi mình phụ trách.
Nguyên tắc, thủ tục, bãi bỏ, hợp nhất, tách trường, lớp đại học và trung học chuyên nghiệp cũng như mở thêm hay thay đổi ngành học, thời gian học, hệ thống học trong các trường, lớp đại học và trung học chuyên nghiệp đã được quy định tại điều 8, 9, 10 và 11.
1. Về nguyên tắc, cần nắm vững là:
Mở, bãi bỏ, hợp nhất, tách trường, lớp đại học do Hội đồng Chính phủ quyết định; mở thêm, thay đổi ngành học, thời gian học, hệ thống học trong một trường đại học thì do Bộ Giáo dục và Bộ có trường quyết định, sau khi đã thỏa thuận với Ủy ban Kế hoạch Nhà nước về chỉ tiêu, kinh phí, biên chế.
- Mở, bãi bỏ, hợp nhất các trường, lớp trung học chuyên nghiệp thì do Bộ Giáo dục và Bộ dự định mở trường quyết định (nếu trường do trung ương quản lý) hoặc Bộ Giáo dục và Ủy ban hành chính địa phương (nếu trường địa phương), sau khi đã thỏa thuận với Ủy ban Kế hoạch Nhà nước về chỉ tiêi, kinh phí, biên chế.
- Mở thêm hay thay đổi ngành học, thời gian học, hệ thống trong một trường trung học chuyên nghiệp cũng theo nguyên tắc như khi mở trường trung học chuyên nghiệp.
Đối với các trường, lớp đại học và trung học chuyên nghiệp chuyên tu và tại chức cũng theo đúng nguyên tắc như đối với trường, lớp đại học và trung học chuyên nghiệp tập trung dài hạn.
Quy định nguyên tắc như trên nhằm tập trung trách nhiệm và quyền hạn về những cơ quan phụ trách việc đào tạo cán bộ của Nhà nước, tránh tình trạng mở trường, lớp lung tung, thay đổi ngành học, thời gian học, hệ thống học tùy tiện, nhất là đối với hệ thống các trường trung học chuyên nghiệp.
Quy đinh như vậy là căn cứ vào chức năng của các Bộ, Ủy ban hành chính địa phương, nhất là của Bộ Giáo dục và Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và cũng phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của nước ta kết hợp với kinh nghiệm chung của các nước xã hội chủ nghĩa.
2. Về thủ tục và căn cứ để xét duyệt, cần nắm vững:
- Có nhu cầu cán bộ trước mắt và lâu dài cụ thể theo yêu cầu phát triển của ngành (khoảng 5- 10 năm), đòi hỏi cần thiết phải mở một trường hoặc một lớp đại học hay trung học chuyên nghiệp mới đáp ứng được yêu cầu.
- Nhiệm vụ, quy mô phát triển, kế hoạch tuyển sinh, thời gian, chương trình, đối tượng của từng ngành học, hệ thống học đã được xác định rõ theo quy chế mở trường.
- Có điều kiện tối thiểu và cần thiết về cán bộ, trường sở, thiết bị, cơ sở thí nghiệm, thực tập để đảm bảo nhiệm vụ đào tạo một cách bình thường.
- Có đủ hồ sơ mở trường theo quy định tại điều 11, gửi Phủ Thủ tướng, sao gửi Bộ Giáo dục và Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (nếu là đại học); gửi Bộ Giáo dục, sao gửi Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (nếu là trung học chuyên nghiệp).
- Căn cứ vào chức năng của mình, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước sẽ nghiên cứu có ý kiến về những vấn đề liên quan đến kế hoạch đào tạo, Bộ Giáo dục sẽ nghiên cứu có ý kiến về những vấn đề liên quan đến tổ chức và chất lượng đào tạo. Trường hợp các Bộ có liên quan không thống nhất ý kiến, Bộ hoặc cơ quan có trường thống nhất ý kiến, bộ và cơ quan có trường kiến nghị lên Hội đồng Chính phủ và do Chính phủ quyết định.
3. Việc mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ
Ngoài hệ thống các trường và lớp đại học và trung học chuyên nghiệp tập trung và tại chức trên, các Bộ, các địa phương có thể mở các lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ hoặc kỹ thuật cho một số cán bộ, công nhân trong ngành để học có điều kiện làm tốt hơn công tác mà họ đang đảm nhiệm.
Theo tinh thần và nội quy định tại điều 13, thời gian, nội dung đào tạo của các lớp này do các Bộ, Ủy ban hành chính địa phương có lớp quyết định sau khi đã thỏa thuận với Bộ Giáo dục.
Thời gian bồi dưỡng ngắn hơn thời gian đào tạo, khoảng một năm hoặc trên một ít. Cuối khóa, học viên được cấp giấy chứng nhận về kết quả học tập của mình.
Các Bộ, Ủy ban hành chính địa phương có lớp bồi dưỡng chịu trách nhiệm quản lý toàn diện, mọi khoản chi phí do quỹ đào tạo cán bộ (phần dành để bồi dưỡng nghiệp vụ) của Bộ hoặc địa phương mở lớp đài thọ.
VI. MỘT SỐ VẤN ĐỀ TRƯỚC MẮT CẦN TIẾN HÀNH
Để thi hành đúng đắn nghị định của Hội đồng Chính phủ về quy chế mở trường và lớp đại học và trung học chuyên nghiệp, căn cứ điều 15 của nghị định, Bộ Giáo dục sẽ cùng các Bộ, cơ quan có liên quan nghiên cứu và ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện. Trước mắt cần tiến hành một số việc sau đây:
1. Hướng dẫn các Bộ, các cơ quan có trường, lớp đại học và trung học chuyên nghiệp (kể cả các trường, lớp nghiệp vụ) đăng ký lại tất cả các loại trường, lớp theo yêu cầu các điều khoản của nghị định.
Trên cơ sở đó, các cơ quan có trách nhiệm và thẩm quyền trong việc mở, bãi bỏ trường, lớp đại học và trung học chuyên nghiệp, xét duyệt bổ sung các nguyên tắc, thủ tục, hồ sơ, nếu cần có thể bãi bỏ, hợp nhất. Bộ Giáo dục trình Thủ tướng Chính phủ thông qua danh sách các trường và lớp đại học và trung học chuyên nghiệp đã mở và công bố chính thức cho cơ quan có liên quan biết.
Thông qua việc đăng ký và xét duyệt lại, thống nhất tên gọi chung của các loại trường, lớp và tên gọi riêng của từng trường, lớp đại học và trung học chuyên nghiệp.
Riêng đối với các trường, lớp chỉ có tính chất bồi dưỡng nghiệp vụ thì chỉ cần báo cáo cho Bộ Giáo dục và Ủy ban Kế hoạch Nhà nước biết nội dung, chương trình, thời gian, đối tượng bồi dưỡng của trường, lớp đó.
2. Căn cứ vào tinh thần và nội dung của các điều khoản đã quy định trong nghị định 171-CP ngày 20-11-1963 của Hội đồng Chính phủ, Bộ Giáo dục sẽ ban hành hoặc bổ sung các văn bản về:
- Tiêu chuẩn hóa các trường, lớp chuyên tu và tại chức đại học và trung học chuyên nghiệp;
- Phương hướng và tiêu chuẩn tuyển sinh hàng năm vào các loại hệ thống trường , lớp đào tạo;
- Xây dựng và xét duyệt mục tiêu, thời gian, kế hoạch giảng dạy, chương trình các môn học của từng hệ thống trường, lớp;
- Tổ chức bộ máy quản lý nhà trường;
- Lao động sản xuất, thực tập sản xuất, nghiên cứu khoa học,
- Thi cử;
- Sử dụng và bồi dưỡng cán bộ giảng dạy v.v…
3. Các Bộ, các cơ quan có trường, lớp đại học và trung học chuyên nghiệp căn cứ nhu cầu cán bộ và yêu cầu phát triển sản xuất của ngành, nghiên cứu xây dựng quy hoạch phát triển lâu dài (có thể đến năm 1970 hay hơn nữa) cho trường mình, cụ thể là xác định các vấn đề về quy mô ngành nghề, số lượng chiêu sinh từng năm, kế hoạch bổ sung đội ngũ cán bộ giảng dạy và mở rộng trường sở, thiết bị,v.v…
Trước mắt là nghiên cứu gấp những trường, lớp, ngành học, hệ thống học định mở thêm hoặc điều chỉnh trong năm học 1964-1965.
Quy chế mở trường, lớp đại học và trung học chuyên nghiệp chuyên nghiệp mà Hội đồng Chính phủ đã ban hành là cơ sở quan trọng để đưa hệ thống các trường, lớp đào tạo vào nề nếp, tăng cường một bước sự lãnh đạo và quản lý của Nhà nước đối với các trường, đảm bảo tốt kế hoạch đào tạo cán bộ theo yêu cầu phát triển của các ngành kinh tế quốc dân.
Trong khi thực hiện nghị định này, các Bộ, các địa phương, các trường nếu có khó khăn mắc mứu gì, cần phản ảnh cho Bộ Giáo dục biết để giải quyết.
| KT. BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO DỤC |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.