BỘ LAO ĐỘNG | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 03-LĐ-TT | Hà Nội, ngày 05 tháng 03 năm 1964 |
BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG
Kính gửi: | -Các bộ- các cơ quan ngang bộ |
Căn cứ Quyết định số 340-CN ngày 13-02-1963 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao cho Bộ Lao động trách nhiệm ban hành và quản lý thống nhất việc thực hiện các chương trình tài liệu đào tạo công nhân kỹ thuật;
Ngày 05-3-1964, Bộ Lao động đã ra Quyết định số 16-LĐ-QĐ, ban hành chương trình đào tạo công nhân lái ô-tô, tài xế xe lửa, sửa chữa ô-tô áp dụng thống nhất cho các trường, lớp đào tạo các loại công nhân nói trên theo yêu cầu:
Lái ô-tô bậc 1/3
Tài xế xe lửa bậc 1/3
Sửa chữa ô-tô bậc 2/7
Để việc thi hành được thống nhất, Bộ Lao động ra thông tư này nói rõ thêm một số điểm trong chương trình mà Hội đồng thẩm duyệt chương trình liên Bộ đã thông qua, giúp các Bộ, các ngành, các địa phương hướng dẫn các trường, lớp thực hiện.
Việc đào tạo công nhân mới phải căn cứ vào đường lối công tác giáo dục của Đảng mà nghị quyết Đại hội lần thứ 3 đã đề ra là “…bồi dưỡng thế hệ trẻ thành những người lao động làm chủ nước nhà, có giác ngộ xã hội chủ nghĩa, có văn hóa kỹ thuật, có sức khỏe…” với nguyên lý “giáo dục kết hợp với lao động sản xuất” và phương châm “học đi đôi với hành, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục xã hội”
Để đạt yêu cầu đó, trong việc đào tạo công nhân mới phải chú ý cả ba mặt: đức dục, trí dục, thể dục.
1. Chính trị: Đặc biệt coi trọng công tác giáo dục chính trị và tư tưởng. Trong công tác giáo dục chính trị và tư tưởng cần chú trọng giáo dục lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, giáo dục ý thức phục vụ nhân dân, phục vụ sản xuất, giáo dục tinh thần thái độ học tập và lao động, giáo dục những phẩm chất, đạo đức và tác phong của con người xã hội chủ nghĩa. Công tác giáo dục chính trị và tư tưởng không chỉ hạn chế trong phạm vi số giờ học lý thuyết, mà phải tiến hành thường xuyên suốt quá trình học tập của học sinh. Phải kết hợp việc học tập lý luận có hệ thống theo chương trình, với việc duy trì nề nếp sinh hoạt trong tổ, trong lớp, nhằm đấu tranh chống những lệch lạc về tư tưởng, nhất là những quan điểm lệch lạc về ngành nghề, lệch lạc về ý thức tổ chức và kỷ luật. Phải thông qua hoạt động của các đoàn thể quần chúng như đoàn thanh niên lao động, công đoàn, thông qua phong trào thi đua yêu nước, hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao v .v… mà xây dựng và phát triển nếp sống lành mạnh và phong cách xã hội chủ nghĩa trong nhà trường.
2. Chuyên môn: Học sinh phải nắm vững cả lý thuyết lẫn thực hành.
Đối với công nhân sửa chữa ô-tô, yêu cầu sau khi đã tinh thông công việc của bậc 1/7, học sinh phải độc lập hoàn thành các công việc chủ yếu của bậc 2/7 đạt năng suất trung bình của công nhân cùng bậc sản xuất ở xí nghiệp. Nếu đào tạo công nhân làm “xam” thì học sinh phải làm được công việc sửa chữa cả máy lẫn gầm của thợ bậc 2/7.
Đối với tài xế xe lửa, ngoài việc thông thạo công việc chính của mình, còn phải làm tốt công việc đốt lửa, phụ tài xế, có trình độ thợ nguội cấp 3 đầu máy và có khả năng chỉ đạo về mọi mặt tổ lái máy.
Đối với công nhân lái ô-tô, phải lái được xe hạng lớn, hạng vừa và hạng nhỏ, chạy đường đồng bằng thành phố và đường núi an toàn.
Điều quan trọng nhất đối với tài xế xe lửa và lái ô-tô là bảo đảm an toàn tuyệt đối trong khi vận chuyển. Coi đó là một tiêu chuẩn quan trọng đế xét cấp về chất lượng chuyên môn và chính trị khi tốt nghiệp.
Trong thời gian tại trường lớp, học sinh được học tập lý thuyết theo chương trình đã được Hội đồng thẩm duyệt chương trình liên Bộ thông qua kèm theo thông tư này([1]).
Để bảo đảm yêu cầu thực hành, các trường lớp tùy điều kiện cụ thể xây dựng chương trình và cơ sở vật chất để thực tập cho các ngành nghề.
Việc thực tập của học sinh cần chú ý bảo đảm các thao tác cơ bản theo một trình tự từ thấp đến cao, từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp.
Việc thực tập của học sinh phải chú ý sự kết hợp giữa nội dung học thực hành với việc sản xuất. Sự kết hợp đó phải làm theo sự quy định của nhiệm vụ giảng dạy và học tập như chương trình đã đề ra. Phải coi việc bồi dưỡng kỹ năng kỹ xảo, nâng cao chất lượng đào tạo, là mục đích của việc kết hợp học tập với sản xuất.
3. Văn hóa: Trình độ văn hóa lúc tuyển vào nói chung theo thông tư số 60-TTg ngày 1-6-1962 nhưng cần chú ý đối với công nhân lái ô-tô và tài xế xe lửa nên lấy từ lớp 5 trở lên để đáp ứng được tốt hơn yêu cầu học tập kỹ thuật.
Số giờ văn hóa quy định trong chương trình là nhằm nâng cao trình độ toán của học sinh từ lớp 4, lớp 5, lớp 7 để bảo đảm học tập kỹ thuật. Trường hợp học sinh lúc tuyển vào có trình độ văn hóa cao hơn, nếu số giờ học toán không sử dụng hết, các trường lớp có thể cho học sinh học tiếp môn lý hóa. Ngoài ra các trường , lớp cần tổ chức cho học sinh học mỗi tuần từ 4 đến 6 giờ văn hóa ngoài giờ chính quyền để bảo đảm cho học sinh khi tốt nghiệp đạt trình độ văn hóa tương đương lớp 7 về các môn toán, lý, hóa.
4. Sức khỏe: Việc nâng cao thể lực, nâng cao sức khỏe cho học sinh để sản xuất tốt, học tập tốt là một yêu cầu quan trọng. Vì vậy, toàn bộ chương trình quy định dành từ 3,1% đế 5,2% thời gian (150 giờ đối với công nhân sửa chữa ô-tô, 100 giờ đối với công nhân lái ô-tô và 200 giờ đối với tài xế xe lửa) để luyện tập thể dục thể thao. Trong đó, được sử dụng vào giờ chính quyền từ 1,2% đến 1,5% thời gian (50giờ đối với công nhân sửa chữa ô-tô, 75 giờ đối với tài xế xe lửa và 25 giờ đối với lái ô-tô) để học tập lý thuyết và luyện tập các động tác cơ bản. Khi tốt nghiệp, yêu cầu học sinh phải đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể cấp I phổ thông. Riêng tài xế xe lửa cần đạt thêm từ một đến ba môn theo tiêu chuẩn rèn luyện thân thể cấp II phổ thông. Việc rèn luyện thân thể tăng cường sức khỏe bảo đảm học tập và sản xuất tốt là một yêu cầu quan trọng. Vì vậy các trường, lớp cần gây thành phong trào thương xuyên. Đi đôi với việc rèn luyện thân thể cần làm tốt công tác vệ sinh phòng bệnh. Nhà trường, thanh niên lao động, công đoàn cùng phối hợp lãnh đạo bảo đảm chế độ ăn ngủ, nghỉ ngơi, giải trí một cách hợp lý cho học sinh.
Nội dung chương trình học tập thể dục thể thao, các trường, lớp sẽ liên hệ với cơ quan thể dục thể thao các cấp để yêu cầu giúp đỡ.
Đối với lớp đào tạo tài xế xe lửa, lái ô-tô, đối tượng tuyển sinh nên chọn từ phụ lái ô-tô, phụ tài vế, thợ đốt lửa để đào tạo thành lái ô-tô, tài xế xe lửa.
Như vậy mới có thể đào tạo thành những người lái ô-tô, tài xế xe lửa giỏi về chuyên môn, vững về chính trị trong một thời gian ngắn được. Đối với các đối tượng khác, khi tuyển vào, thì nên đào tạo từ thợ đốt lửa, phó tài xế, phụ lái ô-tô rồi sau sẽ chọn đào tạo dần lên thành tài xế xe lửa, lái ô-tô.
Trong việc đào tạo lái ô-tô, cần chú ý tuyển những anh em lái xe trong quân đội chuyển ngành bổ túc thêm để đỡ tốn công đào tạo.
Thời gian đào tạo quy định như sau:
1. Công nhân lái ô-tô
Nếu đối tượng học sinh là phụ lái ô-tô thì thời gian đào tạo là 9 tháng;
Nếu đối tượng học sinh chưa kinh qua phụ lái ô-tô thì thời gian đào tạo là 12 tháng. Trong đó học tại trường 9 tháng, thực tập 3 tháng trước khi giao xe.
2. Tài xế xe lửa: thời gian đào tạo là 3 năm.
3. Công nhân sửa chữa ô-tô
Nếu đào tạo chuyên nghiệp, chỉ chuyên sửa chữa gầm hoặc chỉ chuyên sửa chữa máy bay chuyên sửa chữa điện ô-tô thì thời gian đào tạo là 18 tháng.
Nếu đào tạo công nhân làm xam (biết sửa chửa cả máy lẫn gầm) thì thời gian đào tạo là 24 tháng.
Việc phân loại thời gian đào tạo như trên là căn cứ vào yêu cầu sản xuất và sự tiến bộ của kỹ thuật, phù hợp với đối tượng tuyển sinh và tình hình cơ sở vật chất để phục vụ cho việc đào tạo công nhân hiện nay. Việc phân loại này chỉ có tính chất tạm thời trong một thời gian nhất định. Các trường, lớp sẽ căn cứ vào thời gian chung trên đây mà phân bổ ra thành từng học kỳ cho thích hợp.
Chương trình này áp dụng thống nhất cho tất cả các trường, lớp đào tạo công nhân lái ô-tô, tài xế xe lửa bậc 1/3, công nhân sửa chữa ô-tô bậc 2/7
Để bảo đảm thực hiện thống nhất chương trình nay, các Bộ, các ngành, các địa phương có trường, lớp đào tạo các loại công nhân nói trên không được tự ý sửa đổi. Nếu xét cần phải sửa đổi hoặc cải tiến một số điểm trong chương trình mà có ảnh hưởng đến mục tiêu yêu cầu đào tạo, các Bộ, các ngành phải trao đổi thống nhất với Bộ Lao động trước khi thi hành.
Do yêu cầu phải nâng cao chất lượng đào tạo, thực hiện tiêu chuẩn hóa các loại công nhân, việc thống nhất chương trình đào tạo công nhân là một việc rất cần thiết và là một bước cải cách lớn trong việc giảng dạy của các trường lớp. Quá trình áp dụng thống nhất chương trình này sẽ còn gặp khó khăn, vì nó đòi hỏi các trường lớp, giáo viên phải sửa đổi nội dung giảng dạy. Vì vậy các Bộ,các ngành, các địa phương có trưởng lớp cần chú ý lãnh đạo việc áp dụng chương trình này cho tốt.
Đối với những trường lớp sắp tốt nghiệp, thì vẫn áp dụng chương trình cũ.
Đối với những lớp học đã học xong, hoặc sắp xong phần lý thuyết còn tiếp tục học thực hành, cần nghiên cứu bổ sung thêm những phần thiếu.
Đối với những lớp đang học, nguyên tắc là phải áp dụng chương trình mới. Nhưng đối với những vấn đề đã quy thì chỉ bổ sung, mà không đặt vấn đề học lại.
Đối với những lớp đào tạo sau ngày được ban hành, nhất thiết phải áp dụng chương trình này.
Nhiệm vụ chỉ đạo và theo dõi việc áp dụng chương trình này là do các Bộ, các ngành có trường lớp chịu trách nhiệm.
Vụ Đào tạo của Bộ Lao động và các Sở, Ty, Phòng Lao động có nhiệm vụ theo dõi, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện chương trình này.
Đây là lần đầu tiên thống nhất chương trình đào tạo công nhân lái ô-tô, tài xế xe lửa và sửa chữa ô-tô. Trong quá trình áp dụng, mong các Bộ,các ngành, các trường lớp phản ánh về Bộ Lao động những khó khăn và ý kiến đề nghị bổ sung để Bộ Lao động nghiên cứu, và nếu cần thiết có thể đề nghị Hội đồng thẩm duyệt chương trình bổ sung hoặc sửa đổi cho hoàn chỉnh hơn.
| KT. BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.