BỘ
KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số:…../2017/TT-BKHĐT |
Hà Nội, ngày tháng năm 2017 |
DỰ THẢO (Lần 1) |
|
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH CHI TIẾT VỀ LỰA CHỌN NHÀ THẦU QUA MẠNG ĐỐI VỚI GÓI THẦU MUA SẮM HÀNG HOÁ, XÂY LẮP, DỊCH VỤ PHI TƯ VẤN
Căn cứ Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2013 của Quốc hội;
Căn cứ Luật Giao dịch điện tử số 51/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu;
Căn cứ Nghị định số 26/2007/NĐ-CP ngày 15 tháng 02 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số;
Căn cứ Nghị định số 170/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2007/NĐ-CP ngày 15 tháng 02 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số;
Căn cứ Nghị định số 116/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư quy định chi tiết về lựa chọn nhà thầu qua mạng đối với gói thầu mua sắm hàng hoá, xây lắp, dịch vụ phi tư vấn.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định chi tiết về lựa chọn nhà thầu qua mạng đối với gói thầu mua sắm hàng hoá, xây lắp, dịch vụ phi tư vấn áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh trong nước theo phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ, một giai đoạn hai túi hồ sơ.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Tổ chức, cá nhân liên quan đến việc lựa chọn nhà thầu qua mạng thuộc phạm vi điều chỉnh quy định tại Điều 1 của Thông tư này.
2. Tổ chức, cá nhân có hoạt động đấu thầu không thuộc phạm vi điều chỉnh quy định tại Điều 1 Thông tư này chọn áp dụng quy định của Thông tư này.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
1. E-TBMT: Thông báo mời thầu, thông báo mời chào hàng đối với gói thầu áp dụng đấu thầu qua mạng;
2. E-HSMT: Hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu đối với gói thầu áp dụng đấu thầu qua mạng;
3. E-HSDT: Hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất đối với gói thầu áp dụng đấu thầu qua mạng;
4. E-HSĐXKT: Hồ sơ đề xuất kỹ thuật đối với gói thầu áp dụng đấu thầu qua mạng theo phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ;
5. E-HSĐXTC: Hồ sơ đề xuất tài chính đối với gói thầu áp dụng đấu thầu qua mạng theo phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ;
Điều 4. Áp dụng các mẫu hồ sơ
1. Mẫu số 01 áp dụng cho gói thầu xây lắp quy mô nhỏ áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh qua mạng theo phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ (không áp dụng đối với gói thầu xây lắp chia thành nhiều phần);
2. Mẫu số 02 áp dụng cho gói thầu mua sắm hàng hóa quy mô nhỏ áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh qua mạng theo phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ (không áp dụng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa chia thành nhiều phần);
3. Mẫu số 03 áp dụng cho gói thầu dịch vụ phi tư vấn quy mô nhỏ áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh qua mạng theo phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ;
4. Mẫu số 04 áp dụng cho gói thầu xây lắp áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi qua mạng theo phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ (không áp dụng đối với gói thầu xây lắp chia thành nhiều phần);
5. Mẫu số 05 áp dụng cho gói thầu mua sắm hàng hóa quy áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi qua mạng theo phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ (không áp dụng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa chia thành nhiều phần);
6. Mẫu số 06 áp dụng cho gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, phi tư vấn áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh rút gọn.
Điều 5. Nguyên tắc lập E-HSMT đối với lựa chọn nhà thầu qua mạng
1. Khi lập E-HSMT đối với đấu thầu qua mạng phải căn cứ vào quy mô, tính chất của từng gói thầu cụ thể để đưa ra các yêu cầu phù hợp trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế;
2. Không được đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế sự tham dự thầu của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.
3. Khi lập E-HSMT đối với gói thầu mua sắm hàng hoá, xây lắp, phi tư vấn, các nội dung trong Chương I, Chương VI của Mẫu số 01, Mẫu số 02, Mẫu số 03, Mẫu số 04, Mẫu số 05 và Chương I Mẫu số 06 ban hành kèm theo Thông tư này được cố định và đăng tải trên hệ thống (file PDF). Đối với các nội dung khác có thể chỉnh sửa cho phù hợp với quy mô, tính chất của gói thầu. Trường hợp có chỉnh sửa các quy định nêu trong Mẫu hồ sơ thì tổ chức, cá nhân thực hiện việc lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu phải bảo đảm việc chỉnh sửa đó là phù hợp, khoa học, chặt chẽ hơn so với quy định nêu trong Mẫu hồ sơ và không trái với quy định của pháp luật về đấu thầu. Trong tờ trình đề nghị phê duyệt E-HSMT phải nêu rõ nội dung chỉnh sửa so với quy định trong Mẫu và lý do chỉnh sửa để chủ đầu tư xem xét, quyết định.
Điều 6. Nguyên tắc đánh giá hồ sơ dự thầu
1. E-TBMT, E-HSMT, Biên bản mở thầu qua mạng kèm theo các văn bản làm rõ E-HSMT, E-HSDT là cơ sở pháp lý để đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất của nhà thầu.
2. Trường hợp có sự sai khác giữa thông tin về bảo đảm dự thầu ghi trong Biên bản mở thầu và thông tin trong file đính kèm là file quét (scan) thư bảo lãnh thì căn cứ vào thông tin trong file quét (scan) thư bảo lãnh.
Điều 7. Quy định về định dạng, dung lượng của tệp tin (file) đính kèm trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia
1. File đính kèm trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hợp lệ khi đảm bảo các điều kiện sau:
a) Định dạng file đính kèm do bên mời thầu đăng tải lên hệ thống: MS Word, MS Excel, PDF, CAD, các định dạng ảnh, file nén; phông chữ thuộc bảng mã Unicode.
b) Định dạng file đính kèm do nhà thầu đăng tải lên hệ thống: MS Word, MS Excel, PDF; phông chữ thuộc bảng mã Unicode.
c) Định dạng, dung lượng file đính kèm do bên mời thầu, nhà thầu đăng tải lên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia phù hợp với Hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia quy định tại Khoản 2 Điều này.
2. Trung tâm đấu thầu qua mạng Quốc gia thông báo quy định về định dạng và dung lượng của file đính kèm trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
3. Khi thực hiện đính kèm file trên Hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia, Bên mời thầu, nhà thầu phải bảo đảm tệp tin đó không bị nhiễm virus, không bị lỗi, hỏng và không thiết lập mã số bí mật (mật khẩu).
Điều 8. Lỗi liên quan đến file đính kèm trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia
Trường hợp file đính kèm là thành phần cơ bản của E-HSDT nhưng không mở được và không đọc được thì nhà thầu sẽ bị loại; trường hợp không phải là thành phần cơ bản của E-HSDT, Bên mời thầu yêu cầu nhà thầu bổ sung file tương ứng có thể mở và đọc được trong vòng 01 ngày làm việc kể từ ngày nhà thầu nhận được yêu cầu bổ sung.
Điều 9. Xử lý kỹ thuật trong trường hợp Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia gặp sự cố ngoài khả năng kiểm soát
Trường hợp Hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia gặp sự cố phải tạm ngừng cung cấp dịch vụ, các gói thầu có thời điểm đóng, mở thầu trong khoảng thời gian sự cố được gia hạn như sau:
1. Nếu Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia khắc phục sự cố và tiếp tục cung cấp dịch vụ trong khoảng thời gian từ 0h00’ đến 12h00’ thì thời điểm đóng thầu, mở thầu mới là 15h00’ cùng ngày.
2. Nếu Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia khắc phục sự cố và tiếp tục cung cấp dịch vụ trong khoảng thời gian sau 12h00’ đến 24h00’ thì thời điểm đóng, mở thầu mới là 9h00’ của ngày hôm sau.
3. Nếu Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia khắc phục sự cố và tiếp tục cung cấp dịch vụ vào các ngày thứ bảy, chủ nhật, ngày nghỉ lễ tết thì thời điểm đóng, mở thầu mới là 9h00’ của ngày đi làm đầu tiên.
4. Trường hợp phải gia hạn thời điểm đóng, mở thầu vì lý do sự cố của Hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia, các nhà thầu không cần gia hạn thời hạn hiệu lực của E-HSDT, báo giá và bảo đảm dự thầu nếu các thời hạn hiệu lực này đã đáp ứng yêu cầu trong E-HSMT, bản yêu cầu báo giá đã phát hành.
Chương II
QUY TRÌNH LỰA CHỌN NHÀ THẦU QUA MẠNG THEO PHƯƠNG THỨC MỘT GIAI ĐOẠN MỘT TÚI HỒ SƠ
Mục 1. QUY TRÌNH LỰA CHỌN NHÀ THẦU THEO HÌNH THỨC ĐẤU THẦU RỘNG RÃI
1. Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu, bao gồm:
a) Lập hồ sơ mời thầu;
b) Thẩm định và phê duyệt hồ sơ mời thầu.
2. Tổ chức lựa chọn nhà thầu, bao gồm:
a) Thông báo mời thầu và phát hành hồ sơ mời thầu;
b) Sửa đổi, làm rõ hồ sơ mời thầu;
c) Nộp hồ sơ dự thầu;
d) Mở thầu.
3. Đánh giá hồ sơ dự thầu và xếp hạng nhà thầu.
4. Thương thảo hợp đồng, trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu.
5. Hoàn thiện, ký kết hợp đồng.
Điều 11. Thành phần và định dạng tập tin (file) của E-HSMT
1. Thành phần hồ sơ mời thầu bao gồm:
a) Chương I - Chỉ dẫn nhà thầu;
b) Chương II - Bảng dữ liệu đấu thầu;
d) Chương III - Tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu;
đ) Chương IV - Biểu mẫu mời thầu và dự thầu;
c) Chương V - Yêu cầu về kỹ thuật;
e) Chương VI - Điều kiện chung của hợp đồng;
g) Chương VII - Điều kiện cụ thể của hợp đồng;
h) Chương VIII - Biểu mẫu hợp đồng.
2. Chương I và Chương VI được cố định theo định dạng file PDF và đăng tải trên Hệ thống để áp dụng thống nhất đối với tất cả các gói thầu. Chủ đầu tư không cần tổ chức thẩm định, phê duyệt hai chương này khi thẩm định và phê duyệt E-HSMT.
3. Chương II, Chương III (phần Bảng tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm), Chương IV, Chương VII được số hóa dưới dạng các webform trên Hệ thống.
4. Chương III (không bao gồm Bảng tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm), Chương V, Chương VIII là các file theo định dạng MS Word, MS Excel, PDF, CAD, các định dạng file ảnh, file nén hoặc định dạng khác phù hợp với gói thầu, được bên mời thầu đính kèm và đăng tải trên Hệ thống.
Điều 12. Lập, thẩm định và phê duyệt E-HSMT
1. Bên mời thầu nhấn nút Đăng nhập trên trang chủ và nhập mật khẩu chứng thư số của mình để đăng nhập vào Hệ thống. Chọn mục “Dịch vụ phi tư vấn” hoặc “Hàng hóa” hoặc “Xây lắp” tương ứng tạo E-TBMT và lập E-HSMT.
2. Bên mời thầu nhập nội dung thông tin vào Bảng dữ liệu đấu thầu; Tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm; Bảng kê khai nhân sự chủ chốt và thiết bị chủ yếu (nếu có); Điều kiện cụ thể của hợp đồng vào webform tương ứng trên Hệ thống.
3. Bên mời thầu chuẩn bị nội dung Tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu (phần không bao gồm Bảng tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm), Yêu cầu về kỹ thuật, Biểu mẫu hợp đồng đính kèm trên Hệ thống.
4. Sau khi thực hiện quy trình lập E-HSMT quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này, Bên mời thầu in E-HSMT trực tiếp từ Hệ thống để trình Chủ đầu tư tổ chức thẩm định và phê duyệt. Trường hợp Bên mời thầu không in E-HSMT trực tiếp từ hệ thống thì phải chịu trách nhiệm về sự thống nhất giữa nội dung E-HSMT được Chủ đầu tư phê duyệt và E-HSMT đăng tải trên Hệ thống. Nội dung thẩm định và phê duyệt bao gồm:
a) Chương II - Bảng dữ liệu đấu thầu;
b) Chương III - Tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu;
c) Chương IV - Biểu mẫu mời thầu và dự thầu;
d) Chương V - Yêu cầu về kỹ thuật;
đ) Chương VII - Điều kiện cụ thể của hợp đồng;
e) Chương VIII - Biểu mẫu hợp đồng.
5. Chủ đầu tư tổ chức thẩm định và phê duyệt E-HSMT theo nội dung quy định tại Khoản 4 Điều này. Việc thẩm định và phê duyệt E-HSMT được thể hiện bằng văn bản.
6. Trường hợp cần sửa đổi trong quá trình thẩm định và phê duyệt, đối với các nội dung do bên mời thầu thực hiện theo khoản 2 Điều này, Bên mời thầu đăng nhập vào Hệ thống và chỉnh sửa trực tiếp trên Hệ thống. Đối với các nội dung cần sửa đổi tại các phần khác, bên mời thầu chỉnh sửa, hoàn thiện, trình chủ đầu tư phê duyệt.
Điều 13. Thông báo mời thầu và phát hành E-HSMT
1. Quy trình đăng tải thông báo mời thầu:
a) Bước 1: Bên mời thầu nhấn nút Đăng nhập trên trang chủ và nhập mật khẩu chứng thư số để đăng nhập vào Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia;
b) Bước 2 : Chọn mục “Hàng hóa” hoặc “Xây lắp” hoặc “Phi tư vấn” tương ứng với lĩnh vực của gói thầu để nhập và lưu thông tin về thông báo mời thầu;
c) Bước 3: Đăng tải E-TBMT.
2. E-HSMT được đính kèm và đăng tải đồng thời với thông báo mời thầu. 3. E-HSMT được phát hành miễn phí trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia kể từ thời điểm bên mời thầu hoàn thành đăng tải thông báo mời thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, bất kỳ cá nhân, tổ chức nào quan tâm cũng có thể tải hồ sơ mời thầu từ Hệ thống.
Điều 14. Sửa đổi, làm rõ E-HSMT
1. Trường hợp cần sửa đổi E-HSMT, Bên mời thầu thực hiện theo quy trình thay đổi thông tin E-HSMT quy định tại điểm b Khoản 4 Điều 11 của Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BKHĐT-BTC ngày 08/9/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính để thay đổi thông báo mời thầu.
File văn bản hồ sơ mời thầu mới phải được đính kèm vào thông báo mời thầu sửa đổi. Trong trường hợp này, những nhà thầu đã nộp E-HSDT theo thông báo mời thầu cũ cần nộp lại E-HSDT theo thông báo mời thầu mới quy định tại Khoản 5 Điều 15 của Thông tư này.
2. Trường hợp cần làm rõ hồ sơ mời thầu, nhà thầu gửi thông tin cần làm rõ bằng văn bản hoặc thư điện tử đến bên mời thầu tối thiểu 03 ngày làm việc trước ngày có thời điểm đóng thầu. Văn bản làm E-HSMT của Bên mời thầu là tệp đính kèm được đăng tải với E-TBMT đã đăng tải trước đó trên Hệ thống.
3. Nhà thầu cần thường xuyên cập nhật thông tin về sửa đổi, làm rõ E-HSMT trên Hệ thống để đảm bảo cho việc chuẩn bị E-HSDT phù hợp và đáp ứng với yêu cầu của E-HSMT.
Điều 15. Nộp E-HSDT
1. Nhà thầu chỉ nộp một bộ E-HSDT đối với một E-TBMT khi tham gia đấu thầu qua mạng. Trường hợp liên danh, thành viên đứng đầu liên danh (đại diện liên danh) hoặc thành viên được phân công trong thoả thuận liên danh nộp E-HSDT.
2. Quy trình nộp E-HSDT
a) Nhà thầu chọn số E-TBMT (của gói thầu mà nhà thầu tham dự thầu) và nhập mật khẩu chứng thư số của mình để đăng nhập Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia;
b) Nhà thầu nhập thông tin, đính kèm file E-HSDT trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, bao gồm:
- Giấy ủy quyền (nếu có);
- Thỏa thuận liên danh (nếu có);
- Bảo lãnh dự thầu;
- Các file khác của E-HSDT.
c) Đối với nội dung liên quan đến năng lực và kinh nghiệm, nhân sự chủ chốt, thiết bị chủ yếu, catalô hàng hóa, dịch vụ, nhà thầu kê khai theo các mẫu hoặc webform tương ứng mà không cần đính kèm bản scan các văn bản, tài liệu liên quan;
3. E-HSDT được coi là nộp thành công trên Hệ thống khi nhận được thông tin phản hồi từ Hệ thống là đã nộp thành công. Hệ thống sẽ ghi lại các thông tin sau đây về việc nộp hồ sơ dự thầu của nhà thầu: thông tin về bên gửi, bên nhận, thời điểm gửi, trạng thái gửi, số file đính kèm trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia làm căn cứ giải quyết tranh chấp (nếu có).
4. Rút E-HSDT
Nhà thầu đăng nhập vào Hệ thống để rút hồ sơ dự thầu. Việc rút E-HSDT của nhà thầu được coi là thành công khi có phản hồi của Hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia cho nhà thầu là đã rút E-HSDT thành công. Hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia ghi lại thông tin về thời gian rút hồ sơ dự thầu của nhà thầu. Việc rút E-HSDT chỉ thực hiện được trước thời điểm đóng thầu.
5. Nộp lại E-HSDT
Nhà thầu phải rút hồ sơ dự thầu theo quy định tại Khoản 4 Điều này trước khi nộp lại hồ sơ dự thầu. Việc nộp E-HSDT chỉ thực hiện được trước thời điểm đóng thầu. Quy trình nộp lại hồ sơ dự thầu được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều này.
Điều 16. Mở thầu
1. E-HSDT nộp trước thời điểm đóng thầu sẽ được bên mời thầu tiến hành mở và công khai trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, cụ thể như sau:
a) Bên mời thầu đăng nhập vào Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia;
b) Chọn gói thầu cần mở theo số thông báo mời thầu;
c) Sử dụng khóa bí mật của gói thầu để giải mã E-HSDT, trừ E-HSDT của các nhà thầu rút E-HSDT theo quy định tại Khoản 4 Điều 15 Thông tư này.
2. Biên bản mở thầu
Biên bản mở thầu được đăng tải công khai trên Hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia, bao gồm các nội dung chủ yếu sau:
a) Thông tin về gói thầu:
- Số thông báo mời thầu;
- Tên gói thầu;
- Tên bên mời thầu;
- Hình thức lựa chọn nhà thầu;
- Loại hợp đồng;
- Thời điểm hoàn thành mở thầu;
- Tổng số nhà thầu tham dự.
b) Thông tin về các nhà thầu tham dự:
- Tên nhà thầu;
- Giá trị và hiệu lực bảo đảm dự thầu;
- Các thông tin liên quan khác (nếu có).
Điều 17. Đánh giá E-HSDT
1. Bên mời thầu đăng nhập vào Hệ thống và tải file E-HSDT của các nhà thầu có tên trong Biên bản mở thầu để tiến hành đánh giá.
2. Việc đánh giá E-HSDT được thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP. Trường hợp áp dụng phương pháp giá thấp nhất, Bên mời thầu tiến hành đánh giá E-HSDT của nhà thầu có giá dự thầu thấp nhất căn cứ vào biên bản mở thầu trên Hệ thống. Trường hợp có nhiều nhà thầu có giá dự thầu thấp nhất bằng nhau thì tiến hành đánh giá tất cả các nhà thầu này.
3. Đối với các nội dung đánh giá về năng lực và kinh nghiệm, nhân sự chủ chốt, thiết bị chủ yếu, các dịch vụ liên quan, việc đánh giá E-HSDT được thực hiện trên cơ sở các thông tin nhà thầu kê khai trong E-HSDT mà không yêu cầu nhà thầu phải đính kèm file tài liệu chứng minh.
Nhà thầu phải chuẩn bị sẵn sàng các tài liệu gốc để phục vụ việc xác minh khi có yêu cầu của Bên mời thầu.
4. Tổ chuyên gia vận dụng Mẫu báo cáo đánh giá (mẫu số 1) ban hành kèm theo Thông tư số 23/2015/TT-BKHĐT ngày 21/12/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để lập báo cáo đánh giá E-HSDT. Trường hợp áp dụng phương pháp giá thấp nhất, tổ chuyên gia chỉ cần lập báo cáo đánh giá E-HSDT đối với các nhà thầu được đánh giá E-HSDT.
Điều 18. Phê duyệt danh sách xếp hạng nhà thầu
Trên cơ sở Báo cáo đánh giá E-HSDT của tổ chuyên gia, Bên mời thầu trình Chủ đầu tư phê duyệt danh sách xếp hạng nhà thầu theo Phụ lục số 5A ban hành kèm theo Thông tư số 23/2015/TT-BKHĐT. Trường hợp áp dụng phương pháp giá thấp nhất thì không cần tiến hành xếp hạng nhà thầu.
Điều 19. Thương thảo hợp đồng, trình, thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, hoàn thiện và ký kết hợp đồng
1. Việc thương thảo hợp đồng được thực hiện trực tiếp theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP. Nhà thầu được mời vào thương thảo phải cung cấp tài liệu chứng minh tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm, năng lực kỹ thuật (bản gốc hoặc bản chụp được chứng thực) cho Bên mời thầu để đối chiếu với thông tin nhà thầu kê khai trong E-HSDT và lưu trữ để phục vụ công tác thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu, thanh tra, kiểm toán (nếu có).
2. Trình duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu
Trên cơ sở kết quả thương thảo hợp đồng, bên mời thầu lập hồ sơ trình Chủ đầu tư thẩm định và phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, bao gồm các nội dung như sau:
a) Tờ trình đề nghị phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu;
b) Báo cáo kết quả đánh giá E-HSDT;
c) Biên bản thương thảo hợp đồng;
d) Bản in E-HSDT, Biên bản mở thầu và những tài liệu khác có liên quan.
3. Thẩm định và phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu:
Việc tổ chức thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu được thực hiện theo quy định của Luật đấu thầu và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.
Điều 20. Công khai kết quả lựa chọn nhà thầu, hoàn thiện và ký kết hợp đồng
1. Sau khi kết quả lựa chọn nhà thầu được phê duyệt theo quy định tại Khoản 6 Điều 20 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, bên mời thầu phải đăng tải thông tin về kết quả lựa chọn nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, bao gồm các nội dung chủ yếu sau:
a) Thông tin về gói thầu:
- Số thông báo mời thầu;
- Tên gói thầu;
- Tên bên mời thầu;
- Hình thức lựa chọn nhà thầu;
- Thời điểm hoàn thành đăng tải kết quả lựa chọn nhà thầu;
b) Thông tin về nhà thầu trúng thầu:
- Tên nhà thầu;
- Giá dự thầu;
- Giá trúng thầu;
c) Đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, bên mời thầu phải đăng tải thông tin mỗi chủng loại hàng hóa, thiết bị trong gói thầu mua sắm hàng hóa:
- Tên hàng hóa;
- Công suất;
- Tính năng, thông số kỹ thuật;
- Xuất xứ;
- Giá (hoặc đơn giá trúng thầu).
2. Việc hoàn thiện và ký kết hợp đồng được thực hiện trên cơ sở tuân thủ các quy định của Luật Đấu thầu và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.
Mục 2. QUY TRÌNH LỰA CHỌN NHÀ THẦU THEO HÌNH THỨC CHÀO HÀNG CẠNH TRANH
Điều 21. Thành phần và định dạng tập tin (file) của hồ sơ yêu cầu
1. Thành phần hồ sơ yêu cầu bao gồm:
a) Chương I - Chỉ dẫn nhà thầu;
b) Chương II - Bảng dữ liệu đấu thầu;
c) Chương III - Yêu cầu đối với gói thầu;
d) Chương IV - Tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ đề xuất;
đ) Chương V - Biểu mẫu mời thầu và dự thầu;
e) Chương VI - Biểu mẫu hợp đồng.
2. Chương I áp dụng thống nhất đối với từng loại gói thầu (mua sắm hàng hoá, xây lắp, dịch vụ phi tư vấn), được cố định theo định dạng file PDF và đăng tải trên Hệ thống. Chủ đầu tư không cần tổ chức thẩm định, phê duyệt chương này khi thẩm định và phê duyệt E-HSMT.
3. Chương II, Chương III (phần phạm vi, tiến độ thực hiện và dịch vụ liên quan), Chương IV (phần Bảng tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm), Chương V được số hóa dưới dạng các webform trên Hệ thống.
4. Chương III (phần không bao gồm phạm vi, tiến độ thực hiện và dịch vụ liên quan), Chương IV (phần không bao gồm Bảng tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm) và Chương VI là các file theo định dạng MS Word, MS Excel, PDF, CAD, các định dạng ảnh, file nén hoặc định dạng khác phù hợp với gói thầu, được bên mời thầu đính kèm và đăng tải trên Hệ thống.
Điều 22. Lập và thẩm định, phê duyệt hồ sơ yêu cầu
1. Lập, thẩm định hồ sơ yêu cầu
Bước 1: Bên mời thầu nhấn nút Đăng nhập trên trang chủ và nhập mật khẩu chứng thư số của mình để đăng nhập vào Hệ thống. Chọn mục “Dịch vụ phi tư vấn” hoặc “Hàng hóa” hoặc “Xây lắp” tương ứng để tạo E-TBMT và lập E-HSMT.
Bước 2: Bên mời thầu nhập nội dung thông tin vào Bảng dữ liệu đấu thầu; Phạm vi và tiến độ cung cấp hàng hóa và dịch vụ liên quan; Tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm vào các webform tương ứng trên Hệ thống.
Bước 3: Bên mời thầu chuẩn bị nội dung Tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ đề xuất (phần không bao gồm tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm); Yêu cầu đối với gói thầu (phần không bao gồm phạm vi, tiến độ thực hiện và dịch vụ liên quan); Dự thảo hợp đồng đính kèm trên Hệ thống. Sau đó in ra để hoàn thiện nội dung Chương III - Yêu cầu kỹ thuật, Chương IV - Tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu, Chương VI - Biểu mẫu hợp đồng.
Bước 4: Bên mời thầu trình chủ đầu tư tổ chức thẩm định và phê duyệt hồ sơ yêu cầu. Nội dung thẩm định và phê duyệt bao gồm:
- Chương II - Bảng dữ liệu đấu thầu;
- Chương III - Yêu cầu đối với gói thầu;
- Chương IV - Tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ đề xuất;
- Chương V - Biểu mẫu mời thầu và dự thầu, bao gồm các mẫu sau: Mẫu số 01, Mẫu số 02, Mẫu số 03, Mẫu số 04, Mẫu số 05;
- Chương VI – Biểu mẫu hợp đồng.
Bước 5: Trường hợp cần sửa đổi trong quá trình thẩm định và phê duyệt, đối với các nội dung do bên mời thầu thực hiện tại Bước 2 của Khoản này, bên mời thầu đăng nhập vào Hệ thống và chỉnh sửa trực tiếp trên Hệ thống. Đối với các nội dung cần sửa đổi tại các phần khác, bên mời thầu chỉnh sửa theo Bước 3 Khoản này để hoàn thiện E-HSMT, trình chủ đầu tư phê duyệt.
2. Phê duyệt E-HSMT:
E-HSMT được phê duyệt bằng văn bản căn cứ vào tờ trình phê duyệt và báo cáo thẩm định. Chủ đầu tư tổ chức thẩm định, phê duyệt E-HSMT theo các nội dung quy định tại Bước 4 Khoản 1 Điều này.
Điều 23. Thông báo mời chào hàng và phát hành E-HSMT, bảng yêu cầu báo giá
1. Bên mời thầu thực hiện theo Khoản 3 Điều 11 của Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BKHĐT-BTC ngày 08/9/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính. Thời gian chuẩn bị hồ sơ đề xuất tối thiểu là 05 ngày làm việc kể từ ngày đầu tiên phát hành E-HSMT trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Thời gian chuẩn bị báo giá tối thiểu là 03 ngày làm việc kể từ ngày đầu tiên đăng tải thông báo mời chào hàng trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
2. E-HSMT, bản yêu cầu báo giá được phát hành miễn phí trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Bất kỳ tổ chức, cá nhân nào quan tâm cũng có thể tải hồ sơ yêu cầu, bản yêu cầu báo giá từ Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia ngay sau khi bên mời thầu hoàn thành đăng tải thông báo mời chào hàng.
Điều 24. Sửa đổi, làm rõ hồ sơ yêu cầu
Việc sửa đổi, làm rõ hồ sơ yêu cầu thực hiện theo Điều 14 của Thông tư này.
Điều 25. Nộp hồ sơ đề xuất, báo giá
1. Nhà thầu chỉ nộp E-HSDT, báo giá một lần đối với một thông báo mời thầu khi tham gia đấu thầu qua mạng. Trường hợp nhà thầu muốn sửa đổi E-HSDT, báo giá đã nộp thì phải tiến hành nộp lại theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều này. Trường hợp liên danh, thành viên đứng đầu liên danh (đại diện liên danh) hoặc thành viên được phân công trong thoả thuận liên danh nộp E-HSDT, báo giá.
2. Quy trình nộp E-HSDT, báo giá
a) Nhà thầu chọn E-TBMT của gói thầu muốn tham dự và nhập mật khẩu chứng thư số của nhà thầu để đăng nhập Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia;
b) Nhà thầu nhập thông tin, đính kèm file E-HSDT, báo giá trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, bao gồm:
- Giấy ủy quyền (nếu có);
- Thỏa thuận liên danh (nếu có);
- Bảo lãnh dự thầu (đối với chào hàng cạnh tranh thông thường);
- Các file khác của E-HSDT, báo giá.
c) Đối với nội dung liên quan đến tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu (nếu có), năng lực về kỹ thuật, catalô hàng hóa, dịch vụ, nhà thầu kê khai theo các mẫu hoặc webform mà không cần đính kèm bản scan các văn bản, tài liệu liên quan;
d) Việc nộp E-HSDT, báo giá được coi là thành công khi Hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia có phản hồi nhà thầu đã nộp E-HSDT, báo giá thành công, đồng thời ghi lại các thông tin sau đây về việc nộp hồ sơ đề xuất, báo giá của nhà thầu: thông tin về bên gửi, bên nhận, thời điểm gửi, trạng thái gửi, số file đính kèm trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia làm căn cứ giải quyết tranh chấp (nếu có).
3. Rút E-HSDT, báo giá
Nhà thầu đăng nhập vào hệ thống để rút E-HSDT, báo giá. Việc rút E-HSDT, báo giá thành công khi Hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia có phản hồi nhà thầu đã rút E-HSDT, báo giá thành công, đồng thời ghi lại thông tin về thời gian rút E-HSDT, báo giá của nhà thầu.
4. Nộp lại E-HSDT, báo giá
Nhà thầu phải rút E-HSDT, báo giá theo quy định tại khoản 3 Điều này trước khi nộp lại E-HSDT, báo giá. Quy trình nộp lại E-HSDT, báo giá được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều này.
Điều 26. Mở hồ sơ đề xuất, báo giá
1. E-HSDT, báo giá nộp trước thời điểm đóng thầu sẽ được bên mời thầu tiến hành mở và công khai trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, cụ thể như sau:
a) Bên mời thầu đăng nhập vào Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia;
b) Chọn gói thầu cần mở theo số thông báo mời chào hàng;
c) Sử dụng khóa bí mật của gói thầu để giải mã đơn dự thầu và các file E-HSDT, báo giá, trừ các file của các nhà thầu có văn bản rút E-HSDT, báo giá gửi đến bên mời thầu trước thời điểm đóng thầu.
2. Biên bản mở E-HSDT, báo giá
Sau khi hoàn thành mở E-HSDT, báo giá, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia đăng tải Biên bản mở thầu, báo giá, bao gồm các nội dung chủ yếu sau:
a) Thông tin về gói thầu:
- E-TBMT;
- Tên gói thầu;
- Tên bên mời thầu;
- Hình thức lựa chọn nhà thầu (chào hàng cạnh tranh thông thường hay chào hàng cạnh tranh rút gọn);
- Loại hợp đồng;
- Thời điểm hoàn thành mở hồ sơ đề xuất, báo giá;
- Tổng số nhà thầu tham dự.
b) Thông tin về các nhà thầu tham dự:
- Tên nhà thầu;
- Giá chào;
- Giá trị bảo đảm dự thầu (đối với chào hàng cạnh tranh thông thường);
- Ngày hết hiệu lực của bảo đảm dự thầu (đối với chào hàng cạnh tranh thông thường);
Điều 27. Đánh giá E-HSDT, báo giá, thương thảo, thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, hoàn thiện và ký kết hợp đồng
1. E-TBMT, E-HSMT kèm theo các văn bản sửa đổi, làm rõ E-HSMT, bản yêu cầu báo giá; E-HSDT, báo giá, Biên bản mở thầu qua mạng là cơ sở pháp lý để đánh giá hồ sơ đề xuất, báo giá.
2. Việc đánh giá E-HSDT, báo giá, thương thảo hợp đồng, thẩm định và phê duyệt kết quả đấu thầu được thực hiện theo Điều 58 và Điều 59 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP. Trường hợp cần thiết, bên mời thầu có thể yêu cầu nhà thầu làm rõ, bổ sung tài liệu để chứng minh tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu.
3. Quy trình thương thảo hợp đồng , trình, thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, hoàn thiện và ký kết hợp đồng, công khai kết quả lựa chọn nhà thầu được thực hiện theo quy định tại Điều 19 và Điều 20 Thông tư này.
Chương II
QUY TRÌNH LỰA CHỌN NHÀ THẦU QUA MẠNG ĐỐI VỚI GÓI THẦU ÁP DỤNG PHƯƠNG THỨC MỘT GIAI ĐOẠN HAI TÚI HỒ SƠ
Điều 28. Quy trình chi tiết
1. Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu, bao gồm:
a) Lập E-HSMT;
b) Thẩm định và phê duyệt E-HSMT.
2. Tổ chức lựa chọn nhà thầu, bao gồm:
a) Thông báo mời thầu và phát hành E-HSMT;
b) Sửa đổi, làm rõ E-HSMT;
c) Nộp E-HSDT;
d) Mở E-HSĐXKT.
3. Đánh giá E-HSĐXKT, trình, thẩm định và phê duyệt danh nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật.
4. Mở E-HSĐXTC.
5. Đánh giá E-HSĐXTC và xếp hạng nhà thầu.
6. Thương thảo hợp đồng, trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu.
7. Hoàn thiện, ký kết hợp đồng.
Điều 29. Lập, thẩm định, phê duyệt E-HSMT
Quy trình lập, thẩm định và phê duyệt E-HSDT được thực hiện theo quy định tại Điều 12 của Thông tư này.
Điều 30. Thông báo và phát hành E-HSMT
Thông báo và phát hành E-HSMT thực hiện theo quy định tại Điều 13 Thông tư này. Thời gian chuẩn bị E-HSDT tối thiểu là 20 ngày kể từ ngày đầu tiên phát hành E-HSMT trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Điều 31. Sửa đổi, làm rõ E-HSMT, nộp E-HSDT
Việc sửa đổi, làm rõ E-HSDT, nộp E-HSDT thực hiện theo quy định tại Điều 14, Điều 15 Thông tư này.
Điều 32. Mở E-HSĐXKT
1. E-HSDT nộp trước thời điểm đóng thầu sẽ được bên mời thầu tiến hành mở và công khai trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, cụ thể như sau:
a) Bên mời thầu đăng nhập vào Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia;
b) Chọn gói thầu cần mở theo số thông báo mời thầu;
c) Sử dụng khóa bí mật của gói thầu để giải mã đơn dự thầu và các file E-HSĐXKT, trừ các file E-HSĐXKT của các nhà thầu có văn bản rút E-HSDT theo quy định tại khoản 4 Điều 15 Thông tư này.
2. Biên bản mở E-HSĐXKT
Sau khi hoàn thành mở thầu, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia đăng tải biên bản mở thầu, bao gồm các nội dung chủ yếu sau:
a) Thông tin về gói thầu:
- Số thông báo mời thầu;
- Tên gói thầu;
- Tên bên mời thầu;
- Hình thức lựa chọn nhà thầu;
- Loại hợp đồng;
- Thời điểm hoàn thành mở thầu;
- Tổng số nhà thầu tham dự.
b) Thông tin về các nhà thầu tham dự:
- Tên nhà thầu;
- Thời gian thực hiện hợp đồng;
- Giá trị và hiệu lực của bảo đảm dự thầu;
- Các thông tin liên quan khác (nếu có).
Điều 33. Đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật
1. Bên mời thầu đăng nhập vào Hệ thống và tải file E-HSĐXKT của các nhà thầu có tên trong Biên bản mở HSĐXKT để tiến hành đánh giá.
2. Việc đánh giá E-HSĐXKT được thực hiện trực tiếp và tuân thủ theo quy định của Luật Đấu thầu và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP. Đối với các nội dung đánh giá về năng lực và kinh nghiệm, nhân sự chủ chốt, thiết bị chủ yếu, catalô hàng hóa, dịch vụ, việc đánh giá được thực hiện trên cơ sở các thông tin nhà thầu kê khai trong E-HSĐXKT mà không yêu cầu nhà thầu phải đính kèm file tài liệu chứng minh.
Nhà thầu phải chuẩn bị sẵn sàng các tài liệu gốc để phục vụ việc xác minh khi có yêu cầu của Bên mời thầu.
Điều 34. Lập báo cáo đánh giá E-HSĐXKT, thẩm định và phê duyệt danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật.
Tổ chuyên gia vận dụng Mẫu báo cáo đánh giá (mẫu số 2) ban hành kèm theo Thông tư số 23/2015/TT-BKHĐT ngày 21/12/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để lập báo cáo đánh giá E-HSĐXKT.
Trên cơ sở Báo cáo đánh giá E-HSĐXKT của tổ chuyên gia, Bên mời thầu trình Chủ đầu tư thẩm định, phê duyệt danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật theo Phụ lục số 3A, 3B ban hành kèm theo Thông tư số 23/2015/TT-BKHĐT.
Điều 35. Thông báo danh sách nhà thầu đạt yêu cầu về kỹ thuật
Sau khi có quyết định phê duyệt danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, bên mời thầu phải đăng tải công khai trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, cụ thể như sau:
1. Bên mời thầu đăng nhập vào Hệ thống và chọn gói thầu cần đăng tải theo số thông báo mời thầu;
2. Chọn phần đăng tải thông báo danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật để nhập thông tin và đính kèm bản chụp (scan) văn bản phê duyệt danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật rồi đăng tải công khai trên Hệ thống. Sau khi đăng tải thành công, Hệ thống phải gửi thông báo đến các nhà thầu có tên trong danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật.
Điều 36. Mở E-HSĐXTC
1. E-HSĐXTC của các nhà thầu có tên trong danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật sẽ được bên mời thầu tiến hành mở và công khai trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, cụ thể như sau:
Bước 1: Bên mời thầu đăng nhập vào Hệ thống và chọn gói thầu cần mở theo số thông báo mời thầu;
Bước 2: Sử dụng khóa bí mật để giải mã E-HSĐXTC của các nhà thầu có tên trong danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật.
2. Biên bản mở E-HSĐXTC
Sau khi hoàn thành mở thầu, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia đăng tải biên bản mở thầu, bao gồm các nội dung chủ yếu sau:
a) Thông tin về gói thầu:
- Số thông báo mời thầu;
- Tên gói thầu;
- Tên bên mời thầu;
- Hình thức lựa chọn nhà thầu;
- Loại hợp đồng;
- Thời điểm hoàn thành mở thầu;
b) Thông tin về các nhà thầu được mở hồ sơ đề xuất về tài chính:
- Tên nhà thầu;
- Giá dự thầu của nhà thầu;
Điều 37. Đánh giá hồ sơ đề xuất về tài chính và phê duyệt danh sách xếp hạng nhà thầu
1. Việc đánh giá E-HSĐXTC và xếp hạng nhà thầu được thực hiện trực tiếp và tuân thủ theo quy định của Luật Đấu thầu và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP. Trường hợp áp dụng phương pháp giá thấp nhất, Bên mời thầu mời nhà thầu có giá dự thầu thấp nhất ghi trong biên bản mở E-HSĐXTC vào thương thảo hợp đồng mà không cần tiến hành xếp hạng nhà thầu.
2. Tổ chuyên gia vận dụng Mẫu báo cáo đánh giá (mẫu số 2) ban hành kèm theo Thông tư số 23/2015/TT-BKHĐT ngày 21/12/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để lập báo cáo đánh giá E-HSĐXTC. Trường hợp áp dụng phương pháp giá thấp nhất, tổ chuyên gia chỉ cần lập báo cáo đánh giá E-HSĐXTC đối với nhà thầu có giá thấp nhất căn cứ biên bản mở E-HSĐXTC.
Chủ đầu tư phê duyệt danh sách xếp hạng nhà thầu theo Phụ lục số 5B ban hành kèm theo Thông tư số 23/2015/TT-BKHĐT.
Điều 38. Trình, thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, hoàn thiện và ký kết hợp đồng
1. Trình duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu
Trên cơ sở kết quả thương thảo hợp đồng, bên mời thầu lập hồ sơ trình Chủ đầu tư thẩm định và phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, bao gồm các nội dung như sau:
a) Tờ trình đề nghị phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu;
b) Báo cáo kết quả đánh giá E-HSDT;
c) Biên bản thương thảo hợp đồng;
d) Bản in E-HSDT, Biên bản mở thầu và những tài liệu khác có liên quan.
2. Thẩm định và phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu:
Việc tổ chức thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu được thực hiện theo quy định của Luật đấu thầu và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.
Điều 39. Thương thảo hợp đồng, trình, thẩm định và phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu
Quy trình thương thảo hợp đồng , trình, thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, hoàn thiện và ký kết hợp đồng, công khai kết quả lựa chọn nhà thầu được thực hiện theo quy định tại Điều 19 và Điều 20 Thông tư này.
Điều 40. Tổ chức thực hiện
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày tháng năm 2017. Thông tư này thay thế Thông tư số 07/2016/TT-BKHĐT ngày 28/6/2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thay thế Chương III Thông tư liên tịch số 07/2015/TT-BKHĐT ngày 8/9/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.
2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Ủy ban nhân dân các cấp và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Ủy ban nhân dân các cấp và tổ chức, cá nhân có liên quan gửi ý kiến về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để kịp thời hướng dẫn./.
|
BỘ
TRƯỞNG |
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
|
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.