UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3562/2003/QĐ-UB | Huế, ngày 10 tháng 12 năm 2003 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ CÁC CÔNG TRÌNH CẤP NƯỚC SINH HOẠT NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 21/6/1994;
- Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 06/01/1998;
- Căn cứ Quyết định số 104/2000/QĐ-TTg ngày 25/8/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đến năm 2020;
- Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 304/TT- NNPTNT ngày 03/4/2003, đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng (Công văn số 294/KH-XD ngày 28/7/2003) và đề nghị của Giám đốc Công ty Cấp thoát nước (Công văn số 166/CTN ngày 22/7/2003).
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này ''Quy định về quản lý các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế''.
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3: Chánh Văn phòng HĐND và UBND Tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và VSMT nông thôn, Giám đốc Công ty Cấp thoát nước, Chủ tịch UBND các huyện, Thủ trưởng các cơ quan liên quan và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. UBND TỈNH THỪA THIÊN HUẾ |
QUY ĐỊNH
VỀ QUẢN LÝ, KHAI THÁC CÁC CÔNG TRÌNH CẤP NƯỚC SINH HOẠT NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3562/2003/QĐ-UB ngày 10 tháng 12 năm 2003 của UBND tỉnh)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1: Quy định này áp dụng đối với tất cả các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn đã hoàn thành đưa vào vận hành khai thác sử dụng.
Điều 2: Công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn là công trình kết cấu hạ tầng nhằm khai thác nước sạch phục vụ sinh hoạt cho nhân dân, bao gồm:
1. Công trình cấp nước tập trung:
- Hệ thống dẫn nước sử dụng các thiết bị động lực, xử lý nước bằng hóa chất theo các tiêu chuẩn Việt Nam hiện hành.
- Hệ thống cấp nước tự chảy (cụm đầu mối, bể lắng lọc, bể chứa ...)
- Hệ nối mạng nguồn nước máy.
2. Công trình cấp nước nhỏ lẻ: Giếng khoan tay, giếng đào, bể chứa nước mưa.
Điều 3: Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư vốn, công sức để xây dựng, quản lý khai thác và kinh doanh các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng di dân kinh tế mới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các vùng khó khăn về nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Các nhà đầu tư trong lĩnh vực này sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định của UBND Tỉnh tại Quyết định số 1546/QĐ-UB ngày 12/6/2002.
Điều 4: Công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn được xây dựng bằng tất cả các nguồn vốn khác nhau đều phải tuân theo quy hoạch, kế hoạch, thiết kế kỹ thuật được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Chương II
QUẢN LÝ KHAI THÁC CÁC CÔNG TRÌNH CẤP NƯỚC SINH HOẠT NÔNG THÔN
A- Quản lý, khai thác các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn được đầu tư từ vốn ngân sách Nhà nước hoặc nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế.
Điều 5: Công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn sau khi xây dựng xong, chủ đầu tư bàn giao cho chính quyền địa phương - xã hoặc huyện nơi hưởng lợi để đưa công trình vào khai thác, sử dụng đạt hiệu quả.
- Đối với những công trình phục vụ trong phạm vi địa bàn 1 thôn thì UBND xã giao cho thôn tổ chức quản lý, vận hành, duy tu bảo dưỡng theo nguyên tắc tự trang trải thu, chi (nếu trên địa bàn có HTX nông nghiệp hoặc HTX sản xuất dịch vụ thì nên giao cho HTX quản lý).
- Các công trình phục vụ liên thôn hoặc cả xã thì UBND xã trực tiếp quản lý.
- Các công trình cấp nước tập trung lớn hơn phục vụ cho hai hay nhiều xã thì tùy thuộc tình hình thực tế sẽ giao cho Công ty Cấp thoát nước hoặc UBND huyện quản lý. Các hệ nối mạng nguồn nước máy thì Công ty Cấp thoát nước Thừa Thiên Huế trực tiếp quản lý, khai thác theo quy phạm về vận hành, bảo dưỡng và chất lượng nước cung cấp cho các đối tượng sử dụng.
- Các công trình nhỏ lẻ như giếng khoan bơm tay, giếng đào, bể chứa nước mưa giao cho các hộ gia đình hưởng lợi trực tiếp quản lý, sử dụng và bảo vệ.
Điều 6: UBND các huyện quyết định thành lập các đơn vị quản lý khai thác đối với những công trình được giao quản lý; UBND xã quyết định thành lập đơn vị quản lý, khai thác đối với các công trình phục vụ trong một xã.
Đơn vị quản lý khai thác công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn chịu sự quản lý, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Trung tâm Nước sinh hoạt và VSMT nông thôn, và có trách nhiệm:
- Quản lý, vận hành, khai thác và duy tu bảo dưỡng thường xuyên công trình đảm bảo phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt cho nhân dân khu vực hưởng lợi theo năng lực, nhiệm vụ của từng công trình.
- Theo dõi, kiểm tra ghi chép nhật ký quản lý công trình, kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố, sửa chữa công trình trong quá trình sử dụng theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Điều 7: Tùy theo địa điểm, tính chất, nhiệm vụ của từng công trình, số người quản lý khai thác, bảo vệ ở các công trình cấp nước tập trung được quy định như sau:
- Công trình phục vụ cho dưới 500 người: 1 người quản lý, vận hành, bảo vệ.
- Công trình phục vụ từ 500 - 1.000 người: không quá 2 người quản lý, vận hành, bảo vệ.
- Công trình phục vụ trên 1.000 người đến 2.000 người: không quá 3 người quản lý, vận hành, bảo vệ.
- Công trình phục vụ trên 2.000 người: Không quá 5 người quản lý, vận hành, bảo vệ.
Điều 8: Đơn vị quản lý khai thác công trình cấp nước tập trung được thu tiền nước của các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức sử dụng nước từ công trình để phục vụ cho công tác quản lý khai thác và duy tu bảo dưỡng công trình, cụ thể như sau:
1. Đối với công trình cấp nước sinh hoạt đã được sắp đặt đồng hồ đo nước, mức thu theo mét khối (m3) nước sử dụng. Thực hiện theo nguyên tắc thoả thuận như sau:
- Đơn vị quản lý khai thác công trình cấp nước lập dự toán chi trong năm bao gồm các khoản chi:
+ Phụ cấp cho bộ máy quản lý, khai thác.
+ Chi cho công tác vận hành (điện, hoá chất ...)
+ Chi sửa chữa nhỏ thường xuyên.
+ Chi nâng cấp, sửa chữa lớn.
+ Chi cho phần tạo nguồn.
+ Dự phòng.
- Trên cơ sở dự toán đó đưa ra họp dân cùng trao đổi thống nhất tổng mức chi cho hoạt động của công trình trong một năm.
Dự kiến lượng nước tiêu thụ trong năm theo mùa thực tế đã dùng và mức đăng ký dùng nước của các hộ và lượng nước hao hụt để xác định giá thành của 1m3 nước cần thu để trang trải được chi phí. Trong những trường hợp giá 1m3 nước thấp hơn 2500đ/m3 thì thực hiện thu theo giá đó. Nếu vượt quá 2.500đ/m3 thì UBND xã xem xét lại hiệu quả của công trình để có giải pháp, khắc phục và tuyên truyền vận động bà con tăng mức sử dụng nước hợp lý theo mức bình quân đã được quy định. Trong trường hợp vẫn không giải quyết được thì cho đấu thầu công trình cho các thành phần khác khai thác, quản lý (nhưng giá thành 1m3 nước không vượt quá 2.500 đồng).
- Đối với các công trình cấp nước tụ chảy thu không vượt quá 1000đ/m3.
2. Đối với các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn chưa lắp đặt đồng hồ đo nước, mức thu tiền sử dụng nước theo giá thoả thuận trong phạm vi từ 5.000 đồng đến 10.000 đồng/tháng/hộ.
3. Việc thu chi tiền sử dụng nước sinh hoạt nông thôn được thực hiện đúng theo quy định về quản lý tài chính, kế toán hiện hành. Phương án, định mức thu chi đối với các công trình nước SH nông thôn không do Công ty Cấp thoát nước quản lý phải được UBND huyện phê duyệt.
Điều 9: Đơn vị quản lý khai thác công trình cấp nước tập trung được Nhà nước hỗ trợ kinh phí để sửa chữa công trình trong các trường hợp sau:
- Công trình bị hư hỏng do thiên tai (bão, lụt) hoặc do nguyên nhân khách quan bất khả kháng khác.
- Sửa chữa lớn, nâng cấp công trình (tại các địa phương đặc biệt khó khăn, xã nghèo, các công trình thu không đủ chi ...).
Điều 10: Chế độ phụ cấp cho người làm công tác quản lý, bảo vệ công trình cấp nước tập trung.
1. Đối với các xã đặc biệt khó khăn.
- Mức phụ cấp cho người quản lý, vận hành, bảo vệ Hệ thống cấp nước trong phạm vi toàn xã là 150.000 đồng/người/tháng.
- Mức phụ cấp cho người quản lý vận hành, bảo vệ hệ thống cấp nước trong phạm vi thôn, liên thôn: 100.000 đồng/người/tháng.
2. Đối với các xã có 50% đồng bào dân tộc thiểu số trở lên, các xã nghèo mức phụ cấp cho người quản lý vận hành, bảo vệ Hệ thống cấp nước là 100.000/đồng/người/tháng.
3. Kinh phí chi trả cho các khoản phụ cấp nêu trên tại khoản 1, 2 điều này do nguồn thu thu từ các hộ sử dụng nước theo mức giá được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Phần còn thiếu (nếu có) sẽ do các cấp ngân sách được phân công quản lý công trình cân đối bổ sung.
4. Đối với các công trình không thuộc đối tượng quy định tại khoản l, 2 điều này. Mức thù lao cho người quản lý, vận hành, bảo vệ tùy thuộc vào hiệu quả của công trình do cấp ra quyết định thành lập đơn vị quản lý công trình nước quy định (có sự thỏa thuận của Phòng Tài chính - kế hoạch huyện) và được chi trả từ khoản thu tiền từ các hộ sử dụng nước.
B. Quản lý, khai thác các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn từ các nguồn vốn khác
Điều 11: Đối với các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn do các tổ chức, cá nhân tự bỏ vốn đầu tư, chủ đầu tư trực tiếp quản lý, khai thác và được thu tiền nước theo quy định này và có trách nhiệm quản lý, vận hành, sửa chữa và bảo vệ công trình.
Điều 12: Đối với các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn do các tổ chức, cá nhân tự bỏ vốn đầu tư mà chủ đầu tư tự nguyện hoặc thỏa thuận bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý khai thác sử dụng để phục vụ chung thì việc quản lý khai thác công trình được thực hiện theo Mục A của chương này.
Chương III
BẢO VỆ CÁC CÔNG TRÌNH CẤP NƯỚC SINH HOẠT NÔNG THÔN
Điều 13: Đơn vị quản lý khai thác công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn căn cứ vào quy định của pháp luật, hồ sơ thiết kế kỹ thuật và đặc điểm của từng hệ thống công trình để lập phương án bảo vệ công trình và bảo vệ nguồn nước trình UBND cấp xã sở tại phê duyệt đối với công trình phục vụ cho 1 xã và UBND Huyện phê duyệt đối với công trình liên xã; xây dựng hàng rào bảo vệ, biển báo, biển cấm, nội quy, quy chế và trực tiếp bảo vệ công trình.
Điều 14: UBND xã, thị trấn nơi có công trình cấp nước sinh hoạt có trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện phương án đã được phê duyệt. Công trình phục vụ cho địa phương nào thì địa phương đó tổ chức kiểm tra việc bảo vệ. Công trình phục vụ cho liên xã trong huyện thì UBND cấp huyện đó tổ chức kiểm tra việc bảo vệ.
Điều 15: Tổ chức, cá nhân hưởng lợi từ các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn có trách nhiệm:
- Tham gia bảo vệ công trình, trường hợp công trình xảy ra sự cố hoặc có hiện tượng xảy ra sự cố thì phải tham gia ứng cứu, sửa chữa, bảo vệ công trình theo chỉ dẫn của cán bộ kỹ thuật và sự huy động của địa phương.
- Khi phát hiện công trình bị phá hoại, xảy ra sự cố hoặc có hiện tượng xảy ra sự cố, người phát hiện có trách nhiệm ngăn chặn, khắc phục nếu có thể, hoặc báo ngay cho đơn vị quản lý khai thác công trình để kịp thời xử lý.
- Nộp tiền sử dụng nước đúng quy định, sử dụng nước tiết kiệm.
Điều 16: Phạm vi bảo vệ công trình
1. Đối với hệ thống cấp nước tự chảy:
- Cụm công trình đầu mối: phạm vi bảo vệ thực hiện theo pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.
- Hệ thống đường ống dọc theo tuyến cắm mốc bê tông để báo hiệu nơi có tuyến đường ống đi qua và phạm vi bảo vệ mỗi bên đường ống là 0,5m (đối với các tuyến ống chính).
2. Đối với giếng khoan, giếng đào, bể chứa nước mưa do các hộ gia đình hưởng lợi tự bảo vệ.
3. Đối với hệ nối mạng nguồn nước máy, thực hiện theo quy chế quản lý và sử dụng nước máy của Công ty Cấp thoát nước đã được UBND Tỉnh phê duyệt.
Chương IV
PHÂN CẤP QUẢN LÝ
Điều 17: Sở Nông nghiệp và PTNT là cơ quan thường trực giúp UBND Tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn, đồng thời tham mưu cho UBND Tỉnh về công tác xây dựng và chỉ đạo thực hiện quy hoạch kế hoạch, kỹ thuật, chính sách về quản lý, khai thác, sử dụng phát triển các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn toàn Tỉnh.
Điều 18: Trung tâm Nước sinh hoạt và VSMT nông thôn có trách nhiệm:
- Thực hiện đúng Quyết định số 3354/QĐ-UB ngày 23/12/1996 của UBND Tỉnh về quy định chức năng nhiệm vụ của Trung tâm Nước sinh hoạt và VSMT nông thôn, là đơn vị đầu mối tiếp nhận các nguồn tài trợ từ các tổ chức trong và ngoài nước liên quan đến Chương trình nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn, quản lý nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước cho các công trình.
- Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nghiệp vụ về quản lý vận hành các thiết bị của công trình nước sinh hoạt nông thôn cho các đơn vị trực tiếp quản lý công trình.
Điều 19: UBND các huyện có trách nhiệm thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước đối với Chương trình nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn ở địa phương, bố trí cán bộ thuộc phòng Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Trung tâm Nước sinh hoạt và VSMT nông thôn Tỉnh theo dõi Chương trình nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn của địa phương; chỉ đạo UBND cấp xã, thị trấn thực hiện việc quản lý, bảo vệ, khai thác công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn đúng quy định.
Điều 20: Công ty Cấp phát nước có trách nhiệm thực hiện tốt công tác quản lý đối với các hệ nối mạng nguồn nước máy tại các xã đã được đầu tư có sự đóng góp của nguồn vốn thuộc Chương trình Nước sạch nông thôn và vốn tài trợ của các tổ chức quốc tế.
Điều 21: Sở Y tế có trách nhiệm kiểm tra định kỳ chất lượng nguồn nước trước và sau xử lý đối với các công trình nước có xử lý bằng hoá chất, đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Y tế.
Điều 22: Sở Tài chính có trách nhiệm phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn việc thu, quản lý và sử dụng khoản thu tiền sử dụng nước, hướng dẫn cụ thể việc chi trả các khoản phụ cấp nêu tại điểm 1,2 Điều 10.
Chương V
ĐIỂU KHOẢN THI HÀNH
Điều 23: Mọi tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có hoạt động liên quan đến Chương trình nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có trách nhiệm thực hiện đúng theo Quy định này.
Điều 24: Các tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác đầu tư xây dựng, quản lý bảo vệ các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn sẽ được biểu dương khen thưởng. Tổ chức, cá nhân vi phạm Quy định này hoặc có hành vi phá hoại các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 25: Quy định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ban hành.Các quy định trước đây về quản lý, khai thác công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn của Tỉnh không còn hiệu lực thi hành. Quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc cần điều chỉnh, bổ sung, Trung tâm Nước sạch và VSMT (Sở Nông nghiệp và PTNT), UBND các huyện và Công ty Cấp thoát nước có trách nhiệm theo dõi, tổng hợp, đề xuất UBND Tỉnh./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.