UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3439/QĐ-UBND | Quảng Ninh, ngày 26 tháng 12 năm 2012 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ VIỆC THỰC HIỆN QUY TRÌNH ĐẢM BẢO AN TOÀN TRÊN PHƯƠNG TIỆN VẬN CHUYỂN KHÁCH DU LỊCH THAM QUAN VỊNH HẠ LONG
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15/6/2004; Nghị định số 21/2005/NĐ-CP ngày 01/3/2005 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa;
Căn cứ Quyết định số 28/2004/QĐ-BGTVT ngày 07/12/2004 của Bộ Giao thông vận tải ban hành Quy định phạm vi trách nhiệm của thuyền viên, người lái phương tiện và định biên an toàn tối thiểu trên phương tiện thủy nội địa; Thông tư số 25/2010/TT-BGTVT ngày 31/8/2010 của Bộ Giao thông vận tải Quy định về quản lý hoạt động của cảng, bến thủy nội địa; Thông tư liên tịch số 22/2012/TTLT-BGTVT-BVHTTDL ngày 26/6/2012 của Bộ Giao thông vận tải và Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch quy định về đảm bảo an toàn giao thông trong hoạt động vận tải khách du lịch bằng phương tiện thuỷ nội địa;
Căn cứ Quyết định số 716/2011/QĐ-UBND ngày 15/3/2011 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc quản lý hoạt động tàu vận chuyển khách tham quan du lịch và tàu lưu trú khách du lịch trên Vịnh Hạ Long;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 5684/TT-SGTVT ngày 17/12/2012,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định tạm thời về việc thực hiện quy trình đảm bảo an toàn trên phương tiện vận chuyển khách du lịch tham quan vịnh Hạ Long.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký đến hết ngày 31/12/2013; các quy định trước đây trái với quy định này đều bãi bỏ.
Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch, Giám đốc Công an tỉnh, Trưởng Ban quản lý vịnh Hạ Long và các tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH TẠM THỜI
VỀ VIỆC THỰC HIỆN QUY TRÌNH ĐẢM BẢO AN TOÀN TRÊN PHƯƠNG TIỆN VẬN CHUYỂN KHÁCH DU LỊCH THAM QUAN VỊNH HẠ LONG
(Kèm theo quyết định số 3439/QĐ-UBND ngày 26/12/2012 của UBND tỉnh)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng.
1. Phạm vi điều chỉnh.
Quy định này quy định về quy trình thực hiện bảo đảm an toàn giao thông trong hoạt động vận chuyển khách du lịch đi tham quan, lưu trú trên vịnh Hạ Long bằng tàu du lịch và phương tiện chuyển tải.
2. Đối tượng áp dụng.
Quy định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động vận chuyển khách du lịch đi tham quan, lưu trú trên vịnh Hạ Long bằng tàu du lịch, phương tiện chuyển tải khách.
Điều 2. Giải thích từ ngữ.
Trong bản quy định này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Phương tiện chuyển tải: Là phương tiện có đủ các điều kiện an toàn hoạt động theo quy định để thực hiện nhiệm vụ chuyển tải khách du lịch từ cầu cảng, bến ra tàu du lịch đang neo đậu trong vùng nước của cảng, bến và ngược lại.
2. Phương tiện lưu trú: Là phương tiện có buồng ngủ hoặc phòng ngủ bảo đảm về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, dịch vụ cần thiết phục vụ lưu trú du lịch.
3. Nhân viên phục vụ: Là những người làm việc trên phương tiện nhưng không phải là thuyền viên, người lái phương tiện.
4. Điểm lưu trú: Lưu cảng, bến thủy nội địa đảm bảo các điều kiện an toàn hoạt động theo quy định tại Điều 4 Thông tư liên tịch số 22/2012/TTLT-BGTVT-BVHTTDL ngày 26/6/2012 của Bộ Giao thông vận tải và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về bảo đảm an toàn giao thông trong hoạt động vận tải khách du lịch bằng phương tiện thủy nội địa.
Chương II
QUY TRÌNH THỰC HIỆN ĐẢM BẢO AN TOÀN TRÊN PHƯƠNG TIỆN VẬN CHUYỂN KHÁCH DU LỊCH
Điều 3. Hoạt động của phương tiện chuyển tải.
1. Phải đảm bảo các điều kiện an toàn và có đầy đủ các giấy tờ theo quy định của pháp luật, bố trí đủ số lượng phao cứu sinh trên phương tiện cho thuyền viên, cho hành khách theo sức chở của phương tiện.
2. Chỉ được chuyển tải khách từ tàu lưu trú vào cầu cảng, bến và ngược lại khi tàu lưu trú neo đậu trong phạm vi vùng nước của cảng bến. Thuyền trưởng phải chịu trách nhiệm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho khách trong quá trình cập mạn để đón, trả khách.
4. Khi hoạt động chuyển tải, thuyền viên phải mặc áo phao cứu sinh và hướng dẫn, yêu cầu hành khách mặc áo phao cứu sinh trong suốt thời gian hành trình của phương tiện. Phương tiện chuyển tải khách chỉ được chạy chở khách với vận tốc tối đa 06 km/giờ.
5. Đối với phương tiện chuyển tải có sức chở trên 12 người khi hoạt động chuyển tải khách phải bố trí 02 thuyền viên (01 người điều khiển phương tiện; 01 thủy thủ hướng dẫn khách và cảnh giới).
6. Thuyền viên làm việc trên phương tiện phải có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn phù hợp với loại phương tiện theo quy định.
7. Khi phương tiện cập cầu bến tại vị trí đã được chỉ định hoặc cập mạn tàu du lịch, thuyền viên đã buộc dây, neo đậu chắc chắn đảm bảo an toàn, mới cho khách lên, xuống phương tiện.
8. Thuyền viên hướng dẫn khách lên, xuống phương tiện, chỉ được nhận hành khách xuống phương tiện đúng trọng tải cho phép.
9. Trước khi khởi hành, thuyền viên hướng dẫn yêu cầu khách ngồi ổn định, cân bằng, không để khách đứng trên phương tiện, khi khách ngồi ổn định mới cho phương tiện hoạt động.
10. Khi hành trình, người điều khiển phương tiện phải tuân theo quy tắc giao thông quy định tại Luật Giao thông đường thủy nội địa, quan sát các điều kiện an toàn, giữ khoảng cách an toàn giữa phương tiện mình đang điều khiển với phương tiện khác.
Điều 4. Hoạt động của tàu du lịch.
Đảm bảo các điều kiện an toàn hoạt động theo quy định của pháp luật hiện hành và theo quy định của Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh về quản lý hoạt động tàu vận chuyển khách tham quan du lịch và tàu lưu trú khách du lịch trên vịnh Hạ Long.
1. Tàu du lịch đón, trả hành khách tại cảng, bến.
a) Phương tiện được phép ra, vào vị trí neo đậu, cập cầu bến để đón, trả hành khách; Ban quản lý cảng, bến bố trí, xắp xếp và hướng dẫn cho phương tiện ra, vào neo đậu, cập cầu đảm bảo an toàn.
b) Khi phương tiện cập cầu bến, thuyền viên đã buộc dây, kê cầu lên xuống cho khách (nếu có) chắc chắn đảm bảo an toàn mới được cho khách lên, xuống phương tiện.
c) Phương tiện vào đón khách, thuyền viên phải hướng dẫn khách xuống phương tiện, bố trí chỗ ngồi cho hành khách, nhận hành khách xuống phương tiện không được vượt quá sức chở người của phương tiện.
d) Phương tiện hành trình ra, vào cảng, bến không được để hành khách đứng trên phương tiện hoặc để khách đứng ngồi trên mui, hai bên mạn của phương tiện.
đ) Tàu lưu trú neo đậu trong vùng nước cảng, bến để chuyển tải hành khách, thuyền trưởng phải bố trí thuyền viên hoặc nhân viên phục vụ hướng dẫn, giúp khách lên, xuống phương tiện chuyển tải. Khi khách lên tàu nhận phòng nghỉ, hướng dẫn cho hành khách vị trí để và cách sử dụng các trang thiết bị an toàn trong phòng ngủ, cách sử dụng búa để mở hoặc phá cửa thoát hiểm, lối thoát hiểm, hệ thống chuông báo động khi có sự cố.
e) Trước khi khởi hành thuyền viên phải kiểm tra các điều kiện an toàn đối với người và phương tiện, bố trí thuyền viên kiểm tra số lượng khách theo danh sách hành khách, hướng dẫn khách ngồi ổn định, không để hành khách đứng ngồi ở các vị trí không an toàn, phổ biến nội quy an toàn, hướng dẫn cho hành khách cách sử dụng phao cứu sinh, các trang thiết bị an toàn, cách thoát hiểm và bảo vệ môi trường (thuyền viên có thể phổ biến, hướng dẫn cho hành khách trực tiếp và qua hướng dẫn viên du lịch phiên dịch hoặc sử dụng băng Videoclip phát trên ti vi có hình ảnh và thuyết minh bằng tiếng Việt và tiếng Anh).
g) Khi hành trình trong vùng nước cảng, bến, thuyền trưởng phải trực tiếp điều khiển phương tiện, giảm tốc độ, thợ máy phải trực dưới buồng máy, cử thủy thủ cảnh giới ở các vị trí cần thiết.
2. Tàu du lịch khi hành trình trên luồng, tuyến
a) Khi hành trình thuyền trưởng phải tuân theo quy tắc giao thông và báo hiệu đường thủy nội địa quy định tại Luật Giao thông đường thủy nội địa, không được bám buộc phương tiện của mình với phương tiện khác hoặc để phương tiện khác bám buộc vào phương tiện của mình khi đang hành trình, trừ trường hợp cứu nạn, cứu hộ hoặc bất khả kháng.
b) Phương tiện hành trình đúng luồng tuyến, điểm tham quan, điểm lưu trú được ghi trong giấy phép rời cảng, bến. Bố trí thuyền viên hoặc nhân viên phục vụ phổ biến cho khách biết thời gian, lịch trình đi tham quan, những lưu ý hoặc cảnh báo đối với khách du lịch và công bố số điện thoại của tàu để khách liên lạc khi cần thiết.
c) Bố trí thuyền viên cảnh giới không để khách đứng ngồi ở hai bên mạn, các vị trí không an toàn, không cho khách lên boong dạo trong một thời điểm tối đa không quá 25% so với sức chở người của phương tiện.
d) Thuyền viên thường xuyên kiểm tra các điều kiện an toàn của phương tiện, hệ thống thông tin liên lạc, đặc biệt công tác phòng cháy, chống đắm và hệ thống báo ngập nước đáy khoang.
đ) Khi phương tiện đang hành trình nếu gặp thời tiết xấu, xét thấy không đảm bảo điều kiện an toàn để tiếp tục hành trình thì thuyền trưởng phải tìm nơi trú ẩn an toàn, thông báo cho Cảng vụ về vị trí trú ẩn, tình hình của thời tiết để Cảng vụ theo dõi, phối hợp khi cần thiết.
e) Khi có sự cố tai nạn xảy ra, thuyền trưởng phải tổ chức ngay việc khắc phục, cứu nạn ban đầu, đồng thời phát tín hiệu cấp cứu và thông báo về Cảng vụ hoặc cơ quan cứu nạn, cứu hộ.
3. Tàu lưu trú neo đậu tại điểm lưu trú
a) Chỉ được cho phương tiện neo đậu tại những nơi đã được Cảng vụ chỉ định, neo đậu phương tiện chắc chắn, giữ khoảng cách an toàn giữa phương tiện của mình với phương tiện khác (nếu phương tiện neo bằng neo của tàu), Tuân thủ nội quy điểm lưu trú, chấp hành lệnh điều động của Cảng vụ trong các trường hợp khẩn cấp.
b) Khi phương tiện đã neo đậu ổn định tại nơi đã được chỉ định, thuyền trưởng phân công cho thuyền viên có trách nhiệm kiểm tra thiết bị thông tin liên lạc, hệ thống báo động khi có sự cố, hệ thống báo ngập nước đáy khoang, động cơ chính của phương tiện và các trang thiết bị an toàn luôn ở trạng thái sẵn sàng hoạt động chủ động ứng phó kịp thời các tình huống xảy ra.
c) Thuyền trưởng phải có lịch phân công cho thuyền viên trực ca cảnh giới trông coi phương tiện trong suốt quá trình neo đậu, quản lý khách nghỉ lưu trú, cảnh giới an toàn cho khách và bảo vệ an ninh trật tự trên tàu, thường xuyên kiểm tra duy trì các điều kiện an toàn phòng chống cháy nổ của phương tiện, kiểm tra thường xuyên các khoang, buồng máy, la canh, nếu phát hiện nước dò rỉ phải có biện pháp xử lý kịp thời.
d) Phương tiện khác chỉ được cập mạn khi tàu lưu trú đã neo đậu xong. Trước khi rời vị trí neo đậu, phương tiện phải phát âm hiệu, nếu thấy đảm bảo an toàn mới được rời vị trí neo đậu.
Chương III
TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC VÀ CÁ NHÂN
Điều 5. Trách nhiệm của chủ khai thác cảng, bến.
1. Thực hiện trách nhiệm của chủ khai thác cảng, bến thủy nội địa quy định tại Khoản 1 Điều 22 Thông tư số 25/2010/TT-BGTVT ngày 31/8/2010 của Bộ Giao thông vận tải Quy định về quản lý hoạt động của cảng, bến thủy nội địa.
2. Bố trí đầy đủ và thường xuyên, duy tru, bảo dưỡng các trang thiết bị an toàn trên bến như: đệm va, cột bích, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy, cầu dẫn cho khách xuống. Vệ sinh cầu bến, bậc lên xuống cho khách đảm bảo không bị trơn trượt.
3. Phối hợp chặt chẽ và thống nhất với Cảng vụ quy định đánh số các vị trí cập cầu trên cảng, bến, bố trí riêng khu vực dành cho phương tiện chuyển tải hoạt động.
4. Bố trí cán bộ chuyên trách thực hiện nhiệm vụ sắp xếp vị trí, hướng dẫn cho phương tiện vào, ra đón, trả hành khách, hướng dẫn xếp khách xuống phương tiện đảm bảo an toàn; Phối hợp chặt chẽ với Cảng vụ để điều tiết phương tiện ra, vào cầu cảng hợp lý, an toàn theo các vị trí đã được Cảng vụ chỉ định cho phương tiện.
5. Kiểm soát khách xuống phương tiện theo danh sách hành khách, không xếp khách xuống phương tiện vượt quá sức chở người của phương tiện theo quy định.
6. Chủ động phối hợp triển khai các biện pháp cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố xảy ra trong vùng nước cảng, bến và vùng lân cận.
7. Hướng dẫn các chủ phương tiện, thuyền viên thực hiện các quy định về an toàn trong bản quy định này.
Điều 6. Trách nhiệm của chủ phương tiện.
1. Thực hiện trách nhiệm của chủ phương tiện quy định tại Điều 3 Quyết định số 28/2004/QĐ-BGTVT ngày 07/12/2004 của Bộ Giao thông vận tải Ban hành Quy định phạm vi trách nhiệm của thuyền viên, người lái phương tiện và định biên an toàn tối thiểu trên phương tiện thủy nội địa; Điều 6 Nghị định số 21/2005/NĐ-CP ngày 01/3/2005 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa; Điều 39 Quyết định số 716/2011/QĐ-UBND ngày 15/3/2011 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh Về việc quản lý hoạt động tàu vận chuyển khách tham quan du lịch và tàu lưu trú khách du lịch trên vịnh Hạ Long.
2. Sử dụng người làm việc trên phương tiện đủ tiêu chuẩn, sức khỏe và có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn phù hợp với chức danh, loại phương tiện theo quy định của pháp luật.
3. Đưa phương tiện vào hoạt động vận chuyển khách du lịch trên vịnh Hạ Long phải đảm bảo đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật và quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh.
4. Quan tâm tổ chức đào tạo, tập huấn cho đội ngũ thuyền viên, nâng cao nghiệp vụ kỹ năng về an toàn giao thông đường thủy, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, sơ cứu y tế…
5. Có quy định cụ thể, giao trách nhiệm cho đội ngũ thuyền viên, nhân viên phục vụ và thường xuyên kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm.
6. Trang bị đầy đủ các trang thiết bị an toàn theo quy định trên phương tiện. Trang bị áo phao trên phương tiện phải đảm bảo đầy đủ về số lượng và có chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn yêu cầu kỹ thuật.
7. Bố trí cán bộ thường xuyên kiểm tra các điều kiện an toàn của phương tiện, việc thực hiện nhiệm vụ và trách nhiệm của đội ngũ thuyền viên, nhân viên phục vụ.
Điều 7. Trách nhiệm của thuyền trưởng, người lái phương tiện.
1. Thực hiện trách nhiệm quy định tại Khoản 3 Điều Luật Giao thông đường thủy nội địa; Điều 20 Thông tư số 25/2010/TT-BGTVT ngày 31/8/2010 của Bộ Giao thông vận tải Quy định về quản lý hoạt động của cảng, bến thủy nội địa; Điều 8 Thông tư liên tịch số 22/2012/TT-BGTVT-BVHTTDL ngày 26/6/2012 của Bộ Giao thông vận tải và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quy định về bảo đảm an toàn giao thông trong hoạt động vận tải khách du lịch bằng phương tiện thủy nội địa; Điều 22, Điều 40 Quyết định số 716/2011/QĐ-UBND ngày 15/3/2011 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh Về việc quản lý hoạt động tàu vận chuyển khách tham quan du lịch và tàu lưu trú khách du lịch trên vịnh Hạ Long.
2. Đưa phương tiện hoạt động đúng luồng tuyến, điểm tham quan, điểm lưu trú được ghi trong giấy phép rời cảng của cơ quan Cảng vụ cấp.
3. Chịu trách nhiệm tổ chức, bố trí thuyền viên làm nhiệm vụ hướng dẫn thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, cách sử dụng các trang thiết bị an toàn cho khách như: cứu sinh, cứu hỏa, phòng cháy, chữa cháy, cách thoát hiểm khi có sự cố...
Điều 8. Trách nhiệm của nhân viên phục vụ.
1. Thực hiện theo quy định tại Điều 9 Thông tư liên tịch số 22/2012/TT-BGTVT-BVHTTDL ngày 26/6/2012 của Bộ Giao thông vận tải và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quy định về bảo đảm an toàn giao thông trong hoạt động vận tải khách du lịch bằng phương tiện thủy nội địa.
2. Tuân thủ các quy định về phòng cháy, chữa cháy.
Điều 9. Trách nhiệm của khách du lịch.
1. Thực hiện theo quy định tại Điều 10 Thông tư liên tịch số 22/2012/TT-BGTVT-BVHTTDL ngày 26/6/2012 của Bộ Giao thông vận tải và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quy định về bảo đảm an toàn giao thông trong hoạt động vận tải khách du lịch bằng phương tiện thủy nội địa; Điều 41 Quyết định số 716/2011/QĐ-UBND ngày 15/3/2011 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh Về việc quản lý hoạt động tàu vận chuyển khách tham quan du lịch và tàu lưu trú khách du lịch trên vịnh Hạ Long.
2. Từ chối xuống phương tiện không đảm bảo an toàn hoặc nhận hành khách quá trọng tải cho phép.
3. Chịu trách nhiệm về những hậu quả từ việc không chấp hành nội quy hướng dẫn của thuyền trưởng và người lái phương tiện.
Điều 10. Trách nhiệm của Cảng vụ đường thủy nội địa.
1. Thực hiện nhiệm vụ quyền hạn theo quy định tại Điều 72 Luật Giao thông đường thủy nội địa và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Chủ trì xây dựng và áp dụng phương án điều hành phương tiện hoạt động trong vùng nước cảng, bến và tại các khu neo đậu tàu thuyền lưu trú, phối hợp với chủ cảng, bến tổ chức triển khai thực hiện.
3. Tuyên truyền, hướng dẫn chủ phương tiện, thuyền viên thực hiện các quy định về an toàn trong bản quy định này và các quy định khác của pháp luật.
4. Kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền; Dừng cấp phép đối với những phương tiện vi phạm quy định này để hướng dẫn thực hiện đảm bảo an toàn mới được hoạt động.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 11. Tổ chức thực hiện.
1. Sở Giao thông vận tải trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với các ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện Quy định này.
2. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, nếu có những vướng mắc, phát sinh đề nghị phản ánh về Sở Giao thông vận tải để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung kịp thời./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.