THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2235/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 08 tháng 12 năm 2010 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT NHIỆM VỤ QUY HOẠCH CHUNG XÂY DỰNG VƯỜN QUỐC GIA PHONG NHA - KẺ BÀNG, TỈNH QUẢNG BÌNH ĐẾN NĂM 2025
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Xây dựng năm 2003 ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng;
Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 03 năm 2006 của Chính phủ về thi hành Bảo vệ và Phát triển rừng;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình đến năm 2025 với những nội dung chủ yếu sau:
1. Phạm vi nghiên cứu:
- Phạm vi nghiên cứu có diện tích khoảng 288.999 ha, bao gồm Vườn Quốc gia và vùng đệm thuộc địa phận các huyện Bố Trạch, Quảng Ninh, Minh Hóa. Ranh giới nghiên cứu được xác định như sau:
+ Phía Bắc giáp các xã: Hóa Sơn, Minh Hóa, Tân Hóa thuộc huyện Minh Hóa, xã Cao Quảng thuộc huyện Tuyên Hóa và xã Quảng Sơn thuộc huyện Quảng Trạch;
+ Phía Nam giáp xã Trường Sơn thuộc huyện Quảng Ninh và một phần ranh giới huyện Bố Trạch;
+ Phía Đông giáp các xã: Cự Nẫm, Phú Định thuộc huyện Bố Trạch;
+ Phía Tây giáp biên giới Việt Nam - Lào.
Tổng diện tích khu vực lập quy hoạch xây dựng khoảng 40.860 ha chủ yếu nằm trong phạm vi vùng đệm và khu vực mở rộng. Ranh giới cụ thể sẽ được xác định trong đồ án quy hoạch.
2. Tính chất:
- Là khu vực sinh thái quan trọng có những giá trị toàn cầu nổi bật được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, cần được bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị.
- Là di tích quốc gia đặc biệt chứa đựng nhiều dấu tích lịch sử về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và các di tích Chăm và Việt cổ.
- Là khu du lịch trọng điểm có ý nghĩa quốc gia và quốc tế, cung cấp các dịch vụ du lịch thương mại góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Bình.
- Là khu vực sinh sống và canh tác của các nhóm dân cư nhiều sắc tộc với các nền văn hóa riêng đa dạng và đặc sắc. Đồng thời là khu đệm giảm thiểu các tác động bất lợi tới các giá trị của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.
3. Quy mô dân số, khách du lịch và đất xây dựng:
- Diện tích lập quy hoạch khoảng 40.860 ha, trong đó diện tích đất xây dựng các khu chức năng đến năm 2015 là khoảng 4.500 ha, đến năm 2025 là khoảng 8.500 ha.
- Dự báo quy mô dân số:
+ Hiện trạng dân số năm 2009 là khoảng 10.931 người;
+ Dự báo đến năm 2015 là khoảng 14.000 người;
+ Dự báo đến năm 2025 là khoảng 16.700 người.
- Dự báo quy mô khách du lịch:
+ Số lượng khách du lịch hiện tại khoảng 267.233 người/năm;
+ Dự báo đến năm 2015 số lượng khách du lịch sẽ đạt khoảng 450.000 người/năm;
+ Dự báo đến năm 2025 số lượng khách du lịch sẽ đạt khoảng 800.500 người/năm;
4. Các yêu cầu về phân khu chức năng và tổ chức không gian.
- Định hướng phát triển không gian và phân khu chức năng:
+ Nghiên cứu phát triển không gian các khu chức năng của Vườn Quốc gia phải đảm bảo thuận lợi cho việc phân vùng tổ chức xây dựng khai thác cũng như quản lý bảo tồn. Có sự liên kết mạch lạc và thông suốt giữa các khu chức năng cũng như giữa Vườn Quốc gia với các mạng lưới hạ tầng bên ngoài. Tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về vùng lõi, vùng đệm của Vườn Quốc gia để xác định ranh giới phạm vi các vùng giới hạn phát triển, khai thác;
+ Đề xuất các định hướng phát triển không gian chính gắn với các khu chức năng chủ yếu bao gồm: khu hành chính quản lý, khu dịch vụ du lịch và thương mại tập trung, các tuyến - điểm khai thác du lịch trong khu vực, khu đầu mối hạ tầng và hành lang kỹ thuật, đường giao thông nội bộ và đối ngoại, các khu vực dân cư … Tính toán xác định vị trí và quy mô cho từng khu chức năng cụ thể;
+ Bố trí các điểm dân cư nông thôn gắn liền với các khu vực được phép canh tác, có các điều kiện hạ tầng xã hội và kỹ thuật phù hợp, bảo đảm sự tham gia của người dân vào việc phát triển du lịch và bảo vệ di sản thiên nhiên.
- Tổ chức không gian kiến trúc:
+ Xác định vị trí và tổ chức không gian các khu trung tâm, xác định các vùng kiến trúc cảnh quan có tầm quan trọng cần tổ chức khai thác; đề xuất tổ chức không gian các khu trung tâm và hệ thống các tuyến - điểm khai thác du lịch. Trên cơ sở xác định các loại hình du lịch chủ yếu sẽ được khai thác để có các giải pháp quy hoạch và kiến trúc phù hợp. Nghiên cứu thiết kế đô thị cho từng khu trung tâm, từng tuyến và đề xuất quy chế quản lý, kiểm soát phát triển;
+ Đề xuất các giải pháp tôn tạo hệ thống cảnh quan tự nhiên kết hợp với hệ thống công trình kiến trúc và cảnh quan nhân tạo;
+ Tổ chức không gian các điểm dân cư nông thôn, đáp ứng yêu cầu về nâng cao điều kiện sống đồng thời giữ vững được bản sắc riêng của các dân tộc trong vùng.
5. Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật:
- Áp dụng tiêu chuẩn quy phạm trên cơ sở tiêu chí đô thị loại IV được quy định tại Nghị định số 42/2009/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2009 của Chính phủ về việc phân loại đô thị và Quy chuẩn quốc gia về quy hoạch xây dựng.
- Hệ thống giao thông phải bảo đảm gắn kết với hệ thống hạ tầng quốc gia liên quan, có sự kết nối với các khu vực trọng điểm kinh tế của tỉnh Quảng Bình, đáp ứng yêu cầu về quản lý bảo tồn và an ninh quốc phòng.
- Lựa chọn xác định cao độ nền xây dựng các khu chức năng phải bám sát địa hình tự nhiên, hạn chế tối đa việc san gạt, đào đắp. Đề xuất các giải pháp phòng, chống thiên tai lũ lụt, sạt lở, tôn tạo bảo vệ cảnh quan môi trường.
- Khảo sát đánh giá về tài nguyên nước trên địa bàn, khả năng về trữ lượng và chất lượng nước để có giải pháp cấp nước phù hợp. Đề xuất các giải pháp khai thác có kèm theo các biện pháp bảo vệ nguồn nước.
- Xác định nguồn và các giải pháp cấp điện cho các khu chức năng tương ứng với phát triển nguồn điện lưới của quốc gia.
- Nghiên cứu đề xuất các giải pháp thoát nước thải và vệ sinh môi trường phù hợp với đặc điểm của khu vực quy hoạch, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định hiện hành về bảo vệ môi trường.
- Đánh giá tác động môi trường: đánh giá tác động do xây dựng phát triển các khu chức năng và hệ thống hạ tầng trong phạm vi Vườn Quốc gia. Đề xuất các giải pháp giải quyết các vấn đề môi trường còn tồn tại trong đồ án quy hoạch.
6. Xác định các chương trình dự án ưu tiên đầu tư:
Xây dựng danh mục các dự án ưu tiên đầu tư phù hợp với dự báo nguồn lực; đề xuất các cơ chế, chính sách quản lý thực hiện quy hoạch.
7. Thành phần hồ sơ:
Thực hiện theo Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng và các quy định hiện hành về hướng dẫn lập thẩm định phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng.
8. Tổ chức thực hiện:
- Cơ quan quản lý dự án: Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình;
- Cơ quan tổ chức lập quy hoạch: Bộ Xây dựng;
- Cơ quan thẩm định và trình duyệt: Bộ Xây dựng;
- Cấp phê duyệt: Thủ tướng Chính phủ;
- Thời gian lập đồ án: 18 tháng sau khi Nhiệm vụ được phê duyệt.
Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình:
- Phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức lập Quy hoạch chung xây dựng Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đến năm 2025 và trình phê duyệt theo quy định.
- Tổ chức lập và ban hành Quy chế quản lý xây dựng theo quy hoạch được duyệt.
- Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch sau khi được phê duyệt.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình, Trưởng Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: | KT. THỦ TƯỚNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.