THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1907/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 18 tháng 10 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN QUY HOẠCH TỔNG THỂ XÂY DỰNG ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Luật xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Kết luận số 315-TB/TW ngày 29 tháng 8 năm 2000 của Thường vụ Bộ Chính trị về chủ trương đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc;
Căn cứ Quyết định số 1404/QĐ-TTg ngày 30 tháng 9 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về chuyển giao chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc từ Đại học Quốc gia Hà Nội sang Bộ Xây dựng;
Căn cứ Quyết định số 234/QĐ-BXD ngày 11 tháng 3 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/2000 Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án quy hoạch tổng thể xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội với những nội dung chính sau đây:
1. Địa điểm và quy mô sử dụng đất:
- Địa điểm quy hoạch và xây dựng mới Đại học Quốc gia Hà Nội nằm trên đất huyện Thạch Thất, Hà Nội, cách trung tâm Hà Nội khoảng 30 km về phía Tây: Phía Đông giáp quốc lộ 21 (không bao gồm hành lang bảo vệ và cây xanh cách ly khoảng 150 m); phía Tây giáp núi Thằn Lằn; phía Nam giáp đường Láng - Hòa Lạc kéo dài (không bao gồm hành lang bảo vệ và cây xanh cách ly khoảng 150 m); phía Bắc: Cách đường băng sân bay Hòa Lạc khoảng 1.000 m.
- Quy mô sử dụng đất khoảng 1.113,7 ha, trong đó khu dự án Đại học Quốc gia Hà Nội là 887,9 ha; khu các cơ sở nghiên cứu cao cấp là 112,1 ha; khu tái định cư là 113,7 ha.
- Cơ cấu sử dụng đất các khu chức năng theo Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 Đại học Quốc gia Hà Nội được phê duyệt tại Quyết định số 234/QĐ-BXD ngày 11 tháng 3 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng; Thủ tướng Chính phủ ủy quyền Bộ trưởng Bộ Xây dựng phê duyệt Điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết xây dựng sau khi Đề án quy hoạch tổng thể xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội được phê duyệt.
2. Mục tiêu:
- Đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội thành trung tâm đào tạo đại học, sau đại học và nghiên cứu khoa học và công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao, đạt trình độ tiên tiến, làm nòng cốt trong hệ thống giáo dục đại học, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội phù hợp với định hướng chiến lược phát triển Đại học Quốc gia Hà Nội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050.
- Đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc nhằm di dời các cơ sở cũ tại nội thành, thực hiện chủ trương của Chính phủ trong việc di dời các trường đại học ra khỏi khu vực trung tâm thành phố Hà Nội đế giảm tải về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội cho khu vực nội thành, tạo điều kiện để phát triển Thủ đô Hà Nội theo đúng quy hoạch.
- Đầu tư xây dựng các cơ sở nghiên cứu cao cấp trọng điểm Quốc gia.
- Đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc được liên kết, kết nối với các khu vực chức năng khác của Đô thị Hòa Lạc về không gian, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật nhằm hướng tới hình thành Đô thị khoa học Hòa Lạc - đô thị vệ tinh đối trọng và quan trọng của Thủ đô Hà Nội, phù hợp với các định hướng của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội mở rộng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
3. Yêu cầu:
- Đại học Quốc gia Hà Nội là Trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học đa ngành, liên ngành với hệ thống hoàn chỉnh các trường, các viện nghiên cứu, các đơn vị thực nghiệm... bảo đảm sự gắn kết giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Đồng thời là một trung tâm văn hóa, một đầu mối giao lưu khoa học và văn hóa có vị trí quan trọng trong hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam.
- Đại học Quốc gia Hà Nội gồm nhiều pháp nhân khác nhau được tổ chức quy hoạch và đầu tư xây dựng trong một không gian quy hoạch thống nhất, bảo đảm tính đồng bộ, hiện đại, mang bản sắc truyền thống dân tộc; được khai thác hệ thống hạ tầng và các tiện ích chung; thu hút đầu tư theo quy hoạch và quản lý theo quy định.
- Các cơ sở nghiên cứu cao cấp gồm nhiều pháp nhân khác nhau được tổ chức quy hoạch và đầu tư xây dựng trong một không gian quy hoạch thống nhất với Đại học Quốc gia Hà Nội bảo đảm là các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học đa ngành, liên ngành hiện đại của Quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
4. Quy mô:
a) Quy mô của Đại học Quốc gia Hà Nội
- Quy mô khoảng 60.000 sinh viên, 3.500 học sinh chuyên và khoảng 6.550 cán bộ, nhân viên.
- Quy mô xây dựng công trình:
Quy mô xây dựng đến năm 2025 cho 8 trường Đại học, 5 Khoa trực thuộc, 5 Viện nghiên cứu trực thuộc, 10 Trung tâm đào tạo nghiên cứu khoa học và Các trung tâm Nghiên cứu liên hợp, 10 đơn vị phục vụ và các trung tâm phục vụ khác; với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 1.922.750 m2 sàn xây dựng và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ hoàn chỉnh.
b) Quy mô của các cơ sở nghiên cứu cao cấp Quốc gia
Được xác định khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ
5. Cơ cấu phân khu bao gồm:
a) Cơ cấu phân khu của Đại học Quốc gia Hà Nội
- Khu trung tâm;
- Khu các khoa, trường đại học;
- Khu ký túc xá sinh viên;
- Khu nhà công vụ;
- Khu Viện, Trung tâm nghiên cứu;
- Khu đất cây xanh;
- Khu Trung tâm thể dục thể thao;
- Khu đầu mối hạ tầng kỹ thuật;
- Khu tái định cư 113,7 ha bố trí bên ngoài Khu đại học 1.000 ha.
b) Cơ cấu phân khu của các cơ sở nghiên cứu cao cấp Quốc gia được tính 112,1 ha. Các quy hoạch chi tiết được xác định khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
6. Các dự án thành phần:
a) Các dự án thành phần của Đại học Quốc gia Hà Nội
- Dự án QG-HN01: Dự án đầu tư xây dựng Khu tái định cư;
- Dự án QG-HN02: Dự án đầu tư xây dựng Hạ tầng kỹ thuật chung;
- Dự án QG-HN03: Dự án đầu tư xây dựng Khu Trung tâm ĐHQG;
- Dự án QG-HN04: Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm giáo dục quốc phòng;
- Dự án QG-HN05: Dự án đầu tư xây dựng Khu ký túc xá sinh viên (từ KTX 1 đến KTX 5);
- Dự án QG-HN06: Dự án đầu tư xây dựng Khu nhà công vụ;
- Dự án QG-HN07: Dự án đầu tư xây dựng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên;
- Dự án QG-HN08: Dự án đầu tư xây dựng Trường Đại học Công nghệ;
- Dự án QG-HN09: Dự án đầu tư xây dựng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn;
- Dự án QG-HN10: Dự án đầu tư xây dựng Trường Đại học Ngoại ngữ;
- Dự án QG-HN11: Dự án đầu tư xây dựng Trường Đại học Kinh tế (gồm cả Khoa Quản trị kinh doanh);
- Dự án QG-HN12: Dự án đầu tư xây dựng các Viện, Trung tâm nghiên cứu khoa học;
- Dự án QG-HN13: Dự án đầu tư xây dựng Trường Đại học Quốc tế (bao gồm cả khu KTX6);
- Dự án QG-HN14: Dự án đầu tư xây dựng Trường Đại học Giáo dục;
- Dự án QG-HN15: Dự án đầu tư xây dựng Trường Đại học Luật;
- Dự án QG-HN16: Dự án đầu tư xây dựng Khoa Sau đại học liên ngành;
- Dự án QG-HN17: Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Thể dục thể thao;
- Dự án QG-HN18: Dự án đầu tư xây dựng Khoa Y-dược và bệnh viện ĐHQG;
- Dự án QG-HN19: Dự án đầu tư xây dựng Khoa Văn hóa - Nghệ thuật;
- Dự án QG-HN20: Dự án đầu tư xây dựng Khoa Đô thị học;
- Dự án QG-HN21: Dự án đầu tư xây dựng Khoa Chính sách công.
b) Các dự án thành phần của các cơ sở nghiên cứu cao cấp Quốc gia. Được xác định theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
7. Vốn và nguồn vốn đầu tư:
a) Vốn và nguồn vốn đầu tư của Đại học Quốc gia Hà Nội:
- Tổng nhu cầu vốn ước tính khoảng 25.872.179.335.352 đồng (tính tại thời điểm quý 1 năm 2012, chưa gồm trượt giá và lãi vay, làm tròn, giá trị sau thuế).
- Nguồn vốn đầu tư bao gồm:
Vốn nhà nước khoảng 82,63%, bao gồm: Ngân sách tập trung (khoảng 37,96%); Trái phiếu Chính phủ (khoảng 14,48%); vốn dự kiến thu từ việc chuyển đổi tài sản và quyền sử dụng đất tại các cơ sở cũ của Đại học Quốc gia Hà Nội khi chuyển lên Hòa Lạc (khoảng 7,44%); vốn ODA và tín dụng ưu đãi (22,75%).
Vốn liên doanh, liên kết đầu tư trong và ngoài nước; vốn thu hút xã hội hóa và vốn huy động từ các nguồn vốn hợp pháp khác khoảng: 17,37%.
b) Vốn và nguồn vốn đầu tư của các cơ sở nghiên cứu cao cấp Quốc gia. Được tính toán theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
8. Thời gian thực hiện Đề án: Từ năm 2013 đến năm 2025
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Phân kỳ thực hiện
Đề án được chia thành 3 giai đoạn triển khai thực hiện, theo hướng hoàn thành việc xây dựng được đưa vào khai thác như sau:
a) Tiến độ triển khai thực hiện các dự án của Đại học Quốc gia Hà Nội
- Giai đoạn I (2013 - 2016) tổng diện tích sàn hoàn thành vào cuối năm 2016 đạt 502.187 m2, đạt 26,12% tổng nhu cầu vốn đầu tư xây dựng gồm: Hoàn thành dự án tái định cư; đền bù, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch; dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật chung (Giai đoạn I); dự án đầu tư xây dựng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên; dự án đầu tư xây dựng Trường Đại học Công nghệ; dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Giáo dục quốc phòng; khu ký túc xá số 4 (phục vụ cho các đơn vị chuyển lên). Tổng nhu cầu vốn thực hiện trong giai đoạn 1 là 7.278 tỷ đồng. Huy động từ 3 nguồn: Nguồn vốn ngân sách tập trung (2.417 tỷ đồng), trái phiếu chính phủ (3.864 tỷ đồng) và nguồn vốn ODA (997 tỷ đồng) (trong đó nguồn vốn ODA tập trung đầu tư cho dự án xây dựng Đại học công nghệ).
- Giai đoạn II (2017 - 2020): Tiếp tục hoàn thiện các dự án đã triển khai trong Giai đoạn I. Tập trung xây dựng các dự án còn lại để di dời các Trường, Khoa, Viện và Trung tâm của Đại học Quốc gia Hà Nội tại các cơ sở hiện ở nội thành. Dự kiến hoàn thành 77,67% tổng nhu cầu đầu tư sàn xây dựng.
- Giai đoạn III (2021 - 2025): Hoàn thiện đồng bộ các dự án thành phần, đạt 100% tổng nhu cầu đầu tư sàn xây dựng.
b) Tiến độ thực hiện của các dự án các cơ sở nghiên cứu cao cấp Quốc gia
- Giai đoạn 1: Đầu tư xây dựng Viện nghiên cứu cao cấp về toán với quy mô từ 3 - 5 ha, tổng nhu cầu vốn khoảng 300 - 500 tỷ đồng.
- Giai đoạn tiếp theo: Thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
2. Quản lý, đầu tư xây dựng
a) Cơ quan quyết định đầu tư các dự án thành phần (bao gồm các dự án tại các cơ sở nghiên cứu cao cấp Quốc gia): Bộ Xây dựng.
b) Cơ quan chủ đầu tư các dự án thành phần của Đề án: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc là chủ đầu tư các Dự án thành phần sử dụng vốn nhà nước của Đề án xây dựng tổng thể Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc.
Căn cứ nguồn vốn, tính chất đặc thù từng dự án, Bộ Xây dựng, Đại học Quốc gia Hà Nội và các đơn vị có dự án trong các cơ sở nghiên cứu cao cấp Quốc gia thống nhất, quyết định chủ đầu tư của các dự án còn lại.
c) Các chủ đầu tư thứ phát: Các chủ đầu tư thứ phát đầu tư các dự án, công trình, hạng mục công trình bằng nguồn vốn xã hội hóa, theo quy định hiện hành của pháp luật.
3. Trách nhiệm của các Bộ, ngành:
a) Bộ Xây dựng:
- Chủ trì, phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, các Bộ ngành có liên quan triển khai thực hiện Đề án quy hoạch tổng thể xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc bảo đảm chất lượng, tiến độ và các mục tiêu đề ra;
- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của người quyết định đầu tư đối với các Dự án thành phần của Đề án quy hoạch tổng thể xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc;
- Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về xây dựng đối với các dự án thành phần của Đề án quy hoạch tổng thể xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc;
- Tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 các dự án thành phần của Đề án quy hoạch tổng thể xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc;
- Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, phân công, phân cấp cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc;
- Quản lý trực tiếp về quy hoạch và đầu tư xây dựng các cơ sở nghiên cứu cao cấp Quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
b) Đại học Quốc gia Hà Nội:
Có trách nhiệm tham gia và phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng trong việc triển khai thực hiện Đề án quy hoạch tổng thể xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc, những phần việc có liên quan khác và tiếp nhận đưa công trình vào sử dụng.
c) Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính:
Bố trí vốn cho các dự án thành phần của Đề án quy hoạch tổng thể xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc theo kế hoạch bảo đảm tiến độ. Ưu tiên bố trí đủ nguồn vốn trong giai đoạn đầu để thực hiện công việc: Đền bù, giải phóng mặt bằng, xây dựng Khu tái định cư, thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật chung (QG-HN02) và các dự án thành phần trọng điểm trong giai đoạn I để di dời các cơ sở hiện có của Đại học Quốc gia Hà Nội tại nội thành. Vận động nguồn vốn ODA, thu hút vốn đầu tư nước ngoài để hỗ trợ xây dựng đại học quốc gia.
Thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo lĩnh vực đối với các dự án thành phần của Đề án quy hoạch tổng thể xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc.
d) Bộ Giáo dục và Đào tạo:
Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục đối với Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa lạc.
đ) Bộ, ngành liên quan khác:
Thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo lĩnh vực phụ trách đối với dự án thành phần của Đề án quy hoạch tổng thể xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc.
e) Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội:
Thực hiện công tác đền bù, xây dựng khu tái định cư, giải phóng mặt bằng bàn giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc.
4. Cơ chế, chính sách ưu đãi:
Các dự án thành phần của Đề án quy hoạch tổng thể xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc được áp dụng tối đa các cơ chế, chính sách ưu đãi theo các quy định của pháp luật tại các Luật đầu tư, Luật xây dựng, Luật giáo dục và các quy định về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường; về một số cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề thuê.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị liên quan và Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./
Nơi nhận: | KT. THỦ TƯỚNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.