ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2817/QĐ-UBND |
Hạ Long, ngày 08 tháng 8 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG VÀ CÔNG NGHỆ THÔNG TIN GIAI ĐOẠN 2007 - 2010.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Chỉ thị số 58-CT/TW ngày 17/10/2000 của Bộ chính trị về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa;
Căn cứ Quyết định số 158/2001/QĐ-TTg ngày 18/10/2001 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển bưu chính, viễn thông Việt Nam đến 2010 và định hướng đến 2020;
Căn cứ Quyết định số 246/2005/QĐ-TTg ngày 06/10/2005 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam đến 2010 và định hướng đến 2020;
Căn cứ Quyết định số 32/2006/QĐ-TTg ngày 07/2/2006 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển viễn thông và Internet Việt Nam đến năm 2010;
Căn cứ Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước;
Căn cứ Nghị quyết 21-NQ/TU ngày 03/3/2005 của Tỉnh Ủy Quảng Ninh về đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ đến năm 2010 và định hướng đến 2015;
Căn cứ báo số 436-TB/TU ngày 31/5/2007 của Ban thường vụ tỉnh Ủy Quảng Ninh về chương trình ứng dụng, phát triển bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh đến 2010;
Xét tờ trình số 18/TTr-SBCVT ngày 05/7/2007 của Sở Bưu chính Viễn thông.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt chương trình phát triển Bưu chính Viễn thông và Công nghệ thông tin giai đoạn 2007-2010 với các nội dung chủ yếu sau:
1. Mục tiêu phát triển:
1.1 Bưu chính chuyển phát.
- Phát triển bưu chính theo hướng cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa, nhằm đạt trình độ hiện đại, cung cấp các dịch vụ đa dạng theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.
- Các dịch vụ bưu phẩm thường, bưu kiện duy trì tốc độ tăng trưởng (12-15)%/năm. Dịch vụ chuyển phát nhanh, dịch vụ tiết kiệm bưu điện tăng trưởng hàng năm trung bình từ (15-20)% năm. Duy trì tốc độ tăng trưởng các dịch vụ phát hành báo chí 8% hàng năm.
1.2 Viễn thông, Internet.
Phát triển cơ sở hạ tầng mạng lưới viễn thông hiện đại, có độ bao phủ trong toàn tỉnh đến vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo. Phấn đấu đến hết năm 2008 hoàn thành phủ sóng di động dọc các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, các trọng điểm du lịch, thương mại trên địa bàn tỉnh; đến năm 2010 tỷ lệ dân sử dụng Internet đạt mức trung bình của cả nước. Hình thành hệ thống thông tin tiêu chuẩn quốc gia có dung lượng lớn, tốc độ cao, công nghệ tiên tiến làm nền tảng cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, thương mại điện tử, Chính phủ điện tử, dịch vụ công và các lĩnh vực khác,... thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và quốc phòng, an ninh.
1.3 Công nghệ thông tin.
- Công nghệ thông tin được ứng dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
- Đến 2008 xây dựng được hệ thống tổ chức Hội nghị từ xa của đối với các cuộc họp của Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh.
- 100% cơ quan quản lý nhà nước thực hiện cung cấp các dịch vụ trên mạng.
- Hoàn thành xây dựng hệ thống LAN của các Sở, Ban, Ngành, thực hiện kết nối hệ thống giữa các cơ quan Đảng, Chính quyền và các tổ chức đoàn thể vào năm 2008.
- (50 - 70)% Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ứng dụng Công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý điều hành.
- Hình thành sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh.
- Trên 50% các trường từ cấp trung học cơ sở trở lên được cung cấp dịch vụ Internet tốc độ cao.
2. Các nội dung, chương trình cần triển khai:
2.1 Phát triển Bưu chính.
- Xây dựng Quy hoạch phát triển Bưu chính tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2007-2010 và định hướng đến năm 2020.
- Chương trình hiện đại hóa mạng bưu chính (về phương tiện vận chuyển, tin học hóa và tự động hóa quy trình nghiệp vụ); Chương trình thực hiện các chỉ tiêu chất lượng về bưu chính theo tiêu chuẩn ngành.
- Lập kế hoạch và sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ Quỹ công ích để phát triển mạng lưới Bưu chính, phổ cập dịch vụ cho các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
- Đầu tư xây dựng, nâng cấp và phát triển các điểm Bưu điện văn hóa xã.
2.2 Phát triển viễn thông, Internet.
- Xây dựng Quy hoạch phát triển Viễn thông tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2007 - 2010 và định hướng đến năm 2020.
- Nâng cấp mạng viễn thông theo công nghệ mạng thế hệ mới (NGN), cáp quang hóa toàn tỉnh và tạo thành mạch vòng (Ring). Mở rộng dung lượng tổng đài hiện có, tích cực áp dụng các giải pháp công nghệ mới.
- Lập kế hoạch và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn từ Quỹ công ích để phát triển mạng lưới Viễn thông, phổ cập dịch vụ cho các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo; Triển khai các phương thức liên lạc sóng cực ngắn (VIBA) và vệ tinh (VSAT).
2.3 Phát triển công nghệ thông tin.
- Xây dựng Quy hoạch phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2007 - 2010 và định hướng đến năm 2020.
- Xây dựng và triển khai kế hoạch 5 năm về ứng dụng công nghệ thông tin của Tỉnh trình duyệt theo quy định tại nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ.
- Lập chương trình đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin trình độ cao để đáp ứng nhu cầu phát triển của công nghiệp công nghệ thông tin. Tăng cường hợp tác với các cơ quan khoa học Trung ương để thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ phần mềm của tỉnh.
3. Giải pháp chủ yếu;
3.1 Về cơ chế chính sách:
- Xây dựng các cơ chế chính sách thu hút đầu tư vào các lĩnh vực bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin. Khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực sản xuất phần cứng, mở rộng mạng viễn thông, internet đến vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
- Xây dựng chính sách ưu đãi với đội ngũ làm công tác về lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông và truyền thông của Tỉnh.
3.2 Huy động và quản lý hiệu quả nguồn vốn:
- Vốn đầu tư phát triển bưu chính: Huy động các doanh nghiệp đầu tư và nguồn quỹ công ích.
- Vốn đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông: Sử dụng vốn ngân sách dùng để đầu tư các thiết bị và huy động vốn doanh nghiệp, trước mắt sử dụng vốn ngân sách dùng để chủ động triển khai xây dựng hạ tầng dùng chung ở một số địa bàn trọng yếu. Việc phát triển hạ tầng mạng lưới viễn thông phải trên cơ sở quy hoạch để đảm bảo đồng bộ, phù hợp, tránh lãng phí; các doanh nghiệp trực tiếp đầu tư nhưng phải có sự quản lý, định hướng của cơ quan quản lý nhà nước.
- Vốn đầu tư cho công nghệ thông tin: Đẩy mạnh xã hội hóa huy động nguồn lực cho đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, Nhà nước đầu tư về phát triển Chính phủ điện tử. Hàng năm trích 1% ngân sách tỉnh để đầu tư cho hoạt động phát triển công nghệ thông tin.
3.3 Phát triển nguồn nhân lực:
- Khuyến khích cán bộ, công chức tự học tập nâng cao trình độ tin học. Rà soát và xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về tin học cho đội ngũ cán bộ công chức. Xây dựng chương trình học thiết thực, phối hợp học tập tin học và ngoại ngữ đồng bộ.
- Tổ chức tốt các kỳ thi tin học trẻ không chuyên để phát hiện tài năng, có kế hoạch đào, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực. Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục về lĩnh vực công nghệ thông tin trong nhà trường từ cấp trung học cơ sở trở lên.
- Có chính sách thu hút nhân tài trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông và đặc biệt là công nghệ thông tin về công tác tại các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh.
- Kiện toàn bộ máy các cơ quan quản lý chuyên ngành về Bưu chính Viễn thông và công nghệ thông tin từ cấp tỉnh đến cấp huyện.
3.4 Phát triển khoa học công nghệ.
- Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới và triển khai ứng dụng các công nghệ mới trên lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin.
- Khuyến khích mọi hình thức hợp tác khoa học công nghệ với các tổ chức, Công ty liên doanh, Công ty nước ngoài trong chuyển giao công nghệ, quản lý và kinh doanh tiên tiến trong lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin.
3.5 Công tác quản lý nhà nước.
- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, hạn chế các vi phạm, các tiêu cực trong kinh doanh bưu chính, viễn thông và Internet.
- Tích cực tuyên truyền các chính sách, chủ trương của nhà nước nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp trong việc tự quản và tự giác thực hiện quy định.
Điều 2. Tổ chức thực hiện:
- Sở Bưu chính Viễn thông chủ trì phối hợp với các ngành, địa phương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chương trình phát triển Bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin; Theo dõi, tổng hợp, báo cáo theo quy định; Kịp thời đề xuất điều chỉnh cho phù hợp nếu có vướng mắc. Phối hợp với các ngành và các địa phương đề xuất các chính sách thúc đẩy chương trình phát triển bền vững về bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin.
- Các Sở, Ngành và Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm phối hợp với Sở Bưu chính Viễn thông cụ thể hóa, chương trình phát triển bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin trên địa bàn Tỉnh theo định hướng này; Xây dựng kế hoạch của ngành, địa phương để tổ chức thực hiện.
Điều 3. Các ông, bà: Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; Giám đốc các Sở: Bưu chính Viễn thông, Kế hoạch và Đầu tư, Tài Chính, Khoa học Công nghệ, Nội vụ, Giáo dục Đào tạo, Lao động Thương binh Xã hội; Thủ trưởng các ngành đơn vị liên quan căn cứ quyết định thi hành./.
|
TM. UBND TỈNH
QUẢNG NINH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.