ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2799/QĐ-UBND |
Hà Nội, ngày 29 tháng 5 năm 2024 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA BAN QUẢN LÝ DI TÍCH DANH THẮNG HÀ NỘI TRỰC THUỘC SỞ VĂN HÓA VÀ THỂ THAO THÀNH PHỐ HÀ NỘI
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập;
Căn cứ Thông tư số 08/2021/TT-BVHTTDL ngày 08/9/2021 của Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch thuộc UBND cấp tỉnh; Phòng văn hóa và Thông tin thuộc UBND cấp huyện;
Căn cứ Quyết định số 25/2021/QĐ-UBND ngày 19/11/2021 của UBND thành phố Hà Nội về Quy định phân cấp quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội;
Căn cứ Quyết định số 21/2024/QĐ-UBND ngày 06/3/2024 của UBND Thành phố Hà Nội về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tại Tờ trình số 266/TTr-SVHTT ngày 12/4/2024 và đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 1544/TTr-SNV ngày 06/5/2024 về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Vị trí và chức năng
1. Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội (sau đây gọi tắt là Ban) là đơn vị sự nghiệp công lập có thu trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội, có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật; chịu sự chỉ đạo, quản lý và điều hành trực tiếp của Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội.
2. Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội có chức năng tổ chức thực hiện các hoạt động nghiệp vụ về công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh (sau đây gọi là di tích) thuộc địa bàn thành phố Hà Nội và các di tích quốc gia đặc biệt khác (nếu có) do Thành phố giao quản lý; tổ chức quản lý trực tiếp các di tích, công trình văn hóa thuộc thẩm quyền của UBND thành phố Hà Nội do Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội giao; tổ chức các hoạt động dịch vụ phù hợp chức năng, nhiệm vụ của Ban và quy định của pháp luật.
Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn
1. Trình Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội quy hoạch phát triển, kế hoạch hoạt động dài hạn, hằng năm của Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.
2. Trực tiếp quản lý các di tích, công trình văn hóa thuộc thẩm quyền của UBND thành phố Hà Nội do Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội giao quản lý gồm: Di tích Quốc gia đặc biệt Hồ Hoàn Kiếm và Đền Ngọc Sơn; Tượng đài Vua Lê; Di tích đền Bà Kiệu; Di tích Bác Hồ ở Vạn Phúc - Hà Đông; Di tích 48 Hàng Ngang; Di tích 5D Hàm Long; Di tích 90 Thợ Nhuộm; Tượng đài vua Lý Thái Tổ và các di tích quốc gia đặc biệt khác (nếu có) do Thành phố giao quản lý.
3. Tổ chức bảo vệ, bảo quản, duy tu, bảo dưỡng định kỳ, đột xuất các di tích, công trình văn hóa được giao quản lý; ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích, nhằm góp phần phát triển công nghiệp văn hóa và xây dựng thành phố sáng tạo của Thủ đô.
4. Phối hợp tổ chức thực hiện, thực hiện các hoạt động thăm dò, khai quật khảo cổ trên địa bàn thành phố Hà Nội.
5. Liên kết, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tổ chức các hoạt động hợp tác, giao lưu văn hóa, trao đổi thông tin, kinh nghiệm, nghiên cứu, hội thảo, hội nghị, sự kiện, dịch vụ văn hóa, khoa học, giáo dục phù hợp với chức năng của Ban.
6. Phối hợp tổ chức sưu tầm tư liệu, hệ thống hóa tư liệu liên quan đến việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích thuộc thành phố Hà Nội; phối hợp Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, bổ sung hồ sơ hiện vật, di vật, bảo vật quốc gia tại các di tích thuộc thành phố Hà Nội.
7. Phối hợp tổ chức quản lý, bảo quản, lưu trữ, khai thác, phát huy giá trị hồ sơ di tích, hiện vật trong các di tích thuộc thành phố Hà Nội.
8. Phối hợp tổ chức thực hiện điều tra, phát hiện, thống kê, kiểm kê, đánh giá, phân loại, lập danh mục các di tích thuộc thành phố Hà Nội.
9. Phối hợp tổ chức lập hồ sơ tư liệu di tích; phối hợp lập hồ sơ xếp hạng di tích, hồ sơ khoa học hiện vật trong các di tích thuộc thành phố Hà Nội.
10. Phối hợp, hướng dẫn nghiệp vụ các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích thuộc thành phố Hà Nội.
11. Tham mưu, thực hiện các hoạt động nghiệp vụ về công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội giao Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội, phù hợp với quy định hiện hành.
12. Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, nhân sự; quản lý hồ sơ gốc của cán bộ viên chức đơn vị; thực hiện các chế độ, chính sách đối với viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý của Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội theo quy định của Nhà nước và phân cấp quản lý của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội.
13. Quản lý, sử dụng tài chính, tài sản được giao và các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật.
14. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội giao.
Điều 3. Cơ cấu tổ chức
1. Lãnh đạo Ban gồm Giám đốc và không quá 03 (ba) Phó Giám đốc.
2. Các phòng chuyên môn, nghiệp vụ gồm:
a) Phòng Hành chính - Tổng hợp;
b) Phòng Nghiên cứu - Sưu tầm - Bảo quản;
c) Phòng Nghiệp vụ cơ sở;
d) Phòng Quản lý và phát huy giá trị di tích.
Các phòng chuyên môn, nghiệp vụ có Trưởng phòng và Phó Trưởng phòng; số lượng cấp phó thực hiện theo quy định tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
Điều 4. Số lượng người làm việc
Số lượng người làm việc của Ban được giao trên cơ sở vị trí việc làm, gắn với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động của Ban. Căn cứ vào nguồn thu, Ban được ký một số lao động hợp đồng thực hiện nhiệm vụ chuyên môn theo yêu cầu công tác của đơn vị.
Điều 5. Cơ chế tài chính
Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội hoạt động theo cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo chi thường xuyên theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
Điều 6. Điều khoản thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Các quy định trái với quy định tại Quyết định này đều bị bãi bỏ.
2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố; Giám đốc các Sở: Nội vụ, Văn hóa và Thể thao, Tài chính; Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã; các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
KT. CHỦ TỊCH
|
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.